Đó là trường hợp của bé gái P.N.A.B (10 tuổi, quê Đắk Lắk), vừa được các bác sĩ phát hiện mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa, triệu chứng ban đầu chỉ là những cơn đau bụng âm ỉ thông thường. Theo gia đình chia sẻ, trước khi đến bệnh viện kiểm tra, bé B xuất hiện cơn đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn, có xu hướng tăng dần, kèm theo đại tiện không được nên đến viện kiểm tra.
Tại bệnh viện, qua khám lâm sàng các bác sĩ nhận thấy, bụng bệnh nhi mềm, hơi chướng, ấn đau vùng quanh rốn và hạ vị. Chụp X-quang ổ bụng cho thấy, hình ảnh gợi ý tắc ruột cao. Qua siêu âm phát hiện khối u vùng hạ vị nghi u mạc treo; một số quai ruột non giãn, chưa loại trừ bán tắc ruột; có dịch tự do ổ bụng số lượng ít.
Bệnh nhân tiếp tục được thực hiện chụp cắt lớp vi tính (CT) ổ bụng. Kết quả cho thấy, hình ảnh rõ ràng hơn tắc ruột non do khối u hồi tràng, nghĩ nhiều đến u lympho, đồng thời phát hiện nhiều hạch ổ bụng và dịch tự do trong ổ bụng.
Các bác sĩ sau đó đã hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành và đi đến kết luận, bé B bị tắc ruột non do u lympho hồi tràng. Bệnh nhân lập tức được xử trí phẫu thuật cấp cứu. Kết quả phẫu thuật, đoạn hồi tràng có khối u cứng chắc, kích thước 4x5cm, dính các tổ chức mạc nối xung quanh.

Sau khi thăm khám, chụp chiếu và hội chẩn, bệnh nhi được kết luận mắc ung thư ác tính. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, các bác sĩ còn thấy một nốt vùng phúc mạc tiểu khung, nghi di căn, kích thước 1x1cm. Khối u cùng nốt nghi ngờ di căn đã được cắt bỏ thành công, lấy mẫu làm giải phẫu bệnh. Giải phẫu bệnh cho kết quả xác định, bệnh nhi mắc u lympho ruột non tuýp hỗn hợp (ác tính).
Bác sĩ nội trú Phạm Thị Yến - Chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, u lympho ruột non là u ác tính của ruột non, xuất phát từ mô lympho trong thành ruột non, thường gặp ở hồi tràng (là đoạn cuối của ruột non, nối với ruột già).
Mặc dù ruột non chiếm phần lớn chiều dài của toàn bộ đường tiêu hóa nhưng u ruột non lại là một dạng u hiếm gặp, với tỷ lệ chỉ chiếm 0.5% toàn bộ ung thư và 3-6% u đường tiêu hoá. Tần suất của u giảm dần từ tá tràng đến hồi tràng.
Triệu chứng của bệnh thường không đặc hiệu, dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, cần lưu ý một số triệu chứng sau:
- Đau bụng âm ỉ hoặc từng cơn;
- Rối loạn tiêu hóa: đầy bụng, chậm tiêu, buồn nôn;
- Sụt cân, chán ăn, thiếu máu mạn;
- Có thể bí trung và đại tiện nếu có biến chứng tắc ruột.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường cần đi khám càng sớm, càng tốt để phòng các bệnh lý nguy hiểm như ung thư tiêu hóa. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Yến khuyến cáo, người dân khi thấy bất kỳ một triệu chứng bất thường nào của đường tiêu hóa, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đồng thời, người dân nên tầm soát bệnh đường tiêu hóa 1-2 năm/lần để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khả năng điều trị khỏi cao.
Theo bác sĩ, trường hợp của bé gái 10 tuổi là lời cảnh tỉnh đối với cộng đồng về những dấu hiệu tưởng như thông thường nhưng có thể tiềm ẩn bệnh lý nghiêm trọng. Đặc biệt với trẻ em – nhóm tuổi chưa thể diễn đạt rõ ràng triệu chứng, vì thế các bậc phụ huynh cần quan tâm sát sao hơn tới những biểu hiện như đau bụng kéo dài, rối loạn tiêu hóa, sụt cân bất thường… để đưa trẻ đi khám kịp thời.
Ngoài ra, cần duy trì lối sống lành mạnh, uống đủ nước, ăn nhiều rau củ quả, hạn chế đồ ăn nhanh, cân đối dinh dưỡng và vận động đều đặn. Định kỳ tầm soát sức khỏe tổng quát tại cơ sở y tế uy tín để phát hiện sớm các bất thường.