Tôi đã thả hình bắt bóng...

Tôi tách đoàn, bỏ chồng sắp cưới theo anh mặc ba mẹ, anh chị chửi mắng, khuyên giải, gia đình chồng sắp cưới can ngăn, chồng chưa cưới ghen trách.

Tôi và anh cùng là thành viên trong một câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ. Anh thường ân cần thăm hỏi tôi và chúng tôi đã có những buổi chuyện trò vui vẻ về cuộc sống và tình yêu. Tôi biết anh rất mến tôi nhưng tôi không dám “bật đèn xanh” cho anh vì tôi đã có hôn phu, hai gia đình chỉ còn chờ ngày cưới.
Rồi anh sang Miến Điện buôn bán. Tôi vẫn đến câu lạc bộ luyện tập, nhưng một cảm giác trống trải luôn xâm chiếm tôi. Tôi biết mình đã yêu anh. Tôi sống trong dằn vặt của nhớ thương người đàn ông mà tôi nghĩ rằng nếu gặp lại và nghe lời yêu thương của tôi, anh ấy cũng sẽ yêu tôi.
Chồng sắp cưới của tôi cũng là một doanh nhân, nhưng anh không lãng mạn. Anh luôn vạch sẵn tương lai để tôi có một cuộc sống đầy đủ, không thua kém ai. Anh đã mua cho chúng tôi một căn nhà riêng ở quận 12. Anh có một tài khoản tiết kiệm với thời gian đáo hạn hơn một năm, anh thường nói rằng cuốn sổ đó là để chúng tôi có lãi suất cao mà đi du lịch thoải mái sau ngàycưới. Ngày đáo hạn cuốn sổ đó cách ngày cưới một tuần.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Hè năm đó, trước đám cưới, hai gia đình tôi cùng đi du lịch Miến Điện (Myanmar), và tôi đã gặp lại anh. Tôi tách đoàn, bỏ chồng sắp cưới để theo anh mặc ba mẹ, anh chị tôi chửi mắng, khuyên giải, gia đình chồng sắp cưới can ngăn, chồng chưa cưới ghen trách. Tôi còn nói thẳng vào mặt chồng chưa cưới là anh không có “tư cách” gì để ghen cả. Tôi chưa phải là vợ chính thức của anh. Tôi nói với ba mẹ anh chị tôi là với tuổi 32, trình độ đại học, tôi đã có đủ sáng suốt cũng như “quyền hạn” pháp lý để làm theo ý mình.
Đoàn du lịch về nước, tôi ở lại cùng anh. Tôi chấp nhận bỏ hết tất cả, chồng sắp cưới, gia đình và cả việc làm … Chúng tôi đã có những ngày tháng vô cùng hạnh phúc. Tôi thay sim điện thoại của Miến Điện để gia đình và mọi người không thể khuyên ngăn hay mắng mỏ gì tôi được nữa.
Tôi sống chung với anh và đã cùng anh ba lần tham gia ngày Hội Té Nước của Miến Điện, tức là đã ba năm trôi qua. Cho đến một tối, nằm bên tôi anh nói rằng ngày mai anh muốn tôi rời khỏi căn nhà này để về lại Việt Nam, chúng tôi “vui” như vậy là đủ rồi. Tôi sững sờ khóc lóc và nhất định không chịu ra đi. Tôi đã bỏ tất cả vì anh. Bây giờ tôi còn mặt mũi nào về Việt Nam. Anh nói giữa tôi với anh không có gì ràng buộc cả. Giờ đây tôi mới hiểu vì sao trước đây anh ép tôi uống thuốc ngừa thai với lý do chúng tôi chưa vững kinh tế nơi xứ người, rồi hẹn tôi khi tiền bạc dư đầy chúng tôi sẽ có con.
Sáng hôm sau khi anh mở rộng cửa đưa tôi chiếc vé máy bay anh mua sẵn và mấy triệu tiền Việt và bảo tôi hãy về Việt Nam tôi đã lăn ra khóc lóc dữ dội. Tôi vừa van xin, vừa bò lê trên nhà khi anh cố kéo tôi ra cửa. Cuối cùng, anh nói với tôi: “Em không đi thì anh đi”. Anh dọn đồ lên xe taxi đi thẳng mặc tôi chạy theo van xin. Quay về nhà, tôi khóc thật nhiều, nhưng vẫn hy vọng tối anh sẽ quay về. Nhưng không, tối hôm đó người gõ cửa nhà tôi là bà chủ nhà. Bà nói tiếng Việt lõm bõm nhưng cũng đủ cho tôi hiểu rằng chồng tôi đã gọi điện trả lại nhà, nếu muốn ở tiếp tôi phải đóng tiền nhà cho tháng sau, và chỉ còn có vài ngày là hết hạn.
Tôi đành về Việt Nam. Thế nhưng tôi không dám về nhà mà lủi thủi thuê nhà trọ sống và xin việc làm. Có một lần, tôi trở lại căn nhà chồng chưa cưới mua ngày ấy, tôi ngồi quán cà phê đầu đường và nhìn thấy anh cùng một phụ nữ ra vào căn nhà đó với đứa bé chưa đầy năm. Vậy là anh đã có gia đình!
Tôi trở về phòng trọ. Nơi tôi sống chỉ cách gia đình tôi, ba mẹ, anh chị tôi vài cây số nhưng tôi không dám về. Tôi không sợ ba mẹ mắng chửi. Tôi chỉ không muốn gia đình thân yêu của mình thấy tôi với bộ dạng như thế này….

Chia nợ

Vất vả mưu sinh nơi xứ người, ngày trở về, chị còn phải cắn răng chia đôi số nợ của chồng để được... thuận tình ly hôn.

Xin ly hôn, lòi ra nợ

Chị Thanh kể, chị và anh Nguyễn Thành Vinh (cùng ngụ Đông Hải, Bạc Liêu) kết hôn năm 2005. Thời gian đầu, dù nghèo khó nhưng hai vợ chồng luôn quan tâm, yêu thương, chăm sóc nhau. Năm 2008, anh trai chị Thanh gợi ý chị sang Hàn Quốc lao động. Do gia đình khó khăn, anh Vinh cũng động viên vợ đi để kiếm chút vốn, mai này về buôn bán. Ngang trái của gia đình chị đã bắt đầu từ đó.

Để có tiền học tiếng Hàn và hoàn tất các thủ tục, hai vợ chồng chị Thanh phải vay mượn xóm giềng và người thân hơn 100 triệu đồng. Trong đó, có 70 triệu đồng của anh trai chị cho mượn. Sang Hàn Quốc được sáu tháng, chị đã gửi tiền về nhờ mẹ ruột đưa cho chồng trả khoản nợ anh chị đã vay. Khoản nợ vay của anh trai chị, dần dà chị Thanh cũng trả xong. Thỉnh thoảng, chị còn gửi cho chồng một ít tiền tiêu vặt, sắm sửa vật dụng trong nhà.

Một thời gian sau, qua bạn bè, người thân, chị Thanh biết chồng mình ở nhà không lo làm ăn, mà từ ngày chị đi, anh sinh ỷ lại, suốt ngày tụ tập bạn bè rượu chè, cờ bạc. Gọi về hỏi chồng, anh chối phăng, còn trách móc vợ nghe lời người này người nọ không tin tưởng chồng. Biết mẹ ruột của chị mách chuyện con rể ăn chơi, Vinh còn đến nhà nặng nhẹ, bóng gió. Chị Thanh nhiều lần điện thoại về khuyên lơn chồng nhưng anh để ngoài tai. Từ đó, chị không gửi tiền về nữa. Khi về nước, thấy tình cảm vợ chồng không còn, chị làm đơn ly hôn nhưng Vinh không ký, thậm chí còn nghi ngờ, ghen tuông, đánh đập, chửi mắng chị.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Không thể chịu đựng được, chị Thanh nộp đơn lên Tòa án nhân dân huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đơn phương xin ly hôn. Trong phiên hòa giải, chị té ngửa với khoản nợ từ trên trời rơi xuống. Các chủ nợ nghe tin vợ chồng chị ly hôn đã rủ nhau đến tòa “quậy”, đòi trả nợ. Mỗi người chỉ vài ba triệu đồng nhưng cộng dồn lại đã lên đến gần cả trăm triệu đồng. Đã vậy, Vinh không thừa nhận khoản nợ trên là do anh ta vay mượn mà đổ hết cho chị Thanh, buộc chị phải trả nợ một mình. Các chủ nợ cũng nhắm vào chị đòi tiền vì biết chỉ chị mới có tiền trả. Khi chị phản ứng, họ la hét, chửi mắng, gây rối, khiến phiên hòa giải phải gián đoạn đến mấy bận.

Sống riêng, nợ chung

Giải thích về khoản tiền nợ, Nguyễn Thành Vinh kể, để có tiền lo cho vợ đi học tiếng Hàn, học nghề trước khi đi, hai vợ chồng đã thống nhất vay khoản nợ trên. Suốt 5 năm chị Thanh không gửi tiền về trả lãi và nợ gốc. Mỗi kỳ đến hạn trả lãi cho chủ nợ mà Vinh phải mượn nơi này lấp nơi kia, lãi mẹ sinh lãi con, từ 30 triệu đồng nay đã lên gần trăm triệu. Vinh yêu cầu chị Thanh muốn ly hôn thì phải một mình trả số nợ đó vì nó không liên quan đến anh ta. Vinh cũng không thừa nhận việc đã nhận tiền của chị Thanh gửi về cho anh ta trả nợ.

Chị Thanh tha thiết xin tòa xem xét lại, hai vợ chồng không có con chung, chị đi làm ăn xa gom góp, dành dụm. Những ngày tháng chị xa nhà, mỗi người tự bươn chải lo cho cuộc sống của mình. Anh Vinh ở nhà còn có ruộng đất của cha mẹ cho mượn canh tác nhưng anh không lo làm ăn, mà chơi bời sinh ra nợ nần. Theo chị, các khoản nợ này là do anh ta chi tiêu cá nhân trong khoảng thời gian chị không gửi tiền về cho anh.

Nói là vậy nhưng chị lại không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh đã gửi tiền cho anh trả nợ. Chị gửi tiền vào tài khoản của mẹ chị, bà thì không chứng minh được là đã giao tiền cho anh. Trong khi có mặt tại phiên tòa, các chủ nợ của số nợ 30 triệu đồng đều xác nhận số tiền cho mượn khi đó là cả hai vợ chồng đến nhận. Chị đi làm ăn xa, ở nhà anh có trả lãi hẳn hoi.

Tòa nhận định, khoản nợ được vay trong thời kỳ hôn nhân nhằm mục đích sử dụng cho nhu cầu chung của gia đình và chi phí cho việc chị đi xuất khẩu lao động. Nay chị Thanh không cung cấp được chứng cứ đã gửi tiền trả nợ nên tòa xét xử vợ chồng chị mỗi người phải có trách nhiệm trả phân nửa số nợ trên cho các chủ nợ. Nghe tòa tuyên bố, chị bật khóc, Vinh hả hê nhìn chị Thanh giễu cợt.

Chị ra về, từng bước chân nặng trĩu. Khoản tiền ít ỏi tích góp bao năm nơi xứ người, giờ phải đội nón ra đi theo hai tiếng “nợ chung”. Hỏi chị có kháng án không, chị lắc đầu chua xót: “Tiếc lắm, nhưng thôi… 12 bến nước, gặp phải bến đục nên đành chịu!”.

Tình yêu “thuốc phiện“

(Kiến Thức) - Cách đây hơn một năm, tôi gặp một người đàn ông tính cách khác hẳn chồng tôi, đặc biệt là việc biết lắng nghe, chia sẻ.

Tôi 32 tuổi, cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc do chồng tôi ít quan tâm tới vợ con, đã thế lại còn hay nói ngang. Là vợ chồng mà hầu như chúng tôi chẳng bao giờ tâm sự được với nhau, vì chỉ câu trước câu sau đã cãi vã rồi. Cách đây hơn một năm, tôi gặp một người đàn ông tính cách khác hẳn chồng tôi, đặc biệt là việc biết lắng nghe, chia sẻ. Hằng ngày chúng tôi gặp nhau trên mạng, qua điện thoại, thi thoảng đi uống nước, tình cảm ngày càng thắm thiết, tuy nhiên, tôi không cho anh đi quá giới hạn, tất cả chỉ dừng lại như vậy. 
Từ khi có anh, tôi vơi rất nhiều nỗi cô đơn, và nhờ anh, tôi mới yêu đời, chăm sóc vô điều kiện gia đình, dù chồng có thế nào chăng nữa. Nhưng tôi vẫn mặc cảm mình đang làm điều có lỗi. Liệu tôi có cả nghĩ quá không, nhất là khi tôi giữ được không làm điều gì quá giới hạn, và mối quan hệ này đem lại sức sống cho tôi? - Nguyễn Mai Hương (Hà Nội).

Nếu anh gặp em từ đầu…

Anh đã từng mường tượng, ví như anh chị gặp nhau ngay từ đầu thì chẳng ai phải trải qua bể dâu đau khổ.

Bây giờ, thiên hạ sẽ gọi hai người là rổ rá cạp lại, nửa đường đứt gánh nên vá víu nhau cho đủ cặp đủ đôi để đi tiếp đường đời dài rộng mênh mông này. Nhưng, lần đầu gặp nhau, anh biết, chị thực sự là một nửa của cuộc đời anh. Người ta nói, tình yêu là vậy, cơ hồ ai cũng có một nửa của riêng mình, chỉ là người may mắn gặp đúng lúc, người gặp muộn mà thôi. Giờ thì anh đã tin.

Vợ cũ của anh là người đàn bà ích kỷ. Cô ấy có thể bỏ con đói khóc ở nhà để ham vui theo đám bạn. Ngày bạn anh giới thiệu hai người với nhau, anh biết cô ấy là người ham vui như thế, nhưng cứ nghĩ ở đời chẳng có ai hoàn hảo, anh cũng chẳng cao sang gì, chỉ là một công chức nhà nước, lương tháng tằn tiện mới đủ sống. Rồi vì nhiều lý do, mà lý do lớn nhất là mẹ anh đang bệnh nặng, bà muốn trông thấy anh lấy vợ và nhanh chóng có cháu để bà mãn nguyện. Thế nên, anh hỏi cưới cô ấy.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Anh thở phào vì đã hoàn thành được ý nguyện của mẹ khi mẹ anh cũng kịp nhìn thấy đứa cháu đích tôn trước lúc nhắm mắt. Anh chăm chỉ làm việc, kiếm thêm thu nhập để lo cho vợ con. Ngược lại, vợ anh chỉ biết chưng diện, bỏ mặc gia đình. Điều gì đến cũng đến, cô ấy thẳng thừng bảo anh ly hôn bởi cô ấy đã có người khác. Anh cố khuyên răn vì không muốn đứa con chưa đầy hai tuổi phải xa bố mẹ. Cô ấy cười và buông ra một câu khiến cả đời này anh chẳng bao giờ quên, rằng nó đâu phải con anh. Anh chẳng còn hơi sức để suy sụp, đứa cháu mà mẹ anh hôn hít trước khi nhắm mắt hóa ra là cháu của người ta. Anh bị lừa đã đành, lại khiến mẹ anh cũng bị lừa nốt.

Cô ấy dắt con đi theo nhân tình và cũng là cha của đứa bé. Tội nghiệp thằng bé lúc xa anh cứ khóc hết nước mắt gọi ba. Anh nhớ thằng bé đến gầy rộc, anh chơi với nó, cho nó ăn, dỗ nó ngủ, bảo thế sao chẳng thương chẳng nhớ. Anh bỏ việc ở thành phố và về quê với số vốn ít ỏi.

Lần đầu gặp chị, thấy cái dáng tần tảo của chị gánh rau đi chợ sớm anh đã có cảm giác thân quen. Chị chọn cho anh bó rau xanh non nhất rồi bày anh cách xào sao cho ngon. Chị đẹp mặn mà không trau chuốt, nhưng đôi mắt cứ buồn u uẩn dù nụ cười luôn thường trực trên môi.

Mấy bận đi chợ sớm, chị dừng lại trước cửa nhà anh, đưa cho anh bó rau anh thích. Đáng ra chị cũng có chồng, nhưng trong ngày cưới, khi chị chờ đợi để làm cô dâu thì chú rể không xuất hiện. Anh ta lừa chị, lừa cả gia đình chị. Bẽ mặt với làng xóm, lại bị gia đình chì chiết nên chị bỏ đi và đến lập nghiệp tại nơi này. Câu chuyện buồn của chị được người hàng xóm kể lại khiến anh thương chị hơn.

Hôm anh trúng gió, nếu chị không ghé qua đưa rau thì anh không biết mình sẽ ra sao. Chị bỏ gánh hàng, lục đục trong bếp tìm gạo nấu cháo cho anh. Ngượng ngùng chạm vào người anh để cạo gió. Anh nằm mê man đến trưa mới tỉnh.

Anh ngỏ lời thương chị. Lâu lắm chị mới dám đón nhận tình cảm của anh. Hai người về quê thưa chuyện với bố mẹ chị. Ông bà hối hận và thương chị nhiều, lại mừng vì chị đã tìm được bến đỗ. Anh nghĩ, nếu được gặp nhau ngay từ đầu, có lẽ cả hai sẽ không phải lãng phí những năm tháng của tuổi trẻ. Rồi nhận ra, chắc hẳn điều gì cũng có lý do của nó, bởi qua bao thăng trầm mới gặp được nhau, nếm nhiều bất hạnh khổ đau rồi nên cả hai sẽ trân trọng và nâng niu hạnh phúc này gấp bội.