Thông tư 14 về tỷ lệ an toàn vốn: Ngân hàng nào có lợi thế?

Chứng khoán Vietcap (VCSC) cho rằng, quy định mới về tỷ lệ an toàn vốn hỗ trợ tăng trưởng tín dụng bền vững và tạo điều kiện tiến đến đạt mục tiêu xóa bỏ cơ chế hạn mức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 14/2025/TT-NHNN, quy định về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đối với các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực kể từ ngày 15/09/2025.

Kể từ ngày Thông tư 14 có hiệu lực các ngân hàng có quyền đăng ký áp dụng phương pháp tiêu chuẩn hoặc phương pháp xếp hạng nội bộ cho rủi ro tín dụng để tính tỷ lệ an toàn vốn theo các quy định tại Thông tư .

Kể từ ngày 1/1/2030, tất cả các ngân hàng không thực hiện đăng ký áp dụng phương pháp tiêu chuẩn hoặc chưa được NHNN chấp thuận áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ sẽ phải thực hiện tính tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn quy định tại Thông tư này.

Theo đó, một số nội dung chính của Thông tư gồm:

Điểm 1: Yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn

- Tỷ lệ vốn lõi cấp 1 ≥ 4,5%

- Tỷ lệ vốn cấp 1 (bao gồm vốn lõi cấp 1 + vốn cấp 1 bổ sung như cổ phiếu ưu đãi…) ≥ 6%

- CAR ≥ 8%

- Thông tư lần đầu đưa ra các quy định về các bộ đệm vốn gồm bộ đệm bảo toàn vốn (CCB), bộ đệm vốn phản chu kỳ (CCyB) và bộ đệm vốn cho các ngân hàng thương mại có tầm quan trọng hệ thống.

Về điểm này, Vietcap nhận thấy quy định trước chỉ yêu cầu cấu phần vốn cấp 2 không vượt quá vốn cấp 1 và không có yêu cầu cụ thể về tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu.

Điểm 2: Hạn chế khi chia cổ tức bằng tiền mặt

Ngân hàng chỉ được phân chia phần lợi nhuận còn lại do ngân hàng tự quyết định theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính bằng tiền mặt khi duy trì việc đáp ứng toàn bộ các tỷ lệ theo các năm, bao gồm CAR tối thiểu (bao gồm CCB) ở các mức 8,625% / 9,25% / 9,875% / 10,5% cho các năm 1–4. Trong đó, năm 1 được xác định là: (1) năm mà ngân hàng áp dụng quy định mới về an toàn vốn, hoặc (2) năm 2030 đối với các trường hợp còn lại.

Điểm 3: Thay đổi hệ số rủi ro trong tính CAR

Thông tư 14 cũng đưa ra hướng dẫn cách tính tài sản có rủi ro tín dụng theo phương pháp tiêu chuẩn và phương pháp xếp hạng nội bộ.

Trong đó, phương pháp tiêu chuẩn tại Thông tư 14 giống phương pháp hiện được các ngân hàng áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN nhưng điều chỉnh bổ sung thêm nhiều quy định cụ thể liên quan đến tiêu chí chất lượng tài sản bảo đảm và mục đích khoản vay (ví dụ: phân loại nguồn trả nợ và các loại bất động sản thế chấp khác nhau). Hệ số rủi ro cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và các khoản tín dụng chuyên biệt được điều chỉnh theo hướng ưu đãi và phân loại rõ ràng hơn. Hệ số rủi ro cho nợ xấu cũng tăng lên so với quy định trước đây.

Theo nhận định của Vietcap, nhìn chung, quy định mới về an toàn vốn là chặt chẽ hơn, cập nhật các quy định mới tại Chuẩn mực Basel III, vừa phù hợp với đặc thù hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Việc tuân thủ quy định mới này sẽ góp phần nâng cao chất lượng về vốn và năng lực thanh khoản, tạo nền tảng cho một hệ thống ngân hàng phát triển bền vững, có sức chống chịu biến cố, tăng khả năng phục hồi sau biến cố và góp phần ngăn ngừa những tổn thất hệ thống có thể xảy ra.

Vietcap cho rằng điều này phù hợp với định hướng của NHNN trong việc từng bước loại bỏ cơ chế hạn mức tăng trưởng tín dụng, đồng thời định hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, giảm rủi ro tín dụng vào các lĩnh vực đầu cơ, và khuyến khích nâng cao chất lượng tài sản.

Ngoài ra, Vietcap cho rằng các quy định mới cũng sẽ thúc đẩy các hoạt động tăng vốn của ngành ngân hàng.

Vietcap đánh giá rằng các ngân hàng có bộ đệm vốn mạnh, tài sản bảo đảm chất lượng cao và tập trung vào phân khúc bán lẻ và SME như Vietcombank (VCB), Techcombank (TCB), ACB và MBB – sẽ có vị thế thuận lợi hơn khi triển khai áp dụng Thông tư này.

FPTS "ngã ngựa" quý 2: Lỗ tự doanh, lợi nhuận lao dốc 62%

Từng lãi lớn nhờ MSH, FPTS nay “quay xe” báo lỗ tự doanh, lợi nhuận quý 2 lao dốc bất ngờ giữa chi phí tăng vọt.

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS, HoSE: FTS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2025 với nhiều chỉ tiêu sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu hoạt động ghi nhận 239 tỷ đồng, giảm 21,5% so với quý 2/2024. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm mạnh của hoạt động tự doanh và môi giới.

Cụ thể, hoạt động tự doanh trong kỳ ghi nhận lỗ 9,3 tỷ đồng, trái ngược hoàn toàn so với khoản lãi hơn 60 tỷ đồng cùng kỳ. Mức âm này đến từ việc đánh giá lại tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), đặc biệt là cổ phiếu MSH (CTCP May Sông Hồng) với mức chênh lệch giảm giá trị hơn 35,6 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, cổ phiếu này mang lại khoản lãi 44,1 tỷ đồng.

NCB lãi khủng nửa đầu 2025, gấp 77 lần cùng kỳ

Ngân hàng Quốc Dân (NCB) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 462 tỷ đồng, tăng vọt so với mức chỉ 6 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (HNX: NVB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2025 với lợi nhuận sau thuế ước đạt hơn 311 tỷ đồng, tăng gần 6,5 lần so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 462 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 6 tỷ đồng, tương ứng mức tăng gấp 77 lần.

Theo NCB, kết quả này có được nhờ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh theo chiến lược mới Digital Wealth, cải tiến quy trình – sản phẩm, đồng thời triển khai tái cơ cấu ngân hàng theo đúng lộ trình tại Phương án cơ cấu lại (PACCL) tầm nhìn tới 2030 đã được phê duyệt theo “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của NHNN.