250-300 ca dị vật tiêu hóa và uống nhầm hóa chất
Ngày 8/5, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM vừa đưa ra cảnh báo tai nạn sinh hoạt ở trẻ nhỏ, bé 2 tuổi nhập viện vì uống nhầm bột thông cống.
Bệnh nhi TK., 2 tuổi, ngụ tại TPHCM, được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 do uống nhầm bột thông cống.
Tai nạn xảy ra khoảng 3 giờ trước khi bé nhập viện. Khi vào viện, bé trong tình trạng sốt, bỏng toàn bộ khoang miệng, không thể ăn uống và có dấu hiệu nhiễm trùng với các chỉ số viêm tăng cao.
Các bác sĩ đã tiến hành truyền dịch, sử dụng thuốc bảo vệ và làm lành niêm mạc, thuốc giảm tiết và kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng. Bé được nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng để đánh giá tổn thương và kết quả cho thấy bé bị bỏng thực quản độ 2.
Ngay sau đó, bệnh nhi được đặt ống sonde dạ dày dưới hướng dẫn nội soi để nuôi ăn. Sau một tuần điều trị tích cực, bé đã có thể ăn uống trở lại và được xuất viện.
![]() |
Các bác sĩ đang hội chẩn bệnh án của bệnh nhi - Ảnh BVCC |
Theo thống kê của khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Nhi Đồng 2, mỗi năm đơn vị tiếp nhận khoảng 250–300 trường hợp liên quan đến dị vật tiêu hóa và uống nhầm hóa chất. Riêng quý I năm nay, đã có 26 ca được cứu chữa thành công.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 cảnh báo, phụ huynh cần đặc biệt chú ý, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè sắp tới, khi trẻ được nghỉ học nhiều, hiếu động, tò mò khám phá mà ít được giám sát vì tai nạn đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè khi trẻ hiếu động và ít được giám sát.
Các tai nạn thường gặp bao gồm: uống nhầm hóa chất tẩy rửa, hóc dị vật, cho dị vật vào miệng như pin, cúc áo, đồ chơi nhỏ... Khi trẻ uống nhầm hoá chất, phụ huynh nhanh chóng đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất.
Biết cách xử lý cứu tính mạng trẻ
BSCKII Phùng Công Sáng, Phó trưởng khoa Chỉnh hình, phụ trách Đơn vị Bỏng – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp trẻ ngộ độc do uống nhầm hóa chất đựng vào các chai nước lọc, nước ngọt hoặc cha mẹ nhỏ nhầm acid, cồn 90 độ vào mũi, miệng trẻ… trong đó không ít ca rơi vào tình trạng cấp cứu nguy kịch tính mạng.
BS Sáng phân tích, bỏng hóa chất là tình trạng bỏng do các loại hóa chất như acid hoặc bazơ gây ra. Bỏng hóa chất có thể gây ra các tổn thương trên da hoặc niêm mạc các khoang trong cơ thể, bỏng sâu có thể tổn thương đến gân cơ, xương hoặc các cơ quan nội tạng nếu không may nuốt hóa chất vào người.
Theo BS Sáng, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây bỏng hoá chất ở trẻ em, trong đó có sự bất cẩn của người lớn trong việc chăm sóc trẻ.
BS Sáng khuyến cáo, ngay khi phát hiện trẻ uống nhầm chất gây bỏng, cha mẹ cần bình tĩnh, có thể sơ cứu ban đầu bằng cách sau:
- Rửa vùng xung quanh miệng của trẻ bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Nếu trẻ đủ lớn có thể cho trẻ súc miệng bằng nước mát rồi nhổ đi giúp hòa loãng hóa chất.
- Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để các bác sĩ kịp thời can thiệp, vẫn nên tiếp tục rửa nước hoặc xúc miệng bằng nước trong quá trình vận chuyển.
Để phòng tránh hậu quả của việc uống nhầm hóa chất và hạn chế những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, bác sĩ khuyến cáo:
Không để chung thuốc uống với những thuốc khử khuẩn, dùng ngoài.
Các hóa chất sử dụng trong gia đình cần được để tại những nơi kín đáo, tránh xa tầm với của trẻ em.
Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống như Lavie, trà C2…, nhằm tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra.
Khi trông trẻ, người lớn cần có sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên.
Đối với những trẻ đã nhận thức được, cha mẹ cần trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ cũng nên học kỹ thuật sơ cứu với một số tai nạn thương tích thường gặp để có thể sơ cứu ban đầu đúng cách trong những trường hợp không may mắc phải, nhằm hạn chế tổn thương cho trẻ.
5 điều không làm khi xử trí ban đầu trẻ nuốt chất ăn mòn:
- Không gây nôn.
- Không dùng chất trung hòa.
- Không dùng chất pha loãng.
- Không dùng than hoạt.
- Không đặt sonde dạ dày mù (chỉ đặt dưới hướng dẫn của nội soi).