Hàng năm, vào ngày lễ Phật đản cùng với các nghi lễ của Phật giáo để tưởng nhớ đến ngày Phật đản sinh, các nhà chùa, tự viện và phật tử nhân dân tổ chức nghi lễ tắm Phật.
Theo Phật sử, khi Phật đản sinh trên trời có chín vị rồng tới phun hai dòng nước nóng lạnh tắm rửa cho Ngài. Cùng lúc ấy, chư thiên tung hoa trời, trỗi nhạc trời chúc mừng Thái tử. Về sau, lễ tắm Phật là một trong những nghi thức long trọng trong lễ hội kỷ niệm Phật đản.
![]() |
Lễ tắm tượng Phật gắn liền với Đại lễ Phật đản sinh. Ảnh: Đ.Tuỳ. |
Trao đổi với phóng viên, Sư thầy Thích Đàm Cúc (trụ trì chùa Khánh Ly, thôn Vỹ Khách, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) cho biết: "Tắm Phật trong ngày lễ Phật đản là để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Ngài đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau. Tắm Phật là tắm những phiền não ở trong lòng, gột rửa đi những sân hận để cho tâm được thanh lương mát mẻ hướng đến một đời sống an lạc".
![]() |
Nghi thức tắm tượng Phật có nhiều ý nghĩa khác nhau trong đời sống văn hoá con người. Ảnh: Đ.Tuỳ. |
Trước đây, lễ tắm Phật được tổ chức vào ngày 8/4 âm lịch. Đến năm 1950, Phật giáo thế giới thống nhất kỷ niệm Phật đản vào ngày 15/ 4 âm lịch. Do vậy, lễ tắm Phật cũng được thay đổi, tùy theo hoàn cảnh có thể tổ chức lễ này trong các ngày từ mùng 8 đến 15 tháng Tư âm lịch hàng năm.
![]() |
Vì sự tôn kính Đức Phật nên khi tắm Phật không dội từ đỉnh đầu, mà chỉ dội từ vai. Ảnh: Đ.Tuỳ. |
Ni sư Diệu Mơ cho rằng: "Cách tắm Phật thì tuỳ theo quan niệm của từng nơi, có nơi dội từ đỉnh đầu xuống, có nơi dội từ vai. Điều này không quy định, nhưng thông thường thì dội từ vai vì sự tôn kính Đức Phật nên không dám dội từ đỉnh đầu".
![]() |
Tắm Phật mang lại cho tâm hồn được thanh thản. Ảnh: Đ.Tuỳ. |
Đối với những ngôi chùa chưa có Thầy trụ trì cũng nên tổ chức làm lễ tắm Phật trong mùa Phật đản. Tuy nhiên, các phật tử và mọi người phải thành tâm, trang nghiêm và thanh tịnh thì lễ tắm Phật sẽ đem đến vô lượng công đức và pháp lạc cho toàn thể chúng sinh.