Giữa vùng biển Địa Trung Hải rực nắng, đảo Sicilia không chỉ nổi tiếng với tư cách là một trong những cái nôi của văn hóa châu Âu cổ, những thành phố baroque kiêu hãnh hay rượu vang đậm vị núi lửa Etna – mà còn được toàn thế giới biết đến là quê hương của một trong những tổ chức tội phạm có tổ chức khét tiếng và lâu đời nhất thế giới: Cosa Nostra. Cái tên này, theo tiếng Ý, có thể hiểu là “việc của chúng ta” – một cụm từ đầy ẩn ý, ngụ ý về sự trung thành tuyệt đối, bí mật tuyệt đối, và một bộ luật riêng tách biệt khỏi thế giới chính thống. Trong hơn một thế kỷ, Cosa Nostra từng có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều khía cạnh của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội tại Sicilia, đặt nền móng cho hình ảnh “mafia” mà cả thế giới biết đến ngày nay – với bộ vest đen, lời thề máu và sự im lặng chết người.
Nguồn gốc của Cosa Nostra được cho là có từ thế kỷ 19, khi các nhóm bảo vệ đất đai tự phát ở miền quê Sicilia dần phát triển thành những “tổ chức bảo kê” có tính chất tội phạm. Trong bối cảnh nước Ý thống nhất còn non trẻ và nhà nước trung ương yếu kém, Cosa Nostra trở thành thế lực thay thế pháp luật, áp đặt “trật tự” riêng lên cộng đồng thông qua sự kiểm soát bằng vũ lực, các mối quan hệ gia tộc và lòng trung thành được ràng buộc bằng máu. Mỗi địa phương có một Cosa Nostra như một tiểu quốc độc lập, nhưng cùng chia sẻ chung luật lệ bất thành văn: Luật im lặng (omertà), luật báo thù, và sự tôn trọng tuyệt đối đối với người đứng đầu – gọi là “capo di tutti capi” (ông chủ của mọi ông chủ).

Đảo Sicilia - quê nhà của Cosa Nostra - được coi là cái nôi của mafia hiện đại. Ảnh: Sicilianmagpie.
Vì nền kinh tế Sicilia phụ thuộc vào nông nghiệp, các Cosa Nostra sơ khai khởi đầu bằng việc kiểm soát đất đai, thu thuế bảo kê từ địa chủ và nông dân. Nhưng khi xã hội Ý hiện đại hóa, đặc biệt sau Thế chiến II, Cosa Nostra cũng biến hóa. Họ nhanh chóng thích nghi với các thị trường mới: Buôn lậu thuốc lá, cưỡng đoạt, thao túng các hợp đồng công cộng, và quan trọng nhất là buôn ma túy. Từ các cảng biển Palermo và Trapani, heroin từ Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Nam Á được tuồn vào châu Âu, và nhờ vào mạng lưới kiều dân Ý tại Mỹ, đặc biệt là ở New York, Cosa Nostra vươn vòi sang thế giới bên kia đại dương, hợp tác chặt chẽ với các băng đảng mafia Mỹ như Gambino hay Genovese.
Tuy nhiên, quyền lực tuyệt đối cũng đi kèm với sự sụp đổ từ bên trong. Những năm 1970–1980 đánh dấu thời kỳ đẫm máu nhất trong lịch sử Cosa Nostra. Dưới sự lãnh đạo tàn bạo của Salvatore "Toto" Riina, băng Corleonesi từ thị trấn nhỏ Corleone vươn lên thống trị toàn Sicilia bằng cách thanh trừng hàng loạt đối thủ. Cuộc nội chiến ngầm giữa các Cosa Nostra khiến hàng trăm người bị giết, không chỉ mafia mà cả nhà báo, thẩm phán, cảnh sát, thậm chí cả dân thường vô tội. Đỉnh điểm là vụ ám sát hai thẩm phán chống mafia nổi tiếng: Giovanni Falcone và Paolo Borsellino. Hai nhân vật được coi là hai biểu tượng hy sinh vì công lý ở Ý, đã bị đánh bom trên xa lộ vào năm 1992. Cái chết của họ làm chấn động cả nước, đẩy phong trào chống mafia lên cao trào chưa từng thấy.

Cosa Nostra chính là nguồn cảm hứng cho bộ phim huyền thoại "Bố già" (The Godfather). Ảnh: Britannica.
Sau những vụ ám sát ấy, chính phủ Ý triển khai cuộc tấn cộng nhằm vào Cosa Nostra lớn nhất từ trước đến nay. Hàng ngàn đặc vụ được điều tới Sicilia, các biện pháp khẩn cấp được ban hành, và đặc biệt là chiến lược thuyết phục các pentiti – tức các mafia phản bội – hợp tác với chính quyền. Lời khai của các nhân vật như Tommaso Buscetta đã mở toang cánh cửa vào thế giới bí mật của Cosa Nostra: cơ cấu tổ chức ba cấp chặt chẽ, các nghi thức kết nạp đẫm máu, danh sách các quan chức bị mua chuộc, và đường đi của hàng triệu USD từ ma túy đến các ngân hàng Thụy Sĩ.
Từ cuối thập niên 1990 đến nay, Cosa Nostra bị đánh mạnh, nhiều thủ lĩnh sa lưới, bao gồm cả “quái thú” Toto Riina (bị bắt năm 1993) và người kế nhiệm là Matteo Messina Denaro (bị bắt năm 2023, sau 30 năm trốn truy nã). Nhưng điều đó không có nghĩa là Cosa Nostra đã chết. Họ chỉ rút lui khỏi ánh đèn, thay đổi hình thức hoạt động, chuyển từ bạo lực công khai sang kiểm soát tài chính, rửa tiền, thao túng các cuộc đấu thầu công cộng và hòa mình vào thế giới kinh doanh hợp pháp.
Ngày nay, cái bóng của Cosa Nostra vẫn lởn vởn quanh Sicilia – trong những hợp đồng xây dựng mờ ám, đôi khi hiện diện trong những quán café ở Palermo mà khách hàng không bao giờ nói chuyện quá lớn, qua những lời thì thầm về sự “bảo vệ” của ai đó mà không ai dám gọi tên. Mafia không còn là những tay súng đội mũ phớt và bắn nhau giữa phố, mà là những kẻ mặc vest, uống espresso, điều hành chuỗi nhà hàng, công ty du lịch, ngân hàng – và đôi khi, cả một thị trấn.
Dưới góc nhìn lịch sử, mafia từng vận hành như một hệ thống xã hội ngầm tồn tại dai dẳng, Cosa Nostra không chỉ là tội phạm – đó là một hệ thống vận hành riêng biệt từng song hành với chính quyền chính thức trên đảo Sicilia, ăn sâu vào văn hóa, ngôn ngữ và tâm lý người dân. Và dù bị đánh mạnh, đế chế huyền thoại ấy vẫn là một biểu tượng đen tối sống dai dẳng – như ngọn núi Etna trầm mặc của Sicilia – đôi khi im lặng, nhưng tiềm ẩn một lịch sử đầy biến động.