Hà Nội chốt lộ trình loại bỏ nhựa dùng một lần
Hà Nội vừa thông qua nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa tại Hà Nội (thực hiện điểm d khoản 2 Điều 28 Luật Thủ đô). Nghị quyết này quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt tại Hà Nội.

Thói quen sử dụng túi nilon để lại những hậu quả khôn lường với môi trường. Ảnh: Baomoitruong
Theo đó, đối với giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, Hà Nội yêu cầu doanh nghiệp sản xuất có sử dụng nhựa PE, PP phải sử dụng tối thiểu 20% nhựa tái chế trong các bao bì nêu trên kể từ ngày 1/1/2028.
Đồng thời phải sử dụng tối thiểu 30% nhựa tái chế trong các bao bì nêu trên kể từ ngày 1/1/2030. Giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Kể từ ngày 1/1/2031, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam).
Đối với các chợ, cửa hàng tiện lợi, Hà Nội yêu cầu không cung cấp miễn phí túi nilon khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1/1/2027.
Đơn vị bán hàng trực tuyến có trách nhiệm giảm thiểu sử dụng bao bì nhựa, vật liệu chống sốc bằng nhựa hoặc thu hồi các bao bì nhựa, vật liệu chống sốc không để thất thoát ra môi trường.
Chợ, cửa hàng tiện lợi không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm), trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1-1-2028.
Khách sạn, khu du lịch không lưu hành và sử dụng các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần (gồm bàn chải đánh răng; dao cạo râu; tăm bông, mũ tắm; bao bì nhựa sử dụng một lần chứa, đựng: kem đánh răng, sữa tắm, sữa dưỡng thể, dầu gội, sữa dưỡng tóc) kể từ ngày 1/1/2026.
Trong hoạt động sinh hoạt, các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc chính quyền thành phố không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm).
Không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) để chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1/1/2028.
Giảm rác thải túi nilon, giảm ô nhiễm hạt vi nhựa
GS.TS Trịnh Kim Chi cho hay, các loại chất thải nhựa như túi nilon sau khi bị loại bỏ dù đã được thu gom và chôn lấp vẫn có thể tồn tại trong đất hàng trăm năm. Chúng làm thay đổi cấu trúc vật lý của đất, gây xói mòn, làm giảm khả năng giữ nước và dinh dưỡng, cản trở sự trao đổi oxy trong tầng đất, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến sự sinh trưởng của cây trồng. Không chỉ vậy, khi bị vứt bỏ xuống ao hồ, sông ngòi, túi nilon dễ gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước như cống rãnh, kênh mương, dẫn đến ứ đọng, ngập úng và tạo điều kiện cho mầm bệnh, vi khuẩn phát sinh và lan rộng trong môi trường.

Rác thải nhựa khi trôi ra đến biển có thể tồn tại hàng trăm năm. Bị cọ xát, dưới tác động của nước biển và tia cực tím, rác nhựa sẽ rã thành những mảnh nhỏ và có thể bị các loài hải sản ăn, rồi lại có mặt trong chuỗi thức ăn của con người.
Theo GS Chi, các giải pháp khuyến khích thay thế, giảm thiểu và sử dụng hợp lý vật liệu nhựa, đặc biệt là các loại túi nilon là rất cần thiết. Cùng với đó, là giáo dục, tuyên truyền người dân trong việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa.

NSƯT Nguyễn Tài Văn, đạo diễn đã làm nhiều phim về môi trường, rác thải nhựa, đoạt nhiều giải lớn tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế đã gọi rác thải nhựa là những “sát thủ thầm lặng”. Anh cho rằng, bên cạnh các giải pháp công nghệ, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến những thông điệp, những thông tin khoa học để người dân hiểu được mối nguy hại tiềm ẩn trong môi trường chung quanh họ mà họ không hề hay biết.
“Chỉ khi nó phát bệnh thì chúng ta mới tìm cách chạy chữa thì đã muộn”, đạo diễn Nguyễn Tài Văn nói.
TS Nguyễn Hồng Vũ, Tiến sĩ Sinh học phân tử trong y học, đang làm việc tại Mỹ cho rằng, việc cấm phát miễn phí túi nilon tại các cửa hàng, chợ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho môi trường. Túi nilon mất hàng trăm năm để phân hủy nhưng thường bị vứt bỏ sau vài phút sử dụng, gây ô nhiễm đất, nước và hệ sinh thái. Quy định này giúp giảm lượng rác thải nhựa, ngăn túi nilon trôi ra sông biển và bảo vệ sinh vật hoang dã khỏi nguy cơ mắc kẹt hoặc nuốt phải nhựa. Đồng thời, nó thúc đẩy người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, ưu tiên sử dụng túi vải, túi sinh học và góp phần giảm áp lực lên hệ thống thu gom, xử lý rác thải đô thị.
Trước mối lo ngại về ảnh hưởng của hạt vi nhựa, thì việc giảm rác thải túi nilon sẽ giúp giảm ô nhiễm hạt vi nhựa trong môi trường và thực phẩm một cách rõ rệt. Vì túi nilon khi phân rã ngoài tự nhiên không phân hủy hoàn toàn mà vỡ thành các hạt vi nhựa nhỏ li ti, lẫn vào đất, nước, không khí. Đây là một trong những nguồn đầu vào quan trọng của các hạt vi nhựa, có thể xâm nhập vào chuỗi thực phẩm khi động vật (đặc biệt là sinh vật biển) nuốt phải, cuối cùng ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
“Từ hơn chục năm nay tôi có thói quen luôn từ chối sử dụng túi nilon khi đi siêu thị. Nhiều lúc các cô, chú ở quầy thu ngân thấy mình khệ nệ ôm nhiều đồ mà tưởng mình tiếc tiền không dám mua túi nilon, mình chỉ cười và nói là “con chỉ muốn thân thiện với môi trường” (I just want to be eco-friendly)”, TS Vũ chia sẻ.
TS Vũ cho rằng, chủ trương của Hà Nội là đúng đắn, “nên nhân rộng ra cả nước”
Theo tờ trình của UBND TP.Hà Nội, chất thải nhựa phát sinh ở địa bàn hơn 1.400 tấn/ngày; trong đó hơn 60% là chất thải nhựa dùng một lần và túi nilon. Báo cáo hiện trạng tiêu thụ túi nilon dùng một lần trong chuỗi siêu thị tại Hà Nội (khảo sát 48 siêu thị vào năm 2021), số lượng túi nilon phát ra miễn phí mỗi ngày hơn 100.000 túi, tương đương với 38 triệu túi/năm. Phần lớn lượng túi nilon này chỉ được sử dụng một lần và thải bỏ ra ngoài bãi chôn lấp.
Trước thực trạng nêu trên, để tăng cường việc quản lý, giảm phát thải nhựa trên địa bàn, đồng thời cụ thể hóa nội dung tại điểm d khoản 2 điều 28 luật Thủ đô, Hà Nội cho rằng việc ban hành quy định một số biện pháp giảm phát thải nhựa riêng của thành phố là hết sức cần thiết, đảm bảo phù hợp với các quy định.