Nợ chất đống, Becamex IDC vay thêm 320 tỷ từ trái phiếu

(Vietnamdaily) - Becamex IDC đã phát hành lô trái phiếu thứ 5 trong năm với mã trái phiếu BCMH2427005 có giá trị 320 tỷ đồng.

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC, HoSE: BCM) vừa công bố kết quả phát hành mã trái phiếu BCMH2427005 có giá trị 320 tỷ đồng vào ngày 9/10 vừa qua. Lô trái phiếu này kỳ hạn 3 năm, đáo hạn ngày 9/10/2027.
Được biết, đây là lô trái phiếu thứ 5 được Becamex IDC huy động thành công kể từ đầu năm. Tổng giá trị của 5 lô trái phiếu này là tổng 2.120 tỷ đồng.
Dồn dập huy động trái phiếu, áp lực đáo hạn gần kề
Trước đó, ngày 17/6/2024, BCM đã phát hành trái phiếu mã BCMH2427001 với mệnh giá 800 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10,5%/năm; ngày 8/8/2024 tiếp tục phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu mã BCMH2427002, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10,5%/năm.
Ngày 14/8/2024, BCM cùng lúc phát hành hai lô trái phiếu mã BCMH2427003 trị giá 500 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10,2%/năm và 300 tỷ đồng trái phiếu mã BCMH2427004, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10,5%/năm.
Đáng chú ý, không chỉ huy động vốn qua trái phiếu, Becamex IDC cũng đang có kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu bằng hình thức đấu giá công khai với giá bán không thấp hơn 50.000 đồng/cổ phiếu.
No chat dong, Becamex IDC vay them 320 ty tu trai phieu
 Becamex liên tục huy động trái phiếu. Ảnh: Internet.
Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ huy động tối thiểu 15.000 tỷ đồng từ đợt chào bán trên nhằm triển khai loạt khu công nghiệp trọng điểm, góp vốn vào các công ty hiện hữu, và tái cấu trúc tài chính tổng công ty. Trong đó, 6.300 tỷ đồng để đầu tư dự án, 3.634 tỷ đồng để góp vốn vào các thành viên hiện hữu và 5.066 tỷ đồng để tái cấu trúc tài chính.
Danh sách hạng mục dự kiến được giải ngân vốn gồm: KCN Bàu Bàng mở rộng 3.500 tỷ đồng, KCN Cây Trường 2.800 tỷ đồng, VSIP 2.118 tỷ đồng, Becamex Bình Phước 900 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và phát triển điện Becamex - VSIP 216 tỷ đồng, Becamex Bình Định 200 tỷ đồng, VSSES 200 tỷ đồng.
Chứng khoán VNDirect từng có báo cáo về Becamex IDC và nhận định áp lực đáo hạn trái phiếu tăng cao vào năm 2026 và 2028 với tổng dư nợ trái phiếu đáo hạn lần lượt ở mức 4.500/3.700 tỷ đồng (VNDirect tính toán dựa trên dữ liệu tại cuối quý 2/2024). Rủi ro thanh toán trái phiếu khi tiến độ các dự án KCN bị chậm triển khai, thị trường bất động sản ảm đạm kéo dài.
Trong diễn biến liên quan, Becamex IDC mới đây thông qua nghị quyết việc rút bớt tài sản bảo đảm của mã trái phiếu BCMH2427001 là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số hiệu CY 3756299, thửa đất số 245, tờ bản đồ 44 tại phường Hoà Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Để thực hiện việc này, Becamex IDC sẽ triển khai lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu mã BCMH2427001 để rút bớt tài sản bảo đảm và triển khai trong tháng 10/2024.
Nợ vay cao ngất ngưởng, "quán quân" trong ngành
Báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 của Becamex IDC ghi nhận vay nợ tài chính hơn 21.200 tỷ đồng, tăng 8% so đầu năm. Sự gia tăng vay nợ ngắn hạn đã tạo nên áp lực về khả năng thanh toán của Becamex IDC.
Nợ vay cao và đang tăng lên làm suy giảm đáng kể lợi nhuận của công ty, thể hiện qua việc chi phí lãi vay chiếm 25%-30% EBIT trong ba năm gần đây và tăng mạnh lên 52% trong 6 tháng đầu năm 2024.
Chi phí lãi vay trong nửa đầu năm lên tới 538 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính cao đã bào mòn lợi nhuận của Becamex IDC còn 513 tỷ đồng lãi sau thuế trong 6 tháng đầu năm, mới thực hiện được 22% kế hoạch cả năm.
Đặc biệt, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của Becamex IDC đã đạt mức 1,1 lần vào cuối quý 2 vừa qua, mức cao nhất trong ngành bất động sản khu công nghiệp.
Giai đoạn 2019 – 2022, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của Becamex IDC dao động quanh mức 0,75 – 0,85 lần. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng lên mạnh trong thời gian gần đây và tiệm cận mức đỉnh 1,2 lần của năm 2018.
Trong khi hầu hết các doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp đều duy trì trạng thái tiền mặt ròng thì Becamex có nợ ròng với tỷ lệ đòn bẩy tương đối cao.
Nguyên nhân chủ yếu liên quan tới cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp. Vì là doanh nghiệp nhà nước, do UBND tỉnh Bình Dương đang sở hữu 95,4% cổ phần, Becamex IDC muốn tăng vốn cần phải có sự phê duyệt của Chính phủ.
Nhiều năm qua, Becamex IDC vẫn chưa được phê duyệt tăng vốn nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc vào nợ vay. Kể cả khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, Becamex IDC vẫn liên tục huy động vốn qua kênh này.

Sống nhờ nợ vay, Becamex IDC có năng lực cân nhiều dự án?

(Vietnamdaily) - Với việc có rất nhiều dự án đang triển khai, Becamex IDC cần núi tiền khổng lồ, tuy vậy năng lực tài chính không cho phép nên phải vay mượn và huy động trái phiếu khủng gây mất an toàn trong cơ cấu vốn. 

Góc khuất đằng sau con số lãi nghìn tỷ của Becamex IDC

Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, HoSE: BCM) được biết đến là một doanh nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Dương với vốn điều lệ 10.350 tỷ đồng, trong đó, UBND tỉnh Bình Dương nắm giữ tới 95%.

Liên tiếp vi phạm công bố thông tin, cổ phiếu DDG bị kiểm soát

(Vietnamdaily) - Cổ phiếu DDG bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 9/10 do vi phạm công bố thông tin tài chính, đồng thời gặp hàng loạt khó khăn kinh doanh.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa quyết định chuyển cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (Indochine, DDG) sang diện kiểm soát từ ngày 9/10/2024. Nguyên nhân chính là do công ty chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên 2024. 

Theo thông tin từ HNX, cổ phiếu DDG bị chuyển sang diện kiểm soát vì công ty đã nộp chậm báo cáo tài chính quá 30 ngày theo quy định. Ngoài ra, cổ phiếu này vẫn nằm trong diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 còn âm, và báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 có ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Đây là dấu hiệu cho thấy tình hình kinh doanh của DDG đang gặp khó khăn và cần sự điều chỉnh kịp thời.

Xử phạt cá nhân mua chui 26% cổ phần Tổng Công ty Sông Hồng

(Vietnamdaily) - Ngày 8/10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 125 triệu đồng đối với bà Nguyễn Thương Huyền vì không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật.

Theo đó, bà Huyền đã mua 7.009.378 cổ phiếu của Tổng CTCP Sông Hồng (UPCoM: SHG) vào ngày 28/7/2023 để nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 25,96% cổ phần nhưng không đăng ký chào mua công khai với UBCKNN.

Đồng thời, bà Huyền bị buộc từ bỏ quyền biểu quyết trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm và buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới ngưỡng phải chào mua công khai trong vòng 6 tháng.

Hiện tại, bà Huyền đang là cổ đông lớn nhất của SHG, tiếp đến là bà Trần Bích Thuỷ và bà Nguyễn Thị Hương cùng sở hữu 24,5% vốn, bà Trần Thị Thanh Hà nắm 9,56%, phần còn lại thuộc về các cổ đông nhỏ lẻ.

Xu phat ca nhan mua chui 26% co phan Tong Cong ty Song Hong
Xử phạt cổ đông lớn nhất của SHG. Nguồn ảnh: Internet. 

Tổng CTCP Sông Hồng (địa chỉ 70 An Dương, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì, một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng. Lĩnh vực kinh doanh chính là thi công xây dựng các công trình dân dụng, hạ tầng công nghiệp.

Doanh nghiệp từng tham gia nhiều dự án như Sân bay Nội Bài (Hà Nội), Nhà máy Giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), Sân bay Sao Vàng (Thanh Hoá), Nhà thi đấu đa năng TP. Đà Nẵng, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh)...

Từ năm 2013 đến nay, SHG liên tục thua lỗ. Tại thời điểm ngày 31/12/2023, công ty lỗ lũy kế 1.336 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 1.030 tỷ đồng.

Công ty cho biết do các đơn vị thành viên thua lỗ, mất khả năng thanh toán lớn, không có công ăn việc làm và đã dừng hoạt động nhiều năm nay. Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư không thể triển khai do không có nguồn lực tài chính vì hồ sơ không đủ điều kiện về vốn chủ sở hữu theo quy định.

Bộ máy lãnh đạo cũng liên tục biến động. Vào tháng 1/2024, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam ông Lã Tuấn Hưng, Tổng Giám đốc SHG, về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến CTCP Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh.

Đến tháng 6/2024, Chủ tịch HĐQT - ông Trần Huyền Linh xin từ nhiệm và vào tháng 8/2024, Phó Tổng giám đốc - ông Nguyễn Đức Toàn cũng xin từ nhiệm.

Về tình hình nhân sự, ngày 04/10, HĐQT SHG đã quyết định miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của bà Trần Huyền Linh. Người được bổ nhiệm thay thế là ông Phan Việt Anh.

Theo đó, ông Phan Việt Anh sẽ thôi làm Tổng Giám đốc SHG để nhận vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty. Trong khi đó, vị trí Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của SHG sẽ do ông Đặng Minh Quang - Ủy viên HĐQT Công ty đảm nhiệm. Ngày bắt đầu có hiệu lực từ 01/10/2024.