Mang thai một em bé vốn đã là một hành trình gian nan. Vậy nếu một người phụ nữ bất ngờ mang thai tới... bốn đứa trẻ cùng lúc thì sao? Đó không phải điều kỳ diệu, mà là cuộc chạy đua nghẹt thở giữa sự sống và cái chết, ẩn chứa nhiều rủi ro, hiểm họa. Và cuộc chiến ấy đã xảy ra ngay tại Trung Quốc với một cái kết có hậu nhờ sự can thiệp kịp thời của các chuyên gia y học hàng đầu tại đây.
Mang thai tự nhiên 4 bé, hạnh phúc đi kèm với hiểm họa
Hồi tháng 2/2025, chị Lưu, một nhân viên y tế sống tại Thâm Quyến (Trung Quốc) phát hiện mình mang thai bốn em bé một lúc, hoàn toàn tự nhiên. Nghe thì có vẻ là điều kỳ diệu, nhưng với giới chuyên môn, đây là một "báo động đỏ".
Các bác sĩ nhanh chóng xác định: thai A có túi màng riêng, trong khi ba thai B, C, D cùng dùng chung một túi màng và một bánh nhau, dẫn đến việc phân chia dinh dưỡng không đều, thai B nhỏ nhất, thai C vừa, thai D to nhất.
Là người có chuyên môn, chị Lưu hiểu rõ rủi ro lớn mà bản thân đang gặp phải: Có thể sinh non, sảy thai, biến chứng nặng cho cả mẹ lẫn con. Giải pháp bắt buộc hiện nay đó chính là giảm thai, một sự lựa chọn khó khăn đối với người mẹ trẻ nhưng là điều cần thiết.

Hình vẽ về tình trạng 4 thai nhi của sản phụ.
Hành trình đảm bảo an toàn đầy khó khăn
Trong quá trình kiếm tìm cơ sở y tế có phương pháp giảm thai từ 4 xuống 2 tại Trung Quốc đại lục, chị Lưu phát hiện phần lớn các địa chỉ này chưa có kinh nghiệm, nhất là với trường hợp "một bánh nhau ba thai" cực hiếm này.
May mắn thay, một người bạn ở Bắc Kinh đã giới thiệu chị về Giáo sư Lương Đức Dương, chuyên gia y học thai nhi hàng đầu thuộc Đại học Trung văn Hồng Kông (Trung Quốc), hiện đang hợp tác với Bệnh viện Phụ sản & Nhi đồng quận Bảo An, tỉnh Thâm Quyến.
Sau khi siêu âm kỹ lưỡng, nhóm chuyên gia xác định đây là ca phức tạp: do 3 thai B/C/D chia sẻ một hệ mạch máu bánh nhau, chỉ cần một bé gặp sự cố, hai bé còn lại có thể bị ảnh hưởng theo. Phương án đưa ra đó là giảm thai hai lần, ưu tiên loại bỏ thai nhỏ nhất, thai B.
Hai lần phẫu thuật "nghẹt thở" giữ lại thành công 2 bé khỏe mạnh
Vào ngày 4/6, ca giảm thai lần 1 được thực hiện bằng kỹ thuật đốt sóng cao tần (RFA), do chính Giáo sư Lương thực hiện, loại bỏ thành công thai B.
10 ngày sau, đội ngũ bác sĩ chuẩn bị giảm tiếp thai D như kế hoạch, nhưng siêu âm cho thấy thai C đã nhỏ hơn đáng kể, nên nhóm chuyên gia quyết định đổi hướng, loại bỏ thai C để có kết quả tốt hơn.

Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công.
Đáng chú ý, giảm thai C đòi hỏi phải chọc xuyên qua màng ối thêm một lần nữa, yêu cầu cực kỳ chính xác để không ảnh hưởng đến các thai còn lại. Với sự phối hợp nhịp nhàng, cả hai lần phẫu thuật đều thành công.
Hiện thai phụ đã giữ lại thai A và D, hình thành một ca song thai hai bánh nhau, cấu trúc thai kỳ an toàn hơn rất nhiều. Sau hậu phẫu theo dõi sát sao, chị Lưu đã xuất viện với sức khỏe ổn định, cả hai bé còn lại đều phát triển tốt.
Có thể nói rằng, ca phẫu thuật không chỉ thành công về mặt kỹ thuật mà còn là minh chứng cho sự phối hợp quốc tế giữa chuyên gia Hồng Kông và bệnh viện đại lục. Với kỹ thuật can thiệp hiện đại và phán đoán kịp thời, sản phụ đã vượt qua cửa ải sinh tử, giữ lại được hai thiên thần nhỏ.