Đôi bàn tay vác xi măng của cụ ông viết nên bài văn “Mẹ tôi” gây bão cộng đồng mạng

Bài văn chân thật về người mẹ tảo tần của ông đã khiến biết bao trái tim rung động, khơi gợi những cảm xúc sâu lắng về tình mẫu tử và những day dứt với đấng sinh thành.

Mới đây, một đoạn video ghi lại cảnh một người đàn ông Trung Quốc thử sức với đề văn thi đại học năm 1957 và cho ra đời bài “Mẹ tôi” đã làm rung động trái tim hàng ngàn cư dân mạng. Nhiều người bày tỏ, những dòng chữ mộc mạc, giản dị ấy đã chạm đến cảm xúc sâu sắc và khiến họ rơi lệ.

Câu chuyện bắt đầu từ một thử thách sáng tạo tại chợ lao động ga tàu hỏa Thái Nguyên, Trung Quốc. Theo đó, người đi đường có thể chọn nhận ngay 100 tệ tiền mặt hoặc thử sức với việc rút thăm đề văn thi đại học các năm để nhận 1000 tệ.

Ông An (hay còn gọi là “An Lão Tam”), người đàn ông đến từ thành phố Cổ Kiều, Thái Nguyên, Trung Quốc đã viết bài “Mẹ tôi” cho đề thi đại học năm 1957. Chỉ trong 3, 4 tiếng đồng hồ và bằng cả nửa đời người hồi ức, những con chữ ông viết ra lập tức tạo nên một làn sóng đồng cảm mạnh mẽ, lan tỏa khắp các diễn đàn mạng.

"Bài văn là hiện thực cuộc sống của tôi"

Khi được hỏi về bài văn của mình, ông An chia sẻ đầy xúc động: “Bài văn này là hiện thực cuộc sống gia đình tôi, là trải nghiệm cá nhân của tôi”. Ông cho biết, đề tài “Mẹ tôi” rất gần gũi và thân thuộc, thôi thúc ông chấp bút.

Là con trai thứ 3 trong gia đình 8 anh chị em, ông An kể rằng ký ức về người mẹ tần tảo vẫn còn in đậm trong tâm trí, dù mẹ đã mất hơn 30 năm trước ở tuổi ngoài 50 vì lao lực.

Ông An, chủ nhân của bài viết "Mẹ tôi" hiện gây bão cộng đồng mạng. 

“Gia đình tôi có 10 người, 8 anh chị em cùng sống trong một cái hang đá, chật đến nỗi không xoay người nổi, cứ thế mà sống mấy chục năm”, ông nhớ lại.

Chi tiết khiến nhiều người nhớ nhất trong bài văn của ông An là hình ảnh người mẹ không bao giờ ngồi vào mâm cơm cùng con: “Cả gia đình đông người quây quần bên bàn ăn, nhưng mẹ tôi chưa bao giờ ngồi vào mâm. Bà cứ tất bật bên bếp lò, đợi chúng tôi ăn xong xuôi, bà mới nhìn vào nồi. Nếu còn thừa, bà sẽ xúc vài miếng, còn nếu hết sạch, bà sẽ không ăn, nói rằng mình không đói”.

Trong thời kỳ thiếu thốn vật chất, mẹ của ông đã tần tảo cống hiến cả đời, chưa từng được hưởng phúc: “Lúc đó đến bột mì trắng cũng không có để ăn, mì gói thì càng chưa từng nghe nói đến. Cho đến khi mẹ tôi qua đời, bà vẫn chưa từng được ăn một miếng bột mì trắng nào”, ông nhớ lại. Giờ đây, mỗi khi ăn bột mì trắng, ông An lại nghĩ đến mẹ và cảm thấy mình mắc nợ mẹ rất nhiều.

Giờ đây, khi đã làm cha, làm ông nhưng hơn 30 năm qua, ông An chưa từng được gọi tiếng "mẹ". Lời cuối bài văn cũng là lời hứa đầy xót xa, đã chạm đến trái tim người đọc: “Cỏ trên nấm mộ xanh rồi lại vàng, vàng rồi lại xanh, giống như nỗi nhớ của tôi vậy, năm này qua năm khác vẫn không bao giờ dứt. Tôi vẫn nghĩ, đến một ngày nào đó tôi không còn vác nổi bao xi măng nữa, tôi sẽ về làng nằm xuống cạnh nấm đất ấy. Có lẽ lúc đó, khi tôi gọi “mẹ” một lần nữa, bà sẽ nghe thấy”.

Cuộc sống bình dị và sự kiên cường của người lao động tự do 

Dù được cộng đồng mạng và giới truyền thông quan tâm, ông An và gia đình vẫn chọn cuộc sống bình dị, không muốn phô trương. Ông cho biết, bản thân vẫn muốn tiếp tục trở lại chợ lao động để làm việc: “Kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, tôi cảm thấy trong lòng rất vững tâm và thoải mái”.

Ngôi làng nơi ông An sinh sống. 

Câu chuyện của ông không chỉ là về một bài văn cảm động mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng, về sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ trong cuộc sống. Nó cũng cho thấy một sức sống bền bỉ và sự kiên cường đáng nể của những người nông dân lao động, những người dù cuộc đời có khó khăn đến mấy, vẫn giữ trọn vẹn tình yêu thương và trách nhiệm với gia đình.

Bài văn gốc: "Mẹ tôi"

Hôm nay, tôi tình cờ được một nhóm phỏng vấn làm video ngắn và cần bốc thăm. Vì tôi là người duy nhất trong số các anh em công nhân ở đây từng học cấp 3, nên hai cô bé đã chọn tôi và tôi may mắn bốc được đề “Mẹ tôi”.

Những hồi ức về mẹ ùa về, khiến tôi vô cùng xúc động. Mẹ đã ra đi hơn 30 năm rồi, được chôn cất ở khu mộ cũ đầu làng. Dáng vẻ của bà, mọi cử chỉ của bà, cứ như thể đang hiện ra trước mắt.

Mẹ tôi, cả đời bà chưa bao giờ được nhàn rỗi. Trời chưa sáng đã dậy, đến khi trời tối mịt mới nghỉ ngơi. Trong nhà ngoài ngõ, bao nhiêu là việc không dứt. Quần áo bà mặc lúc nào cũng bạc phếch vì giặt nhiều, vá đi vá lại. Bà là người lương thiện, bao dung, chưa từng to tiếng với hàng xóm láng giềng. Có món gì ngon, bà luôn nhường cho người khác trước.

Điều khiến tôi không bao giờ quên nhất là bữa ăn. Cả gia đình đông người quây quần bên bàn ăn, nhưng mẹ tôi chưa bao giờ ngồi vào mâm. Bà cứ tất bật bên bếp lò, đợi chúng tôi ăn xong xuôi, bà mới nhìn vào nồi. Nếu còn thừa, bà sẽ xúc vài miếng, còn nếu hết sạch, bà sẽ không ăn, nói rằng mình không đói.

Thời đó cuộc sống ai cũng khó khăn, giàu nghèo cũng chẳng khác nhau là mấy, nhưng lòng người lại ấm áp, trọng tình trọng nghĩa. Mẹ tôi, chính là người chân thật nhất.

Bánh chẻo do mẹ gói, thơm ngon khó tả, là nỗi mong chờ lớn nhất trong những tháng ngày nghèo khó. Tết đến là lúc bà vất vả nhất, giặt giũ, chuẩn bị bữa cơm tất niên, mệt đến nỗi lưng không thẳng nổi, nhưng trên mặt bà luôn nở nụ cười. Nhìn chúng tôi hò reo đốt pháo, bà còn vui hơn cả chúng tôi. Dù là bộ quần áo rách nát đến đâu, qua tay bà, chúng tôi cũng có được bộ đồ sạch sẽ tinh tươm.

Tết đến luôn làm mẹ mệt đến nỗi không thẳng lưng nổi, nhưng tôi nhìn mẹ lúc nào cũng vui vẻ! Mẹ lúc nào cũng mang lại cho chúng tôi cảm giác thân thuộc. Hồi đó là thời kỳ tập thể, quanh năm suốt tháng không có rau tươi. Đến mùa thu là đến kỳ chia khẩu phần. Ban ngày gặt lúa, buổi tối chia về từng hộ gia đình. Việc chia này kéo dài cả một đêm.

Mùa thu ở nông thôn rất lạnh, mẹ mặc rất phong phanh. Sau khi lương thực được chia về nhà, mẹ đã lạnh run cả đêm không chịu nổi. Chiếc chăn mỏng manh bà đắp lên người một lát, trời đã sáng. Công việc vất vả một ngày của mẹ lại bắt đầu.

Bà dụi mắt, lại phải bò dậy, chuẩn bị đồ ăn cho cả gia đình. Nhà đông người, cái nồi gang lớn dùng củi đốt đó, nặng trịch, bưng lên bưng xuống, thực sự không phải là việc mà người thường có thể làm được. Giờ nghĩ lại, thân hình nhỏ bé của mẹ, sức đâu mà khỏe thế? Mẹ là người thật thà, chất phác, mọi việc lớn nhỏ, từ trong ra ngoài, đều đè nặng lên đôi vai của mẹ.

Mẹ ra đi khi chỉ mới ngoài 50 tuổi vì bệnh tật do lao lực mà thành. Giờ đây, mộ mẹ nằm ở ven làng, một nấm đất nhỏ bé không ai để ý. Mỗi lần về làng, tôi luôn ra đó đứng một lúc, trò chuyện với mẹ.

Tôi đã làm lao động ở thành phố gần nửa đời người, vác xi măng, buộc cốt thép, leo giàn giáo, tay vai chai sạn đầy. Mệt thì thật sự rất mệt, nhưng nghĩ đến sức mạnh của mẹ khi bưng cái nồi gang lớn ngày xưa, nghĩ đến dáng vẻ bà run rẩy vì lạnh mà vẫn cắn răng chịu đựng đến sáng, thì sức lực trong tôi lại trỗi dậy.

Mẹ chưa từng được hưởng phúc, nhưng bà đã dạy cho tôi cái khí chất cứng cỏi và trách nhiệm với gia đình này. Tôi phải tiếp tục gánh vác, gánh vác vững vàng cái gia đình mà mẹ đã gồng gánh gây dựng.

Cỏ trên nấm mộ xanh rồi lại vàng, vàng rồi lại xanh, giống như nỗi nhớ của tôi vậy, năm này qua năm khác, không bao giờ dứt.

Tôi đã làm cha, rồi làm ông, nhưng đã hơn ba mươi năm rồi tôi chưa được gọi tiếng "mẹ". Tôi vẫn nghĩ, đến một ngày nào đó tôi không còn vác nổi xi măng nữa, tôi sẽ về làng nằm xuống cạnh nấm đất ấy, có lẽ lúc đó, khi tôi gọi "mẹ" một lần nữa, bà sẽ nghe thấy.

Bạn có thể quan tâm