Ở nhiều vùng quê Việt Nam, nhất là khu vực Nam Bộ và các tỉnh ven sông, cái tên quả nhàu không còn xa lạ. Loại quả dân dã này không chỉ gắn với ký ức tuổi thơ của nhiều người, mà còn được biết đến như một vị thuốc dân gian quý, có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Quả nhàu (tên khoa học: Morinda citrifolia) thuộc họ Cà phê (Rubiaceae), mọc nhiều ở vùng nhiệt đới, đặc biệt là ở Đông Nam Á và châu Đại Dương. Ở Việt Nam, cây nhàu mọc hoang hoặc được trồng nhiều ở miền Nam như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long...

Cây nhàu cao khoảng 2–8 mét, lá xanh đậm, phiến to và dày. Quả nhàu mọc đơn lẻ ở nách lá, có hình bầu dục, kích thước bằng nắm tay, khi chín chuyển màu trắng ngà hoặc vàng nhạt, bề mặt lồi lõm như có mắt cá. Quả chín có mùi hắc đặc trưng, khiến nhiều người lần đầu ngửi qua sẽ cảm thấy khó chịu.
Dù mùi khá nồng và không dễ chịu, nhưng quả nhàu lại có vị rất đặc biệt. Khi ăn sống, quả có vị chát nhẹ, hơi ngọt và hậu đắng – một vị "lạ" mà càng ăn càng thấy quen miệng. Tuy nhiên, nhàu thường không được ăn trực tiếp mà hay được ngâm rượu, sắc nước hoặc phơi khô để sử dụng như thuốc.
Một cách chế biến phổ biến là ngâm quả nhàu chín với rượu trắng – đây được xem là "bài thuốc bổ" của nhiều gia đình nông dân. Ngoài ra, quả nhàu còn được ép lấy nước cốt, trộn mật ong hoặc pha trà để uống hằng ngày.

Hàm lượng dinh dưỡng có trong 100ml nước ép quả nhàu bao gồm: Lượng calo: 47 calo, Carbs: 11 gam, Chất đạm: ít hơn 1 gam, Chất béo: dưới 1 gam, Đường: 8 gam, Vitamin C: 33% lượng tham chiếu hàng ngày (RDI), Biotin: 17% RDI, Folate: 6% RDI, Magiê: 4% RDI, Kali: 3% RDI, Canxi: 3% RDI, Vitamin E: 3% RDI.
Những tác dụng của quả nhàu với sức khỏe
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Nước ép quả nhàu được ghi nhận có khả năng hỗ trợ tim mạch thông qua việc làm giảm cholesterol và giảm viêm – hai yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến bệnh tim mạch. Một nghiên cứu cho thấy, những người nghiện thuốc lá nặng khi uống 118ml nước ép quả nhàu mỗi ngày trong vòng một tháng đã giảm đáng kể lượng cholesterol toàn phần và cholesterol LDL (loại "xấu").
Tuy nhiên, ở nhóm người không hút thuốc, hiệu quả này lại không rõ rệt. Một nghiên cứu riêng biệt kéo dài 30 ngày, với liều 59ml nước ép nhàu uống 2 lần mỗi ngày, cho thấy không có thay đổi đáng kể về mức cholesterol. Điều này cho thấy công dụng làm giảm cholesterol của quả nhàu có thể phát huy hiệu quả rõ rệt hơn ở những người hút thuốc – đối tượng có nguy cơ tim mạch cao hơn bình thường.
Tăng sức bền khi tập luyện
Một lợi ích thú vị khác của nước ép quả nhàu là cải thiện sức bền thể chất, đặc biệt với người chơi thể thao hoặc vận động thường xuyên. Trong một thử nghiệm kéo dài 3 tuần, các vận động viên chạy đường dài được chia thành hai nhóm: một nhóm dùng giả dược, nhóm còn lại uống 100ml nước ép nhàu hai lần mỗi ngày. Kết quả cho thấy nhóm dùng nước ép nhàu có mức độ bền tăng đến 21%.
Lý do có thể đến từ việc quả nhàu chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp giảm tổn thương mô cơ khi vận động, từ đó giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn và tăng sức chịu đựng.

Giảm đau trong các bệnh lý xương khớp
Quả nhàu từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền như một vị thuốc giảm đau. Các nghiên cứu hiện đại cũng đã xác nhận điều này.
Một nghiên cứu kéo dài 1 tháng cho thấy, những người bị thoái hóa đốt sống cổ khi uống 15ml nước ép nhàu 2 lần mỗi ngày đã giảm đau rõ rệt, trong đó có đến 60% người khỏi hẳn cơn đau cổ. Trong một nghiên cứu khác, người bị viêm xương khớp uống 89ml nước ép nhàu mỗi ngày và sau 90 ngày, họ ghi nhận giảm đáng kể cả tần suất và mức độ đau, đồng thời cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống.
Tăng cường hệ miễn dịch
Nhờ giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa như beta-carotene, quả nhàu có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do và độc tố môi trường. Việc sử dụng thường xuyên có thể giúp nâng cao sức đề kháng và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Một số bài thuốc dân gian từ cây nhàu
1. Hạ huyết áp: Dùng rễ nhàu khô 30–40g sắc uống mỗi ngày trong 15 ngày, nghỉ 1 tuần rồi lặp lại nếu cần, có thể nấu thành cao lỏng để dùng lâu dài.
2. Trị đau lưng, nhức xương: Lấy 100g rễ hoặc quả nhàu non thái nhỏ, ngâm với 800ml rượu trong 3–4 tuần. Chiết dịch, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 20ml trước bữa ăn.
3. Kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, điều kinh, táo bón: Ăn 3–5 quả nhàu chín kèm muối hạt.
4. Trị kiết lỵ: Nướng chín 3 quả nhàu già để ăn hoặc dùng bài thuốc gồm 12g lá nhàu và 10g cỏ sữa sắc uống.
5. Ho ra máu: Dùng 40g rễ nhàu, 20g thiên môn đông, 20g mạch môn và 20g bách bộ sắc với 900ml nước còn 450ml, chia 3 lần uống mỗi ngày. Có thể nấu thành cao lỏng, pha mật ong để dùng lâu dài.
6. Trị mất ngủ, rối loạn kinh nguyệt, thống phong (gout): Nhào chín 1kg xay nhuyễn cả hạt, trộn với 200g đường cát và 1200ml rượu trắng. Ủ kín 5–7 ngày, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 5ml sau ăn. Nếu không uống được rượu có thể pha loãng với nước ấm.
Chữa chấn thương phần mềm (bầm tím, bong gân, tụ huyết): Dùng quả nhàu chín bẻ đôi thoa lên vết thương. Sau đó giã nát phần thịt quả đắp trực tiếp lên vùng bị đau, băng lại và thay thuốc 2 lần/ngày.