Tiền bạc là kẻ phá bĩnh hạnh phúc

Khi chỉ còn mình anh cáng đáng với trăm thứ tiền phải trả vào đầu tháng thì niềm vui hôn nhân chẳng còn.

Bước vào nhà, anh mạnh tay ném chiếc cặp lên ghế rồi đi thẳng xuống nhà dưới. Thậm chí, con gái thấy ba đi làm về vội cuống quýt chạy theo mừng, anh cũng xem như không thấy, đi một mạch xuống nhà tắm rồi đóng sập cửa lại. Đã quen với thái độ cáu bẳn, gắt gỏng của anh suốt nhiều tháng nay nên em tự hiểu anh đang phát ra tín hiệu – “đừng làm phiền tôi”. Em ôm con bước ra khỏi nhà, hy vọng làm nhẹ bớt không khí nặng nề đang bao trùm.
Tưởng rằng khi em và con quay về, anh sẽ dịu lại và vui vẻ với vợ con như mọi khi. Nhưng không, nét mặt anh vẫn cau có, khó chịu: “Bộ ngoài chợ hết đồ ăn rồi hay sao mà cứ cho tui ăn cá hoài vậy? Đi làm đã mệt, về nhà thấy cá chiên là nuốt không trôi”. Em nhỏ giọng: “Thì hôm qua anh nói ngán thịt kho nên hôm nay em mới chiên cá”. Anh gằn giọng: “Vậy ngoài cá chiên cô không biết làm món gì khác hay sao?”. Vừa nói anh vừa lấn tới, thái độ hung dữ như muốn đánh. Theo phản xạ, em đưa tay đỡ, người co rụt lại phòng thủ.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Lúc đó, em đã nhìn thấy trong mắt anh bùng lên ngọn lửa hung bạo. Ngọn lửa ấy chực chờ thiêu rụi cả hai mẹ con em. Bất giác, em muốn bỏ hết, bỏ chạy thật xa khỏi con người đang dần trở nên ích kỷ và vô tâm đến tàn nhẫn.
Nếu lúc con gái tròn 25 tháng, em không bị mất việc, có lẽ chúng ta sẽ vẫn giữ nguyên cái nhìn ngọt ngào về nhau. Tình cảm sẽ vẫn nguyên vẹn như ngày đầu mới yêu chứ không bị chệch hướng như bây giờ. Tiền bạc chưa bao giờ là kẻ phá bĩnh hạnh phúc khi cả hai vợ chồng còn chung tay làm việc. Nhưng khi chỉ còn mình anh cáng đáng với trăm thứ tiền phải trả vào đầu tháng thì niềm vui hôn nhân chẳng còn. Thứ còn sót lại chỉ là sự mệt mỏi và những trận cãi vã kéo dài không dứt.
Mỗi chiều đi làm về, anh chỉ biết than ngắn thở dài, rồi mệt mỏi nằm xem ti vi chờ cơm, chờ tắm, chờ ngủ. Ban đầu anh còn phụ em dỗ con để vợ lau nhà, rửa chén. Nhưng sau đó thì không: “Tui quần quật suốt ngày ở ngoài đường rồi, về đến nhà cho tui yên thân một chút được không? Việc gì cũng bắt tui phải đụng tay vào thì cô mới vui hay sao?”. Đó cũng là lần đầu tiên anh lớn tiếng với em. Nhưng em không đáp trả mà chỉ im lặng. Em tự thấy trong chuyện này mỗi mình em có lỗi. Lỗi là do bản thân em quá vô dụng, đẩy gia đình vào tình thế cơ cực thế này.
Công ty anh tổ chức tiệc, anh gọi điện về kêu hai mẹ con chuẩn bị lát nữa anh sẽ về chở theo cùng. Em vui lắm vì lâu rồi cả nhà mới có dịp cùng nhau ra ngoài cho thoải mái. Đúng như em nghĩ, buổi tiệc rất vui, đồ ăn rất ngon. 20h30, mọi người lần lượt ra về. 21h, anh vẫn hăng hái cụng ly với mấy ông bạn đồng nghiệp ở bàn kế bên. 21h30, con gái gắt ngủ bắt đầu quấy khóc. Đợi thêm chút nữa vẫn chưa thấy anh có ý định dừng cuộc vui, em lại gần anh nói khẽ, gần 22h rồi, về cho con ngủ đi anh. Anh không nói gì, hầm hầm đứng lên đi thẳng ra cửa trong sự ngơ ngác của mọi người.
Vừa dắt xe vào nhà, anh bất ngờ hét to: “Mày có coi tao là chồng mày không? Sao mày dám làm tao mất mặt trước sếp?”. Con gái nghe tiếng bố hét thì giật mình khóc lớn. Anh mặc kệ, vẫn cứ gào thét, chửi rủa em không tiếc lời. Đêm đó, con gái dù ngủ say vẫn ôm chặt lấy mẹ, thỉnh thoảng lại nấc lên trong giấc mơ.
Đến mức này thì em không thể chịu đựng hơn nữa. Tuy rằng trong khoảng thời gian này em không kiếm ra tiền nhưng em vẫn làm tròn trách nhiệm người vợ, người mẹ. Anh không thể cứ bắt em phải gồng mình hứng chịu những cơn thịnh nộ vô lý của anh. Có phải trong mắt anh giờ đây em chỉ còn là gánh nặng? Để cứu mình và cứu hôn nhân đang chết dần, em phải nói chuyện thẳng thắn với anh một lần. Có thể sau đó ta sẽ lại như xưa hoặc anh sẽ quẳng được gánh nặng đã đeo mang quá lâu. Dù kết quả thế nào thì hai ta cũng tìm được giải pháp.

Cô ấy giết con tôi

Tôi bàng hoàng khi phát hiện ra sự thật: cuốn sổ khám bệnh của cô ấy cho thấy cô ấy đã hai lần phá thai trong vòng một năm qua.

34 tuổi tôi ly dị vợ. Tôi không đau vì tan vỡ gia đình, mất vợ, bởi tình cảm của vợ chồng tôi đã rạn nứt đến mức không còn có thể hàn gắn. Chia tay là giải thoát cho nhau.

Nhưng, điều đau khổ nhất của tôi là sau khi chia tay, vợ tôi lập gia đình mới với một Việt kiều và mang theo con đi Mỹ. Lúc đầu tôi tìm cách ngăn cản vì như thế đồng nghĩa với việc tôi hoàn toàn mất con. Nhưng người thân, họ hàng, bạn bè đều khuyên tôi hãy để con ra đi, sẽ có điều kiện học hành, phát triển tốt hơn. Tôi đành đau đớn chấp nhận xa con.

Hai năm sau, tôi lập gia đình mới. Người vợ sau của tôi cũng từng có một đời chồng, có một con gái. Tôi yêu cô ấy một phần chính vì con gái của cô. Bé có nhiều nét giống con tôi đến lạ kỳ. Bé mới hai tuổi nên hồn nhiên gần gũi với tôi. Chúng tôi trở thành một gia đình thật sự. Nhìn chúng tôi, không ai nghĩ bé My không phải con tôi. Nhờ vậy, tôi cũng vơi bớt nỗi đau mất con.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Lấy nhau được một năm, tôi bắt đầu sốt ruột khi thấy vợ cứ uống thuốc ngừa thai. Tôi nói, tôi muốn có thêm một đứa con nữa. Cô ấy lại bảo, tôi và cô ấy đều đã có con. Cuộc sống của chúng tôi bây giờ đang đầy đủ, hạnh phúc, sinh thêm một đứa con nữa để làm gì?Tôi giận quá, muốn hét lên với cô ấy rằng tôi muốn có đứa con của mình. Cô ấy lại nói, như vậy là tôi giả dối, không coi bé My là con của mình. Sinh đứa nữa, bé My không còn là con anh nữa, anh sẽ đối xử với nó thế nào? Cứ thế, vợ chồng tôi tranh cãi không có hồi kết.

Nhờ họ hàng, bạn bè khuyên nhủ thiệt hơn, vợ tôi đồng ý sẽ sinh con. Không ngờ, cô ấy chỉ giả vờ, vẫn lén tôi dùng thuốc ngừa thai. Nhưng cuối cùng, tôi cũng làm cho cô ấy phải ngưng thuốc sau nhiều mâu thuẫn, cãi cọ, thậm chí dọa ly hôn. Thế nhưng, thêm một năm nữa trôi qua, vẫn chưa thấy cô ấy mang thai. Thỉnh thoảng cô ấy lại bảo bệnh, mệt, yêu cầu tôi ngưng quan hệ cả tháng trời. Tôi vẫn không nghi ngờ gì, cho đến hôm qua…

Trong khi vợ đi vắng, cần giấy tờ nhà để làm một việc gấp, tôi buộc phải gọi thợ đến mở khóa tủ mà cô ấy giữ chìa khóa. Tôi bàng hoàng khi phát hiện ra sự thật: cuốn sổ khám bệnh của cô ấy cho thấy cô ấy đã hai lần phá thai trong vòng một năm qua. Tôi gần như chết điếng. Cô ấy đã giết chết con tôi.

Tôi ôm đồ đi khỏi nhà, không nói một lời nào, chỉ để lại những giấy tờ tôi tìm thấy trên bàn cho cô ấy hiểu lý do ra đi của tôi. Cô ấy cũng im lặng không hề gọi cho tôi suốt hai hôm nay. Chắc cô ấy hiểu tôi đang trải qua điều gì. Giờ đây tôi phải làm gì đây?

Đàn ông nông nổi giếng khơi...

“Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Trước tình yêu của anh, chị thấy mình còn bé nhỏ và nông nổi lắm…

Quê anh chị đều ở miền Bắc nhưng gia đình chị đã chuyển vào Sài Gòn sống nhiều năm. Chị và anh quen nhau khá lâu mới tiến đến hôn nhân, hiểu nhau đến từng cái nheo mày.

Anh làm thầu xây dựng, thường vắng nhà cả tuần, chỉ ngày nghỉ mới về thăm chị được một đêm rồi lại đi. Sức khỏe chị không tốt, thỉnh thoảng lại bị một cơn rối loạn tiền đình hành hạ. Thời tiết nóng nực, lại thêm áp lực công việc của nghề biên kịch khiến nhiều hôm chị ngất xỉu nằm sõng soài dưới nền nhà, may mà hàng xóm phát hiện. Tình hình càng tệ hơn khi chị mang bầu, những ngày tháng thai nghén không ăn ngủ được càng làm chị ốm yếu. Lo cho sức khỏe của vợ, anh gửi chị về nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Khoảng thời gian đó gia đình chị lại xảy ra bao nhiêu chuyện không vui. Chị chỉ mong đến cuối tuần anh về để than thở cho vơi bớt nỗi lòng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Ba má chị buôn bán cũng thuận lợi, tiền nong không thiếu nhưng luôn phiền muộn. Em trai chị lớn mà không khôn, lấy vợ sinh con rồi vẫn rượu chè cờ bạc. Lại thêm cô em dâu quen cách ăn nói chỏn lỏn, cư xử không khéo léo. Vì thế, cứ dăm bữa nửa tháng nhà lại ầm ĩ, không vì chuyện tiền thua cờ bạc của cậu út cũng là chuyện mẹ chồng nàng dâu. Chị đứng giữa thu dọn bãi chiến trường sau mỗi cuộc cãi vã cũng đủ mệt nhoài. Cuối tuần anh về, cùng ngồi ăn bữa cơm với bố mẹ vợ trong bầu không khí nặng nề. Chị luôn miệng trách móc các em không biết cách ăn ở, sướng không biết hưởng còn hỗn láo. Anh ra hiệu cho vợ im lặng, quay sang động viên mẹ. Anh bảo: “Các em còn nhỏ lại không được học hành đến nơi đến chốn nên khó tránh nông nổi, bồng bột. Mẹ cứ từ từ bảo ban các em làm ăn, con tin là mọi chuyện sẽ khác”.

Về phòng riêng, anh nhẹ nhàng bảo chị: “Mẹ đã khổ tâm rồi, em nói mấy lời đó chỉ càng làm cho mẹ đau lòng chứ có thay đổi được gì đâu. Em mình đã vậy thì mình cũng phải nghĩ khác đi”. Chị lặng lẽ cúi đầu khi nhớ tới hình ảnh mẹ nhiều lần khóc nghẹn trong mâm cơm. Những lời cay nghiệt chị đay nghiến các em như xát muối vào lòng mẹ. Chị thầm cảm ơn những bữa cơm có anh, bởi ít ra mẹ còn cười được trước những câu chuyện hài hước anh vui vẻ kể.

Chị mang bầu những tháng cuối cũng là lúc anh nhận công trình ở gần nhà nên sang ngoại đón chị về, nhưng công việc bận quá, anh cũng không có thời gian dành cho gia đình, chăm sóc chị. Sáng nào anh cũng đi rất sớm, trở về nhà lúc tối muộn. Bao công việc lặt vặt trong nhà vẫn một mình chị quán xuyến. Có đêm nằm cạnh chồng, chị than thở đủ điều, anh không nói gì, chỉ giục vợ đi ngủ sớm cho đỡ mệt. Chị tấm tức trong lòng, tự trách bản thân đã đâm đầu vào chỗ khổ. Ngay từ khi yêu anh, gia đình và bạn bè ai cũng khuyên chị đừng lấy chồng làm xây dựng cực trăm đường, nhưng chị bỏ ngoài tai. Đã vất vả thì chớ, lại còn không có lấy một lời động viên an ủi. Thời kỳ chị bầu bí, cực nhọc mà anh còn vậy thì trông đợi gì ở những năm tháng về sau?

Ý nghĩ đó giày vò tâm can chị suốt đêm, trằn trọc mãi gần sáng mệt quá chị mới thiếp đi. Tỉnh dậy, chị nhìn quanh thấy nhà cửa gọn gàng tinh tươm, quần áo đã giặt phơi, mở tủ lạnh thấy đồ ăn tươi ngon đã sẵn, cơm bữa sáng cũng chín rồi. Chị rơm rớm nước mắt, ân hận vì đã trách nhầm anh.

Nghề thầu xây dựng thời buổi này cũng bấp bênh. Bao nhiêu vốn liếng trong nhà đều mang ra xoay xở. Vất vả mãi chỉ mong xong công trình để được chủ đầu tư nghiệm thu, quyết toán. May ra thì kiếm được chút ít coi như tiền công mấy tháng trời, nhưng nhiều khi lỗ vốn, công sức bỏ ra chẳng nhận lại được gì. Chị ở nhà không thấu hiểu được những khó khăn ấy, cuối công trình vẫn thấy anh mang tiền về đưa vợ. Chị ngồi nhẩm tính, gói ghém tiền nong dành dụm, thở phào nhẹ nhõm khi nghĩ đến những khoản cần chi tiêu cho ngày sinh sắp đến.

Một hôm, bạn làm ăn của anh đến chơi nhà, vô tình kể chuyện gói thầu bị lỗ nặng do công nhân gặp tai nạn, máy móc hay hỏng hóc, vật tư thất thoát. Chị ngồi nghe, nghĩ đến món tiền anh đưa tự nhiên thấy nhói lòng. Đêm về chị hỏi chồng, anh cười bảo: “Ừ thì… có lỗ thật, nhưng mà sau đó anh tranh thủ làm thêm với các anh em khác. Số tiền đó chồng em được trả công đàng hoàng chứ không phải tiền vay mượn, em cứ yên tâm mà chi dùng”. Chị nghẹn ngào trách anh gặp khó khăn mà không nói, sao cứ phải chịu đựng và gánh vác một mình? Sao còn để chị đổ lên đầu anh bao nhiêu lời than vãn? Anh ôm chị vào lòng: “Vì anh không muốn vợ con anh lo lắng. Em cũng vất vả nhiều rồi. Anh hiểu mà. Đừng khóc!”. Nhưng chị vẫn không thôi thổn thức trên vai anh, phần vì thương chồng, phần vì chị thấy mình thật may mắn khi có anh trong đời. Các cụ nói không sai:“Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Trước tình yêu của anh, chị thấy mình còn bé nhỏ và nông nổi lắm…

Công, dung, ngôn, hạnh đã lỗi thời?

Thời nào thì các ông cũng thích phụ nữ dịu dàng, ngọt ngào công dung ngôn hạnh, Không tin cứ hỏi thì biết!

Xuân về, tết đến, rồi qua Tết, nhiều ông chồng mới có cơ hội nhìn lại hình ảnh người phụ nữ của nhà mình. Có ông nhìn thẳng, nhìn nghiêng, nhưng cũng có ông nhìn lén, xem vợ mình “công dung ngôn hạnh”, có được chữ nào không?

Ra chợ mới thấy rằng, đối tượng đi chợ sớm, toàn là mấy bà nội, bà ngoại, chịu khó mua mớ rau tươi, con cá còn sống…để nấu cho con cháu. Còn mấy bà trẻ mới lấy chồng thì chiều tối xuất hiện đầy trong siêu thị, mua thức ăn nhanh, đồ hộp, rau khỏi lặt, cá thịt khỏi rửa…Còn các cô trẻ độc thân thì nườm nượp trong các shop thời trang, các Plaza…nhất là vào mùa “seo”. Các anh muốn lập gia đình, chắc phải biết các địa chỉ mua sắm để đến chọn vợ.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Mấy ngày Tết, ông Trương Hán Giang, đưa vợ con đến một resort ở miền Trung tận hưởng không khí trong lành. Sáng vợ chồng, con cái tắm biển, ăn sáng, chiều tắm biển ăn tối. Vợ chồng tha hồ ngắm trời, ngắm biển, ngắm con và ngắm nhau…Trong nỗi sung sướng đó, ông chợt nhớ đến má ông, người đã mất mấy năm rồi. Bà hay ngồi ở cửa sau nhà, lúc gọt khoai, lúc rửa rau, làm con cá, con tôm…ông bỗng nhận ra mình lớn lên từ trong cái bếp của mẹ, từ những món ăn dân dã, và từ những lời mẹ dặn dò….Má ông cùng chồng một nắng hai sương trên đồng ruộng, tỉ mỉ nuôi con, lại là người xinh xắn dịu dàng, ngọt ngào đối xử trong mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu…đúng là một điển hình của công, dung, ngôn, hạnh.

Ông chợt liếc mắt sang bà vợ đang nằm dài theo dõi bộ phim hình sự Mỹ, thỉnh thoảng nhấn like trên FB. Thằng con 4 tuổi cũng đang say sưa với game, nên mẹ nó rất rảnh. Để có một chuyến đi nghỉ chất lượng cao, vợ ông “sợt” trên mạng từ mấy tháng, mới lấy được dịch vụ giảm giá. Như vậy bà cũng được coi là có chữ “công”, coi như là đảm đang, tiết kiệm kinh phí cho gia đình, dù bà làm biếng nấu ăn, tuyên bố ngày tết vào bếp thà chết còn hơn. Vợ ông còn đi làm thu nhập cũng khá, nên lại càng có “công”. Còn chữ “dung” thì khỏi nói, vợ ông sắm quần áo, giày dép mặc mang không hết, có khi mua về rồi chê liền, nước hoa cũng đầy bàn…nhờ nhiều công cụ hổ trợ nên ngoại hình của vợ trông cũng được.

Còn “ngôn” thì… mức độ “gầm gừ” của bà vợ ông với chồng con tăng hơn cùng kỳ năm ngoái, độ ngọt ngào cứ giảm dần…Tới chữ “hạnh”, thì chắc chắn vợ ông có đạo đức rồi, nhưng bà hay dọa: “Ông mà có bồ, thì đừng có trách tui tàn ác nghen”. Nói tóm lại, bà vợ ông là người phụ nữ hiện đại, mạnh mẽ, mãnh liệt chứ không nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ như má ông. Đang mơ về nơi xa lắm, thì ông giật bắn mình bởi điện thoại reo. Đầu dây bên kia, giọng bà vợ đầy quyền lực: “Có đi ăn tối không, anh bị sao mà từ trưa đến giờ, nằm dài như con nai, trông chán như con gián thế…”. Ôi, đúng là “ngôn” có vấn đề…ông chồng lẩm bẩm…

Ngày đầu tiên về nhà cô bạn gái, ông Lâm Thái Sinh, bị ấn tượng mạnh bởi… bà mẹ của cô. Bữa cơm trưa hôm đó thật tươm tất, nóng sốt…từ tay bà mẹ đảm đang. Vào mâm cơm, bà không nói nhiều, lặng lẽ tiếp thức ăn, biết ý từng người, chăm sóc tỉ mỉ…Anh cảm động quá, quyết định phải cưới cô con gái, vì nghĩ thế nào cô cũng giống mẹ, nét văn hóa sống vì người khác chắc chắn sẽ truyền từ mẹ sang con. Đúng là cái bếp thường gắn với người phụ nữ.

Thế nhưng, từ lúc vợ ông sinh nở, bà mẹ vợ phải chuyển đến ở cùng vợ chồng ông. Bởi cô con gái từ việc gọt cái bưởi, bổ cái dưa hấu…đến luộc con gà, nấu nồi chè…đều không biết, chuyện tắm em bé, bé bị sốt…lại càng mù tịt. Bà má vợ lại tiếp tục “thầm lặng một tình yêu” lo cho cháu. “Công, dung, ngôn hạnh” của người đàn bà đã ngoài 60 khiến cho bà vẫn đẹp, một cái đẹp không có nếp nhăn.

Thế còn cô con gái, vợ của ông thì sao? Nếu có ai ca ngợi vẻ đẹp của phụ nữ truyền thống vun vén gia đình, hy sinh cho chồng con thì bị cô “ném đá” liền: Đừng có lấy lý lẽ cũ rích để giam hãm phụ nữ trong xó bếp. Cô cũng nói thẳng với chồng: “Má em thiệt thòi lắm, cả đời chẳng bước chân đi đâu cả, cứ từ Sài Gòn về quê, bảo đi nước ngoài không đi, sợ tốn tiền. May mà tư duy của em không giống má”.

Thì vợ ông đang hết sức nổ lực để tiến bộ theo chồng, còn phải chăm chút đến ngoại hình, đổi mới suy nghĩ để chồng khỏi dòm ngó đến “chân dài”. Thế nhưng, cô đâu biết, ngày đó, chồng yêu cô và cưới cô vì tưởng cô giống má cô. Ông có nên nói với vợ không nhỉ?

Mỗi thời mỗi khác, các cô vợ bây giờ cũng phải “hai-tec” mới không bị chồng chê, cũng còn phải cập nhật mọi thông tin để khỏi bị lạc hậu, viết được “status” trên FB thì càng tốt, nhưng thời nào thì các ông cũng thích phụ nữ dịu dàng, ngọt ngào công dung ngôn hạnh, Không tin cứ hỏi thì biết!