Độ tuổi lý tưởng nhất để trữ trứng là khi nào? Nhiều bạn trẻ chọn "bảo tồn" thiên chức làm mẹ trong tương lai

Không muốn đánh đổi ước mơ lập nghiệp lấy thời gian sinh con, nhưng cũng không muốn mất đi cơ hội được làm mẹ trong tương lai, nhiều phụ nữ trẻ tìm đến trữ đông trứng.

Chọn làm mẹ theo cách của mình

Được làm mẹ, được nhìn con lớn khôn là mong muốn bản năng của hầu hết phụ nữ. Nhưng khi xã hội chuyển mình, vai trò, vị thế và cả nhịp sống của người phụ nữ thay đổi. Giữa những ước mơ sự nghiệp, áp lực mưu sinh, giá nhà tăng vọt, chi phí nuôi con ngày càng đắt đỏ và cả nỗi sợ hôn nhân chưa chắc bền vững, nhiều người đành gác lại mong muốn làm mẹ hoặc ít nhất là trì hoãn đến một thời điểm “khi mọi thứ đã sẵn sàng”.

“Muốn có con” không còn là điều gì đó tự nhiên xảy đến theo thời gian, mà trở thành một phép tính. Đó là phép tính của tuổi tác, tài chính, tương lai chưa biết trước. Và khi thời gian sinh học không chờ đợi ai, trữ đông trứng trở thành một lựa chọn của nhiều phụ nữ trẻ.

Nhiều người chọn trữ đông trứng để chủ động lựa chọn thời gian làm mẹ. (Ảnh minh họa).

Giống như trường hợp của chị N.H.G. (29 tuổi, TP.HCM). Hai năm trước, khi đang ở tuổi 27, đứng trước áp lực kinh tế và mong muốn phát triển sự nghiệp, chị G. quyết định trữ đông trứng. Chị G. kể, năm 2023, khi bạn bè lần lượt đăng hình cưới và siêu âm con đầu lòng, chị đang tất bật tìm nhà cung cấp hoa, thiết kế logo, dựng trang bán hàng, chụp ảnh sản phẩm và loay hoay lên kế hoạch quay những video đầu tiên để quảng bá cho tiệm hoa online của riêng mình.

Áp lực kinh tế cộng dồn với nỗi lo phải tìm cách phát triển tiệm hoa giữa thị trường cạnh tranh khiến chị không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình hay sinh con. Song chị cũng hiểu, càng lớn tuổi thì khả năng sinh sản càng giảm, trứng cũng không còn khỏe như trước, chị cần một kế hoạch “bảo hiểm sinh sản” để có con trong tương lai.

Sau khi cân nhắc, đắn đo, chị G. quyết định trữ đông trứng ở tuổi 27, khi sức khỏe sinh sản vẫn còn tốt. Nhắc đến quyết định của mình, chị tâm sự: “Không phải sợ sinh con hay lập gia đình, điều tôi sợ là mình không lo được cho con. Tôi muốn được làm mẹ trong một điều kiện tốt hơn. Khi tôi đủ trưởng thành, đủ vững vàng về tài chính, tôi mới sẵn sàng nuôi dưỡng một đứa trẻ mà không cảm thấy hoang mang”.

Hai năm sau ngày bước vào bệnh viện, chị G. vẫn độc thân, vẫn chưa nghĩ đến hôn nhân, nhưng chị yên tâm hơn mỗi lần nghĩ đến kho trữ trứng có tên mình.

Đây là một trong rất nhiều trường hợp điển hình của những người trẻ chọn trữ đông trứng như một cách để bảo toàn tương lai làm mẹ.

Khi Y học đồng hành cùng giấc mơ làm mẹ

Theo BS.CKII Lý Thái Lộc – Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ: “Hiện nay, số lượng phụ nữ trẻ trữ đông trứng ngày càng tăng. Trữ trứng không còn là lựa chọn chỉ dành cho người bệnh, mà là một quyền chủ động sinh sản".

Trước đây, việc trữ đông trứng hầu như chỉ được thực hiện trong các trường hợp đặc biệt do bệnh lý. Chẳng hạn, trong quá trình điều trị hiếm muộn bằng thụ tinh trong ống nghiệm, có những tình huống bắt buộc phải trữ trứng. Ví dụ, người chồng chưa có tinh trùng vào đúng thời điểm vợ được lấy trứng, hoặc người phụ nữ sắp phải điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến buồng trứng, bác sĩ sẽ chỉ định trữ đông trứng để giữ lại khả năng làm mẹ sau này.

BS.CKII Lý Thái Lộc cho biết, số lượng phụ nữ trẻ trữ đông trứng ngày càng tăng. 

Ngoài ra, với những phụ nữ có số lượng trứng ít, bác sĩ thường phải kích trứng nhiều lần mới đủ để tạo phôi. Trữ đông trứng sẽ giúp giữ lại trứng từ nhiều lần lấy, rồi gom lại để làm phôi trong một lần duy nhất.

Song, những năm gần đây, lý do nhiều chị em đến bệnh viện đặt vấn đề muốn trữ trứng đã có sự thay đổi. Đa phần là những phụ nữ trẻ, độc lập tài chính, tập trung phát triển sự nghiệp, hoặc đơn giản là chưa có ý định lập gia đình sớm.

Bác sĩ Lộc cho rằng việc trữ trứng sẽ giúp phụ nữ chủ động hơn khi quyết định thời điểm làm mẹ. Nếu đợi đến 35–40 tuổi mới nghĩ đến sinh con, thì trứng lúc đó đã suy giảm chất lượng rõ rệt. Vì vậy, nhiều người chọn cách chủ động trữ trứng từ khi còn trẻ để giữ lại khả năng làm mẹ sau này.

“Sự khác biệt so với trước đây không chỉ nằm ở đối tượng mà còn nằm ở tâm thế. Nếu ngày trước, trữ trứng bị nhìn nhận là giải pháp cuối cùng, thì bây giờ, đó là một hành động có tính toán, có kế hoạch và mang ý nghĩa tự chủ sinh sản”, bác sĩ Lộc nói.

Việc chủ động trong kế hoạch có con giúp phụ nữ toàn tâm phát triển sự nghiệp, chăm lo cho bản thân mà không bị áp lực phải sinh con đúng một mốc tuổi nào đó.

Cũng theo bác sĩ Lộc, độ tuổi lý tưởng nhất để trữ trứng là dưới 30 tuổi, khi chất lượng trứng còn rất tốt. Sau 35 tuổi, số lượng và chất lượng trứng suy giảm rõ rệt. Tất nhiên, vẫn có thể trữ trứng ở tuổi 35–37, nhưng hiệu quả sẽ không cao.

Dù là một kỹ thuật an toàn và hiệu quả, nhưng trữ trứng cũng không đảm bảo thành công tuyệt đối. Đúng là ở thời điểm hiện tại, nhờ khoa học phát triển, tỷ lệ trứng thụ tinh thành công cao hơn so với trước đây. Nhưng việc có thai còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chất lượng tinh trùng, kỹ thuật phòng lab, nội mạc tử cung và sức khỏe tổng thể của người mẹ.

Ở BV Hùng Vương (bệnh viện công lập đầu tiên tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn Quốc tế về chất lượng chăm sóc sức khỏe do tổ chức ACHS của Úc), tỷ lệ trứng tạo phôi có thể đạt 70–75%. Mỗi lần chuyển phôi, tỷ lệ thành công khoảng 60–70%, và sau 3 lần chuyển, tỷ lệ thành công cộng dồn có thể đạt đến 80–85%. Điều này đồng nghĩa với xác suất để một người phụ nữ có thể mang thai bằng trứng trữ đông là rất cao.

So với trước đây, việc trữ trứng hiện tại đã dễ tiếp cận hơn nhiều về mặt chi phí. Nếu cách đây 20 năm, trữ trứng gần như là “đặc quyền” của người có thu nhập cao, thì hiện nay, kỹ thuật phát triển, thuốc đa dạng hơn, đặc biệt là nhiều loại thuốc nội hiệu quả tốt, giúp chi phí giảm đáng kể. Thay vì phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng, phụ nữ giờ đây có thể hoàn tất một chu kỳ trữ trứng với mức đầu tư hợp lý hơn.

Hiện tại, việc trữ đông trứng có nhiều thuận lợi từ chi phí đến công nghệ y tế. (Ảnh minh họa).

Với những ai đang có ý định trữ đông trứng, bác sĩ Lộc đưa ra lời khuyên, nên chủ động giữ gìn sức khỏe từ sớm, ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, tránh rượu bia, không hút thuốc và duy trì cân nặng hợp lý.

Trữ trứng không đảm bảo chắc chắn 100% sẽ có con. Nó là một lựa chọn để giảm rủi ro, tăng cơ hội và giữ lại quyền chủ động trong một giai đoạn mà phụ nữ phải chạy đua với thời gian sinh học. Nếu một khoản tiền có thể giúp họ bớt lo lắng, không vội vã chọn sai người, không gấp gáp từ bỏ sự nghiệp mà vẫn giữ lại được phần tốt nhất của tuổi trẻ thì đó là một khoản đầu tư rất đáng giá.