Chia nợ

Vất vả mưu sinh nơi xứ người, ngày trở về, chị còn phải cắn răng chia đôi số nợ của chồng để được... thuận tình ly hôn.

Xin ly hôn, lòi ra nợ
Chị Thanh kể, chị và anh Nguyễn Thành Vinh (cùng ngụ Đông Hải, Bạc Liêu) kết hôn năm 2005. Thời gian đầu, dù nghèo khó nhưng hai vợ chồng luôn quan tâm, yêu thương, chăm sóc nhau. Năm 2008, anh trai chị Thanh gợi ý chị sang Hàn Quốc lao động. Do gia đình khó khăn, anh Vinh cũng động viên vợ đi để kiếm chút vốn, mai này về buôn bán. Ngang trái của gia đình chị đã bắt đầu từ đó.
Để có tiền học tiếng Hàn và hoàn tất các thủ tục, hai vợ chồng chị Thanh phải vay mượn xóm giềng và người thân hơn 100 triệu đồng. Trong đó, có 70 triệu đồng của anh trai chị cho mượn. Sang Hàn Quốc được sáu tháng, chị đã gửi tiền về nhờ mẹ ruột đưa cho chồng trả khoản nợ anh chị đã vay. Khoản nợ vay của anh trai chị, dần dà chị Thanh cũng trả xong. Thỉnh thoảng, chị còn gửi cho chồng một ít tiền tiêu vặt, sắm sửa vật dụng trong nhà.
Một thời gian sau, qua bạn bè, người thân, chị Thanh biết chồng mình ở nhà không lo làm ăn, mà từ ngày chị đi, anh sinh ỷ lại, suốt ngày tụ tập bạn bè rượu chè, cờ bạc. Gọi về hỏi chồng, anh chối phăng, còn trách móc vợ nghe lời người này người nọ không tin tưởng chồng. Biết mẹ ruột của chị mách chuyện con rể ăn chơi, Vinh còn đến nhà nặng nhẹ, bóng gió. Chị Thanh nhiều lần điện thoại về khuyên lơn chồng nhưng anh để ngoài tai. Từ đó, chị không gửi tiền về nữa. Khi về nước, thấy tình cảm vợ chồng không còn, chị làm đơn ly hôn nhưng Vinh không ký, thậm chí còn nghi ngờ, ghen tuông, đánh đập, chửi mắng chị.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Không thể chịu đựng được, chị Thanh nộp đơn lên Tòa án nhân dân huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đơn phương xin ly hôn. Trong phiên hòa giải, chị té ngửa với khoản nợ từ trên trời rơi xuống. Các chủ nợ nghe tin vợ chồng chị ly hôn đã rủ nhau đến tòa “quậy”, đòi trả nợ. Mỗi người chỉ vài ba triệu đồng nhưng cộng dồn lại đã lên đến gần cả trăm triệu đồng. Đã vậy, Vinh không thừa nhận khoản nợ trên là do anh ta vay mượn mà đổ hết cho chị Thanh, buộc chị phải trả nợ một mình. Các chủ nợ cũng nhắm vào chị đòi tiền vì biết chỉ chị mới có tiền trả. Khi chị phản ứng, họ la hét, chửi mắng, gây rối, khiến phiên hòa giải phải gián đoạn đến mấy bận.
Sống riêng, nợ chung
Giải thích về khoản tiền nợ, Nguyễn Thành Vinh kể, để có tiền lo cho vợ đi học tiếng Hàn, học nghề trước khi đi, hai vợ chồng đã thống nhất vay khoản nợ trên. Suốt 5 năm chị Thanh không gửi tiền về trả lãi và nợ gốc. Mỗi kỳ đến hạn trả lãi cho chủ nợ mà Vinh phải mượn nơi này lấp nơi kia, lãi mẹ sinh lãi con, từ 30 triệu đồng nay đã lên gần trăm triệu. Vinh yêu cầu chị Thanh muốn ly hôn thì phải một mình trả số nợ đó vì nó không liên quan đến anh ta. Vinh cũng không thừa nhận việc đã nhận tiền của chị Thanh gửi về cho anh ta trả nợ.
Chị Thanh tha thiết xin tòa xem xét lại, hai vợ chồng không có con chung, chị đi làm ăn xa gom góp, dành dụm. Những ngày tháng chị xa nhà, mỗi người tự bươn chải lo cho cuộc sống của mình. Anh Vinh ở nhà còn có ruộng đất của cha mẹ cho mượn canh tác nhưng anh không lo làm ăn, mà chơi bời sinh ra nợ nần. Theo chị, các khoản nợ này là do anh ta chi tiêu cá nhân trong khoảng thời gian chị không gửi tiền về cho anh.
Nói là vậy nhưng chị lại không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh đã gửi tiền cho anh trả nợ. Chị gửi tiền vào tài khoản của mẹ chị, bà thì không chứng minh được là đã giao tiền cho anh. Trong khi có mặt tại phiên tòa, các chủ nợ của số nợ 30 triệu đồng đều xác nhận số tiền cho mượn khi đó là cả hai vợ chồng đến nhận. Chị đi làm ăn xa, ở nhà anh có trả lãi hẳn hoi.
Tòa nhận định, khoản nợ được vay trong thời kỳ hôn nhân nhằm mục đích sử dụng cho nhu cầu chung của gia đình và chi phí cho việc chị đi xuất khẩu lao động. Nay chị Thanh không cung cấp được chứng cứ đã gửi tiền trả nợ nên tòa xét xử vợ chồng chị mỗi người phải có trách nhiệm trả phân nửa số nợ trên cho các chủ nợ. Nghe tòa tuyên bố, chị bật khóc, Vinh hả hê nhìn chị Thanh giễu cợt.
Chị ra về, từng bước chân nặng trĩu. Khoản tiền ít ỏi tích góp bao năm nơi xứ người, giờ phải đội nón ra đi theo hai tiếng “nợ chung”. Hỏi chị có kháng án không, chị lắc đầu chua xót: “Tiếc lắm, nhưng thôi… 12 bến nước, gặp phải bến đục nên đành chịu!”.

Lo sợ người yêu “ghen hiểm“

Người yêu em luôn ghen tuông vô cớ, đã đọc rất nhiều câu chuyện vì ghen tuông mà dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Em rất lo sợ.

Chị thân mến!

Em 23 tuổi, người yêu cũng bằng tuổi em. Chúng em yêu nhau từ hồi em đang học lớp 12 và bây giờ thì em đã ra trường được 1 năm.

Thật sự em rất yêu anh và em biết anh cũng vậy. Chúng em yêu nhau không gặp trở ngại gì từ phía gia đình. Nhưng anh luôn ghen tuông vô cớ. Trước đây em còn đi học thì có ghen nhưng ít. Bây giờ em đã đi làm, công việc của em là ở cơ quan Nhà nước nên không tránh khỏi việc giao tiếp.

Vì ghen tuông mà anh hành xử rất trẻ con, hễ có người gọi điện thoại cho em mà là con trai là anh ấy ghen, anh ấy còn đỗ lỗi là vì em dễ dãi nên người ta mới gọi điện mặc dù là gọi vì công việc. Những lúc không đi làm hay đi chơi với bạn bè em cũng vậy. Ví như đi đám cưới thì anh cũng kiểm soát, khi anh gọi điện là phải về ngay, điều này khiến em rất khó xử với bạn bè.

Anh đi làm ở Sài Gòn, em ở quê, mỗi năm anh về một hoặc hai lần. Nhà anh ấy cách nhà em khoảng 10km nhưng nếu anh về quê là hầu như ngày nào anh cũng ra nhà em chơi, anh ít đi chơi với bạn bè.

Trước đây anh ham chơi, phá phách vì anh là con út trong nhà. Nhưng anh nói từ khi yêu em anh đã thay đổi. Có lần cãi nhau anh còn đập phá điện thoại của em nữa. Em đang làm ở một cơ quan Nhà nước nhưng mới chỉ làm hợp đồng, còn anh thì không có việc làm ổn định.

Em cần thương nhau thật sự chứ không sợ nghèo khó. Tuy ở xa nhưng đi đâu em cũng nói với anh ấy vì em biết anh ấy rất ghét nói dối (nếu em có nói dối là anh làm rất lớn chuyện). Và vì em nghĩ đã yêu thì không có gì phải nói dối nhưng anh không bao giờ tin lời em nói.

Vì ở xa nên mỗi lần anh không cho em đi chơi nhưng em vẫn đi, vậy là anh cứ liên tục gọi điện, còn nhắn những lời thiếu tôn trọng, thậm chí còn chửi em là con đĩ này đĩ nọ.

Đôi lúc em không biết đây có phải là tình yêu không nữa. Em rất buồn mà không biết làm sao. Và vì em cũng yêu anh nên tha thứ cho anh nhiều lần. Sau mỗi lần ghen tuông là em không nói chuyện với anh, thế là anh xin lỗi.

Anh nói vì sợ mất em nên anh mới làm vậy, sau này cưới về rồi anh sẽ hết ghen. Anh nói mỗi lúc ghen là anh như trở thành người khác, cũng không biết vì sao anh lại hành động như vậy.

Bình thường anh rất thương và quan tâm em, đến nỗi bạn bè em cũng phải ghen tị và nói em là người hạnh phúc. Nhưng đôi lúc em lại không thể chịu đựng được tính khí ấy. Em nói chia tay thì anh năn nỉ để em quay lại và hứa sẽ cố gắng thay đổi. Có lần năn nỉ em không được, anh dọa là anh về quê ngay và lúc đó sẽ không biết chuyện gì sẽ xảy ra (theo em hiểu thì như là dọa giết).

Đã đọc rất nhiều câu chuyện vì ghen tuông mà dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Em rất lo sợ. Với em đi làm là quan trọng, nhưng anh nói sau khi cưới thì em ở nhà buôn bán với anh.

Nhưng em là chị cả trong một gia đình ba chị em, bố mẹ làm nông nên cũng nghèo mà đã nuôi em ăn học 3 năm trời. Bố mẹ rất kỳ vọng ở em, giờ em không muốn làm buồn bố mẹ. Phải làm sao để anh ấy tin em và bỏ cái tính ghen tuông vô cớ? Em nên tiếp tục yêu hay là chia tay, hở chị?

Chị đừng in e-mail của em.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Em thân mến!

Lá thư làm chị băn khoăn nhiều. Các em yêu sớm, cả hai lúc ấy 18 tuổi, chắc là mối tình đầu và là tình học trò hoa mộng. Em đi cao đẳng 3 năm, cậu ấy không học lên, đi làm và tình yêu tiếp tục trong cách trở. Và cậu ấy từng quậy quạng, phá tiền phá của vì là con trai út.

Nếu các em đi cùng con đường học vấn, chắc chắn tình hình đã khác. Chị biết nhiều cậu trai bỏ lỡ cuộc đời mình vì cha mẹ nuông chiều, có sẵn tiền nên hư sớm. Và vì không học lên để có tấm bằng (dù bằng cấp đâu quan trọng, có khi ra trường cũng thất nghiệp dài dài), nhưng đi học để tắm mình trong môi trường có thầy có cô, có bạn bè cao đẳng hoặc đại học.

Môi trường ấy rất khác với việc ở bên lề, nhìn bạn bè mình có tri thức và khi đã phải kiếm sống thì luôn ngậm đắng nuốt cay vì mình không bằng người ta.

Ở xa, thua thiệt em về vị trí xã hội, cậu ấy giở cái mánh ghen một cách ác liệt để hù và giữ em. Cũng có kết quả đó chứ. Em luôn bị kiểm soát và muốn yên thân thì hy sinh nhiều mối quan hệ công việc và bạn bè đi. Ấy là chưa kể cậu ta có máu ghen thật, như chàng Ô-ten-lô trong kịch Sếch-xpia ấy em biết không?

Ghen do máu ghen, ghen do làm quá lên vì hoàn cảnh, ghen do yếm thế… nhưng vì cái gì thì cũng là tính xấu. Và hành xử vậy mãi rồi thành tật, thành quen và thành nghiện. Nghiện vì mình điều khiển được vợ, nghiện vì mình có uy và nghiện vì nghiện, chẳng vì cái gì cả.

Em mới 23, còn qúa trẻ. Cậu ấy còn trẻ hơn, vì chỉ bằng tuổi em mà thôi. Lại ở quá xa, yêu và thương khi xa nó khác, về gần mà ghen kiểu ấy thì sớm muộn gia đình cũng tan. Tan vì bạo hành vợ, tan vì gia đình không còn thể diện gì, tan vì hết bạn bè, tan vì nguy hiểm rình rập mà vợ cảm thấy, hàng ngày. Nhất định cậu ấy sẽ ghen lâu dài và sẽ bắt em nghỉ việc công sở.

Có đủ yêu thương để kéo dài không? Nếu là chị, chị sẽ cắt. Để thoát ra một người không nghề nghiệp, có “tiền sự” quậy phá và ghen tuông bất chấp. Thương bố mẹ là phải nghĩ đến an toàn và tương lai của mình. Chị thấy em sợ và lo hơn là phục và yêu.

Nên cân nhắc kỹ và cẩn trọng với cái gã ghen hiểm và có thể, sẽ là ghen độc, ghen ác đấy nhá.

“Nhà chung” sau ly hôn

Cả hai không có chỗ ở mới cũng chẳng có khả năng ra ngoài thuê trọ, nên cuối cùng họ vẫn phải “chung nhà” dẫu chính thức ly hôn.

Sau bao nhiêu năm gồng mình chịu đựng, chị quyết định ly hôn, chấm dứt năm tháng đau khổ bên người chồng gia trưởng, độc đoán... Ngày ra tòa, anh ta nói không có chỗ ở mới cũng chẳng có khả năng ra ngoài thuê trọ. Về phía chị cũng thế nên cuối cùng họ vẫn phải “chung nhà” dẫu chính thức ly hôn.

Ly hôn xong, anh gọi thợ vào làm một vách ngăn chia đôi căn hộ 40 mét vuông. Một cánh cửa khác được mở ra, bên này chị đổi khóa cửa cũ. Họ chính thức tách khỏi nhau, khẳng định chủ quyền riêng. Hàng ngày chị đưa đón con tới trường rồi đến cơ quan. Về nhà, mẹ con ăn uống ngủ nghỉ không bị gò bó, chạy theo sở thích độc đoán của anh như trước đây. Bên kia, anh ngày ba bữa cơm bụi, sáng đi làm với bộ đồ nhàu nhĩ, tối khuya mới về nhà. Cuộc sống của hai người thay đổi thấy rõ, duy chỉ có con bé vô tư với thói quen cũ. Nó cứ chạy từ “nhà mẹ” sang “nhà bố” líu lo, bắt bố vẽ tranh, kể chuyện, đưa đi chơi. Trong mắt chị cảnh ly hôn nhưng vẫn chung nhà ấy ít ra cũng giúp con cái không phải chịu cảnh bố mẹ mỗi người một nơi.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Hai năm trôi qua, chị tìm được người đàn ông cùng cảnh ngộ yêu thương mình. Ngày đầu tiên dẫn người đó về nhà, chị nóng mặt khi “nhà bên” xuất hiện những tiếng động lạ, rồi tiếng chồng cũ gắt gỏng gọi con bé sang. Hôm ấy, anh ta dẫn con đi từ sáng đến tối khuya mới về mặc chị đứng ngồi không yên. “Lần sau anh đưa con về sớm…”, chị đón con bé đang ngủ gật gắt lên. “Về sớm để cho nó nhìn thấy cô hú hí với giai à”- anh ta hằn học. Chị ngỡ ngàng, đêm đó chồng cũ say rượu chửi đổng đến gần sáng. Cứ thế những ngày sau, mỗi lần thấy bóng người mới của chị đến là “nhà bên” lại vang lên đủ thứ âm thanh… cho đến một ngày, chị nhận được điện thoại của người mới. “Anh xin lỗi, chuyện tình cảm của chúng mình chắc không có kết quả…”. Tìm hỏi rõ ngọn ngành chị mới biết, chồng cũ yêu cầu anh chấm dứt chuyện tìm hiểu vì “vợ chồng tôi đang có ý định tái hợp lại”.

Lần thứ hai đón nhận tình cảm mới, chị nói hết hoàn cảnh. Người mới hứa sẽ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, kể cả rào cản từ “gã hàng xóm” đặc biệt. Biết người mới của chị “vô sản” vì khi ly hôn đã để lại hết tài sản cho vợ cũ nuôi con, chồng cũ mỉa mai “tưởng cô tìm thằng nào hơn tôi chứ…”. Người mới cũng nhận rõ sự bất cập của cuộc sống “nhà chung nhưng tình riêng” bàn với chị chuyển ra ngoài sống nhưng chị chần chừ. Chi phí ra ngoài thuê trọ khá đắt đỏ, vả lại sợ chuyển đi rồi phần tài sản này biết đâu sẽ bị chồng cũ chiếm luôn. Mặt khác, tình cảm của đứa con đối với bố quá khăng khít nên chị không nỡ chia rẽ… Thế là họ đành chấp nhận sống như vậy vài năm để dành dụm tiền “mua lại” nốt “nhà anh”. Thống nhất là vậy nhưng khi chuyển về sống chung, chị cảm nhận rõ sự cam chịu của chồng khi sống cảnh “chung nhà” với bố con bé.

Đêm nằm nghe tiếng hàng xóm say rượu văng tục bên kia bức vách, anh thở dài rồi nói. “Anh quyết định xin đi làm dự án ở bên Lào. Sau vài năm, anh sẽ kiếm được một số tiền kha khá để mua một căn hộ trả góp giá rẻ. Anh muốn mẹ con em được sống thoải mái hơn”. Chị ngập ngừng: “Trong thời gian anh đi, em cho thuê lại nơi này rồi tìm thuê một chỗ khác bên ngoài nhé. Em sẽ sắp xếp cho nó về thăm bố thường xuyên là được”. Tìm được giải pháp, chị thấy mình nhẹ lòng. Ngày mai, chị sẽ đăng tin cho thuê nhà.