5 ngành học ở Việt Nam dễ xin việc, ra trường được "săn đón", mức lương hậu hĩnh vì thị trường luôn khát nhân lực

Trong khi nhiều ngành đang rơi vào tình trạng bão hòa, vẫn có những ngành học vừa dễ xin việc, vừa có thu nhập tốt. Dưới đây là 5 ngành học đang khát nhân lực, được doanh nghiệp săn đón liên tục với mức lương khởi điểm hấp dẫn.

1. Truyền thông quốc tế

Trước xu hướng toàn cầu hóa, việc hợp tác và kết nối giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng trở nên chặt chẽ ở mọi lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, du lịch, giáo dục,… Điều này dẫn đến nhu cầu tăng cao về nguồn nhân lực ngành Truyền thông quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối con người, truyền tải thông tin trên toàn cầu.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, đến năm 2025, thị trường lao động cần đến 21.600 nhân sự trong ngành Truyền thông - Quảng cáo mỗi năm. Con số này cho thấy, tiềm năng phát triển mạnh mẽ và cơ hội việc làm rộng mở cho sinh viên theo học ngành Truyền thông quốc tế.

Sau khi ra trường, các bạn trẻ có thể làm truyền thông quốc tế tại các cơ quan Nhà Nước, Chính phủ, doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức quốc tế với các vị trí cụ thể như: Phát thanh viên, nhà báo, nhà ngoại giao; chuyên viên quan hệ công chúng, tư vấn viên truyền thông; chuyên viên quản lý truyền thông, quản lý quá trình sản xuất các sản phẩm báo chí, truyền thông. Ngoài ra, các bạn trẻ cũng có thể thử sức với các công việc liên quan đến sáng tạo nội dung, thiết kế nội dung cho website, fanpage hoặc chương trình truyền hình; phóng viên cho báo chí, tạp chí, đài truyền hình, đài phát thanh…

Theo các cuộc khảo sát từ các trường đại học, mức lương khởi điểm sinh viên ngành Truyền thông quốc tế nhận được khi mới ra trường dao động từ 8 – 14 triệu đồng. Khi có kinh nghiệm hơn, mức này có thể chạm ngưỡng 20 triệu đồng/tháng. Ở trình độ cấp quản lý, mức thu nhập có đạt mức từ 25 – 50 triệu đồng, tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp.

2. Ngành Quan hệ công chúng

Quan hệ công chúng (Public Relations - PR) là việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc xây dựng chiến lược nhằm thiết lập cầu nối giữa tổ chức, doanh nghiệp với cộng đồng, khách hàng, nhà đầu tư... 

Mục đích hướng đến là định hình, khẳng định thương hiệu, tên tuổi và sản phẩm trong toàn bộ quá trình hoạt động và phát triển. Hiện nay, PR đang là ngành học có sức hấp dẫn cực lớn với nhiều bạn trẻ bởi cơ hội việc làm trong tương lai rộng mở.

Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam thống kê cho thấy có khoảng 7.000 công ty quảng cáo - PR đang hoạt động. Lượng nhân lực cần thiết ít nhất là 70.000 lao động. 

Tuy nhiên, ngành học lại chưa đào tạo đủ lực lượng lao động này. Nhân lực càng thiếu thì nhu cầu tuyển dụng của ngành quan hệ công chúng càng rộng mở.

Mức lương trong ngành này khá đa dạng, phụ thuộc vào kinh nghiệm và vị trí công việc. Nhân viên mới ra trường mức lương khởi điểm từ 7-12 triệu đồng/tháng, chuyên viên có kinh nghiệm (1-3 năm), mức lương từ 12 đến 20 triệu đồng/tháng, Quản lý cấp cao mức lương có thể đạt từ 20 đến hơn 50 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào quy mô và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, một số trường đào tạo ngành Quan hệ công chúng có thể kể tới như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (điểm chuẩn năm 2024 là 29,1); Đại học Kinh tế Quốc dân (điểm chuẩn 28,18), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (điểm chuẩn 25,15)...

3. Ngành Luật kinh tế

Luật Kinh tế là ngành học kết hợp giữa kiến thức pháp luật và lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị kiến thức chuyên sâu về hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động kinh tế – thương mại, như: luật doanh nghiệp, luật hợp đồng, luật cạnh tranh, luật đầu tư, luật thuế, luật tài chính, luật bảo vệ người tiêu dùng,... Mục tiêu của ngành là đào tạo ra những chuyên gia pháp lý có khả năng tư vấn, phân tích và xử lý các tình huống pháp lý trong môi trường kinh doanh đầy biến động ngày nay.

Theo thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Luật kinh tế đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Dự kiến trong các năm tiếp theo sẽ cần thêm khoảng từ 10,000 - 15,000 vị trí việc làm mới trong lĩnh vực này.

Mức lương trong ngành Luật Kinh tế có sự chênh lệch tùy theo năng lực, vị trí công việc và kinh nghiệm. Đối với sinh viên mới ra trường, mức lương khởi điểm thường dao động từ 8–12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với những người đã có từ 3–5 năm kinh nghiệm, mức thu nhập có thể tăng lên 20–40 triệu đồng/tháng, đặc biệt nếu làm tại các công ty luật quốc tế, tập đoàn đa quốc gia hoặc nắm giữ vị trí trưởng phòng, giám đốc pháp chế. Luật sư tư vấn giỏi hoặc chuyên viên pháp lý cấp cao có thể đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế có thể đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau như: chuyên viên pháp lý tại doanh nghiệp, luật sư tư vấn pháp luật kinh doanh, chuyên viên tư vấn đầu tư, chuyên viên xử lý tranh chấp thương mại, cố vấn pháp luật cho ngân hàng, công ty tài chính hoặc cơ quan nhà nước.

Những trường đại học đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành này có thể đến như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Luật TP.HCM, Đại học Ngoại thương.

4. Vi mạch, bán dẫn

Trong công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn được coi là một trong những sản phẩm quan trọng nhất dùng để giảm kích thước, tăng tính ổn định và hiệu suất cho các thiết bị điện tử. Ngành còn có liên kết mật thiết với các ngành công nghiệp khác như công nghệ thông tin, hàng không vũ trụ, y tế, ô tô… Khi nhu cầu sử dụng của con người ngày càng tăng đòi hỏi cần nhiều hơn lượng nhân sự thiết kế, sản xuất và kiểm tra các vi mạch bán dẫn cũng phải tăng thêm. Tuy nhiên, nhân sự lĩnh vực này tại Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 500 kỹ sư/năm, thiếu về số lượng và chưa đạt yêu cầu về chất lượng.

Ngành vi mạch bán dẫn còn khá mới lạ ở Việt Nam.

Công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn đang được nhà nước chủ trương phát triển. Theo dự báo, trong 10 năm tới, các trường đại học phải đào tạo 50.000 nhân lực mới có thể đáp ứng nhu cầu cho lĩnh vực này. Sau khi tốt nghiệp ngành này, người học có thể làm việc tại nhiều lĩnh vực khác nhau như thiết kế vi mạch, kiểm tra linh kiện và vật liệu, sử dụng các phần mềm thiết kế vi mạch,... 

Đây là ngành học khá khó nhằn, bởi khối lượng kiến thức mà sinh viên phải học là rất lớn. Ngoài ra để trở thành một kỹ sư thiết kế vi mạch còn phải yêu cầu rất nhiều kỹ năng và sự nỗ lực, học hỏi không ngừng từ phía người học. Hiện nay, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa TP. HCM,... là những trường dẫn đầu trong đào tạo ngành vi mạch, bán dẫn.

5. Máy tính và dữ liệu

Ngành Máy tính và Dữ liệu tập trung nghiên cứu các nguyên lý của mạng máy tính, từ việc thiết kế đến triển khai các hệ thống mạng, bao gồm cả mạng nội bộ (LAN) và mạng diện rộng (WAN) có kết nối toàn cầu. Đây là ngành học lý tưởng cho những ai yêu thích công nghệ, thích khám phá thế giới và kết nối với mọi người trên toàn cầu chỉ qua một chiếc máy tính có Internet. Với kiến thức chuyên sâu về mạng máy tính, bạn hoàn toàn có thể xây dựng cho mình một "lãnh địa số" trên Internet để phát triển học tập, làm việc hoặc kinh doanh.

Trong bối cảnh mạng máy tính phát triển nhanh chóng và trở thành yếu tố không thể thiếu trong mọi lĩnh vực, nhu cầu nhân lực ngành này ngày càng cao. Hầu như không có máy tính nào hoạt động độc lập mà không cần kết nối mạng, kéo theo cơ hội việc làm vô cùng rộng mở. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhiệm nhiều vị trí hấp dẫn tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước – bất cứ nơi nào cần hệ thống mạng và dữ liệu an toàn.

Theo số liệu từ Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, mức lương trung bình cho các vị trí nghiên cứu trong lĩnh vực máy tính và thông tin có thể lên đến 122.000 USD/năm (tương đương khoảng 3,49 tỷ đồng). Đặc biệt, các chuyên viên phân tích và bảo mật thông tin – những người đóng vai trò bảo vệ dữ liệu và hệ thống mạng – có thể nhận mức thu nhập khoảng 100.000 USD/năm (tức khoảng 2,3 tỷ đồng).

Hiện nay, ngành Máy tính và Dữ liệu được đào tạo tại nhiều trường đại học uy tín hàng đầu như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP.HCM, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, và Đại học Công nghiệp TP.HCM.

Bạn có thể quan tâm