Giữa vùng đất đỏ của Tây Nguyên, nơi khí hậu khô khắc nghiệt và thiên nhiên hoang sơ, có một loài cây dân dã, mộc mạc nhưng lại gắn bó mật thiết với đời sống người bản địa, đó là cà đắng. Thứ quả dại này mang một hương vị rất riêng, dù có vị đắng nhưng càng ăn càng mê.

Cây cà đắng mọc hoang ở ven suối, bìa rừng, những bãi đất cằn khô hay xen lẫn giữa nương rẫy. Loài cây này vươn lên mạnh mẽ dưới nắng gió Tây Nguyên, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt và cho trái quanh năm, đặc biệt là từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch.
Quả cà đắng nhỏ bằng ngón tay cái, vỏ xanh lốm đốm trắng, cuống nhiều gai nhỏ. Bên trong là lớp ruột mềm chứa đầy hạt, vị đắng chát lan nhanh nơi đầu lưỡi khi nếm thử. Nhưng khi chế biến thành món ăn, hương vị của trái cà đắng lại vô cùng cuốn hút.
Không cần quá cầu kỳ trong chế biến, người dân nơi đây chỉ cần chút muối hột, ớt rừng và cối đá là có thể giã nhuyễn cà đắng thành món chấm đầy hương vị. Đây từng là món ăn quen thuộc trong những buổi làm rẫy dài ngày, gọn nhẹ, dễ mang theo.


Dần dần, cà đắng không còn chỉ là món ăn của người dân bản địa mà đã trở thành nguyên liệu chủ đạo trong nhiều món ăn độc đáo, mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên. Từ những bữa cơm giản dị ở bản làng đến thực đơn trong các nhà hàng phục vụ du khách, cà đắng xuất hiện với nhiều cách chế biến hấp dẫn. Có thể kể đến món cà đắng um thịt rừng như nhím, dê, hoặc heo rừng; cà đắng nấu với lươn hay ếch; cà đắng kho cá khô.
Ngoài ra, cà đắng còn được phơi khô, nấu cùng đậu đen, nấm mèo hay xương đầu heo để làm canh trong mùa khô. Hương vị đắng đặc trưng kết hợp với các nguyên liệu dân dã đã tạo nên những món ăn vừa gần gũi vừa mang tính khám phá đối với thực khách phương xa.
Lần đầu ăn cà đắng, không ít du khách phải cau mày vì vị đắng gắt nơi đầu lưỡi. Nhưng khi ăn thêm vài lần, cái đắng ấy lại trở thành thứ khiến người ta nhớ mãi. Vị đắng ban đầu nhường chỗ cho hậu vị ngọt nhẹ, thanh mát, tạo nên cảm giác vừa lạ lẫm, vừa thú vị. Chính cái vị đối lập ấy khiến cà đắng trở nên độc đáo, khác biệt với các loại rau quả thông thường.

Du khách đến Tây Nguyên vào mùa cà đắng thường không quên mua vài cân mang về làm quà. Trên các chợ mạng, cà đắng hiện được bán phổ biến với giá khoảng 90.000 – 120.000 đồng/kg, tùy theo mùa và độ tươi của quả.
"Quả cà đắng Tây Nguyên được ví như lộc "trời ban" cho người dân vùng đất này. Ngày trước, quả này làm món ăn cứu đói, ai đi làm nương rẫy đều mang theo để ăn trưa. Dần dần, cà đắng được du khách biết tới nhiều hơn, vị đắng của thứ quả dại này khiến ai ăn một lần đều thích mê. Hiện nay, mỗi khi đến mùa, người dân nơi đây lại hái trái cà đắng để bán cho thương lái và bán đi khắp các tỉnh thành", chị Giang (ở Đăk Lăk) chia sẻ.