Trẻ 17 tháng tuổi suy hô hấp, ngừng tim do hóc kẹo lạc

Trong lúc ăn kẹo lạc, trẻ bị hóc sặc, các dị vật lọt sâu vào hai bên phế quản dẫn đến tình trạng khó thở, tím tái, suy hô hấp nặng.

Ngày 14/5, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết, các bác sĩ đã phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu thành công một trường hợp bệnh nhi 17 tháng tuổi thường trú tại TP Hạ Long nguy kịch do dị vật lọt vào đường thở.

Theo lời kể gia đình, trong lúc được cho ăn kẹo lạc tại nhà trẻ bị hóc sặc, các mảnh vỡ bao gồm các hạt lạc và kẹo lọt sâu vào cả 2 bên phế quản dẫn đến tình trạng khó thở, tím tái, suy hô hấp nặng, trẻ li bì.

Khi được đưa vào viện, các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu, lấy các dị vật, tái thông đường thở cho trẻ, tiến hành đặt nội khí quản và thở máy. Tuy vậy, dưới tác động của nhiệt độ cơ thể trẻ, các mảnh kẹo tiếp tục tan ra thành mạch nha dính chặt vào các hạt lạc, gây bít tắc đường thở.

keo-lac-1.jpg
Các bác sĩ tiến hành cấp cứu cho bệnh nhi.

Thậm chí, đã có thời điểm trẻ ngừng tim. Các hình ảnh chụp X-Quang ngực cho thấy hai bên phổi của trẻ mờ rải rác, nhất là tại vùng đỉnh và cạnh rốn phổi, góc sườn hoành hai bên nhọn.

Để cứu bệnh nhi, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh đã triển khai quy trình báo động đỏ, quy trình phối hợp hội chẩn - cấp cứu liên viện giữa bệnh viện với ê-kíp Bệnh viện Nhi Trung ương do BSCKII Lê Thanh Chương, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương làm trưởng nhóm. Ê-kíp trực tiếp có mặt phối hợp, sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để nội soi và cẩn trọng gắp các dị vật lọt sâu trong đường thở cho trẻ.

keo-lac-3.jpg
Sử dụng dụng cụ nội soi để lấy dị vật ra.

Sau thực hiện thủ thuật, bệnh nhi được hồi sức tích cực kịp thời, hỗ trợ thở máy, lọc máu và các biện pháp chăm sóc đặc biệt, nhờ đó các chỉ số sinh tồn dần cải thiện, các chức năng, cơ quan dần ổn định bình thường và đến nay đã được ra viện.

Các bác sĩ cho biết, thời gian gần đây Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh thường xuyên xử trí cho nhiều trường hợp hóc dị vật đường thở, tuy nhiên trường hợp bé P.T D.(17 tháng tuổi) là ca phức tạp và trong tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm, do dị vật là rất nhiều mảnh vỡ đi sâu vào hai bên phế quản, gây suy hô hấp nặng, thậm chí có thể tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Việc đưa các dụng cụ để gắp dị vật ở vị trí này cũng gặp rất nhiều khó khăn.

keo-lac-4.jpg
Bác sĩ thăm khám lại cho bệnh nhi sau can thiệp.

Để tránh tình trạng cấp cứu đáng tiếc này, các bậc phụ huynh cần quan tâm chăm sóc giám sát trẻ ngay cả khi ăn uống và lúc vui chơi. Đặc biệt là không nên cho trẻ nhỏ tuổi tiếp xúc, ăn những thực phẩm cứng, có cạnh hoặc hạt sắc nhọn, tránh để trẻ nô đùa lúc ăn sẽ rất dễ gây sặc, hóc.

Nếu trẻ bị dị vật đường hô hấp, sau khi cấp cứu tức thì, hãy nhanh chóng chuyển trẻ đến bệnh viện tuyến trên trong thời gian sớm nhất có thể, để công tác xử lý cấp cứu được kịp thời và ít tai biến, biến chứng”, các bác sĩ khuyến cáo.

Suýt thủng thực quản vì hóc xương cá ba sa, cách xử trí tránh nguy hiểm

Hóc dị vật ở trẻ rất nguy hiểm, không nên hoảng loạn, tìm cách lấy dị vật vì có thể đẩy vào sâu hơn... gây nguy hiểm cho trẻ.

BSCK2 Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 thông tin, khoa vừa nội soi lấy thành công dị vật xương cá kích thước 23x23mm, cứu nam bệnh nhi N.T.N. sinh năm 2020, ngụ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Anh Minh Hải, ba bệnh nhi cho biết cháu N. được cho ăn cơm với cá ba sa. Dù gia đình đã lọc xương cá tuy nhiên vẫn còn sót lại mảnh xương vây, không may bị cháu N. nuốt phải.

Ăn xí muội, cụ ông 72 tuổi ở TP HCM phải nhập viện cấp cứu

Cụ ông 72 tuổi (Quận 7, TPHCM) nhập viện trong tình trạng nguy kịch do hóc dị vật đường hô hấp phức tạp khi ăn xí muội.

Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP HCM) vừa thực hiện thành công ca gắp dị vật đường hô hấp phức tạp cho bệnh nhân P.C.S. (72 tuổi).

Bệnh nhân S. nhập viện trong tình trạng ho đàm nhiều. Hồ sơ bệnh án cho biết, cách nhập viện 3 ngày, trong lúc ăn hạt xí muội và trò chuyện, cụ ông bị nghẹn sặc, khó thở.