![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Chia tay không lý do, rồi nghe phong thanh rằng anh cưới vợ giàu có, em thật sự suy sụp, mọi thứ tưởng như khép lại. Nhiều lần, trong cơn buồn bã tuyệt vọng, em đã nghĩ phải gọi cho anh, chỉ để hỏi, vì đâu anh nỡ…
May sao, dù muốn lắm, nhưng em vẫn chưa một lần thực hiện ý định đó. Hơn hai năm trước, mình gặp lại nhau trong ngỡ ngàng. Lúc ấy, cuộc sống riêng của em vẫn không mấy thuận lợi. Nghe anh khen, “giờ trông em dễ thương quá, em có hạnh phúc không?”, em bỗng thấy muốn khóc. Vì sao ta lạc mất nhau? Hà cớ gì một người đàn ông như anh lại đành đoạn bỏ em, kết hôn với một phụ nữ khác, lỡ dở mối tình mà chúng ta đã dành cho nhau biết bao mộng mơ tốt lành…
Loay hoay với những câu hỏi ấy và dư âm của cuộc gặp gỡ, em đã chủ động liên lạc với anh. Ban đầu chỉ là tin nhắn. Rồi em điện thoại. Có khi anh không bắt máy. Một vài hôm sau, mới thấy anh trả lời: “Em gọi anh à, có việc gì không?”.
Em chưng hửng nhận ra, mình hình như đã hơi bị ảo tưởng. Biết đâu, vài câu dịu ngọt hôm đó chỉ là thói quen xã giao. Chút ân cần kia chẳng qua là “nhân tiện”. Vậy thôi. Dù rất thất vọng, em vẫn cố giữ chút sĩ diện, bằng cách tiếp tục im lặng cố quên anh, như bao lâu nay mình không hề qua lại với nhau, tựa hồ cuộc gặp gỡ kia chẳng hề tác động đến em chút nào…
![]() |
Ảnh minh họa. |
Em giờ cuộc sống buồn nhiều hơn vui. Nhưng cũng thừa tỉnh táo để nghĩ, nếu đang đủ đầy hạnh phúc, hẳn anh đã không nhớ đến em. Em hình dung, có khi anh đã lướt lên đảo xuống cái danh bạ, tìm xem ai khả dĩ có thể “giải trí” cho quên sầu nữa kìa!
Em đa nghi quá chăng? Hay nỗi đau dằng dặc từ ngày xa anh đã làm cho em mất niềm tin đến vậy? Tự trấn an mình, anh là người cũ đấy thôi, nào phải ai xa lạ. Đời người ngắn ngủi, muộn phiền thì nhiều lắm, hà cớ gì phải làm khổ nhau thêm?
Nhưng rồi, có cái gì đó đã ngăn em mở lòng, khi anh bắt đầu kể lể về hiện tại của mình. Đặc biệt, sau chầu cà phê cơm trưa mà em là người thanh toán, anh hình như phán đoán, cuộc sống của em nay đã “dễ thở” hơn, em có thể dành thời gian và có thể cả tiền bạc để cùng anh khuây khỏa đây đó. Anh gợi ý về một chuyến đi xa chỉ có hai người, cái cách đề nghị em đặt vé luôn cho tiện chợt làm em ngờ ngợ. Em thực tế quá, hay chính sự thản nhiên của anh khiến em bỗng e ngại …
Tình yêu cũ đã lỡ làng, anh giờ chưa phải là người tự do, càng không rõ tình ý em thế nào, chỉ thấy em ừ hử không phản đối, là anh đã vội vàng... Chắc anh cho rằng em đâu có gì để mất? Nếu ngày xưa, giữa chúng ta không là đổ vỡ, thì giờ chắc em cũng như người phụ nữ đang bên anh, trở thành đề tài cho anh than thở. Em không mù quáng đến mức chỉ nghe và tin. Em thử đặt mình vào vị trí cô ấy, để hiểu cái câu nói có phần khắc nghiệt từng được nghe, rằng “với đàn ông, phụ nữ nói chung đều giống nhau, chỉ khác mỗi khuôn mặt”. Phũ phàng đến vậy sao?
Em chợt giật mình hiểu ra, nếu anh đang bận vun vén cho bản thân, công việc thuận lợi, kinh tế dư dả để bù khú, thì em đã không có “phần phước” được anh để mắt. Ai đó bảo, thời buổi này, tự dưng có ai đó liên lạc lại, thì phải dè chừng, đa phần là họ đang cần… nhờ vả. Em không dám nghĩ nhiều đến vậy, nhưng so sánh với thời điểm lẽ ra anh có thể đối xử với em tốt hơn, thì lần này đúng là khác hẳn. Em chẳng có gì để tiếp tục một mối quan hệ chỉ còn vấn vương bởi quá khứ, càng không hứng thú với một hiện tại thế này, dù là đến tận bây giờ, mỗi khi nghĩ về anh, em vẫn còn buồn nhiều thật nhiều...
Cô kính mến!
Hai vợ chồng cháu cùng là giáo viên nhưng cuộc sống hôn nhân lại luôn bị lộn tùng phèo buồn cười. Cháu nghĩ mãi mà không có cách gì điều chỉnh được.
Cháu gặp vợ cháu bây giờ khi đã đổ vỡ một lần (vợ và con trai cháu đi Mỹ sau khi ly hôn). Không có chuyện cướp chồng ở đây nhưng gia đình cô vợ bây giờ vẫn không chấp nhận. Họ lý luận rằng con gái một, lấy đàn ông có một đời vợ, nhục, phức tạp, dù con riêng chồng không phải nuôi nhưng vẫn cứ là không ra làm sao.
Cuối cùng chúng cháu vẫn cưới nhau nhưng nhà ai nấy ở. Vợ cháu bị mẹ giữ khư khư, bên cháu các chị đều “ghê gớm” nên không cần cô ấy làm dâu vẫn “không ai chết cả!”. Vợ cháu dạy học ở trường huyện, cháu có thể xin cho về thị xã được ngay nhưng bản thân cô ấy cũng không muốn hợp lý hóa cuộc sống vợ chồng.
Con gái sinh ra, bà ngoại càng chăm bẵm. Hai anh trai của cô ấy bắt đầu thắc mắc sao lấy chồng mà nó không theo chồng. Hai bà chị dâu của cô ấy cũng đâu có thích cảnh mẹ chồng ôm chặt con gái ruột và cháu ngoại như báu vật.
Còn cháu, làm sao cháu có thể chấp nhận cảnh vợ chồng chỉ có thể riêng tư với nhau vào cuối tuần như vậy? Mà chủ yếu là chồng đến chỗ nhà bà mẹ vợ, làm “chó nằm gầm chạn” (nói theo người Bắc) hai ngày hai đêm rồi lại trở về nơi xuất phát.
Con gái bọn cháu nay đã 5 tuổi, sắp vào lớp một mà vợ cháu phế cho bà ngoại muốn cho ăn kiểu gì, muốn nhồi nhét vào đầu nó thứ gì, mặc kệ.
Có thể nào chấp nhận chuyện vợ chồng không bếp chung, không có không gian riêng cho gia đình nhỏ của mình? Trên đời có ai lại dễ dàng chấp nhận cuộc sống như vậy không cô? Đàn ông ai chẳng cần bữa cơm của vợ, ai chẳng thích một căn buồng của mình, bên cạnh là đứa con duy nhất đêm hôm?
Vợ cháu toàn làm chuyện ngược, chỉ vì sợ ở riêng và làm dâu, sợ phải lo đi chợ, chăm con một mình. Có lẽ vợ cháu là người duy nhất của thế gian làm vậy. Gần đây cháu bực quá có lớn tiếng và bạt tai cô ấy trước mặt mẹ vợ. Thế là chiến tranh nổ ra. Cháu ra tối hậu thư, về tỉnh, thuê nhà ở riêng rồi dần dần sẽ mua nhà, hoặc là đường ai nấy đi.
Cô thấy cháu sai đúng chỗ nào và làm sao để tổ chức cuộc sống một cách bình thường, như bao người?
Ảnh minh họa.
Cô cũng thấy như cháu, có lẽ vợ cháu là người hy hữu của thế gian. Muốn lấy chồng mà sợ nhà chồng, sợ làm dâu (dù chiếu lệ), sợ ăn và ngủ cùng với chồng. Định nghĩa thế nào về một người như vậy?
Thứ nhất, cô ấy yêu một người đã có một đời vợ và có con riêng (dù vợ cũ và con riêng người ta đã di cư xa). Vợ cháu sợ quá khứ của cháu mặc dù khi lao vào thì không nghĩ ngợi gì. Cô ấy sợ bị so sánh với người cũ và … nói chung là một nỗi sợ mơ hồ nhưng không phải không có tác động của ba mẹ ruột.
Thứ hai, góc độ này mới là chính, cô ấy là con gái út, con gái một của gia đình đã quyết không gả đi. Nhiều hệ lụy từ quyết định này. Ví như cứ làm cho vợ cháu sợ nhà chồng, sợ cực thân, sợ gánh vác…Ví như không chịu nổi trống vắng trong lòng khi không thấy bóng con gái như mình quen thấy. Và, khi vợ cháu sinh con, thì cháu ngoại một, cháu ngoại duy nhất, quá cưng, quá thích, quá ôm ấp rồi quen mùi, quen bao biện, cáng đáng.
Thứ ba, điều này cũng không kém quan trọng, vợ cháu, như đã nói, là gái vàng gái bạc nhà người ta, vì vậy là không quen việc, ích kỷ, ỷ lại…hầu như nhược điểm nào cô ấy cũng có hết.
Cháu đã cưới trong may rủi, như bao người. Nếu vợ chồng ở riêng nhau một mái nhà độc lập, có khi chồng thành nội tướng còn cô vợ không biết thành cái gì. Vậy đó, rồi cũng xong, vung và nồi, méo thì chỉnh, có khi chỉnh mãi thì vung méo nhưng có vung còn hơn là nồi không vung hoặc phải bỏ, đi tìm một cái vung mới.
Sự cố đáng tiếc ở chỗ, cháu đã mạnh tay với vợ ngay trong gia tộc vợ, để các anh vợ ra tay và ba má vợ phiền lòng. Rất không nên dù vợ cháu có lỗi đến mức nào. Phải xin lỗi ba má, vì chuyện của các cháu mà làm ba má ưu phiền. Nếu được, hãy xin lỗi các anh của vợ như những người đàn ông sòng phẳng với nhau. Ví như em gái cháu bị chồng nó hành hung trước mặt mình, cháu sẽ xử lý ra sao?
Rất cần thuyết phục vợ đồng ý theo cháu về tỉnh, thu xếp một chỗ riêng và xây dựng với nhau từ cái bếp, cái phòng ngủ, cái túi tiền chung như bao người. Không có công thức khác. Kéo dài mãi tình trạng như hiện nay, cô e, chính cháu sẽ nguội lòng và rồi sẽ có “cái vung mới” xuất hiện trong tầm mắt.
Lại ly dị, đàn ông hai lần vợ cũng nhàu nát lắm, bình tâm và cẩn trọng nhá. Cô thương và tin ở cháu nhiều. Những người đàn ông còn trẻ đã qua một lần đò thường sâu đằm, nội tâm và cũng rất đa cảm. Hãy mạnh mẽ lên cháu để làm chỗ dựa cho vợ và con, để níu kéo lại một mái ấm đang như dần xa tầm tay mình.
Mong mọi việc sớm vuông tròn và hãy hồi âm lại tin vui cho cô nhé.