Người xưa có câu: “Việc chậm thì tròn, người chậm thì an, lời chậm thì quý”.
Trên đời này, quá nhiều chuyện không thể vội vàng mà nên từ tốn, bình tĩnh đối phó mới có thể vẹn toàn, viên mãn. Đã bao lâu rồi, mỗi người chúng ta đều hối hả trên đường, vội vàng làm việc, nói năng không kịp nghỉ, lo sợ chậm một bước sẽ mất đi quá nhiều. Nào ngờ, kết quả lại phản tác dụng, thậm chí còn liên tục gặp trắc trở, cuối cùng mới chợt nhận ra quá nhanh chưa chắc đã là điều tốt.
Đúng như câu nói "dục tốc bất đạt", việc có thể chậm lại mới là cách tu dưỡng bản thân tốt nhất. Cái "chậm" ở đây thực sự không phải trì trệ mà là sự ung dung, điềm tĩnh; không phải là lơ là, chểnh mảng, mà là sự suy nghĩ kỹ lưỡng; không phải là hèn nhát lùi bước mà là tích lũy để bùng nổ.
Sống trong hiện tại, đặc biệt là trong nhịp sống nhanh này, chúng ta càng nên để mình chậm lại, khi đó phúc khí sẽ ngày càng nhiều. Nhớ rằng, cách tốt nhất để một người tự "hưng thịnh" cho bản thân gói tròn trong một chữ: “chậm”.

1. Lời nói chậm lại, tình cảm chân thành
Có đoạn văn viết rằng: “Nói chuyện chưa bao giờ là dễ dàng. Ngày nào cũng nói, chưa chắc đã biết nói; nhiều người đã nói cả đời nhưng chưa nói được mấy câu tử tế”.
Có người nói nhanh nói thẳng, tưởng là thật thà chất phác nhưng không biết rằng lời nói có lưỡi dao, vô tình làm tổn thương người khác. Khi bạn có thể nói chậm lại, lời nói không chỉ đi đúng trọng tâm, không mắc lỗi "nói dài nói dai nói dại" mà còn khiến ngôn từ của bạn thêm chân thành và có trọng lượng.
Những lời nói chậm rãi như món canh hầm lửa nhỏ, đã mất đi vị chát thô ráp, lắng đọng lại chất vị ấm áp. Khi tranh cãi với người khác, nếu có thể kìm nén những phản bác sắp tuôn ra, từ tốn nói câu "Để tôi suy nghĩ thêm về ý của bạn" thì mâu thuẫn sẽ không leo thang trong cuộc khẩu chiến mà ngược lại còn mở ra không gian cho sự thấu hiểu.
Khi an ủi người khác, một câu nói chậm rãi "Tôi biết bây giờ bạn đang rất khó khăn" với sự ngừng nghỉ của đồng cảm, bạn sẽ chạm đến trái tim đối phương hơn nhiều so với câu "Đừng buồn nữa" được nói vội vàng. Bởi trong cái "chậm" ấy ẩn chứa sự trân trọng "Tôi sẵn lòng ở bên bạn để cảm nhận cảm xúc này".
Nói chậm lại còn là sự hòa giải với chính mình. Khi không còn vội vàng chứng minh quan điểm, bạn sẽ giảm bớt sự thúc giục của lo lắng; khi bạn không còn dùng lời lẽ thao thao bất tuyệt để che giấu bất an, bạn sẽ thêm sự tự tin từ bên trong.
Cũng giống như "khoảng trống" khi viết văn, sự ngừng nghỉ trong lời nói chậm rãi vừa thể hiện sự tôn trọng người nghe, vừa là sự tự vấn về cách diễn đạt của bản thân, rằng mỗi chữ đều được sàng lọc từ tâm, mỗi câu đều mang hơi ấm của sự chân thành. Khi đó, lời nói không còn là sự biểu đạt tùy hứng mà là hạt giống có thể bám rễ, nảy mầm sự thấu hiểu và tin cậy trong lòng nhau.

2. Hành động chậm lại, vững vàng tiến xa
Có câu: “Dục tốc tắc bất đạt”.
Trên đường đời, việc mù quáng theo đuổi sự vội vã chưa chắc đã dẫn đến thành công mà chỉ khiến bạn ngày càng xa rời mục tiêu của mình. Chỉ khi để bản thân chậm lại, từng bước một, đi thật vững chắc, thật ổn định, đó mới là cách tiến về phía trước nhanh nhất, chắc chắn giúp bạn đi vững và đi xa.
Trong cuộc sống thực, những người vội vàng cầu thành công luôn muốn bỏ qua giai đoạn gieo hạt, gánh nặng tưới tiêu và muốn thu hoạch quả ngay lập tức. Nhưng họ quên rằng sự phát triển của cây cối có nhịp điệu riêng, đốt cháy giai đoạn chỉ phản tác dụng.
Trong khi đó, những người sẵn lòng chậm lại sẽ tĩnh tâm ở mỗi giai đoạn. Khi học không ham nhiều ham nhanh mà từng bước vượt qua khó khăn, kiến thức sẽ bén rễ trong tâm trí; khi làm việc không qua loa đại khái, bạn sẽ nghiêm túc đối xử với từng chi tiết, ngày càng đúc kết được nhiều kinh nghiệm qua thực tiễn.
Cái "chậm" trên hành trình này không phải sự lười biếng mà là sự tiến bước vững vàng có suy nghĩ. Giống như dòng sông uốn lượn chảy, tưởng chừng đi đường vòng nhưng thực chất lại tránh được ghềnh đá hiểm trở, cuối cùng cũng đến được biển cả bao la.
Khi hành động mang một màu sắc trầm ổn, mỗi bước đi đều vững chãi thì dù gặp mưa gió ta cũng sẽ không dễ bị lệch hướng. Cái "chậm" trên đường đời cho phép chúng ta có thời gian sửa chữa sai sót, có tâm lực chống lại cám dỗ và giữ được nhịp điệu của riêng mình giữa những bộn bề thế sự.
Những khoảnh khắc tưởng chừng chậm rãi đó thực chất là tích lũy sức mạnh cho những bước nhảy vọt của ngày mai. Khi sự tích lũy đủ sâu sắc, bạn sẽ bất ngờ bùng nổ năng lượng đáng kinh ngạc, đưa bạn đến với những cảnh đẹp nhất.

3. Cuộc sống chậm lại, phúc sâu tâm an
Nếu cuộc sống quá bận rộn, căng thẳng, con người sẽ thêm phiền não, tâm trí mệt mỏi. Chỉ khi để mình chậm lại, tìm thấy nhịp điệu sống phù hợp với bản thân, bạn mới có thể hưởng phúc sâu, tâm an.
Những khoảng trống bị nhịp sống nhanh làm mất đi, ẩn chứa hương vị chân thật nhất của cuộc sống. Chẳng hạn như hoa trên ban công từ từ nở, đọc từng chữ trong sách, từ tốn trò chuyện cùng người thân… những khoảnh khắc tưởng chừng "lãng phí" ấy thực ra đang âm thầm ủ nên vị ngọt của sự bình yên.
Bước chân quá vội vàng sẽ giẫm nát phúc khí trên con đường hối hả. Giống như bỏ lỡ hoàng hôn khi vội vã đi đường hay bỏ qua ánh sao khi tăng ca, tưởng chừng nắm bắt được hiệu suất nhưng lại đánh mất bến đỗ cho trái tim.
Còn những người sẵn lòng chậm lại, họ hiểu cách tìm thấy chất thơ trong những điều bình dị nhất. Khi lau bàn, họ để ý đến vết nắng chảy trên thớ gỗ; khi đi dạo, họ cúi xuống nhặt một chiếc lá rụng có hình dáng kỳ lạ. Những khoảnh khắc tưởng chừng vụn vặt này sẽ như những dòng suối nhỏ, tụ hội thành đại dương bình yên trong tâm hồn.
Cái "chậm" trong cuộc sống không bao giờ là sự trốn tránh thực tại mà là sự hòa giải với chính mình. Đó là không ép buộc bản thân chạy đua trên đường đời xô bồ, cho phép mình thỉnh thoảng dừng lại để thở; không đòi hỏi mọi việc phải hoàn hảo không tì vết mà chấp nhận cuộc sống vốn có nắng mưa.
Khi ánh mắt có thể thong thả dừng lại ở từng bữa cơm, từng khoảnh khắc bình dị thì sự thư thái lan tỏa từ khóe mắt, bờ môi chính là món quà quý giá nhất của cuộc sống này. Lúc đó, ta nhận ra phúc sâu tâm an chưa bao giờ là điều xa vời mà ẩn chứa trong mỗi khoảnh khắc chậm lại, là dáng vẻ dịu dàng khi đối xử với chính mình và với cuộc sống.
Chậm lại để đọc hiểu chất thơ của cuộc sống trong sự thong dong, gặt hái những món quà của thời gian trong sự lắng đọng và hướng về những điều tốt đẹp nhất.