Mới đây, câu chuyện về bé gái co giật, tim đập nhanh nguy kịch tính mạng được lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) mở đường đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu kịp thời nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Theo đánh giá của các bác sĩ, chính sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng chức năng và ngành y tế sẽ hạn chế được những biến chứng không mong muốn ở trẻ.
BSCK II Lê Sỹ Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với trường hợp bé gái trên, ngay sau khi được đưa đến viện, ê kíp cấp cứu tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai đã nhanh chóng triển khai cấp cứu như đánh giá nhanh tình trạng, cho cháu thở oxy ngay, tiếp cận các đường truyền, đánh giá chức năng tim phổi để tiến hành hỗ trợ... đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cháu.

Khi phát hiện bé gái bị co giật, lực lượng CSGT nhanh chóng mở đường đưa trẻ đến viện cấp cứu.
Qua khai thác bệnh sử khi nhập viện, các bác sĩ được biết, trước đó, trẻ có các triệu chứng như co giật, tim đập nhanh. Dựa trên các dấu hiệu lâm sàng và lời kể của mẹ cháu bé, các bác sĩ sơ bộ nghĩ nhiều đến khả năng cháu bị co giật có thể là bệnh động kinh. Tuy nhiên, cũng cần tiếp tục theo dõi và đánh giá thêm để loại trừ các bệnh lý khác như viêm màng não, bệnh lý tim mạch, hoặc các rối loạn chuyển hóa.
Sau quá trình cấp cứu và điều trị, bé gái đã tỉnh táo, sinh hoạt bình thường. Các bác sĩ theo dõi thêm 1-2 ngày để đánh giá lại chẩn đoán và có phương pháp điều trị thích hợp nhất cho cháu. Tiên lượng dài hạn cho sức khỏe của cháu là rất tốt nhờ được cấp cứu kịp thời. Sau 3 ngày điều trị, trẻ đã được xuất viện khỏe mạnh, tuy nhiên vẫn cần phải được theo dõi và tái khám định kỳ để đảm bảo cháu sẽ không bị tái phát cơn co giật.
Cảnh báo về sự nguy hiểm ở trẻ bị co giật, bác sĩ Hùng cho biết, trẻ co giật thường gặp ở các cơn ngắn, thường thoát cơn nhanh dưới 1-2 phút thì độ nguy hiểm ít hơn. Còn lại các trường hợp co giật kéo dài trên 5 phút thì độ nguy hiểm tăng lên. Nếu cấp cứu không kịp thời rất dễ dẫn đến tình trạng thiếu oxy não kéo dài, gây tổn thương não, thậm chí ngừng tim, ngừng hô hấp. Lúc này, tính mạng trẻ bị đe dọa nghiêm trọng. Nếu có cấp cứu thành công thì hậu quả về trí não cũng sẽ ảnh hưởng xấu sau này.

Nhờ sự giúp đỡ của lực lượng CSGT, bé gái hiện đã an toàn và được xuất viện khỏe mạnh. Ảnh: BSCC.
“Với trường hợp bé gái trên, nếu không có sự hỗ trợ của CSGT chúng tôi không dám chắc điều gì sẽ xảy ra. Việc cấp cứu kịp thời ở đây là vô cùng quan trọng, có thể nói là quyết định đến tính mạng và sức khỏe sau này của trẻ. Nhờ được cấp cứu kịp thời, cháu sẽ gần như không có tác động xấu gì về sức khỏe sau này, chúng ta có thể trả lại cho cháu một sức khỏe gần như bình thường", bác sĩ Hùng chia sẻ.
Từ trường hợp trên, bác sĩ Lê Sỹ Hùng khuyên, các bậc phụ huynh nên sát sao với các cháu để phát hiện các biểu hiện bất thường và nhanh chóng cho bé đến các bệnh viện khám và đánh giá về bệnh của cháu.
“Trong những tình huống khẩn cấp cần vận chuyển cấp cứu, nếu gặp trường hợp bất trắc trong cuộc sống, trong các tình huống giao thông, nếu khi có vấn đề về sức khỏe cần nhờ lực lượng chức năng như CSGT, hay quân đội để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất”, bác sĩ Hùng khuyên.