Hào quang mặt trời đúng thời khắc tâm linh gây chú ý
Trưa ngày 15/5/2025, hiện tượng quầng mặt trời (hay còn gọi là hào quang mặt trời) tiếp tục xuất hiện tại Hà Nội và Hà Nam, thu hút sự chú ý của người dân và cộng đồng mạng.

Tại Hà Nội, vào khoảng 11h30 đến 12h, vầng hào quang rực rỡ bao quanh Mặt Trời được nhiều người quan sát và ghi lại hình ảnh. Đặc biệt, hiện tượng này trùng hợp với thời điểm xá lợi Đức Phật được tôn trí tại chùa Quán Sứ, trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khiến nhiều Phật tử và người dân xúc động, cho rằng đây là "điềm lành" trong dịp Đại lễ Phật đản Vesak 2025.
Tại Hà Nam, khoảng 10h30 cùng ngày, vầng hào quang Mặt Trời xuất hiện trên bầu trời chùa Tam Chúc, nơi sắp diễn ra lễ cung rước xá lợi Đức Phật từ ngày 17 đến 20/5. Nhiều người dân và Phật tử có mặt tại chùa đã bày tỏ sự thích thú và cho rằng đây là dấu hiệu linh thiêng trước sự kiện quan trọng này.
Trong những ngày gần đây, hiện tượng quầng sáng bao quanh Mặt Trời đã được ghi nhận tại nhiều địa phương trên cả nước, bao gồm Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Bình Dương và Bình Phước. Hình ảnh về hiện tượng này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý và nhiều bình luận từ cộng đồng mạng.
Sáng 12/5, cư dân mạng chia sẻ rầm rộ hình ảnh quầng Mặt Trời xuất hiện trên bầu trời Lạng Sơn, kèm theo những dòng trạng thái như "Bầu trời Lạng Sơn ngay lúc này, hiện tượng quầng mặt trời và các vòng hào quang quá đẹp xuất hiện khiến nhiều người thích thú, chiêm ngưỡng". Trước đó, vào trưa 11/5, hiện tượng tương tự cũng được ghi nhận tại Thái Nguyên.
Tại Quảng Ngãi, vào khoảng 10h30 ngày 14/5, người dân bất ngờ khi chứng kiến quầng mặt trời xuất hiện trên bầu trời. Hiện tượng này kéo dài hơn 2 giờ, thu hút sự chú ý của nhiều người và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh sự thích thú, không ít người tỏ ra lo lắng, cho rằng đây có thể là "điềm báo" cho các hiện tượng thời tiết cực đoan hoặc thảm họa sắp xảy ra. Một số người còn liên kết hiện tượng này với các sự kiện thiên nhiên khác, dẫn đến những suy đoán không có cơ sở khoa học.
Cẩn thận khi quan sát và chụp ảnh
TS Nguyễn Ngọc Huy, nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu, và thời tiết cho hay, quầng mặt trời xuất hiện do hiện tượng khúc xạ và phản xạ ánh sáng mặt trời qua các tinh thể băng hình lục giác trong các đám mây ti tầng (cirrostratus) ở độ cao khoảng 5-10 km. Khi ánh sáng đi qua các tinh thể băng này, nó bị bẻ cong, phân tách thành các màu sắc khác nhau, tạo thành vòng tròn sáng xung quanh Mặt Trời, thường có màu sắc giống cầu vồng, với ánh đỏ ở phía trong và tím ở phía ngoài.

Hiện tượng này thường xảy ra khi tầng khí quyển ở độ cao từ 5.000-10.000 mét có nhiệt độ giảm xuống 0⁰C tạo nên sự ngưng tụ các tinh thể băng mỏng tạo ra mây ti tầng che phủ bầu trời.
"Quầng Mặt Trời đôi khi được dân gian liên hệ với dự báo thời tiết như dấu hiệu sắp có mưa trong những ngày tới là đúng. Tuy nhiên hiện tượng quầng Mặt Trời không phải dấu hiệu cho một giai đoạn dài của thời tiết", ông Huy cho hay.
Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) giải thích, hiện tượng quầng sáng quanh Mặt Trời hoặc Mặt Trăng là một hiện tượng quang học tự nhiên, xảy ra khi ánh sáng bị khúc xạ và phản xạ qua các tinh thể băng trong mây ti tầng cao (cirrostratus) ở độ cao khoảng 6–10 km.
Khúc xạ là sự thay đổi hướng của sóng (trong trường hợp này là ánh sáng) do sự thay đổi tốc độ của chúng. Điều này thường được quan sát thấy khi sóng truyền từ môi trường này qua môi trường khác ở bất kỳ góc tới nào khác 90 độ hoặc 0 độ. Vì vậy, khi ánh sáng bị khúc xạ bên trong các tinh thể băng, nó bị phân tách thành các màu thành phần tạo nên dải màu từ đỏ đến tím.
Những tinh thể băng này có dạng lục giác và phân bố theo nhiều hướng, khiến ánh sáng bị bẻ cong theo một góc cố định khoảng 22 độ, tạo thành vòng tròn đồng tâm quanh nguồn sáng. Đây là lý do vì sao quầng thường có bán kính 22 độ, được gọi là “quầng 22 độ”.
Quầng Mặt Trời thường thấy vào ban ngày, khi trời có nắng nhẹ và xuất hiện lớp mây mỏng trong suốt. Còn quầng Mặt Trăng hiếm gặp hơn vì ánh trăng yếu hơn, mắt thường khó phát hiện. Màu sắc của quầng phụ thuộc vào kích thước tinh thể băng, tuy nhiên thông thường chỉ rõ nhất là vòng ngoài hơi đỏ, trong xanh lam, đôi khi ánh sáng trắng hoặc có nhiều màu nhưng mờ nhạt.
Ánh sáng (nhìn thấy) là bức xạ điện từ có bước sóng mà mắt có thể nhìn thấy được. Nó bao gồm tất cả các màu sắc của cầu vồng. Chúng ta có thể nhìn thấy những màu sắc này bằng cách phân tách ánh sáng thành các màu thành phần từ đỏ đến tím khi cho nó đi qua lăng kính. Trong khí quyển, ở những điều kiện nhất định, các tinh thể băng cũng hoạt động như một lăng kính giúp chúng ta nhìn thấy các màu sắc khác nhau tạo nên ánh sáng được nhìn thấy hàng ngày. Các tinh thể được định hướng và định vị sao cho phù hợp để mắt bạn quan sát thấy một quầng sáng xuất hiện
Đó cũng là lý do tại sao, giống như cầu vồng, quầng sáng xung quanh Mặt Trời hay cả Mặt Trăng đều “mang tính cá nhân”. Mọi người nhìn thấy những quầng sáng độc nhất của riêng mình và được tạo ra bởi các tinh thể băng khác nhau tùy theo góc nhìn của họ. Vì vậy, quầng sáng bạn đang nhìn thấy khác với quầng sáng mà người đứng bên cạnh bạn đang nhìn.
Các chuyên gia khuyến cáo, quầng Mặt Trời là một hiện tượng thú vị, tuy nhiên hãy cẩn thận khi quan sát và chụp ảnh nó. Việc hướng tầm nhìn trực tiếp vào Mặt Trời mà không có thiết bị hỗ trợ đi kèm có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mắt bạn. Đừng bao giờ nhìn thẳng vào Mặt Trời, ngay cả khi nó ít sáng hơn qua mây hoặc sương mù.