Hai ngày nay, chắc hẳn mạng xã hội của ai cũng tràn ngập những khung cảnh dò điểm thi đầy cảm xúc. Nhiều em học sinh điểm cao, ngay khoảnh khắc biết điểm, cả nhà vui mừng khôn xiết, niềm vui dường như tràn qua cả màn hình. Nhiều em kết quả không được tốt, nước mắt chẳng thể cầm lại, cha mẹ giọng trùng xuống, không giấu nổi tiếng thở dài. Nhìn những dòng chia sẻ trên news feed cá nhân, tôi lại nhớ tới câu chuyện mình đã đọc được gần đây.
Ở Trung Quốc, kỳ thi tuyển sinh đại học (hay còn gọi là Cao khảo) được xem là một trong những kỳ thi khốc liệt nhất thế giới. Mỗi năm, hàng triệu thí sinh bước vào phòng thi, mang theo hy vọng giành được một suất vào các trường đại học danh tiếng. Với họ, danh tiếng của ngôi trường đại học sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai của mình.
Cũng vào ngày công bố điểm thi, giữa muôn vàn cảm xúc vui buồn của hàng triệu gia đình, một nữ sinh chỉ đạt 288 điểm (điểm tối đa là 750) trở thành chủ đề quan tâm của đông đảo cư dân mạng khi cô bé nhận được sự hò reo cổ vũ của cả gia đình. Đối mặt với điểm số mà nhiều người cho rằng “chỉ khoanh bừa cũng được hơn thế”, em gái của cô bé vỗ tay, cha không giấu nổi niềm vui trên khuôn mặt, mẹ tự hào về thành tích tốt nhất từ trước đến nay của con.
“Mặc kệ người khác nói gì về 288 điểm, mẹ thấy rất hài lòng, vui mừng từ tận đáy lòng. Dù điểm số cao hay thấp, mẹ vẫn có một đứa con khỏe mạnh và vui vẻ”, người mẹ nói.

Chẳng biết từ khi nào, điểm số với nhiều bậc phụ huynh như một thước đo vô hình, quyết định cuộc đời của con cái. Với họ, thành tích cao, đỗ vào một trường đại học danh tiếng đồng nghĩa với tương lai rộng mở; điểm thấp, chỉ vào một trường không mấy tiếng tăm, cánh cửa tương lai như đã khép vài phần.
Trên thực tế, một cuộc thi không quyết định một cuộc đời. Điểm số không đại diện cho thành công và thành tích cũng không nên là tiêu chuẩn duy nhất để định nghĩa một đứa trẻ. Nếu ai đó cười nhạo gia đình kia, cho rằng họ thật nực cười, lạc quan tếu thì với tôi, đó là một sự tỉnh táo thực sự. Điều họ thấy ở kết quả không phải con số thấp hơn "con nhà người ta" mà là thành quả tiến bộ cho sự nỗ lực của con gái.
Đứa trẻ ấy có thể học không giỏi nhưng cô bé sống lương thiện, ngoan ngoãn, khỏe mạnh và tích cực. Điểm số cao hay thấp không thể đánh giá một con người tốt hay xấu. So với thành tích xuất sắc thì tinh thần và thể chất khỏe mạnh, tâm lý vững vàng, nhân cách tốt còn quan trọng hơn nhiều.
Vẫn còn đó những vụ trẻ vì kết quả thi không tốt, vì bị cha mẹ mắng mà dại dột quyết định dừng lại cuộc đời. Ta nghĩ mình mắng mỏ cũng là để tốt cho con, để con ngày càng trưởng thành hơn thay vì sa vào những vũng lầy. Thế nhưng ai có thể chắc được những lời nói đó không phải mạt sát, khiến trẻ mất hết sự tự tin cũng như hy vọng về một cuộc sống sau này.
Mỗi bi kịch xảy ra là một đang nhắc nhở tới tất cả chúng ta, rằng đâu mới là điều tốt nhất ta có thể dành cho con cái. Thành công không nhất thiết mang lại hạnh phúc cho con, nhưng một tâm lý tốt có thể giúp con có được hạnh phúc thực sự. Thành tích xuất sắc chưa chắc mang lại thành công nhưng người tử tế nhất định sẽ có báo đáp tốt. Như một câu nói tôi từng đọc được đâu đó trên mạng xã hội: “Không có tên trên bảng vàng không có nghĩa là dưới chân không có đường”.

Thế giới này không có hai người hoàn toàn giống nhau, tôi và bạn, hay con của chúng ta đều vậy. Hãy để đứa trẻ thích nhảy múa được nhảy múa, để đứa trẻ thích khoa học được tìm hiểu khoa học. Tôn trọng sự khác biệt, khơi dậy tiềm năng và ước mơ của mỗi đứa trẻ, bồi dưỡng sở trường, con có thể không trở thành tinh hoa xã hội, "ông này bà kia" nhưng sẽ có thể nuôi sống bản thân.
Tất nhiên, việc không coi điểm số là yếu tố duy nhất để đánh giá một đứa trẻ không có nghĩa là điểm số hoàn toàn không quan trọng, càng không có nghĩa là chúng ta để trẻ buông xuôi. Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con, cùng đồng hành và có sự ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đời con cái. Ý nghĩa của giáo dục không chỉ là nâng cao trình độ kiến thức, mà còn nằm ở việc giúp trẻ em xây dựng thái độ sống tích cực, giúp chúng hình thành nhân cách lành mạnh.
Coi trọng điểm số không bằng coi trọng sự tiến bộ. Hôm nay con bạn chưa đạt thành tích tốt như mong đợi nhưng rất có thể con đang tiến bộ từng ngày. Điều quan trọng hơn cả là hãy nhìn thấy sự tiến bộ ở con. Dù kết quả thi cử ra sao, hãy dành cho con một cái ôm ấm áp, nói rằng con đã làm tốt và cha mẹ tự hào về con. Mục đích của giáo dục không phải để chúng ta trở thành người giỏi thi cử nhất mà là để chúng ta trở thành người tốt hơn.