Áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão, tiến vào Biển Đông
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 16 giờ ngày 16/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 130,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Philippin. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 9; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15km/h.

Áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão, tiến vào Biển Đông.
Dự báo lúc 16h ngày 17/7, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15–20 km/h và có khả năng mạnh lên thành bão. Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc – 126,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của miền Bắc Philippines. Sức gió mạnh nhất ở cấp 8, giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên biển (khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng gió mạnh) tập trung ở khu vực phía Đông Bắc Philippines.
Đến 16h ngày 18/7, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc với vận tốc khoảng 20 km/h và tiếp tục mạnh thêm. Vị trí tâm bão dự báo ở khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc – 123,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines). Cường độ bão mạnh cấp 10, giật cấp 12. Khu vực nguy hiểm tiếp tục mở rộng, ảnh hưởng chủ yếu đến vùng biển Đông của đảo Luzon.
Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và còn có khả năng mạnh thêm.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới vẫn đang trong giai đoạn hình thành và chưa thành bão. Các hệ thống khí quyển chi phối như gió mùa Tây Nam, áp cao cận nhiệt đới còn biến động và chưa ổn định. Vì vậy, quỹ đạo và cường độ phát triển của hệ thống này còn tiềm ẩn nhiều biến động.
Một kịch bản bất lợi có thể xảy ra là khi vào Biển Đông, bão có thể di chuyển tây tây bắc, hướng về bắc vịnh Bắc Bộ trong những ngày tới với xác suất khoảng 50-60%.
Với kịch bản di chuyển tây tây bắc hướng về khu vực đất liền nước ta, cơ quan khí tượng cảnh báo, nguy cơ xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An trong khoảng thời gian từ ngày 20/7-25/7/2025. Diễn biến mưa còn rất phức tạp, tùy thuộc vào hướng di chuyển và tác động của ATNĐ/Bão.
Ông Khiêm cho biết thêm, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ Quốc gia đang theo dõi chặt chẽ và sẽ cập nhật kịp thời trong các bản tin tiếp theo để phục vụ công tác chỉ đạo và ứng phó của các cấp, các ngành.
Ngoài ra, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cũng khuyến cáo, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với hoàn lưu ATNĐ/bão (có khả năng di chuyển vào Biển Đông), trên khu vực Biển Đông (bao gồm các đặc khu Hoàng Sa, Trường Sa) từ ngày 19-20/7 có gió mạnh, sóng cao, biển động mạnh.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia khuyến cáo các cơ quan chức năng, người dân và lực lượng hoạt động trên biển cần thường xuyên theo dõi các bản tin cập nhật, chủ động các phương án phòng tránh và ứng phó kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra.
Dự báo năm nay có khoảng 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông; trong đó 5-6 cơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Miền Bắc có nguy cơ cao từ tháng 7 đến 9, Trung Bộ và Nam Bộ từ tháng 9 đến 11.
Cảnh báo thiên tai khi miền Bắc nắng nóng gay gắt rồi lại mưa lớn tiếp nối
Diễn biến đợt nắng nóng gay gắt diện rộng
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 16/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, phía Đông các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Đắk Lắk có nắng nóng với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ. Độ ẩm tương đối phổ biến 60-65%.
Ngày 17-18/7, ở Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, phía Đông các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Đắk Lắk có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-65%.

Miền Bắc nắng nóng gay gắt rồi lại chuyển mưa rất lớn, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở.
Từ ngày 19/7 nắng nóng ở Bắc Bộ có khả năng dịu dần. Ở Trung Bộ nắng nóng có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 19, từ ngày 20/7 nắng nóng dịu dần. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1
Do ảnh hưởng của nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Cơ quan khí tượng lưu ý nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Về diễn biến của mưa dông cục bộ, cơ quan khí tượng cho biết chiều tối và đêm 16/7, khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa 10-30mm, cục bộ có nơi trên 60mm.
Chiều tối và tối 16/7, khu vực cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 80mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1.
Mưa rất lớn nối tiếp sau nắng nóng
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 16/7, một áp thấp nhiệt đới vừa hình thành ở phía Đông Philippines và đang di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc. Dự báo áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, đi vào Biển Đông vào ngày 18-19/7. Các mô hình dự báo cho thấy, xác suất 50-60% bão khả năng di chuyển về Bắc vịnh Bắc Bộ.
"Nếu kịch bản trên xảy ra, các tỉnh Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Nghệ An có thể đón một đợt mưa lớn diện rộng từ khoảng 20-25/7", cơ quan khí tượng nhận định.
Từ 19-20/7, khu vực Biển Đông (bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa) sẽ có gió mạnh, sóng cao, biển động mạnh. Người dân và các phương tiện hoạt động trên biển cần thường xuyên theo dõi các bản tin cập nhật để chủ động phòng tránh và ứng phó kịp thời.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, hiện tại chưa thể dự báo chính xác cấp gió khi bão vào biển Đông vì phụ thuộc vào vị trí bão đi qua Luzon hay đi qua eo biển. Ma sát bề mặt ở Luzon tốt có thể khiến bão mất năng lượng còn nếu bão đi qua eo biển thì nó sẽ duy trì năng lượng tốt.
Một kịch bản có xác suất cao là bão sẽ đi vào phía Bắc vịnh Bắc Bộ khu vực Quảng Ninh và Hải Phòng vào khoảng 21/7 và bão có thể gây ra một đợt mưa rất lớn ở miền núi, trung du phía Bắc và Đồng Bằng Bắc Bộ từ 22-23/7.
Chuyên gia khuyến cáo, trước mắt khuyến cáo tàu thuyền đánh cá nên chủ động di chuyển vào bờ, đến nơi neo đậu an toàn. Không tổ chức các chuyến đi biển dài ngày ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ.
Từ đầu năm 2025 đến nửa đầu tháng 7, trên khu vực Biển Đông xuất hiện 4 xoáy thuận nhiệt đới, bao gồm 2 áp thấp nhiệt đới vào tháng 2 và tháng 6, bão số 1 (tháng 6) và bão số 2 (tháng 7). Các xoáy thuận nhiệt đới đều hình thành trên Biển Đông và không đổ bộ trực tiếp đến đất liền nước ta.
Đáng chú ý, bão số 1 (Wutip) là cơn bão đầu tiên xuất hiện trên Biển Đông và khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm 2025. Bão đạt cường độ mạnh nhất cấp 11 (103-117 km/h), giật cấp 14. Tối 14/6, bão Wutip đổ bộ vào phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Dù không trực tiếp đi vào đất liền nước ta, bão vẫn gây mưa lớn cho khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Duyên hải Quảng Ngãi.
Nam sinh lớp 7 cứu bạn 16 tuổi, cả hai cùng tử vong
Ngày 16/7, Công an xã Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ đuối nước khiến hai nam sinh tử vong.
Trước đó, vào khoảng 17h ngày 15/7, N.H.H. (13 tuổi) và T.P. (16 tuổi, cùng ngụ xã Trần Văn Thời) đi đá bóng rồi rủ nhau ra tắm ao. Trong lúc tắm, em P. bị đuối nước do không biết bơi. Thấy bạn gặp chuyện chẳng lành, H. đến gần, đưa P. vào bờ thì cả hai cùng chìm xuống.

Người dân đưa hai nam sinh đến bệnh viện cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong. Ảnh: Người dân cung cấp
Phát hiện sự việc, bạn của hai nam sinh báo cho gia đình nạn nhân và người dân đến ứng cứu. Khi vớt được lên bờ, đưa đến bệnh, các nạn nhân đã tử vong trước đó. Đến 18h30 cùng ngày, gia đình đưa thi thể hai em về nhà để an táng theo phong tục địa phương.
Theo Công an xã Trần Văn Thời, gia đình hai em xác định nguyên nhân tử vong do tai nạn đuối nước nên không đề nghị điều tra thêm.
[CLIP] Đôi nam nữ bỏ bé sơ sinh bên đường rồi bỏ chạy
Ngày 16/7, UBND phường Dĩ An (TPHCM) cho biết, một bé trai sơ sinh vừa bị bỏ rơi trước cổng Trung tâm nhân đạo Quê Hương ở khu phố Tân Long, đường ĐT.743.
Bé trai được đặt trong giỏ nhựa màu đỏ, quấn trong khăn tắm màu cam, còn cuống dây rốn. Bé mặc áo thun màu xanh có chữ Panda trước ngực.
Trong giỏ nhựa còn có một bức thư, người viết xưng hô bằng con. Nội dung thư trình bày hoàn cảnh khó khăn, không còn cách nào khác nên quyết định mang bé đến Trung tâm nhân đạo Quê hương với mong muốn nơi đây thay cha, mẹ nuôi bé.
Clip: Camera ghi lại cảnh bé trai bị bỏ rơi bên đường
Thời điểm phát hiện, bé tỉnh táo, cân nặng khoảng 2kg, không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Sau khi phát hiện vụ việc, UBND phường Dĩ An đã phân công cán bộ đưa bé đi kiểm tra sức khỏe, đồng thời thông báo tìm cha, mẹ đẻ của bé.
Hiện tại, bé được chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại Trung tâm nhân đạo Quê hương. Sau 7 ngày liên tục kể từ ngày ra thông báo, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của bé hoặc cha, mẹ đẻ không đến nhận, UBND phường Dĩ An sẽ thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng để tiến hành đăng ký khai sinh cho bé theo quy định pháp luật.

Bức thư để trong giỏ đựng bé sơ sinh
Bi lừa cài app điện lực giả, một nữ giáo viên ở Hà Tĩnh mất gần 1,5 tỉ đồng
Chiều 16-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một cán bộ xã Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh xác nhận một giáo viên đang công tác trên địa bàn xã này vừa bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt gần 1,5 tỉ đồng.

Cô giáo L. hoảng loạn khi bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt gần 1,5 tỉ đồng (Ảnh chụp từ clip)
Cũng theo vị cán bộ này, sau khi sự việc xảy ra, tổ an ninh trên địa bàn đã đến gia đình cô giáo để nắm bắt tình hình, động viên, trấn an tinh thần cô giáo. Tại buổi làm việc, tâm lý của cô giáo cơ bản ổn định và mong muốn cơ quan công an hỗ trợ lấy lại được tài sản đã bị kẻ xấu lừa đảo.
Ngoài ra, vụ việc hiện đang được Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh này điều tra, làm rõ.
Được biết, cô giáo tên là Đ.T.P.L. đang công tác tại một trường THCS trên địa bàn xã Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại hình ảnh vào khoảng 14 giờ chiều 15-7, cô L. đến Đội quản lý điện lực khu vực Thạch Hà trong tình trạng hoảng loạn để trình báo sự việc bị đối tượng xấu dẫn dụ, lừa cài app điện lực giả.
Theo clip ghi lại, cô L. hoảng loạn, bật khóc khi phát hiện mình bị lừa gần 1,5 tỉ đồng qua hình thức quét mã trên ứng dụng lừa đảo. Trong clip, cô liên tục kêu cứu, mong được giúp đỡ.

Lịch sử giao dịch trong tài khoản của cô L. bị trừ 3 lần, mỗi lần gần 500 triệu đồng sau khi cài ứng dụng lừa đảo. (Ảnh chụp màn hình clip)
Theo lãnh đạo Đội quản lý điện lực khu vực Thạch Hà, sau khi phát hiện mình bị lừa đảo, cô L. đã đến Điện lực Thạch Hà trình báo và được cán bộ ở đây hướng dẫn, sau đó đưa đến Công an xã Thạch Hà để trình báo sự việc.
Hiệu trưởng trường THCS nơi cô giáo L. công tác cũng cho biết cô Đ.T.P.L. là giáo viên dạy môn toán tại trường. Sau sự việc, phía nhà trường đã đến gia đình cô giáo L. để động viên, an ủi.
Hiện, vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục được điều tra, làm rõ.