Xử phạt công ty sản xuất hàng giả nhãn hiệu D-nee, Tauau

Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ H.V vừa bị xử phạt hành chính 180 triệu đồng vì sản xuất hàng loạt sản phẩm tẩy rửa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.

Cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ H.V do đã tổ chức sản xuất hàng giả.

Trước đó, ngày 17/5/2024, Lực Quản lý thị trường (QLTT) Hưng Yên phối hợp cùng các đơn vị chức năng kiểm tra đột xuất kho sản xuất, kho chứa hàng của TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ H.V, phát hiện công ty này đã sản xuất hàng giả với quy mô lớn gồm nước giặt, nước xả vải, nước rửa chén mang nhãn hiệu D-nee, Hygiene và Tauau tại các kho hàng, nhà xưởng nằm trên địa bàn huyện Ân Thi (cũ) và huyện Yên Mỹ (cũ), tỉnh Hưng Yên.

Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định ông L.N.T - Giám đốc Công ty H.V. đã sử dụng kiến thức, công thức pha chế để tổ chức sản xuất hàng loạt sản phẩm tẩy rửa mang nhãn hiệu nổi tiếng như D-nee, Hygiene và Tauau nhưng hoàn toàn không phải hàng chính hãng. Để hợp thức hóa sản phẩm giả, ông T. mua các mẫu sản phẩm thật để nghiên cứu thành phần, mẫu mã, nhãn mác rồi tiến hành pha chế bằng các loại hóa chất, hương liệu tại xưởng riêng. Bao bì, vỏ túi, thùng carton và tem nhãn đều được in sao chép y hệt mẫu thật nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Lượng tang vật thu giữ tại hiện trường rất lớn, gồm hàng trăm can nước rửa chén, nước giặt, nước xả vải cùng hàng ngàn vỏ bao bì, nhãn mác giả nhãn hiệu D-nee, Tauau. Toàn bộ số hàng này được đóng gói, dán tem giả, in thông tin nước ngoài, mã số mã vạch tương tự hàng thật trên thị trường.

Kho hàng của Công ty H.V/Ảnh DMS

Căn cứ kết quả điều tra ban đầu, nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, hồ sơ vụ án cùng toàn bộ tang vật đã được chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên.

Đến ngày 24/9/2024, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi "Sản xuất hàng giả" theo khoản 3 Điều 192 Bộ luật Hình sự, đồng thời khởi tố bị can đối với ông L.N.T – Giám đốc Công ty H.V và ông N.V.L (sinh năm 1993, trú tại tỉnh Hải Dương), áp dụng biện pháp ngăn chặn: cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tuy nhiên, một số tang vật trong vụ án do chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự nên ngày 19/5/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã có văn bản chuyển giao toàn bộ hồ sơ và tang vật liên quan đến Công ty H.V. cho Chi cục QLTT tỉnh Hưng Yên để xử lý theo quy định. Trên cơ sở này, Đội QLTT cơ động- Chi cục Quản lý thị trường QLTT tỉnh Hưng Yên đã khẩn trương tiếp nhận, tổ chức xác minh làm rõ hành vi vi phạm, thu thập tài liệu và chứng cứ phục vụ công tác xử lý hành chính.

Sản phẩm hàng giả/ Ảnh DMS

Sau khi hoàn tất xác minh, ngày 16/6/2025, Đội trưởng Đội QLTT Cơ động đã lập tờ trình đề nghị xử lý vụ việc vượt thẩm quyền lên Chi cục QLTT tỉnh Hưng Yên. Một ngày sau, Chi cục tiếp tục có tờ trình gửi Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ra quyết định xử phạt.

Đến ngày 19/6/2025, UBND tỉnh Hưng Yên chính thức ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1374/QĐ-XPHC, xử phạt Công ty HV số tiền 180 triệu đồng về hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Đồng thời, toàn bộ tang vật buộc phải tiêu hủy theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP.

Ngày 20/6/2025, Đội QLTT Cơ động đã triển khai thi hành quyết định xử phạt, mời ông L.N.T đến làm việc và trực tiếp giao quyết định, yêu cầu ông thực hiện tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm.

Nguyên liệu dùng sản xuất nước giặt tại hiện trường/Ảnh DMS

Đại diện Đội QLTT Cơ động cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ bám sát chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Hưng Yên, Sở Công Thương và Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, tăng cường kiểm tra, đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa nhằm đẩy lùi tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Mục tiêu là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Từ yến chưng giả của Tuấn Dương & TKT, hàng thật thế nào?

Tổ yến ngày càng được nhiều người ưa chuộng khiến tình trạng hàng giả xuất hiện tràn lan trên thị trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7, Chi cục QLTT tỉnh Phú Thọ đã phát hiện và tạm giữ 23.468 sản phẩm yến chưng của Công ty TNHH Yến sào Tuấn Dương & TKT có dấu hiệu không đạt chất lượng so với bản tự công bố sản phẩm.

Đội QLTT số 7 đã tiến hành lấy 8 mẫu yến chưng tại công ty này để kiểm định chất lượng. Kết quả hàm lượng protein chỉ đạt từ 18% đến 58%, trong khi hàm lượng lipid chỉ đạt khoảng 3% so với mức đã công bố trên nhãn sản phẩm.

Ngoài kem chống nắng giả, Athena Việt Nam còn sản phẩm gì?

Ngoài kem chống nắng giả, Athena Việt Nam còn sản xuất hàng chục sản phẩm khác. Liệu các sản phẩm này có đảm bảo chất lượng?  

Bộ Công an mới đây cho biết, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Athena Việt Nam do Đường Văn Thiết (sinh năm 1981, thường trú tại phường Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) làm Giám đốc có hành vi sản xuất mỹ phẩm giả.

Mỹ phẩm Athena được quảng cáo “tận mây xanh”

Bắt Giám đốc Công ty Athena Việt Nam sản xuất mỹ phẩm giả

Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Athena Việt Nam vừa bị khởi tố, bắt tạm giam vì tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả".

Ngày 2/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đường Văn Thiết (SN 1981, thường trú tại tổ 7, khu Thanh Xuân, phường Việt Trì, Phú Thọ) về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.

Qua công tác trinh sát, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Athena Việt Nam (địa chỉ tại lô 18 – 20, khu Đồi Măng, phường Thanh Miếu, tỉnh Phú Thọ) do Đường Văn Thiết làm Giám đốc, có hành vi sản xuất mỹ phẩm giả.