Thận nữ sinh "hóa đá" do duy trì thói quen cực xấu, trong đó có hai món khoái khẩu nhiều người trẻ mê mẩn

Sau thời gian ăn uống thiếu lành mạnh, nhất là giai đoạn tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT, cô gái trẻ đã phải nhập viện cấp cứu ngay trước thềm kỳ thi vì thận “hóa đá”.

H.M (18 tuổi, ở Hà Nội) vừa phải nhập viện cấp cứu lúc nửa đêm vì đau dữ dội vùng thắt lưng, tiểu buốt và nôn mửa. Qua khai thác tiền sử được biết, trong sinh hoạt M có nhiều thói quen không lành mạnh, nhất là việc ăn uống. Theo đó, M nghiện trà sữa và mỳ tôm, trong khi lại lười uống nước.

Mỗi ngày em có thể uống 2 cốc trà sữa, nhưng chỉ uống khoảng nửa lít nước. Trong giai đoạn ôn thi tốt nghiệp THPT, em thức khuya và thường xuyên ăn mỳ tôm”, M kể.

Bác sĩ Mai Văn Lực, khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E) cho biết, từ những thông tin bệnh nhân cung cấp, cũng như các biểu hiện lâm sàng, bác sĩ đã chỉ định cho nữ sinh này đi chụp chiếu. Hình ảnh phim chụp CT cho thấy, bệnh nhân bị cơn đau bão thận do sỏi niệu quản 4mm gây tắc nghẽn, dẫn đến viêm thận “hóa đá”.

Thức khuya ăn mỳ tôm rất nguy hiểm với thận, kể cả là với những người trẻ. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Lực cho biết, thận là cơ quan chịu ảnh hưởng rất lớn từ thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, trong đó thói quen ăn mỳ tôm, trà sữa hay thức khuya đều khiến cho thận bị tổn thương. Bác sĩ Lực lấy ví dụ, mỳ tôm là món ăn tiện lợi, nhưng chúng chứa nhiều muối và chất phụ gia. Khi sử dụng lượng muối vượt mức cho phép, thận sẽ phải làm việc nhiều, từ đó tăng nguy cơ tích tụ chất cặn bã, dẫn tới hình thành sỏi thận.

Hay việc uống trà sữa thay nước cũng rất nguy hiểm, bởi trà sữa có lượng đường và hóa chất cao, không chỉ gây béo phì mà còn làm tăng gánh nặng cho hệ tiết niệu. Các chất tạo ngọt nhân tạo và phẩm màu có thể tích tụ, gây hại cho thận và gan. Uống trà sữa thường xuyên thay cho nước lọc làm cơ thể mất nước, tạo điều kiện cho sỏi thận phát triển.

Trong khi đó, việc cần làm để bảo vệ thận là uống đủ nước thì nhiều người lại quên. Việc uống đủ nước mang lại nhiều lợi ích cho các bộ phận cơ thể, nhất là với thận. Bởi nước có vai trò quan trọng trong việc thanh lọc cơ thể và duy trì chức năng thận. Việc uống quá ít nước, như trường hợp bệnh nhân trên sẽ khiến nước tiểu cô đặc, tạo điều kiện cho các khoáng chất kết tủa thành sỏi. Thiếu nước còn làm giảm khả năng đào thải độc tố, gây viêm nhiễm đường tiết niệu.

Bác sĩ Lực khuyến cáo, thay vì uống trà sữa mọi người hãy uống đủ nước mỗi ngày để bảo vệ thận. Ảnh minh họa. 

Để tránh những hậu quả đáng tiếc, bác sĩ Mai Văn Lực khuyến cáo mọi người hãy:

- Uống đủ nước: Đảm bảo uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để hỗ trợ thận lọc chất độc và ngăn ngừa sỏi hình thành.

- Hạn chế mì tôm, đồ ăn nhanh: Chỉ nên ăn mì tôm tối đa 1-2 lần/tháng và ưu tiên các bữa ăn giàu dinh dưỡng từ thực phẩm tươi. Giảm lượng muối nạp vào cơ thể, tránh xa các thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh.

- Tránh lạm dụng trà sữa, nước ngọt: Trà chứa nhiều oxalat, cà phê chứa nhiều caffeine... đây là những hóa chất dễ tạo sỏi đường tiết niệu, nhất là khi sử dụng quá thường xuyên. Vì vậy, người dân nên thay thế bằng nước lọc, trà thảo mộc hoặc nước ép trái cây không đường. 

- Tăng cường vận động: Tập thể dục đều đặn giúp cải thiện tuần hoàn và hỗ trợ chức năng thận.

Bạn có thể quan tâm