FMC lãi mỏng do trích dự phòng rủi ro thuế từ Mỹ

Doanh số 6 tháng đầu năm của FMC đạt 135,6 triệu USD, tăng mạnh 43% nhưng lợi nhuận chỉ 170 tỷ đồng do trích dự phòng ứng phó rủi ro thuế từ thị trường Mỹ.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) vừa công bố báo cáo hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 với kết quả tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt ở mảng chủ lực là chế biến và xuất khẩu tôm.

Cụ thể, trong nửa đầu năm, FMC ghi nhận sản lượng tôm thành phẩm đạt 14.260 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng tiêu thụ đạt 11.452 tấn, tăng 37%. Ngược lại, mảng nông sản ghi nhận sự sụt giảm khi sản lượng sản xuất và tiêu thụ lần lượt đạt 554 tấn và 481 tấn, giảm tương ứng 21% và 23% so với cùng kỳ.

Tổng doanh số toàn công ty trong kỳ đạt 135,6 triệu USD (khoảng hơn 3.550 tỷ đồng), tăng 43% so với nửa đầu năm 2024. Riêng tháng 6, doanh số đạt 20,3 triệu USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ tháng 6/2024.

Theo FMC, công ty đang trong quá trình thu hoạch tại các vùng nuôi tôm, với năng suất khả quan và các hợp đồng tiêu thụ ổn định. Điều này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ giảm giá thành, tăng sản lượng chế biến và cải thiện hiệu quả kinh doanh trong nửa cuối năm.

Tuy nhiên, dù doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận hợp nhất 6 tháng chỉ đạt khoảng 170 tỷ đồng, thấp hơn kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là do công ty phải trích lập dự phòng gần 8% doanh số xuất khẩu sang Mỹ, nhằm ứng phó với rủi ro từ hai vụ kiện liên quan đến thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) hiện vẫn đang trong quá trình xem xét.

Ngoài ra, công ty đang chuẩn bị cho kỳ xem xét hành chính lần thứ 19 (POR19) – một cơ hội để giải trình kỹ càng trước Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Nếu kết quả khả quan, đây sẽ là yếu tố “bẻ lái” tích cực cho hoạt động tài chính cuối năm. Đồng thời, FMC cũng là một trong hai bị đơn bắt buộc trong vụ kiện CVD - POR1 sẽ có kết luận vào tháng 12 tới.

Dù vậy, FMC vẫn giữ kế hoạch kinh doanh năm ở mức thận trọng, với mục tiêu doanh thu hợp nhất 6.540 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với năm 2024. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 420 tỷ đồng, xấp xỉ so với năm trước. Chính sách cổ tức tối thiểu 20% tiếp tục được duy trì.

2025-67a5ac5e4f2ae.jpg
Ảnh minh họa

Doanh nghiệp đánh giá, nếu Mỹ không áp thuế quá cao, FMC hoàn toàn có khả năng hoàn thành sớm kế hoạch năm, thậm chí có thể vượt chỉ tiêu nếu được hoàn nhập dự phòng. Trong kịch bản bất lợi, công ty đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó, bao gồm việc chuyển hướng thị trường xuất khẩu và kiểm soát rủi ro tài chính.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,2 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm đạt 2,07 tỷ USD, tăng 26%, trở thành động lực chính thúc đẩy toàn ngành.

Tuy nhiên, từ tháng 6 trở đi, đà tăng xuất khẩu bắt đầu chậm lại, do ảnh hưởng từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Riêng tháng 6, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm tới 26%, sau khi đã tăng mạnh trong quý 2 nhờ chính sách tạm hoãn áp thuế 90 ngày.

Từ sau ngày 9/7/2025, Mỹ có thể áp dụng mức thuế chống bán phá giá mới với tôm Việt Nam. Theo VASEP, nếu mức thuế giữ ở khoảng 10%, xuất khẩu thủy sản cả năm có thể giữ được ở mức 9,5 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu thuế tăng vượt 46%, kim ngạch có thể giảm mạnh xuống dưới 9 tỷ USD, gây tác động tiêu cực lan rộng đến toàn ngành.

Trong kịch bản xấu nhất, thủy sản Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt với các quốc gia có thuế thấp hơn như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia...

https://www.fimexvn.com/vi/m-tin-tuc-su-kien/m-tin-sao-ta/423-v%C6%B0%E1%BB%A3t-d%E1%BB%91c.html

KBC được chấp thuận đầu tư dự án Khu công nghiệp 1.755 tỷ tại Hải Dương

Kinh Bắc vừa được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án KCN Bình Giang 147,9ha ở Hải Dương với tổng vốn đầu tư 1.755 tỷ đồng.

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (HoSE: KBC) vừa được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt chủ trương đầu tư và chấp thuận làm nhà đầu tư dự án Khu công nghiệp Bình Giang theo Quyết định số 2286/QĐ-UBND ban hành ngày 20/6/2025.

Dự án có quy mô 147,9 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.755 tỷ đồng, nằm trên địa bàn các xã Thái Minh, Nhân Quyền, Thái Hòa, Bình Xuyên (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Thời gian thực hiện dự án là 30 tháng, thời hạn hoạt động 50 năm.

Becamex IDC huy động 2.500 tỷ qua trái phiếu tái cơ cấu dòng vốn

Becamex IDC lên kế hoạch phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ trong 10 đợt để tái cơ cấu các khoản nợ lớn.

Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC,HoSE: BCM) vừa công bố nghị quyết Hội đồng Quản trị thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2025 với tổng giá trị huy động tối đa 2.500 tỷ đồng nhằm tái cơ cấu nợ và phục vụ kế hoạch tài chính trung hạn.

Theo kế hoạch, Becamex IDC sẽ phát hành tối đa 25.000 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, chia thành tối đa 10 đợt chào bán trong nước từ tháng 6 đến tháng 11/2025. Trong đó, 6–7 đợt dự kiến diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9, và 2–3 đợt còn lại từ tháng 10 đến tháng 11.