Giáo sư giàu nhất thế giới, tỷ phú "dị" nhất Silicon

Sở hữu gần 20 tỷ USD nhưng vẫn tự cắt tóc, đi xe cũ và mặc đồ bạc màu, GS David Cheriton được xem như một trong những tỷ phú "dị" nhất thế giới.

Hãy tưởng tượng bạn có trong tay 20 tỷ USD, bạn sẽ làm gì? Mua một hòn đảo, một đội bay riêng hay sống trong tòa lâu đài? Sở hữu khối tài sản gần 20 tỷ USD từ Google, nhưng vẫn tự cắt tóc, đi làm bằng chiếc xe cũ và cho rằng việc hưởng thụ vật chất là "vô nghĩa", một giáo sư đại học đã chọn sống theo một cách riêng, không giống với suy nghĩ thông thường, nhưng khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Ông là David Cheriton, tỷ phú, giáo sư đại học giàu nhất trong lịch sử nhân loại.

gs-1.png
Giáo sư đại học giàu nhất mọi thời đại David Cheriton.

Cái gật đầu thay đổi lịch sử: Tấm séc 100.000 USD và 10 phút định mệnh làm nên Google

David Ross Cheriton – giáo sư Khoa học máy tính tại Đại học Stanford – không phải là một cái tên nổi bật trong giới đầu tư như Elon Musk hay Peter Thiel, nhưng ông chính là một trong những người đầu tiên đặt cược vào tương lai của Google.

gs-2.jpg
Larry Page và Segrey Brin hồi còn trẻ.

Năm 1998, Cheriton cùng đồng nghiệp Andy Bechtolsheim viết tấm séc 100.000 USD cho hai nghiên cứu sinh Sergey Brin và Larry Page để giúp họ khởi nghiệp với công cụ tìm kiếm còn vô danh.

Đó thực sự là một cuộc gặp gỡ định mệnh. Năm 1998, hai sinh viên - Brin và Page tìm đến văn phòng của Cheriton để thuyết phục ông tài trợ cho dự án khởi nghiệp của họ – một công cụ tìm kiếm Internet mang cái tên kỳ lạ “Googol”, đại diện cho con số 1 theo sau là 100 số 0. Tình cờ hôm đó, cùng có mặt tại phòng làm việc là Andy Bechtolsheim – nhà đồng sáng lập Sun Microsystems và cũng là người bạn đồng hành đầu tư của Cheriton.

Chỉ sau 10 phút nghe trình bày, cả Cheriton và Bechtolsheim đều nhận ra tiềm năng to lớn trong ý tưởng của hai chàng trai trẻ. Bechtolsheim thậm chí còn tính nhẩm: “Nếu họ có 1 triệu lượt truy cập mỗi ngày, với giá 5 xu/lượt, họ sẽ kiếm được 50.000 USD. Ít nhất cũng đủ để tồn tại!”

Không do dự, cả hai lập tức viết tấm séc trị giá 100.000 USD trao ngay tại chỗ – giúp khởi đầu hành trình hình thành công ty Google.

"Tôi thấy họ có cái gì đó rất đặc biệt, và ý tưởng của họ thực sự thông minh", ông kể lại trong một buổi phỏng vấn với Business Insider .

Google trở thành gã khổng lồ công nghệ với giá trị vốn hóa hơn 1.700 tỷ USD. Larry Page và Sergey Brin lần lượt nắm giữ khối tài sản hơn 110 tỷ USD, nằm trong top những người giàu nhất thế giới. Còn David Cheriton, người thầy đã dám đặt niềm tin vào họ khi cả thế giới còn nghi ngờ, cũng sở hữu hàng tỷ USD từ cổ phần ban đầu. Tính đến năm 2025, ông sở hữu khối tài sản khoảng 19,8 tỷ USD và được Forbes xếp hạng là người giàu thứ 163 thế giới, trở thành một trong những giáo sư đại học giàu nhất lịch sử nhân loại.

Tấm séc 100.000 USD năm ấy, nếu tính theo giá trị hiện tại của cổ phiếu Alphabet, đã sinh lời hàng chục ngàn lần trở thành một trong những khoản đầu tư thành công nhất mọi thời đại.

Lỡ hẹn với cây đàn guitar, nên duyên với đế chế công nghệ tỷ đô

David Ross Cheriton sinh năm 1951 tại thành phố Vancouver, Canada, là con thứ ba trong một gia đình có sáu người con. Cả cha lẫn mẹ đều là kỹ sư, nhưng thay vì áp đặt định hướng nghề nghiệp, họ để ông tự do khám phá con đường riêng của mình. “Thằng bé luôn đi theo hướng nó chọn,” cha ông từng chia sẻ. “Chúng tôi chưa bao giờ ép buộc".

gs-4.jpg
Nếu không lỡ duyên với nghệ thuật, rất có thể không có một GS Cheriton theo hướng như ngày hôm nay. Ảnh: Đại học Waterloo.

Ngay từ nhỏ, Cheriton đã bộc lộ cá tính độc lập khác thường. Không hứng thú với các trò chơi tập thể, cậu bé chọn xây một căn chòi bằng gỗ trong sân sau để tránh xa đám trẻ hàng xóm. Với trí tuệ vượt trội, cậu sớm tỏ ra chán nản với nhịp học chậm chạp của trường lớp đến mức từng muốn bỏ học giữa chừng vào năm lớp 11 vì cho rằng chương trình “quá chậm”.

Dù sinh ra trong gia đình kỹ thuật, Cheriton lại nuôi mộng nghệ sĩ. Ông yêu âm nhạc, từng tham gia các vở nhạc kịch ở trường phổ thông và cộng đồng địa phương, rồi ứng tuyển vào khoa guitar cổ điển của Đại học Alberta. Thế nhưng, hồ sơ nghệ thuật của ông bị từ chối.

Không nản chí, Cheriton quyết định chuyển hướng. Năm 22 tuổi, ông rời quê nhà để theo học ngành Toán học tại Đại học British Columbia. Tại đây, giữa những con số khô khan, ông tình cờ làm quen với một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ lúc bấy giờ: khoa học máy tính, mở ra hành trình đưa ông trở thành một trong những giáo sư đại học giàu nhất thế giới sau này.

Cheriton không chỉ là một nhà khoa học. Ông từng đồng sáng lập nhiều công ty công nghệ đình đám như: Granite Systems (bán cho Cisco năm 1996), Kealia (mua lại bởi Sun Microsystems năm 2004), Arista Networks (IPO năm 2014, hiện là công ty mạng trị giá hàng chục tỷ USD).

Ông cũng là người đứng sau Apstra, BrainofT và Caspar. Tuy nhiên, Cheriton luôn từ chối được gọi là doanh nhân. "Tôi chỉ muốn giải quyết những vấn đề lớn về công nghệ, và đôi khi điều đó dẫn tới công ty, không phải ngược lại", ông chia sẻ.

Triết lý của tỷ phú 20 tỷ đô: "Tôi không hiểu sao người ta tiêu tiền vào thứ vô nghĩa"

Dù là tỷ phú, Cheriton không có biệt thự xa hoa hay siêu xe. Ông vẫn sống trong căn nhà cũ ở Palo Alto, đi làm bằng xe Honda Accord, tự cắt tóc, mặc quần jeans bạc màu và thường xuyên mang dép lê đến trường.

"Tôi không hiểu sao người ta lại tiêu tiền vào những thứ vô nghĩa", ông nói. Cheriton nổi tiếng đến mức được xếp vào danh sách “những tỷ phú tiết kiệm nhất thế giới” cùng với Warren Buffett.

gs-3.png
GS Cheriton giữ lối sống giản dị và vẫn là một người thầy ngay khi đã trở thành một trong những người giàu nhất thế giới.

Dù sống giản dị, Cheriton lại rất hào phóng với giáo dục. "Giáo dục là cách đầu tư bền vững nhất cho tương lai", ông chia sẻ. Ông từng tài trợ 25 triệu USD cho Đại học Waterloo – nơi ông lấy bằng tiến sĩ – khiến khoa Khoa học máy tính được đổi tên thành David R. Cheriton School of Computer Science, 7,5 triệu USD cho Đại học British Columbia, 12 triệu USD cho Đại học Stanford để hỗ trợ giảng viên và học bổng.

Gần 20 tỷ USD cũng không thể kéo ông rời khỏi bục giảng. David Cheriton vẫn chọn gắn bó với đam mê lớn nhất của đời mình: giảng dạy. Mỗi ngày, vị giáo sư vẫn miệt mài 10-12 tiếng trong chính căn phòng làm việc giản dị tại Stanford – nơi mà hơn hai thập kỷ trước, ông đã ký tấm séc định mệnh khai sinh ra đế chế Google.

David Cheriton là minh chứng cho một kiểu thành công không phô trương. Ông không rời bỏ giảng đường dù là tỷ phú. Ông đầu tư nhưng không bị cuốn vào hào nhoáng Thung lũng Silicon. Ông giàu có, nhưng vẫn là người thầy tận tụy, người nghiên cứu bền bỉ, và một công dân có trách nhiệm với thế giới tri thức.

Cuộc đời gây tranh cãi của GS Toán học triệu follow

Nhiều người cho rằng lối sống của vị giáo sư Toán học từng hai lần đoạt Huy chương Vàng IMO này là “lập dị”, nhưng cũng không ít người bày tỏ sự ngưỡng mộ

Vi Đông Dịch (Wei Dongyi), 33 tuổi, quê Tế Nam, Sơn Đông, hiện là trợ lý giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, đã chính thức gia nhập Douyin vào ngày 4/6. Chỉ với một video 4 giây gồm hai câu đơn giản: “Chào mọi người, tôi là Vi Đông Dịch. Đây là tài khoản của tôi”, tài khoản của anh đã thu hút gần 25 triệu người theo dõi chỉ trong 9 ngày. Chỉ sau 5 ngày, tài khoản đạt hơn 13–23 triệu lượt like hoặc theo dõi.

vi-dong-dich-4.png
Thần đồng toán học Trung Quốc Wei Dongyi gây "bão" ngay lần đầu tiên lập tài khoản mạng xã hội. Ảnh: SCMP/Douyin

Thần đồng số 1 đi tu, khi kỳ vọng biến thành gánh nặng?

Câu chuyện phía sau ánh hào quang của một thần đồng khiến nhiều phụ huynh giật mình: Áp lực học hành liệu có đang giết chết tuổi thơ?

Ninh Bạch từng là niềm tự hào quốc gia khi 13 tuổi vào đại học. Nhưng sau vinh quang, ông chọn… xuất gia. Vì sao thiên tài này từ bỏ mọi kỳ vọng?

Vào năm 1998, khi được CCTV mời tham gia chương trình Tell the truth, Ninh Bạch thẳng thắn chỉ trích chương trình đào tạo thiên tài, đồng thời nói rằng bản thân chính là "sản phẩm" của chương trình đó. Nếu có thể làm lại, Ninh Bạch sẽ không tham gia lớp học đó, cũng không sống cuộc đời như vậy.

Thủ khoa Hà Nội đỗ 6 lớp chuyên: Học đều mới là đỉnh cao

Không ôn luyện quá sức, Nguyễn Quang Anh vẫn đỗ 6 lớp chuyên và đạt thủ khoa lớp 10 Hà Nội nhờ bí quyết học đều, tự giác và đam mê khám phá.

Hà Nội, mùa tuyển sinh lớp 10 năm học 2025–2026, em Nguyễn Quang Anh, cựu học sinh lớp 9A4, Trường THCS Cầu Giấy đã nhận về không ít lời “trầm trồ” khi trở thành một trong 8 thủ khoa hệ không chuyên toàn thành phố đạt tổng 28,75/30 điểm (môn ngữ văn đạt 9 điểm; môn Toán đạt 9,75 điểm và môn tiếng Anh đạt 10 điểm).

Quang Anh còn đỗ vào 6 Trường chuyên danh tiếng: Đỗ cả chuyên Toán và chuyên Hóa của Trường THPT Khoa học tự nhiên (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội); chuyên Toán và chuyên Hóa Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam; Chuyên Ngữ văn của Trường THPT Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội); chuyên Hóa của Trường THPT chuyên Sư phạm (Đại học Sư phạm Hà Nội); đồng thời đỗ cả chuyên toán và chuyên hóa của Trường THPT Khoa học tự nhiên (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội); chuyên Toán và chuyên Hóa Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam.