Ở tuổi 34, TS Võ Trường Giang vẫn ngày ngày có mặt trong phòng thí nghiệm, theo đuổi công trình xử lý nước thải bằng công nghệ điện hóa, phục vụ mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Với anh, khoa học không chỉ là đam mê mà còn là trách nhiệm.

Dự án triệu đô xử lý nước thải
Sinh ra tại xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, TS Võ Trường Giang lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Đại học Cần Thơ, anh giành được hai học bổng toàn phần từ Đài Loan và lựa chọn theo học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc lập Đài Loan (TaiwanTech), bước vào chương trình tiến sĩ.

Trước rào cản ngôn ngữ và văn hóa, anh không bỏ cuộc. “Lúc mới sang, tôi chỉ nói được vài từ tiếng Trung. Mỗi lần đi chợ, tôi đều viết sẵn từ tiếng Hoa ra giấy để hỏi mua. Sau một năm, tôi có thể giao tiếp và giảng dạy cho sinh viên địa phương bằng tiếng Hoa”, anh chia sẻ.
Với sự nỗ lực không ngừng, anh hoàn thành chương trình tiến sĩ sớm một năm, ở tuổi 27.
Sau khi hoàn tất chương trình tiến sĩ, thay vì chọn ở lại Đài Loan với những cơ hội nghề nghiệp sẵn có, anh quyết định rẽ hướng sang Singapore để thử sức trong một môi trường nghiên cứu mới, nhiều thử thách hơn.

Tại đây, TS. Giang là thành viên chính của dự án “Thu hồi khoáng từ các dòng chất thải ứng dụng trong sản xuất bê tông”, được tài trợ bởi Cơ quan Nước quốc gia và Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Singapore, với tổng kinh phí hơn 2 triệu đôla Singapore (hơn 1,4 triệu USD).
Mục tiêu dự án là phát triển công nghệ điện hóa tiên tiến nhằm tách chiết khoáng chất từ nước thải siêu mặn, sản phẩm phụ của quá trình khử mặn nước biển kết hợp với xử lý CO₂ công nghiệp. Các khoáng thu hồi như canxi, magie… được sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng hoặc bê tông. “Đây là một công nghệ đột phá nhằm giải quyết bài toán xử lý nước thải công nghiệp, đặc biệt là nước muối siêu mặn từ nhà máy khử mặn và khí CO₂ vốn là tác nhân chính gây hiệu ứng nhà kính bằng cách chuyển chúng thành khoáng chất có giá trị ứng dụng trong ngành xi măng, một lĩnh vực phát thải CO₂ rất cao”, TS. Giang cho biết.
Sau hơn hai năm triển khai, dự án đã hoàn tất khoảng hai phần ba chặng đường và thu được nhiều kết quả tích cực: ba bài báo khoa học quốc tế đã được công bố, cùng với ba bằng sáng chế đã được đăng ký tại Singapore. Giai đoạn tới, TS. Giang và nhóm nghiên cứu sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm đối tác để triển khai thử nghiệm công nghệ ở quy mô lớn hơn. Nếu thành công, công trình này không chỉ giúp xử lý hiệu quả nước thải và khí CO₂, mà còn góp phần giảm đáng kể lượng phát thải từ ngành xi măng hướng đến các giải pháp phát triển bền vững cho công nghiệp và môi trường”, anh chia sẻ.
"Hãy hướng về mặt trời, bóng tối sẽ ở sau bạn"
TS. Võ Trường Giang cho biết, anh tâm đắc với câu nói: “Hãy hướng về mặt trời, bóng tối sẽ ở sau bạn”. Đó cũng chính là phương châm sống anh theo đuổi, đó là luôn giữ tinh thần lạc quan, hướng về tương lai và trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống. Sinh ra trong một gia đình không có điều kiện về về kinh tế, nhưng anh đã chọn cách học tập không ngừng để thay đổi hoàn cảnh và có thể chăm lo tốt hơn cho cha mẹ, người thân, thay vì than thân trách phận.
Dù đang công tác tại nước ngoài, TS. Giang luôn hướng về Việt Nam. Anh là thành viên nòng cốt của VIN Singapore, mạng lưới kết nối nhà khoa học Việt tại Singapore với Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC).
Theo anh, để góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, thế hệ trí thức trẻ không chỉ cần trau dồi năng lực cá nhân mà còn phải tiên phong trong sáng tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức vào đời sống. Xuất phát từ quan điểm đó, anh luôn định hướng các đề tài khoa học theo hướng ứng dụng thực tiễn, gắn với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu – từ công nghệ giảm phát thải CO₂, sản xuất nhiên liệu xanh như hydrogen, đến phát triển các quy trình hóa học bền vững nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Hiện anh vẫn giữ liên lạc với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và tích cực tham gia các hội thảo về chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thời gian tới, anh mong muốn sẽ trở về Việt Nam làm việc tại các viện nghiên cứu hoặc trường đại học phù hợp, nhằm chuyển giao những công nghệ bền vững mà anh đã tích lũy và tiếp cận trong quá trình học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Theo anh, đây là cách thiết thực để đóng góp vào việc giải quyết những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường, những vấn đề cũng đang hiện hữu ngày càng rõ nét tại Việt Nam.
Tính đến nay, TS. Giang đã công bố 19 bài báo khoa học thuộc nhóm Q1, với 14 bài là tác giả chính, cùng 5 bài báo Q2 khác trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế.
Anh là người trẻ tuổi hiếm hoi trong nhóm nghiên cứu có số lượng công bố quốc tế cao, đặc biệt trong lĩnh vực xử lý chất thải, công nghệ điện hóa và thu hồi CO₂.
Tháng 12/2024, Võ Trường Giang được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Quả Cầu Vàng lĩnh vực Công nghệ môi trường, ghi nhận đóng góp nổi bật của anh trong nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn.