Trải qua biết bao thế hệ nhưng “nếp nhà” vẫn không thay đổi
Tuy mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh nhưng Nguyễn Thị Ngọc Tâm (35 tuổi, ngụ huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) - cô gái nhỏ nhắn với chiều cao chừng 1m đã vượt qua mọi rào cản về sức khỏe để âm thầm làm điều đặc biệt.
Nhìn thấy nhiều đứa trẻ hiếu học không được đến trường, cùng ước mơ thuở bé được đứng trên bục giảng, chị Tâm quyết định mở lớp học nhỏ với nguyên tắc “5 không” của mình: Không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án và không học phí.
Chớp mắt đã hơn 20 năm lớp học nhỏ được hình thành, nhiều thế hệ học sinh nay đã lên cấp THPT, có em được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi và sau này đỗ vào trường đại học danh tiếng. Tất cả sự thành công của những học trò giúp chị Tâm kéo dài hành trình ý nghĩa của mình. Song, hành trình ấy sẽ không trọn vẹn nếu không có sự đồng hành cùng gia đình nhỏ.

Một lớp học mà bài học lớn nhất không phải kiến thức trong sách vở mà là nghị lực sống và tinh thần lạc quan. Mà nơi nung nấu cho những điều tích cực ấy, chính là gia đình nhỏ của chị Tâm.
Theo lời tâm sự, hiện tại chị Tâm cùng bà ngoại, bố mẹ, anh trai cùng vợ và ba đứa cháu nhỏ quây quần sống chung dưới một mái nhà. Không chỉ đơn thuần là nơi ở, sinh hoạt mà còn là điểm tựa tinh thần vững chắc suốt hành trình cống hiến của người con gái mang thân hình bé nhỏ, ý chí phi thường.
Điểm đặc biệt trong nếp sống gia đình chị Tâm chính từ những bữa cơm đạm bạc nhưng dạt dào cảm xúc. Chị Tâm cho biết mâm cơm mỗi ngày là nơi các thế hệ cùng góp sức tạo nên sự gắn kết. “Bữa ăn không bắt đầu nếu chưa đủ mặt các thành viên. Người lớn, trẻ nhỏ, ai cũng có phần việc riêng từ nhặt rau, vo gạo, bày mâm… Ai cũng góp một tay, không phân biệt vai trò” - chị Tâm chia sẻ về nếp sống "cùng nhau" thực hiện đã dần trở thành “luật bất thành văn” của gia đình 4 thế hệ.

Chị Tâm chụp ảnh cùng gia đình.
Ngay cả lời mời cơm cũng được thực hiện theo vai vế, cháu nhỏ mời ông bà, con cháu mời bố mẹ rồi mới bắt đầu dùng bữa. “Đôi khi tôi đi công tác cả tuần, chỉ có thể ăn cơm nhà một, hai bữa nhưng tôi vẫn thấy đó là thời khắc quý giá nhất. Không khí ấm áp, tiếng cười nói và cả những câu chuyện giản dị của ông bà, bố mẹ hay các cháu. Đó chính là thứ gia vị không nơi nào có được” - chị Tâm xúc động chia sẻ.
Không chỉ thế, ở thời khắc giao thừa chuyển giao năm cũ và năm mới có một hoạt động của các thành viên trong gia đình chị Tâm nếu rõ về một nếp sống truyền thống rất đáng được lưu giữ.
Nếu những gia đình khác, họ sẽ cùng nhau xúng xính lên đồ, xuống phố đi xem pháo hoa hay các phần trình diễn nghệ thuật vào đêm cuối cùng của năm. Còn nhà chị Tâm lại có cách để cảm nhận không khí đầu xuân bằng cách cùng nhau có mặt tại nhà trước 22h và chuẩn bị những mâm cúng, bánh trái, sính lễ để dâng lên tổ tiên. Bên cạnh đó, cơ hội quây quần này còn giúp những thành viên có thể chia sẻ cảm xúc của chính mình, nhìn lại một năm đầy thăng trầm và gửi lời chúc đến nhau để một năm mới thuận lợi, suôn sẻ.
“Đó là truyền thống được lưu truyền từ các thế hệ đi trước mà đến nay cả nhà vẫn còn gìn giữ. Lý do đơn giản là vì các thành viên muốn trân trọng từng giây phút được ở bên nhau” - chị Tâm tâm sự.
Tuy 4 thế hệ cùng chung sống với nhau nhưng không tồn tại khoảng cách thế hệ. Từ bà ngoại cho đến các cháu nhỏ, mọi người đều cởi mở, hiện đại và chủ động sẻ chia. Chị Tâm bộc bạch: “May mắn là nhà tôi đông người nhưng các thành viên đều rất yêu thương nhau. Ai cũng giữ tinh thần tương thân tương ái, chủ động mà không ỷ lại, hỗ trợ nhau mà không ép buộc nhau theo một khuôn mẫu cố định”.
Cũng chính từ nếp nhà “cùng nhau thực hiện, cùng nhau quây quần bên mâm cơm, cùng nhau chia sẻ”, mà chị Tâm đã có được nền tảng vững chắc để tiến về phía trước, lan tỏa tình yêu thương đến những mảnh đời kém may mắn hơn.
“Dấu chân của mẹ” trên hành trình cô giáo xương thủy tinh
“Con đường con đi, mang theo dấu chân của mẹ” - chị Tâm tiết lộ mẹ là người dạy cho mình nhiều bài học không có trong sách vở, là người đồng hành trong mọi khoảnh khắc trong cuộc sống và hơn hết là một người bạn sẻ chia, thấu hiểu về cuộc sống khó khăn của một cô gái khiếm khuyết.

Trong mọi chuyến hành trình từ Bắc và Nam, mẹ chị Tâm lúc nào cũng kế bên quan tâm, chăm sóc cô con gái bé nhỏ.
Chị Tâm tiết lộ, mẹ từng là một người làm việc trong môi trường giáo dục nhưng đã quyết định gác lại giấc mơ và sự nghiệp của chính mình, để làm người nông dân, dành trọn thời gian chăm sóc đứa con mắc căn bệnh xương thủy tinh hiếm gặp.
“Từ lúc tôi còn bé, mẹ đã là người đưa đi khám bệnh, đưa đến trường. Sau này khi tôi công tác xa nhà, bắt đầu tham gia hoạt động xã hội, mẹ vẫn là người đồng hành thầm lặng, bất kể là những chuyến ra Bắc vào Nam. Mẹ còn nấu cơm cho học trò của tôi ăn nữa” - chị Tâm vừa cười, vừa nói.

Chị Tâm luôn nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia từ mẹ nên đã tiếp thêm động lực vượt qua khó khăn và cống hiến sức nhỏ của mình cho cộng đồng.
“Mẹ tôi không hay nói những câu yêu thương như nhiều người mẹ khác. Thế nhưng, mỗi hành động, sự âm thầm chăm sóc, ánh mắt lén nhìn tôi giảng bài cho đám học trò nhỏ, đều là cách mẹ nói: “mẹ yêu con”. Từ trước đến nay, mẹ không phản đối việc tôi mở lớp học thiện nguyện, trái lại còn truyền động lực cho tôi bước tiếp trên hành trình lan tỏa giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Tôi nhớ mãi câu nói của mẹ: Nếu con cảm thấy đủ sức, thì cứ tiếp tục. Mẹ sẽ đi cùng con” - chị Tâm chia sẻ về động lực để lớp học thiện nguyện sáng đèn trong suốt hơn 20 năm qua.
Chính từ sự ủng hộ đó, chị Tâm bắt đầu lớp học miễn phí đầu tiên cho trẻ em nghèo ở quê nhà. Dần dà, lớp học phát triển, duy trì suốt 21 năm qua, trở thành nơi chốn đặc biệt cho hàng trăm đứa trẻ thiếu điều kiện học hành. Dù chỉ là mái hiên, sân nhỏ hay góc nhà, những giờ học vẫn tiếp tục không ngơi nghỉ, bằng chính tình yêu thương và sự kiên định của cô giáo xương thủy tinh.
Theo chị Tâm, để thực hiện hóa ước mơ trở thành cô giáo, để lớp học được duy trì ,không chỉ nhờ sự cố gắng tự vươn lên của chính mình, mà còn đến từ những người xung quanh: “Có người hay bảo tôi có một nghị lực thép, ý chí kiên cường mới làm được điều phi thường như thế. Thật ra, nếu không có bố mẹ, đặc biệt là mẹ, thầy cô, bạn bè tin tưởng, động viên… thì giấc mơ trở thành cô giáo đã không thể thành hình. Lớp học của tôi không chỉ là kết quả của một người, mà là của cả một gia đình, cộng đồng cùng nhau vun đắp”.
Chúng ta đều biết cuộc sống không màu hồng như trong những giấc mộng hảo huyền hay trong sách vở. Mà cuộc bức tranh ghép từ nhiều mảnh màu: có sáng - có tối, có nhẹ nhàng - có dữ dội, nhưng ở giữa những mảng màu đó, vẫn có một gam duy nhất chưa từng phai, đó là màu của gia đình. Và Ngọc Tâm, người con gái “xương thủy tinh” vẫn lặng lẽ tỏa sáng bằng chính ánh sáng dịu dàng được chắt chiu từ tình thân, từ những mâm cơm gia đình luôn đầy ắp tiếng cười và từ một người mẹ không nói lời hoa mỹ nhưng yêu thương đến tận cùng.