Vợ hồi xuân, chồng... hồi hộp

Hy vọng qua một thời gian, vợ anh sẽ về lại “vị trí cũ”. Chứ em cứ hồi xuân như vầy hoài, chắc anh “lão hóa” sớm…

Ngày trước, mấy lão bạn anh hay dọa: “Vợ mà hồi xuân là ông khổ đấy nhé!”. Nghe vậy, anh chỉ cho là tầm phào, bụng thầm nhủ: “Vợ hồi xuân tức là trẻ lại, vậy thì sướng chứ sao lại khổ?”. Không ngờ, đến khi vợ thực sự bước vào giai đoạn hồi xuân, chồng mới “biết đá, biết vàng”.
Vợ chồng bao nhiêu năm, anh đã quen với cái vẻ ngoài giản dị của em. Ai ngờ, vừa hồi xuân là em thay đổi cái rụp, làm cả ba cha con anh choáng váng. Em chưng diện, chăm chút nhan sắc kỹ hơn. Nếu em làm đẹp, chưng diện một cách vừa phải, phù hợp với lứa tuổi thì anh chẳng có gì để than vãn; thậm chí còn mừng, còn khuyến khích. Đằng này, em chưng diện, em làm đẹp toàn theo kiểu quá lố, khiến anh đau đầu hết sức.
Mỗi ngày em hồi xuân là mỗi ngày cha con anh hồi… hộp, vì không biết hôm nay vợ mình - mẹ mình sẽ diện bộ cánh theo “trường phái” thời trang nào. Hôm nay em mặc bộ đầm ba bốn màu sặc sỡ, hôm khác em lại chơi bộ đồ của mấy em gái tuổi teen, đến nỗi con gái phải thốt lên: “Mẹ còn teen hơn con!”. Teen với sặc sỡ còn đỡ, có khi em còn hứng lên, diện đồ theo “trường phái gợi cảm”. Nói thật với em, nhìn em - đã gần lên chức bà ngoại - mặc cái áo mỏng tang theo kiểu xuyên thấu, hay cái áo hai dây thiếu trước hụt sau, anh chẳng thấy gợi cảm gì hết mà chỉ muốn nổi da gà…
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Từ ngày em hồi xuân, cái tủ mỹ phẩm của em to hơn hẳn. Em tậu cơ man nào là son, là phấn, là sữa, là kem… đủ loại. Lúc trước, đi đến chỗ nào mang tính chất trang trọng em mới trang điểm. Còn bây giờ, em trang điểm mọi lúc mọi nơi. Ra đầu ngõ mua bó rau em cũng phải dặm phấn, tô son. Thậm chí, nhiều khi ở nhà em cũng trang điểm, chẳng hiểu để làm gì?
Nhưng anh khổ nhất là cái vụ đi sửa sắc đẹp của em. Em xăm lông mày, xăm môi, rồi sửa mũi, hút mỡ bụng. Thậm chí, cái vòng 1 em cũng đi nâng cấp. Kết quả là đẹp đâu anh chưa thấy, chỉ thấy vợ mình ngày càng lạ hoắc. Đấy là chưa kể đến chuyện tốn kém tiền bạc. Từ ngày em siêng đi thẩm mỹ viện, ngân quỹ gia đình hao hụt thấy rõ…
Anh bực lắm, cũng góp ý em nhiều lần, hồi xuân thì hồi xuân, làm đẹp thì làm đẹp, nhưng phải đúng mực, hợp với lứa tuổi. Khổ nỗi, hễ anh nói là em giận, vì giờ em đã đổi tính, nhí nhảnh hơn, “teen” hơn ngày xưa, nên rất dễ giận, dễ hờn. Nói đụng đến, là dỗi ngay: “Tôi hiểu mà, già rồi, làm gì cũng đâu bằng được mấy em gái trẻ. Anh chán tôi cũng phải”. Mà giờ em dỗi cũng y hệt như lúc mới cưới, cũng mặt mũi lạnh tanh, cũng không thèm nói chuyện, cũng bỏ cơm bỏ nước. Anh phải dỗ chán dỗ chê, em mới hết giận. Nhiều khi dỗ em, anh thấy mình cũng đang… hồi xuân, trở về cái thời trai trẻ, tìm cách làm lành với cô bạn gái hay hờn dỗi.
Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Giờ anh hết dám “phản kháng”, chỉ biết cố gắng chịu đựng, hy vọng qua một thời gian, vợ anh sẽ về lại “vị trí cũ”. Chứ em cứ hồi xuân như vầy hoài, chắc anh “lão hóa” sớm…

Chồng “khẩu xà“

Lỗi tại em, anh nổi nóng nên quát mắng đã đành, ngay cả khi lỗi do anh, anh cũng giận lây em. 

Cả nhà đang xem ti vi, bỗng ngửi thấy mùi khét lẹt. Anh hét lên: “Có cái gì bị cháy”. Hai vợ chồng theo hướng khói lao vào bếp, phát hiện ấm nước bị cháy đen thui, đang tỏa khói mù mịt. Thì ra lúc nấu nước, nắp ấm em đậy không kín nên lúc nước sôi, không hú còi như mọi ngày. Nước sôi cạn nên cháy ấm, cháy lan cả ổ điện. Anh liền chạy đi cúp cầu dao. Vừa mở tung cửa để bớt khói, anh vừa quát tháo: “Nấu có ấm nước cũng không xong. Ăn gì mà ngu thế. Suýt nữa cháy cả nhà”. Em đang lo sốt vó, nghe câu nói của anh lòng chợt lạnh ngắt. Không biết đây là lần thứ mấy anh nặng lời với em.

Lần đầu tiên em nghe những lời thô lỗ từ anh là sau đám cưới khoảng một tháng. Lần đó, hai vợ chồng về quê anh để ra mắt họ hàng. Xe ra khỏi bến một đoạn, em mới phát hiện túi xách bị rọc, tiền bạc mất sạch. Trước đông người, anh đã cáu kỉnh: “Có cái túi cũng giữ không xong, em đúng là hậu đậu”. Em sững sờ nhìn anh, nỗi hụt hẫng dâng nghẹn trong lòng. Suốt đường về, anh thao thao kể những thủ đoạn rọc túi của kẻ cắp, rồi kết luận: “Rút kinh nghiệm đi nhé, lần sau đừng ngu thế”. Anh chẳng để ý gì đến những giọt nước mắt uất ức của em. Những ngọt ngào của tháng trăng mật và cả tâm trạng háo hức trong lần đầu về quê chồng đã theo nước mắt trôi đi. Trong em, hình như có cái gì đó đã rạn nứt…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Lỗi tại em, anh nổi nóng nên quát mắng đã đành, ngay cả khi lỗi do anh, anh cũng giận lây em. Như lần anh làm mất chiếc xe máy, thấy anh buồn bực, em an ủi: “Thôi kệ đi anh, xem như của đi thay người”. Anh chợt hét um: “Thay người cái gì? Chiếc xe cả mấy chục triệu, tích góp cả năm cũng chưa sắm lại được. Em giỏi thì “đi” thay chiếc xe giùm anh”. Không ngờ lúc nổi nóng thì câu gì anh cũng nói. Nhiều lần khuyên anh không được, em khóc, quá thất vọng về người chồng em rất mực thương yêu. Anh năn nỉ em, bảo tính nóng trước giờ không bỏ được. Anh biện minh mình khẩu xà tâm Phật, nói mạnh miệng cho đỡ tức vậy thôi chứ lòng không nghĩ vậy. Cơn giận qua rồi anh lại ngọt ngào với em, lăn ra lau nhà, chùi bếp, đùa tếu để chọc em cười. Cũng vì vậy mà em buông xuôi, chấp nhận “sống chung với lũ”, nhưng lòng rất buồn.

Bữa em vào máy ATM rút tiền, vừa ra khỏi cửa đã bị kẻ gian giật túi xách, té đập mặt xuống đất. Anh vừa rửa vết thương cho em vừa càu nhàu: “Em đúng là đồ ăn hại”. Bữa cơm tối em nuốt không trôi, bỏ vô phòng nằm. Biết em giận, anh lại theo năn nỉ, kéo cả con gái vào cuộc: “Mẹ giận ba kìa Nhím, Nhím năn nỉ mẹ giùm ba đi. Mai mốt Nhím phải dịu dàng giống mẹ, đừng thô lỗ cộc cằn như ba thì không ai thương”.

Cả đêm em nằm thao thức. Vết thương trên cơ thể không đau bằng vết thương lòng. Nhìn anh bình thản ngủ say, trong em giằng xé với ý nghĩ còn thương anh không, còn có thể chung sống với anh được nữa không? Quay sang con, khuôn mặt ngây thơ càng khiến em đau lòng. Vì con, em sẽ ở lại bên anh, nhưng không biết một ngày nào đó khi sức chịu đựng trong em đã cạn, chuyện gì sẽ xảy đến với gia đình mình?

Sinh con cho ai?

Anh chỉ muốn phân tích thêm cho em hiểu, quan trọng nhất là sinh con cho ai?

Em bảo, muốn sinh thêm một đứa, để cha mẹ chồng vui lòng, vì ông bà muốn nhìn mặt cháu trai để yên tâm nhắm mắt. Vợ chồng mình đã có hai công chúa, vậy mà em cứ thập thò đòi đi tháo vòng tránh thai. Em bảo, hai vợ chồng đều không làm việc ở cơ quan Nhà nước, sinh con thứ ba cũng chẳng sao. Anh vốn có xu hướng chiều theo ý em, nhất là lần này, em muốn sinh thêm con vì muốn làm đẹp lòng cha mẹ anh, hà cớ gì anh không chiều?

Anh biết, em là một trong những nàng dâu hiếm hoi trên trái đất này, được cha mẹ chồng chiều chuộng còn hơn chiều con ruột. Những bữa cơm gia đình, cha mẹ không lo cho con trai, nhưng cứ gắp đồ ăn cho con dâu. Gặp ai, cha mẹ cũng kể về con dâu với vẻ hãnh diện ra mặt. Mà em cũng xứng đáng được cha mẹ dành cho “phần thưởng” như vậy vì xinh đẹp, nết na, lại có tài kinh doanh. Anh cảm thấy vui lây.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Tất nhiên, ở góc độ xã hội, “dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”. Mà có làm việc ở cơ quan Nhà nước hay không, vẫn chỉ nên sinh hai con. Anh chỉ muốn phân tích thêm cho em hiểu, quan trọng nhất là sinh con cho ai?

Gia đình mình người Hoa, nên khát khao có cháu trai, con trai lại càng mãnh liệt. Từ bao giờ, hai vợ chồng mình phải sống trong sự trói buộc của nỗi lo không có con trai? Bản thân anh đã tự hóa giải được chuyện đó, thực sự cảm thấy có hai con gái là đủ. Nhưng anh biết, cha anh là người không dễ “hạ nhiệt” khát khao có được đứa cháu trai nối dõi tông đường. Công việc kinh doanh bận rộn, lại vất vả chăm sóc hai con gái nhỏ, vợ chồng mình còn phải đau đáu nghĩ đến “món nợ” sinh con trai từ ngày này qua tháng nọ. Bây giờ, sau một thời gian xuôi xuôi, từ bỏ ý định sinh con, em lại tuyên bố “sẽ cố gắng sinh con trai cho cha mẹ chồng vui lòng”.

Anh ghi nhận và thầm biết ơn em vì tấm lòng hiếu đễ với cha mẹ chồng, nhưng em cần đưa ra một quyết định có lý. Nói thì hơi bẽ bàng, nhưng cha mẹ anh đã trên 70 tuổi, cũng chẳng sống với con cháu được lâu. Nếu vợ chồng mình cố sinh một đứa con trai, là sinh cho vợ chồng mình, chứ cha mẹ có ăn đời ở kiếp với con cháu đâu mà hưởng? Em có thể báo hiếu cha mẹ bằng nhiều hình thức khác, như chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, thuốc thang, quà cáp để cha mẹ có thêm niềm vui, chứ không thể lấy đứa con làm “quà”.

Nếu có con, đứa con ấy sẽ gắn bó từ thời gian, không gian đến tình cảm với anh và em. Số phận và cuộc đời của con gắn với cha mẹ là chính, chứ không phải ông bà. Anh chẳng phải người vô cảm, anh cũng rất thích trẻ con. Khi nhắc đến chuyện sinh con, anh đã hồ hởi tưởng tượng ra đủ thứ tốt đẹp. Nhưng dẫu sao, vợ chồng mình cũng cần căn cứ vào điều kiện thực tế. Đối với em, hai lần mang nặng đẻ đau chỉ cách nhau chưa đến hai năm, đã khiến em gần như kiệt sức. Em cần có thời gian chăm sóc hai con, cần để tâm lực lo cho gia đình, công việc. Anh cũng không đủ sức kham thêm việc nuôi một đứa trẻ.

Khi có gia đình, ai nấy đều muốn toàn tâm toàn ý lo cho gia đình, nhưng cũng cần nghĩ đến bản thân, bởi mỗi người cần sống tốt cho mình mới lo cho người khác được, đúng không em? Nếu em sinh thêm một đứa con, nói hơi quá là gần như em sẽ “chôn” vùi cuộc sống của em vào việc chăm con, khó có thể cân bằng được. Hơn ai hết, chính em cần “gạch đầu dòng” những yếu tố nên và không nên để xem xét khách quan vấn đề. Việc cha mẹ chồng khao khát một đứa cháu trai, chỉ nên là một ý nhỏ trong những “gạch đầu dòng” ấy.

Anh không muốn lấy quyền làm chồng để ép em dừng việc sinh nở, mà thực ra, anh cũng không có cái quyền cấm đoán ấy. Anh chỉ muốn em bình tâm để hiểu đúng vấn đề, từ đó có quyết định hợp lý hơn.