Lo sợ người yêu “ghen hiểm“

Người yêu em luôn ghen tuông vô cớ, đã đọc rất nhiều câu chuyện vì ghen tuông mà dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Em rất lo sợ.

Chị thân mến!
Em 23 tuổi, người yêu cũng bằng tuổi em. Chúng em yêu nhau từ hồi em đang học lớp 12 và bây giờ thì em đã ra trường được 1 năm.
Thật sự em rất yêu anh và em biết anh cũng vậy. Chúng em yêu nhau không gặp trở ngại gì từ phía gia đình. Nhưng anh luôn ghen tuông vô cớ. Trước đây em còn đi học thì có ghen nhưng ít. Bây giờ em đã đi làm, công việc của em là ở cơ quan Nhà nước nên không tránh khỏi việc giao tiếp.
Vì ghen tuông mà anh hành xử rất trẻ con, hễ có người gọi điện thoại cho em mà là con trai là anh ấy ghen, anh ấy còn đỗ lỗi là vì em dễ dãi nên người ta mới gọi điện mặc dù là gọi vì công việc. Những lúc không đi làm hay đi chơi với bạn bè em cũng vậy. Ví như đi đám cưới thì anh cũng kiểm soát, khi anh gọi điện là phải về ngay, điều này khiến em rất khó xử với bạn bè.
Anh đi làm ở Sài Gòn, em ở quê, mỗi năm anh về một hoặc hai lần. Nhà anh ấy cách nhà em khoảng 10km nhưng nếu anh về quê là hầu như ngày nào anh cũng ra nhà em chơi, anh ít đi chơi với bạn bè.
Trước đây anh ham chơi, phá phách vì anh là con út trong nhà. Nhưng anh nói từ khi yêu em anh đã thay đổi. Có lần cãi nhau anh còn đập phá điện thoại của em nữa. Em đang làm ở một cơ quan Nhà nước nhưng mới chỉ làm hợp đồng, còn anh thì không có việc làm ổn định.
Em cần thương nhau thật sự chứ không sợ nghèo khó. Tuy ở xa nhưng đi đâu em cũng nói với anh ấy vì em biết anh ấy rất ghét nói dối (nếu em có nói dối là anh làm rất lớn chuyện). Và vì em nghĩ đã yêu thì không có gì phải nói dối nhưng anh không bao giờ tin lời em nói.
Vì ở xa nên mỗi lần anh không cho em đi chơi nhưng em vẫn đi, vậy là anh cứ liên tục gọi điện, còn nhắn những lời thiếu tôn trọng, thậm chí còn chửi em là con đĩ này đĩ nọ.
Đôi lúc em không biết đây có phải là tình yêu không nữa. Em rất buồn mà không biết làm sao. Và vì em cũng yêu anh nên tha thứ cho anh nhiều lần. Sau mỗi lần ghen tuông là em không nói chuyện với anh, thế là anh xin lỗi.
Anh nói vì sợ mất em nên anh mới làm vậy, sau này cưới về rồi anh sẽ hết ghen. Anh nói mỗi lúc ghen là anh như trở thành người khác, cũng không biết vì sao anh lại hành động như vậy.
Bình thường anh rất thương và quan tâm em, đến nỗi bạn bè em cũng phải ghen tị và nói em là người hạnh phúc. Nhưng đôi lúc em lại không thể chịu đựng được tính khí ấy. Em nói chia tay thì anh năn nỉ để em quay lại và hứa sẽ cố gắng thay đổi. Có lần năn nỉ em không được, anh dọa là anh về quê ngay và lúc đó sẽ không biết chuyện gì sẽ xảy ra (theo em hiểu thì như là dọa giết).
Đã đọc rất nhiều câu chuyện vì ghen tuông mà dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Em rất lo sợ. Với em đi làm là quan trọng, nhưng anh nói sau khi cưới thì em ở nhà buôn bán với anh.
Nhưng em là chị cả trong một gia đình ba chị em, bố mẹ làm nông nên cũng nghèo mà đã nuôi em ăn học 3 năm trời. Bố mẹ rất kỳ vọng ở em, giờ em không muốn làm buồn bố mẹ. Phải làm sao để anh ấy tin em và bỏ cái tính ghen tuông vô cớ? Em nên tiếp tục yêu hay là chia tay, hở chị?
Chị đừng in e-mail của em.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Em thân mến!

Lá thư làm chị băn khoăn nhiều. Các em yêu sớm, cả hai lúc ấy 18 tuổi, chắc là mối tình đầu và là tình học trò hoa mộng. Em đi cao đẳng 3 năm, cậu ấy không học lên, đi làm và tình yêu tiếp tục trong cách trở. Và cậu ấy từng quậy quạng, phá tiền phá của vì là con trai út.
Nếu các em đi cùng con đường học vấn, chắc chắn tình hình đã khác. Chị biết nhiều cậu trai bỏ lỡ cuộc đời mình vì cha mẹ nuông chiều, có sẵn tiền nên hư sớm. Và vì không học lên để có tấm bằng (dù bằng cấp đâu quan trọng, có khi ra trường cũng thất nghiệp dài dài), nhưng đi học để tắm mình trong môi trường có thầy có cô, có bạn bè cao đẳng hoặc đại học.
Môi trường ấy rất khác với việc ở bên lề, nhìn bạn bè mình có tri thức và khi đã phải kiếm sống thì luôn ngậm đắng nuốt cay vì mình không bằng người ta.
Ở xa, thua thiệt em về vị trí xã hội, cậu ấy giở cái mánh ghen một cách ác liệt để hù và giữ em. Cũng có kết quả đó chứ. Em luôn bị kiểm soát và muốn yên thân thì hy sinh nhiều mối quan hệ công việc và bạn bè đi. Ấy là chưa kể cậu ta có máu ghen thật, như chàng Ô-ten-lô trong kịch Sếch-xpia ấy em biết không?
Ghen do máu ghen, ghen do làm quá lên vì hoàn cảnh, ghen do yếm thế… nhưng vì cái gì thì cũng là tính xấu. Và hành xử vậy mãi rồi thành tật, thành quen và thành nghiện. Nghiện vì mình điều khiển được vợ, nghiện vì mình có uy và nghiện vì nghiện, chẳng vì cái gì cả.
Em mới 23, còn qúa trẻ. Cậu ấy còn trẻ hơn, vì chỉ bằng tuổi em mà thôi. Lại ở quá xa, yêu và thương khi xa nó khác, về gần mà ghen kiểu ấy thì sớm muộn gia đình cũng tan. Tan vì bạo hành vợ, tan vì gia đình không còn thể diện gì, tan vì hết bạn bè, tan vì nguy hiểm rình rập mà vợ cảm thấy, hàng ngày. Nhất định cậu ấy sẽ ghen lâu dài và sẽ bắt em nghỉ việc công sở.
Có đủ yêu thương để kéo dài không? Nếu là chị, chị sẽ cắt. Để thoát ra một người không nghề nghiệp, có “tiền sự” quậy phá và ghen tuông bất chấp. Thương bố mẹ là phải nghĩ đến an toàn và tương lai của mình. Chị thấy em sợ và lo hơn là phục và yêu.
Nên cân nhắc kỹ và cẩn trọng với cái gã ghen hiểm và có thể, sẽ là ghen độc, ghen ác đấy nhá.

Người tình lộ mặt thật

Chị đau khi biết rõ anh đang nói về chị, về người tình trong bóng tối bấy lâu vẫn được anh đưa lên tận mây xanh bằng những mỹ từ.

Tình cờ, chị đọc được mấy dòng comment của anh dưới một status trên facebook của bạn anh mà chắc anh không thể ngờ có lúc chị đọc được. Những con chữ cứ nhảy múa trước mắt chị như trêu ngươi. Chị thấy thất vọng tột cùng về anh – người đàn ông không phải chồng chị!

Bằng giọng điệu thô tục mà chị chưa bao giờ hình dung nổi một người có phong cách lịch thiệp, nhã nhặn khiến chị ngưỡng mộ bấy lâu như anh lại có thể thốt ra, dù chỉ qua những dòng bình luận trên mạng ảo. Anh “khoe” với bạn bằng giọng tự hào pha chút hợm hĩnh, lố bịch về một phụ nữ có chồng mà vẫn “mê” anh như điếu đổ, chẳng cần vận công tốn sức hay bất kỳ điều gì khác anh cũng có được cô ấy một cách dễ dàng, kiểu “tình cho không biếu không”. Có một số comment trao đổi qua lại giữa anh với bạn anh về chủ đề này, nhưng chính câu kết của nó mới thực sự là nhát dao kết liễu những tình cảm bấy lâu chị dành cho anh: “Tại không muốn thôi chứ mấy thứ này bây giờ ra đường tao hốt cả rổ!” Chị đau khi biết rõ anh đang nói về chị, về người tình trong bóng tối bấy lâu vẫn được anh đưa lên tận mây xanh bằng những mỹ từ như “vợ anh”, “con mèo ướt”, “thiên thần trong bóng đêm”…

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Anh làm việc cho một đối tác của công ty chị. Sau vài lần sang công ty chị giao dịch, anh bắt đầu để ý đến chị. Từ nhắn tin với nội dung liên quan đến công việc, về sau mức độ “lạc đề” tăng dần. Chị không phải tuýp phụ nữ dễ xao lòng dù vẫn có không ít đàn ông công khai lẫn ngấm ngầm tăm tia chị - một phụ nữ “hai lửa nhưng vẫn còn ngon cơm” như cách tếu táo của mấy cô bạn thân. Thế nhưng không hiểu sao, với anh, chị thấy mình bị quyến rũ bởi một lực hút vô hình nào đó thật khó cưỡng. Anh không đẹp trai nhưng nét mặt cùng phong thái cư xử thật lịch thiệp, nam tính. Anh không tán tỉnh chị, cũng không vồ vập săn đón một cách lộ liễu như bao người đàn ông khác mà chỉ bày tỏ tình cảm một cách thâm trầm, kín đáo. Chị hiểu và không bắt bẻ anh vì cả hai đã chẳng còn tự do cũng như không thể lý giải được tại sao họ bị cuốn vào nhau trong khi cả hai đều có một gia đình dẫu không hoàn mỹ nhưng cũng chẳng có khiếm khuyết gì đáng để cho là nguyên do để họ đi tìm tình cảm ở người khác.

Cứ thế, trong suốt hai năm trời, chị lén lút qua lại với anh, phần vì không muốn ảnh hưởng đến công việc, phần cũng không ai muốn đánh đổi gia đình. Họ ngầm thoả thuận đây chỉ là mối quan hệ để “bổ sung” cho những gì họ không tìm thấy ở người bạn đời của mình. Anh trong chị, không chỉ là tình yêu dành cho một người tình mà còn là sự ngưỡng mộ dành cho thần tượng của mình. Vậy mà, chỉ trong phút chốc, khi chiếc mặt nạ tưởng chừng thật hoàn hảo kia rơi ra, mọi hình ảnh đẹp đẽ về anh như bị xé nát. Chị bẽ bàng, ê chề với câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu như cái bóng ma: chị là gì trong cái “rổ” mà anh dễ dàng “hốt được ngoài đường” kia?

Chị chưa biết chọn lý do gì để nói với anh. Bảo chị đã hết yêu chắc chắn anh sẽ không tin. Còn bảo chị muốn rút lui vì tự trọng ư? Có khi anh sẽ cười thầm trong bụng vì chính chị đã tự rũ bỏ cái món xa xỉ ấy kể từ khi bước vào mối quan hệ này. Cũng có khi chẳng cần viện một lý do nào đó cho có vì rồi anh cũng sẽ hiểu thôi, chị tin thế! Hoặc cũng có khi không cần chị rút lui trước thì biết đâu chẳng có lúc anh rũ bỏ chị không thương tiếc, như cái cách anh ngạo mạn khoe khoang với người bạn kia? Chị thấy mình thật dại dột, ngu ngơ ngay cả khi đã ở bên kia con dốc cuộc đời.

Cũng may, người chồng mà chị từng cho là cục mịch, vụng về, khô khan kia vẫn chưa biết chuyện. Nếu không, không biết có còn lối về cho chị hay không?…

Phụ nữ là một bí ẩn của tạo hóa

Nói “bí ẩn” nghe có vẻ sách vở, thực tế vẫn nghe than phiền rằng các bà “phức tạp quá”, hoặc các bà đang “phức tạp hóa” vấn đề.

Phụ nữ là một bí ẩn của tạo hóa, bí ẩn đến mức nhiều khi không thể hiểu nổi. Bao nhiêu giấy mực văn chương, bao nhiêu sự kiện lịch sử đã thăng trầm theo cái bí ẩn ấy. Sự thật là, dù các chị em có thể nói chuyện suốt ngày, thở than kể lể rất nhiều, các sự kiện vẫn không vì thế mà đơn giản hơn, sáng rõ hơn. Nói “bí ẩn” nghe có vẻ sách vở, thực tế vẫn nghe than phiền rằng các bà “phức tạp quá”, hoặc các bà đang “phức tạp hóa” vấn đề.

Đây là một sự phức tạp: “Em vừa sinh con gái, được hơn một tháng tuổi. Bé đầu cũng là con gái. Gia đình chồng em không quan tâm đến cháu, nhưng lại muốn đặt tên cho cháu, chồng em thì hoàn toàn theo ý ba mẹ. Em thích con gái có chữ “thị”, gia đình chồng em không muốn. Ông bà chỉ muốn có cháu trai thôi. Tại sao em sinh con ra mà không được đặt tên con theo ý mình? Mấy hôm nay em rất buồn, nhiều lần nghĩ đến việc ly hôn…”.

Còn đây là một cách giải quyết phức tạp: “Em lập gia đình nhưng hai mẹ con vẫn ở nhà ông bà ngoại, đến nay đã hai năm. Chồng em đi làm xa nhưng tiền bạc không thấy mang về. Lo ngại anh có người khác, em giục chồng phải dành dụm để mua nhà, ra riêng, nhưng chồng em chỉ ừ ừ rồi thôi. Sau nhiều lần nhắc nhở không kết quả gì, em tự ý vay tiền mua một miếng đất. Không ngờ, miếng đất thuộc diện giải tỏa không làm được giấy tờ. Giờ em cũng không biết tính sao, chồng em rất giận nên mấy tháng nay không về…”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Một kiểu phức tạp khác: “Tôi nghi ngờ chồng tôi có người khác. Điều làm tôi buồn nhất là cách ông ấy đối xử với tôi. Cả ngày vợ chồng không nói với nhau câu nào, đi làm về thì coi ti vi hay đi chơi rồi ngủ. Ông ấy còn hay cáu. Ngày trước, chuyện gì tôi nói ông ấy cũng nghe có trước có sau, nhưng giờ nhiều lần ông ấy nghe lời người khác về nhà mắng chửi tôi. Tôi buồn lắm. Cứ nghĩ đến lúc họ cần mình thì mình đến, mà sao lúc mình cần họ thì họ lại quay đi. Tôi có nên dọn hẳn sang nhà con trai ở, để ông ấy sống một mình cho ông ấy thấm thía…”.

Thế đấy, trẻ có sự phức tạp của trẻ, già có sự phức tạp của già, nghèo cũng tâm tư mà có của ăn của để cũng tâm tư. Bản thân những vấn đề của gia đình đã phức tạp, lại càng bị làm cho rối rắm thêm vì cách nghĩ vơ hết mọi chuyện vào mình, liên tưởng triền miên, kết dính chuyện này với hàng loạt những chuyện khác.

Trong tất cả các trường hợp, những người trong cuộc luôn mong muốn các nhà tư vấn sẽ đưa ra cho mình được giải pháp “khác thường”, “đặc biệt” nào đó và cơ bản là có thể giải quyết được ngay vấn đề họ đang gặp phải. Trả lời câu hỏi “tại sao” của phụ nữ thường không đơn giản, vì mỗi một câu trả lời luôn có nguy cơ kéo theo một câu hỏi “tại sao” nữa.

Thật ra, các giải pháp thường rất đơn giản nhưng chẳng có giải pháp nào có thể giải quyết được vấn đề ngay lập tức.

Đừng đi tìm những giải pháp ở bên ngoài ngôi nhà của mình. Những giải pháp thường có sẵn ngay trong nhà mà bạn không biết đó thôi. Hãy tách vấn đề thành từng chuyện nhỏ riêng biệt và giải quyết từng chuyện, đừng vò cho cuộn chỉ đã rối còn rối thêm. Hầu như trong tất cả mọi trường hợp, giải pháp đầu tiên vẫn là trò chuyện, trao đổi. Hãy nói rõ mong muốn của mình, đồng thời tôn trọng mong muốn của người khác. Đừng phủ định sạch trơn, đừng phỏng đoán và làm theo phỏng đoán, đừng định kiến…

Lời tham vấn có thể cần thiết, giải pháp mà tư vấn viên đưa ra có thể là rất tốt, nhưng người thực hiện giải pháp đó mới là điều quan trọng. Cùng một giải pháp nhưng có thể gỡ rối được chuyện này mà không gỡ được chuyện kia. Vậy nên, hãy coi chính bản thân mình đã là một phần rất quan trọng của giải pháp, lần lượt bước từng bước một, gỡ từng việc. Một quyết định như ly hôn hay ly thân không phải là giải pháp, chỉ là một cách đối phó mà thôi.

Do không quan tâm đến tính lâu dài của giải pháp, chị em thường không đủ kiên nhẫn để theo đuổi một cách làm nào đó trong thời gian dài. Thử một lần không được, thay vì cần thử lần hai, lần ba, chị em thường bỏ cuộc. Điểm yếu của phụ nữ là quá lệ thuộc vào cảm xúc, dễ bị cảm xúc đẩy đi chệch hướng. Sau một lần thấy không kết quả gì, chị em nản lòng, lại hỏi “có cách nào để...”, rồi phân bua “tôi đã làm rồi, tôi đã có thử rồi, nhưng…”.

“Đơn giản - đó chính là sự phức tạp đã được giải quyết”. Tuy nhiên, sống đơn giản không dễ dàng gì và cũng không mấy phù hợp với bản chất người phụ nữ. Thôi thì, phụ nữ hãy vẫn cứ bí ẩn, cứ phức tạp, nhưng nếu “đụng chuyện”, hãy tự nhắc mình điều đầu tiên là phải nhìn nhận sự vật đơn giản như chính bản thân nó, để tìm một giải pháp đơn giản, dễ thực hiện và kiên trì với giải pháp đó cho đến khi mọi chuyện trở nên đơn giản hơn…