Tình yêu vô điều kiện

Ngày ấy, biết tôi vướng vào ma túy, cô hàng xóm vẫn yêu - một tình yêu vô điều kiện. 

Giữa đêm, tôi giật thót, bàng hoàng. Tôi mơ thấy mình còn nghiện ngập hoặc đang đi cai. Nếu không có vòng tay gia đình, có người vợ chặt dạ thủy chung, chắc giờ này tôi vẫn còn ngập trong cơn ác mộng đó.
Vướng vào ma túy từ năm 1996, khi đang học trung cấp kỹ thuật, tôi được ba mẹ cho cai ở nhà hơn mười lần. Nghe đồn ở đâu có thầy thuốc giỏi về cai nghiện ma túy, dù xa xôi, tốn kém thế nào, ba mẹ tôi cũng tìm đến. Ngày ấy, biết tôi vướng vào ma túy, cô hàng xóm vẫn yêu - một tình yêu vô điều kiện. Cô giấu gia đình chuyện tôi nghiện và một đám cưới rỡ ràng được tổ chức vào năm 2001. Có vợ, tôi có thêm một người để gây tổn thương. Tôi trở thành người gian dối, vô cảm. Tranh thủ lúc vợ sơ hở, tôi lấy tiền dành dụm để mua ma túy. Tôi luôn kiếm cớ để vợ đưa tiền, lúc báo bệnh, lúc khai bị cảnh sát giao thông phạt…
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Khi phát giác mọi chuyện, gia đình vợ không muốn con gái tiếp tục chịu khổ. Những lúc vợ buồn giận, bế tắc, quay về nhà, mẹ ruột lớn tiếng đuổi xua: “Con phải bỏ nó, nếu không thì đừng về đây nữa!”. Mặc, vợ tôi vẫn yêu. Vợ chồng đùm túm nhau đến ở nhờ nhà người quen, thuê nhà trọ, kể cả gửi tôi về quê nhằm cách ly với ma túy. Vợ tôi lãnh kết hoa gia công để tôi không “nhàn cư vi bất thiện”. Buổi sáng, vợ đi bán, khóa trái cửa nhốt tôi trong nhà. Tôi bị giam nhưng thức ăn luôn đầy đủ vì vợ chu đáo nấu nướng để sẵn.
Tôi đi cai nghiện tại Trung tâm Phú Đức (Bình Phước) năm 2004. Vợ tôi ở nhà một mình mang thai không có chồng chăm sóc, rồi vượt cạn mồ côi. Ở trường cai nghiện, tôi may mắn được học ngành công tác xã hội của trường ĐH Mở TP.HCM. Đèn sách đến khuya, tôi quay quắt nhớ nhà, nhớ vợ, thương đứa con trai đầu lòng chưa một lần thấy mặt cha. Do sinh nở, nuôi con nhỏ và bận mưu sinh, vợ tôi ít lên thăm nhưng luôn gửi đến tôi những lời động viên. Nghe tin có chuyến xe của thân nhân từ TP.HCM lên trường thăm học viên không may bị lật trên đường, tôi thót tim, nghĩ: “Nếu ba, mẹ, vợ, con… của mình ngồi trên chiếc xe đó thì sao?". Nỗi lo trở thành động lực. Hằng ngày, tôi dồn sức vào việc học tập, giúp đỡ các học viên khác.
Năm 2008, được trả về, tôi đứng lặng hồi lâu trước cổng trường, thầm dặn lòng đừng sa ngã. Gia đình đối xử tế nhị để tôi không mặc cảm “con nợ, sống bám”, nhưng vẫn kiểm soát bằng sự quan tâm để tôi không tiếp xúc trở lại với môi trường xấu.
“Chuyến xe” tình thương của bao người đã đưa tôi về ngôi nhà hạnh phúc. Sợi dây xích cai nghiện tại nhà ngày nào giờ trở thành dây treo bao cát để tôi tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe. Đôi mắt từng đẫm lệ của vợ tôi giờ đã biết cười…

Phá nát gia đình vì thích lẳng lơ

Vợ anh, đến lúc này, ra tòa mà vẫn như thế, vẫn nói dối, vẫn lấy nước mắt để được lòng người.

Trước tòa, chị khóc hết nước mắt, bảo mình thương chồng, thương con như thế, hy sinh như thế, nhưng chút lỗi lầm chồng cũng không thể tha thứ cho chị làm lại. Chỉ có anh hiểu là anh không còn đủ bao dung với người như chị được nữa.

Chị nói là anh khiến chị cô đơn quá, anh đi công tác nhiều khiến chị vò võ, lúc đau ốm nhìn quanh cũng chỉ thấy có mấy đứa con thơ. Người ta tấn công chị, và chị đã ngã lòng. Đó là phút yếu đuối của người đàn bà thấy mình cô độc. Tòa hỏi, anh có thể thông cảm và cho chị một lần làm lại không, anh lắc đầu, nhấn mạnh ý muốn ly hôn. Hai đứa con, khi tòa hỏi đến, chúng cũng trả lời làm mọi người ngạc nhiên: Tùy ba con ạ!

Anh không thể nào nói hết trước tòa được, chẳng lẽ trước bàn dân thiên hạ mà đi kể xấu vợ để dành phần đúng cho mình? Anh vốn coi khinh những người đàn ông như thế. Vợ anh, đến lúc này, ra tòa mà vẫn như thế, vẫn nói dối, vẫn lấy nước mắt để được lòng người.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Trong suốt quá trình hôn nhân, anh không nhớ bao nhiêu lần mình đã phải tha thứ cho vợ. Vợ anh, như một người bạn thân thiết của anh đã nói là “lẳng lơ bẩm sinh”. Cái tính lẳng lơ ấy, lúc yêu nhau thì nó là ngọt ngào, đẩy đưa, duyên dáng, quyến rũ. Lúc lấy về, thời gian đầu anh vẫn chết mê chết mệt vì vợ. Nhưng rồi khi hai đứa trẻ ra đời, anh dần nhận ra vợ mình “không ổn”.

Có hai con, mà vợ ăn mặc lúc nào cũng như con gái mới lớn, váy ngắn, áo ôm khít rịt, ngực hở. Anh nói thì chị bảo anh lạc hậu, còn để yên vợ muốn mặc sao thì mặc, ra ngoài với vợ, thấy hàng tá ánh mắt của đàn ông dán chặt vào vợ mình, anh khó lòng mà không ghen. Nói chuyện với đàn ông khác, bất cứ là bạn chồng, đối tác chồng, đồng nghiệp hay người dưng ngoài đường, chị cũng chỉ một kiểu ngọt ngào xiêu lòng như thế, mắt mơ màng đắm đuối như thế, thân thể đong đưa như thế.

Có lúc, anh sợ mình nghĩ xấu cho vợ, là vợ mình hình như đang ra sức quyến rũ đàn ông. Một lần anh đã nổi trận lôi đình, vì nghe một người bạn vợ kể lại, hôm họp lớp cấp 3 cũ dịp Tết, vợ anh ăn mặc “bốc lửa” đến mức thu hút mọi ánh nhìn của đám đàn ông, trở thành “tâm điểm”. Lúc ăn nhậu say sưa xong, nhiều người đàn ông đã lợi dụng bia rượu, ôm ấp, lạm dụng vợ anh mà vợ anh chẳng để ý gì, ai có nhắc, chị cười cười bảo: Lâu lâu đãi anh em chút mà!

Nhiều biểu hiện của vợ khiến anh thấy mất lòng tin, nhưng còn yêu vợ nhiều, anh an ủi: Thôi đành chấp nhận cái tính “hơ hớ” của vợ, miễn giữ thủy chung là được. Mà bù lại, chị cũng là người siêng năng, chiều chuộng chồng con.

Lần đầu tiên anh phát hiện vợ ngoại tình là với người bạn cũ của vợ. Anh bạn này lâu nay đi làm ăn xa, trở về đã là một “doanh nhân thành đạt”. Gặp lại, thấy vợ anh tươi tắn mát mẻ đã đeo đuổi. Và không khó khăn gì lắm để vợ anh ngã vào vòng tay người này. Mối quan hệ diễn ra chừng một tháng thì anh được người bạn của vợ “mật báo”. Anh đến tận khách sạn nơi hai người đang hú hí, bắt tại trận.

Gã nhân tình sau đó cao chạy xa bay. Còn chị thì khóc lóc, van xin, lạy lục anh tha thứ. Hai đứa con, lúc ấy mới hơn 10 tuổi đã khóc xin bố tha thứ cho mẹ, để gia đình còn nguyên vẹn.

Lần thứ hai là khi con gái lớn lúc ấy 15 tuổi, đi học về chạy vào phòng khóc. Anh vốn thường gần gũi, chia sẻ với con đã vào năn nỉ, hỏi han, cuối cùng nó mới nói thật và bắt ba không được bỏ mẹ. Nó nghe mấy đứa bạn nó nói, mẹ mày với ba thằng Kim ngoại tình với nhau, đi họp phụ huynh toàn ngồi sát nắm tay nhau rù rì rồi dẫn vô khách sạn, bị mẹ thằng Kim phát hiện rượt chạy quá trời…

Sự việc sau đó anh không xác minh được, vì vợ anh chối và anh cũng không có can đảm tìm hiểu kĩ hơn. Anh an ủi con rằng đó chỉ là lời đồn thổi. Nhưng anh biết các con càng ngày càng mất đi niềm tin ở mẹ. Đứa nhỏ, mới học lớp 8 cũng về nói với anh, mấy đứa bạn con nói mẹ mày đi họp phụ huynh xong về đi karaoke với mấy ông phụ huynh dê xồm…

Anh tưởng như có thể nhắm mắt vì con, cho con không mất mẹ, không tìm hiểu sâu mọi việc, và tìm quên bằng cách lao vào làm ăn, những chuyến công tác xa. Thế nhưng sự trốn tránh của anh càng khiến mọi sự thêm tồi tệ.

Trong một chuyến đi công tác, anh nghe hai đứa con gọi anh, khóc nức nở: Ba ơi, mẹ với chú Tứ bạn ba dẫn nhau về nhà. Mẹ tưởng hai chị em con đi học thêm, mà bữa nay ngày lễ nên tụi con được nghỉ. Em Ly thấy vậy sợ khóc quá trời ba ơi… Câu nói của các con khiến anh đau điếng người.

Vợ anh đã vượt quá xa chuyện lẳng lơ thông thường. Chị đã có những hành động vượt quá luân thường đạo lý, chà đạp lên lòng bao dung của chồng, và nghiêm trọng hơn là làm mất niềm tin và tổn thương tinh thần các con mình. Anh thấy hối tiếc vì mình đã rộng lượng đến mức nhu nhược, đã trốn tránh sự thật, mong gia đình mình không bị chia cắt mà dung dưỡng cho cái xấu, giờ đây khiến các con rơi vào hoảng loạn.

Anh bay vội về. Ngay trong hôm ấy, tờ đơn ly hôn được đưa ra, dù có bao nhiêu nước mắt, bao lời giải thích và xin lỗi, hứa hẹn. Lòng anh đã chai sạn yêu thương. Người mẹ này cũng không cần cho các con anh nữa.

Kết thúc phiên tòa, người vợ vẫn nước mắt ngắn dài cầu xin lời tha thứ. Anh âm thầm dẫn các con ra về. Ngoài đường, mé trước cổng tòa, anh thấy chiếc xe hơi rất quen đậu. Bên trong tay lái, chỗ cửa kính hạ xuống là một gương mặt cũng rất quen, hình như đó là người đàn ông mà anh vẫn thấy lén lút đưa đón vợ anh trong những ngày tháng ly thân trước khi họ ra tòa…

Vụng trộm với… chồng cũ

Mối quan hệ của em hiện nay là vụng trộm, vì ngại điều tiếng, bản thân em cũng xấu hổ khi người ta bàn ra tán vào.

Chị Hạnh Dung mến! 

Vợ chồng em ly hôn được một năm. Lý do thì nhiều: gia đình bên chồng quá hà khắc với em, bắt em ở nhà không được đi làm, chúng em cưới nhau hai năm nhưng không có con, trong khi anh từng có con riêng trước khi cưới em (đứa bé là con trai, ở với nhà nội), anh chị bên nhà chồng quá đông và hay can thiệp vào chuyện riêng của vợ chồng em… Vì tất cả những điều đó, chúng em quyết định chia tay. Giờ em sống một mình, vẫn chung chỗ làm nên em biết anh cũng không có ai. Anh vẫn quan tâm đến em, nói là từ lúc em ra đi, gia đình anh không yên ổn được chút nào, các anh chị cứ chì chiết vì anh không làm ra tiền. Vì vậy, anh có ý muốn rời gia đình, ra sống với em. Những lúc gặp nhau ở cơ quan chúng em không dám nói chuyện, bày tỏ tình cảm, chỉ âm thầm nhắn tin, gọi điện cho nhau. Nhưng, lúc anh đến nhà em, em nghĩ đằng nào cũng là chồng cũ của mình, nên em đã có lúc mềm lòng. Mối quan hệ của em hiện nay là vụng trộm, vì ngại điều tiếng, bản thân em cũng xấu hổ khi người ta bàn ra tán vào. Em không biết giải quyết thế nào…

Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Dương)

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Em Thu Thủy thân mến,

Trong những lý do để ly hôn của vợ chồng em, không có lý do nào là đã cạn tình với nhau cả. Trong khi đó, tình cảm, sự gắn bó, hạnh phúc… mới là những lý do chính để tiến đến hôn nhân. Em đã ly hôn vì những áp lực khác, nên có thể, tình yêu của em với chồng vẫn còn, đó là nguyên nhân khiến vợ chồng em âm thầm nối lại tình cũ.

Em nên xem xét thử có phải mình đã quá vội vàng khi quyết định ly hôn, không cố gắng gìn giữ hạnh phúc của mình không? Nhiều đôi sau khi ly hôn mới thấy thực ra không ai bằng chồng/vợ cũ của mình, thực ra mình vẫn còn yêu nhau… nên đã làm lại “tập hai” với cùng "diễn viên" cũ. Họ đã hạnh phúc sau khi suýt đánh mất nhau.

Những việc cũ, nếu chồng em rời khỏi gia đình thì gần như đã có thể giải quyết được hết. Em có thể giữ được nghề, đi làm để có thu nhập tự lo cho gia đình mình. Chồng em đỡ phải chịu áp lực từ anh chị, cha mẹ. Cháu bé con riêng, nếu thích ở với ông bà, vợ chồng em có thể cấp dưỡng, hoặc dần thuyết phục để cháu về ở với vợ chồng em. Việc chậm có con, em có thể đi kiểm tra ở bệnh viện chuyên khoa để tìm nguyên nhân và chữa trị.

Việc xảy ra như trên, cũng có thể do chồng em chưa thực sự quyết đoán, chủ động. Nếu em muốn xây dựng lại hạnh phúc của mình, không còn cách nào khác là em phải tự gánh lấy trách nhiệm đó, chủ động và tích cực kiến tạo lại gia đình, Nếu mình ngay thẳng, nghiêm túc, không phải ngại dư luận. Hạnh phúc là hạnh phúc của mình, đâu phải dư luận tạo nên hạnh phúc. Muốn chấm dứt dư luận về sự “vụng trộm”, các em có thể đàng hoàng tuyên bố quyết định tái hôn, sau khi chuẩn bị kỹ càng mọi chuyện. Chúc em vững vàng hơn để bảo vệ hạnh phúc của mình.

Tình yêu hay là sự đọa đầy?

Tình yêu giống như ánh đèn trong đêm, nó hút người ta bằng ánh hào quang ma mị và kiêu hãnh. 

Chị nói với tôi rằng chị giống một con thiêu thân đã dùng hết sức bình sinh để lao vào cuộc hôn nhân hào nhoáng đó. Tình yêu giống như ánh đèn trong đêm, nó hút người ta bằng ánh hào quang ma mị và kiêu hãnh. Anh là một người đàn ông lý tưởng, vừa đẹp trai vừa thành đạt lại sinh ra trong một ra đình có thế lực.

Chị mê đắm anh vì nhiều lẽ dù tính cách hai người trái ngược nhau và trái tim anh ngay từ khi bắt đầu đã không còn thuộc về chị nữa. Trói buộc anh bằng một đứa con, chị mặc kệ những lời can ngăn, những hệ quả có thể lường trước được. Chị lao vào quầng sáng ấy dẫu nó khước từ chị để rồi tự thiêu rụi mình bằng những ngày sống cảnh vợ chồng ngột ngạt và nhạt nhẽo. Anh coi chị giống như chiếc bóng trong nhà, vô hình đến tội nghiệp. Chị vẫn bền bỉ với thứ tình yêu ấy mong một ngày nào đó anh ngoảnh lại nhìn mình. Nhưng chị mãi cũng vẫn chỉ nhìn thấy chiếc gáy của người đàn ông mình yêu. Tôi nhìn chị và nghĩ ngôi nhà ấy thực ra từ lâu đã biến thành ngôi mồ chôn cất cuộc hôn nhân gượng ép một cách mù quáng. Chị như bông hoa tự thắp lửa mong sưởi ấm khu vườn nhưng ngọn lửa ấy cuối cùng lại tự thiêu rụi từng cánh mỏng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Anh ngang nhiên yêu một người đàn bà khác. Mua nhà cửa và lui tới thường xuyên chốn ấy như thể đó mới là mái ấm. Sau những ngày dài chỉ biết ngồi đợi chờ mòn mỏi chị đã đứng dậy khuấy động ngôi nhà bằng vài quyển sách nấu ăn, những bình hoa dậy mùi hương sắc, những bộ váy gợi cảm, hay kiểu tóc đã được dày công chau chuốt… Nhưng mỗi lần anh trở về chỉ để gặp con, mua cho thằng bé vài món đồ chơi, kiểm tra qua loa chuyện học hành của nó. Anh còn không buồn nán lại ăn một bữa cơm thì làm gì có thời gian để thưởng hoa và nhìn chị đang mỗi ngày vì anh mà gắng đẹp. Dù không yêu chị và đã chán ngấy cuộc hôn nhân ấy nhưng anh chưa một lần nhắc đến chuyện ly hôn, để chị thấy tuổi xuân của mình giam cầm trong cuộc hôn nhân mà chị tự dấn thân. Nó giống như sự trả giá câm lặng nghiệt ngã dành cho chị.

Trong ngôi nhà đó mọi cố gắng vun đắp là không tưởng. Những ngày nắng chị mở toang tất cả những cánh cửa sổ ngồi ngoẹo cổ trông ra cổng chờ một tiếng dừng xe. Những ngày mưa gió xám xịt và u ám chị không dám rời khỏi giường vì sợ chút hơi ấm cuối cùng cũng bỏ mình mà đi. Những ngày đau ốm hai mẹ con chăm nhau, thìa cháo chưa chạm môi đã đắng ngắt tận tim can. Tôi tự hỏi chị định sống như thế đến bao giờ? Đó gọi là tình yêu hay là sự đọa đầy?

Bỗng một ngày tôi nhận được một cuộc gọi từ chị, cứ nghĩ chị nhắc tôi ghé thăm cho nhà cửa bớt buồn. Không nhờ khi đó chị đã rời thành phố mang theo cậu con trai trở về sống tại quê nhà. Tôi hỏi về sự giải phóng cho cuộc hôn nhân nặng nề ấy? Chị cười bảo “Vì còn có con. Vì không có quyền được chết giống một con thiêu thân nên chị đã chọn cách lầm lũi lê lết bò ra khỏi quầng sáng ấy. Bây giờ thì chị thấy thanh thản hơn nhiều”.

Tôi nghe trong giọng chị như có mưa, hẳn là chưa thể tươi vui khi vừa bước qua mùa giông gió. Thỉnh thoảng tôi vẫn đi ngang ngôi nhà cũ to đẹp của chị, tường rào bao quanh im ỉm không phát ra một tiếng động nào. Tôi vẫn không khỏi xót xa khi nghĩ rằng chính nơi này đã từng giam hãm tuổi thanh xuân của người đàn bà từng lấy tình yêu làm lẽ sống. Ơn trời là những ngày tháng ấy đã qua…