Có câu: "Tu thân lấy thanh tâm làm gốc, ứng xử ở đời lấy thận trọng lời nói làm đầu".
Trong cuộc sống, có những người ít nói, nhưng hễ cất lời là khiến người khác như được tắm trong gió xuân. Lại có những người nói năng luyên thuyên, không kiêng nể, gây khó chịu cho người nghe. Khi đối nhân xử thế, cần phải thận trọng trong lời nói và hành động. Giống như câu nói: "Nói nhiều sai nhiều, nói ít sai ít".
Lắng nghe là bao dung, thận trọng lời nói là giáo dưỡng và giữ im lặng chính là một phẩm chất tu dưỡng cao quý. Phẩm chất tốt đẹp nhất của một người trưởng thành chính là "ít nói" và giữ im lặng khi cần thiết.

1. Nói năng bừa bãi dễ gây tổn thương lòng người
An chàng nọ khi chưa đầy 20 tuổi đã bắt đầu bị hói. Để điều trị, anh tìm kiếm khắp nơi, thậm chí sưu tầm không ít phương thuốc dân gian.
Một lần, anh đang bôi thuốc trong ký túc xá, các bạn học đến vây xem. Trong lúc lúng túng, anh làm đổ lọ thuốc. Một người bạn học chế nhạo anh: "Bàn có mọc tóc không nhỉ?" Một người khác cũng hùa theo: "Cứ nhìn đầu cậu ta là biết". Những lời châm chọc đó khiến anh tự ti suốt một thời gian dài.
Một nhà văn từng nói: "Nói năng không suy nghĩ thường gây tổn thương người khác mà không hề hay biết".
Có những lời, người nói có thể không cố ý, nhưng người nghe lại rất khó chịu. Nói năng bừa bãi không phải thẳng thắn, đôi khi nó trở thành một vũ khí sắc bén làm tổn thương người khác.
Vì vậy, trước khi nói, nhất định phải suy nghĩ kỹ, cân nhắc rồi hãy nói, tuyệt đối không vì muốn nói nhanh mà vạ miệng.
Một người trưởng thành khi nói chuyện sẽ suy nghĩ nhiều hơn đến cảm nhận của người khác, không bàn tán chuyện xấu của người khác, không vạch trần khuyết điểm, không nói về lỗi lầm của ai kia. Nói lời có chừng mực, nói lời có đức hạnh vừa là tôn trọng người khác, vừa là tôn trọng chính mình. Và hơn hết, đó là một phẩm chất cơ bản nhất của người trưởng thành.

2. Việc gấp cần thong thả, lời chậm mới là quý
Có sinh viên nọ thường xuyên đi học muộn. Một hôm, sắp đến giờ học, sinh viên đó lại một lần nữa đến muộn và đây đã là lần thứ tư trong tuần. Theo quy định của nhà trường, những sinh viên đi học muộn nhiều lần sẽ bị buộc thôi học.
Nhưng người thầy nhìn thấy sinh viên này chân lấm đầy bùn, quần áo ướt sũng liền bảo cậu ta đến gặp mình sau giờ học. Sau khi hỏi chuyện, ông mới biết hóa ra sinh viên này sống ở ngoại ô, mẹ lại bị ốm cần được chăm sóc nên mới thường xuyên đi học muộn. Ông thầm mừng vì mình đã không hành động vội vàng.
Cuộc sống của mỗi người đều không dễ dàng, đôi khi cần nhiều sự thấu hiểu hơn và nhiều sự bao dung hơn. Người xưa có câu: "Nước sâu thì chảy chậm, lời nói chậm thì người càng có giá trị". Đôi khi, chúng ta chưa hiểu rõ toàn bộ sự việc đã vội vàng phát ngôn, sẽ dễ mắc sai lầm. Nếu có thể nghe nhiều hơn, nói ít hơn, hiểu rõ sự thật rồi mới phân tích và phán đoán, đó không phải là một sự cao quý sao?
Thế sự phức tạp, việc gấp cần thong thả sẽ hóa giải được, lời nói chậm mới là quý giá. Nếu có thể đợi chờ, nhìn rõ toàn bộ rồi hãy nói, đó chính là phẩm chất cao quý nhất của một người trưởng thành.

3. Không buôn chuyện, vạn sự ung dung
Người xưa có câu rất hay: "Phúc từ miệng vào, họa từ miệng ra". Đôi khi, chính vì chúng ta nói quá nhiều lời "ác" mà cuối cùng tự hại chính mình.
Người phụ nữ nọ có hàng xóm rất thích buôn chuyện. Một ngày nọ, người hàng xóm nhìn thấy cô ôm cuốn sổ ra ngoài, cô ta hỏi: "Đây là văn phòng phẩm mua cho bọn trẻ à?" Người phụ nữ trả lời: "Không, đây là cuốn sổ chúng tôi dùng để ghi chép chi tiêu gia đình".
Không ngờ, người hàng xóm này lại đi khắp nơi rêu rao rằng cô và chồng đang gặp khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Tin đồn lan truyền từ một người ra mười người, từ mười người ra trăm người, cuối cùng, tất cả phụ nữ trong khu phố đều biết. Cô cũng vì thế mà cắt đứt quan hệ với người hàng xóm này. Tuy nhiên, người hàng xóm đó không thay đổi, vẫn tiếp tục "truyền bá tin đồn", cuối cùng công việc cũng mất, gia đình cũng xa lánh bà ta.
Làm người, tuyệt đối đừng buôn chuyện bừa bãi, sẽ tự rước thị phi và tai họa đến cho cả người khác và chính mình. Những người thích buôn chuyện thường là người năng lực không đủ, tu dưỡng cá nhân cũng không cao.
Trong công sở, họ thông qua việc bôi nhọ người khác để che đậy sự yếu kém của mình. Trong cuộc sống, họ ghen tị khi thấy người khác hạnh phúc hơn, liền đi khắp nơi tung tin đồn để xoa dịu sự bất mãn trong lòng.
Một người có mệnh tốt hay không, chỉ cần nhìn xem họ có thể kiểm soát được miệng mình hay không. Người thực sự trưởng thành, có tu dưỡng, càng muốn dành thời gian buôn chuyện của người khác để nâng cao bản thân.
Người trưởng thành biết giữ gìn tâm trí và lời nói, gặp người gặp việc thì ít nói, thà không có gì để nói còn hơn là rước họa vào thân. Như vậy, ta mới có thể tu luyện bản thân đến cảnh giới cao nhất, tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp, cuộc sống đơn giản, vạn sự ung dung!