Miền Bắc đón không khí lạnh bất thường, nhiệt giảm dưới 20 độ
Ông Vũ Tuấn Anh, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay (23/5), ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam.
Dự báo khoảng ngày 24/5, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến phía Đông Bắc Bộ. Từ khoảng ngày 25/5, không khí lạnh được tăng cường ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ. Trong đất liền gió chuyển hướng Đông Bắc cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3.

Miền Bắc đón không khí lạnh bất thường cuối tháng 5.
Từ ngày 24/5, Bắc Bộ trời mát. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ phổ biến từ 21-23 độ, vùng núi cao có nơi dưới 20 độ. Khu vực Hà Nội: trời mát. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến 22-24 độ.
Trên biển, từ ngày 24/5, ở Bắc vịnh Bắc Bộ, vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông gió chuyển hướng Đông Bắc cấp 4-5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động. Sóng biển cao 1,5 – 2,5m.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp nên từ đêm 23/5 đến đêm 24/5 ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc; mưa với cường suất lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị, khu công nghiệp. Gió mạnh và gió giật, sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.
Lại động đất 3.5 độ ở Điện Biên gây rung lắc
Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Các khoa học Trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam lại vừa phát đi thông báo động đất.
Theo đó, vào hồi 10 giờ 21 phút 53 giây ngày 23/5, một trận động đất có độ lớn 3.5 xảy ra tại vị trí có tọa độ (21.743 độ vĩ Bắc, 103.146 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Động đất xảy ra tại huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

Trận động đất gây rung lắc ở Điện Biên hôm 16/5.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Các Khoa học Trái đất vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này. Trước đó, ngày 16/5, một trận động đất có độ lớn 5.0 cũng xảy ra tại khu vực huyện Mường Chà của Điện Biên.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, khác với các trận động đất thường xuyên xảy ra ở Kon Tum (động đất kích thích), động đất ở huyện Mường Chà, Điện Biên là động đất tự nhiên. Điện Biên cũng như toàn bộ khu vực Tây Bắc là nơi có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên - Mường Lay, đứt gãy Sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu.
Động đất tự nhiên là động đất tại các vùng đứt gãy. Các đứt gãy sinh chấn vẫn hoạt động ở sâu trong lòng đất. Khi các đứt gãy này tích tụ đủ năng lượng thì phát sinh động đất. Động đất càng lớn thì chu kỳ lặp lại càng dài.
TS Nguyễn Xuân Anh cũng cho biết, Chính phủ quy định có 5 cấp độ rủi ro thiên tai do động đất. Rủi ro thiên tai cấp độ 2 là khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp 6 đến cấp 7, xảy ra ở khu vực nông thôn, khu vực đô thị.
TS Nguyễn Xuân Anh đề nghị người dân nơi đây cần đề phòng các trận động đất lớn có thể xảy ra bằng việc xây dựng các công trình, nhà ở cần đáp ứng yêu cầu về kháng chấn đã được Viện Vật lý địa cầu xây dựng và khuyến cáo.
TS Nguyễn Xuân Anh cũng đề nghị, tới đây cần có các nghiên cứu sâu hơn và cập nhật hơn về phân vùng rủi ro động đất cho các địa phương nhằm cập nhật và bổ sung bản đồ kháng chấn trên cả nước.
Từ đó, có khuyến cáo mới nhất cho các địa phương trong vấn đề xây dựng công trình. Ngoài ra, cần có hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng xử lý cho người dân khi gặp động đất.
Đò chở học sinh bị lật trên sông Mã
Theo đó, lúc 7h ngày 23/5, khoảng 10 học sinh ở thôn Chòm Mốt, xã Lương Trung, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đi đò qua sông Mã để đến trường học. Khi đò đã qua sông và cập bến, do các em chen nhau lên bờ khiến đò mất cân bằng và bị lật nghiêng. Rất may, tất cả học sinh và người lái đò đều lên được bờ an toàn.

Chiếc đò bị lật khi cập bến
Theo lãnh đạo xã Lương Trung, thôn Chòm Mốt có 136 hộ với 616 nhân khẩu. Trong đó khoảng 60 học sinh thường ngày phải đi đò ra trung tâm xã để học tập.
Chính quyền địa phương đã đóng chiếc đò bằng sắt, bố trí người lái đò để đưa người dân qua sông hàng ngày. Vào mùa mưa, nước sông Mã dâng cao, chảy xiết nên việc qua lại bằng đò rất nguy hiểm.
Nhiều năm qua, địa phương đã đề nghị cấp thẩm quyền xây dựng cây cầu cứng, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư.
Tạm giữ tài xế trong vụ tai nạn 2 người tử vong ở Thủ Đức
Clip hiện trường tai nạn
Liên quan vụ "tai nạn liên hoàn trước chợ đầu mối Thủ Đức, 2 người tử vong" đăng trên Báo Người Lao Động, ngày 23-5, Công an TP HCM đang tạm giữ Nguyễn Thanh Cường (34 tuổi, quê Lâm Đồng) để lấy lời khai, phục vụ điều tra.

Hiện trường tai nạn.
Hai nạn nhân được xác định là chị Đ.B.A (25 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và anh N.T.L. (34 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh).
Bước đầu xác định anh L. làm nghề chạy xe ôm công nghệ, chị A. làm công việc bán bánh. Trước lúc xảy ra tai nạn, anh L. nhận cuốc chở chị A. đi từ Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức) để về huyện Hóc Môn.
Khoảng 16 giờ ngày 22-5, dòng xe chạy trên đường Đỗ Mười (Quốc lộ 1 trước đây), hướng từ ngã tư Linh Xuân đi cầu vượt Bình Phước. Khi đến cổng chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, phường Tam Bình, 3 ô tô và 2 xe máy xảy ra va chạm liên hoàn.
Tai nạn liên hoàn khiến anh L. và chị A. tử vong tại chỗ, giao thông qua khu vực trên ùn ứ liên tiếp nhiều giờ.

Ùn ứ giao thông sau tai nạn.