Ẩn mình nơi núi rừng An Giang, trái trâm từng là thứ quả dại được lũ trẻ hái chơi trong những ngày hè oi ả, giờ đây chúng đã trở thành một đặc sản có giá, được săn lùng khắp các chợ mạng, thậm chí xuất hiện cả trong những hộp quà quê gửi gắm nơi phố thị.

Khi nhắc đến quả trâm rừng, nhiều người sẽ nhớ ngay đến bài đồng dao quen thuộc:
"Trời mưa lâm râm.
Cây trâm có trái.
Con gái có duyên…".
Trái trâm còn gọi là trâm mốc, trâm vối hay vối rừng, mọc hoang khắp vùng Bảy Núi tỉnh An Giang. Cứ đến mùa mưa, cây trâm lại đâm chồi nở hoa, rồi đơm trái tím đen lấp lánh ẩn hiện dưới tán rừng. Vì thế, người dân nơi gọi trái trâm là "đặc sản trời cho".
Vào khoảng tháng 3 đến tháng 6 âm lịch, khi trâm chín rộ, cả một vùng núi như được nhuộm tím bởi những chùm quả tròn dài bằng đầu ngón tay. Những ai từng lớn lên nơi đây đều có một tuổi thơ trèo cây trâm, vừa hái vừa ăn, rồi cười khúc khích với miệng tím đen. Trái trâm non có màu xanh lá mạ, già có màu đỏ và khi chín chuyển sang màu đen sậm, ruột có màu tím rất đẹp, ăn có vị chua chua, ngọt ngọt kèm theo vị chát nhẹ đặc trưng.

Từng là món ăn dân dã trong những năm tháng thiếu thốn, ngày nay trâm lại "lên đời" khi xuất hiện ở các thành phố lớn với giá bán lên tới 100.000 đồng/kg. Do đặc tính nhanh hỏng và dễ giập, trái trâm chủ yếu bán theo đơn đặt trước, chỉ vận chuyển trong ngày. Dù khó bảo quản nhưng vẫn luôn “cháy hàng” mỗi khi vào mùa, bởi hương vị chua chua, ngọt ngọt xen lẫn chút chát đặc trưng là điều mà không phải loại quả nào cũng có được.
Chị Hạnh, quê An Giang, hiện sống ở TP.HCM, chia sẻ rằng: "Trâm là món ăn tuổi thơ tôi chẳng bao giờ quên. Ngày nhỏ ăn xong là cười toe toét vì... miệng tím ngắt. Giờ đi làm xa, cứ đến mùa trâm là phải đặt mua bằng được. Tôi thích nhất là xóc trâm với muối ớt rồi cho vào tủ lạnh, ăn vào mát lạnh, vừa vui miệng vừa gợi nhớ quê nhà".

Không chỉ là kỷ niệm, cây trâm giờ đây còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân miền núi. Mỗi cây trâm sau khoảng 7 năm sẽ bắt đầu ra trái và cho thu hoạch trên 50 năm. Cây càng già trái càng sai. Tuy nhiên, việc hái quả cũng không hề dễ dàng, bởi trâm mọc trên những cành cao vút, người hái phải leo trèo khéo léo, dùng tay hái từng chùm.
Anh Hà (ở An Giang) cho biết, mỗi ngày có thể hái được 15–25 kg trâm, nhiều nhà có sản lượng lớn còn được thương lái đến tận vườn đặt cọc thu mua trước. Một mùa trâm có thể mang về tiền triệu.

Ngoài việc ăn tươi, trái trâm còn có thể chấm muối ớt, làm mứt, ngâm rượu, hoặc trộn muối tôm, mỗi cách ăn là một trải nghiệm thú vị. Theo kinh nghiệm dân gian, trái trâm giúp thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ tiêu hóa và chống oxy hóa nhờ các hợp chất tự nhiên trong vỏ và ruột quả. Màu tím đậm của trâm chứa nhiều anthocyanin – một chất chống gốc tự do có lợi cho sức khỏe tim mạch.