Đàn ông nông nổi giếng khơi...

“Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Trước tình yêu của anh, chị thấy mình còn bé nhỏ và nông nổi lắm…

Quê anh chị đều ở miền Bắc nhưng gia đình chị đã chuyển vào Sài Gòn sống nhiều năm. Chị và anh quen nhau khá lâu mới tiến đến hôn nhân, hiểu nhau đến từng cái nheo mày.
Anh làm thầu xây dựng, thường vắng nhà cả tuần, chỉ ngày nghỉ mới về thăm chị được một đêm rồi lại đi. Sức khỏe chị không tốt, thỉnh thoảng lại bị một cơn rối loạn tiền đình hành hạ. Thời tiết nóng nực, lại thêm áp lực công việc của nghề biên kịch khiến nhiều hôm chị ngất xỉu nằm sõng soài dưới nền nhà, may mà hàng xóm phát hiện. Tình hình càng tệ hơn khi chị mang bầu, những ngày tháng thai nghén không ăn ngủ được càng làm chị ốm yếu. Lo cho sức khỏe của vợ, anh gửi chị về nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Khoảng thời gian đó gia đình chị lại xảy ra bao nhiêu chuyện không vui. Chị chỉ mong đến cuối tuần anh về để than thở cho vơi bớt nỗi lòng.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Ba má chị buôn bán cũng thuận lợi, tiền nong không thiếu nhưng luôn phiền muộn. Em trai chị lớn mà không khôn, lấy vợ sinh con rồi vẫn rượu chè cờ bạc. Lại thêm cô em dâu quen cách ăn nói chỏn lỏn, cư xử không khéo léo. Vì thế, cứ dăm bữa nửa tháng nhà lại ầm ĩ, không vì chuyện tiền thua cờ bạc của cậu út cũng là chuyện mẹ chồng nàng dâu. Chị đứng giữa thu dọn bãi chiến trường sau mỗi cuộc cãi vã cũng đủ mệt nhoài. Cuối tuần anh về, cùng ngồi ăn bữa cơm với bố mẹ vợ trong bầu không khí nặng nề. Chị luôn miệng trách móc các em không biết cách ăn ở, sướng không biết hưởng còn hỗn láo. Anh ra hiệu cho vợ im lặng, quay sang động viên mẹ. Anh bảo: “Các em còn nhỏ lại không được học hành đến nơi đến chốn nên khó tránh nông nổi, bồng bột. Mẹ cứ từ từ bảo ban các em làm ăn, con tin là mọi chuyện sẽ khác”.
Về phòng riêng, anh nhẹ nhàng bảo chị: “Mẹ đã khổ tâm rồi, em nói mấy lời đó chỉ càng làm cho mẹ đau lòng chứ có thay đổi được gì đâu. Em mình đã vậy thì mình cũng phải nghĩ khác đi”. Chị lặng lẽ cúi đầu khi nhớ tới hình ảnh mẹ nhiều lần khóc nghẹn trong mâm cơm. Những lời cay nghiệt chị đay nghiến các em như xát muối vào lòng mẹ. Chị thầm cảm ơn những bữa cơm có anh, bởi ít ra mẹ còn cười được trước những câu chuyện hài hước anh vui vẻ kể.
Chị mang bầu những tháng cuối cũng là lúc anh nhận công trình ở gần nhà nên sang ngoại đón chị về, nhưng công việc bận quá, anh cũng không có thời gian dành cho gia đình, chăm sóc chị. Sáng nào anh cũng đi rất sớm, trở về nhà lúc tối muộn. Bao công việc lặt vặt trong nhà vẫn một mình chị quán xuyến. Có đêm nằm cạnh chồng, chị than thở đủ điều, anh không nói gì, chỉ giục vợ đi ngủ sớm cho đỡ mệt. Chị tấm tức trong lòng, tự trách bản thân đã đâm đầu vào chỗ khổ. Ngay từ khi yêu anh, gia đình và bạn bè ai cũng khuyên chị đừng lấy chồng làm xây dựng cực trăm đường, nhưng chị bỏ ngoài tai. Đã vất vả thì chớ, lại còn không có lấy một lời động viên an ủi. Thời kỳ chị bầu bí, cực nhọc mà anh còn vậy thì trông đợi gì ở những năm tháng về sau?
Ý nghĩ đó giày vò tâm can chị suốt đêm, trằn trọc mãi gần sáng mệt quá chị mới thiếp đi. Tỉnh dậy, chị nhìn quanh thấy nhà cửa gọn gàng tinh tươm, quần áo đã giặt phơi, mở tủ lạnh thấy đồ ăn tươi ngon đã sẵn, cơm bữa sáng cũng chín rồi. Chị rơm rớm nước mắt, ân hận vì đã trách nhầm anh.
Nghề thầu xây dựng thời buổi này cũng bấp bênh. Bao nhiêu vốn liếng trong nhà đều mang ra xoay xở. Vất vả mãi chỉ mong xong công trình để được chủ đầu tư nghiệm thu, quyết toán. May ra thì kiếm được chút ít coi như tiền công mấy tháng trời, nhưng nhiều khi lỗ vốn, công sức bỏ ra chẳng nhận lại được gì. Chị ở nhà không thấu hiểu được những khó khăn ấy, cuối công trình vẫn thấy anh mang tiền về đưa vợ. Chị ngồi nhẩm tính, gói ghém tiền nong dành dụm, thở phào nhẹ nhõm khi nghĩ đến những khoản cần chi tiêu cho ngày sinh sắp đến.
Một hôm, bạn làm ăn của anh đến chơi nhà, vô tình kể chuyện gói thầu bị lỗ nặng do công nhân gặp tai nạn, máy móc hay hỏng hóc, vật tư thất thoát. Chị ngồi nghe, nghĩ đến món tiền anh đưa tự nhiên thấy nhói lòng. Đêm về chị hỏi chồng, anh cười bảo: “Ừ thì… có lỗ thật, nhưng mà sau đó anh tranh thủ làm thêm với các anh em khác. Số tiền đó chồng em được trả công đàng hoàng chứ không phải tiền vay mượn, em cứ yên tâm mà chi dùng”. Chị nghẹn ngào trách anh gặp khó khăn mà không nói, sao cứ phải chịu đựng và gánh vác một mình? Sao còn để chị đổ lên đầu anh bao nhiêu lời than vãn? Anh ôm chị vào lòng: “Vì anh không muốn vợ con anh lo lắng. Em cũng vất vả nhiều rồi. Anh hiểu mà. Đừng khóc!”. Nhưng chị vẫn không thôi thổn thức trên vai anh, phần vì thương chồng, phần vì chị thấy mình thật may mắn khi có anh trong đời. Các cụ nói không sai:“Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Trước tình yêu của anh, chị thấy mình còn bé nhỏ và nông nổi lắm…

Vác thêm cái bầu thì chỉ có nước đi ăn mày…

Giữ hay bỏ, bỏ hay giữ… Trong khi tôi còn chưa thể trả lời câu hỏi này thì cái mầm sống ấy cứ lớn dần lên từng ngày…

Thoạt đầu tôi cũng chỉ nghĩ dùng cái bầu để trả thù An, thế nhưng khi cái mầm sống ấy ngày càng lớn dần trong bụng, tôi lại thấy có một sợi dây thiêng liêng đang cột chặt đời mình. Tôi chần chừ, mặc cho An hối thúc phải phá bỏ, mặc cho vợ anh ta ngày càng lồng lộn với những cơn ghen…

Tôi nói với An: “Lẽ ra anh phải vui mừng mới đúng vì em đã làm được điều mà vợ anh bấy lâu nay tốn kém biết bao nhiêu tiền vẫn không làm được. Em sẽ giữ đứa bé, dù trai hay gái thì nó cũng là thừa tự của dòng họ nhà anh”. An đỏ mặt: “Nhưng ban đầu em đã hứa với anh là giữa chúng ta chỉ đơn thuần là quan hệ mua- bán sòng phẳng. Anh đã cho em mọi thứ mà em đòi hỏi, thế mà bây giờ lại để có thai là sao?”. Tôi vênh mặt: “Em thích thế. Đứa con này sẽ cho em một danh phận và em sẽ đàng hoàng bước vào nhà anh, chỉ vào mặt vợ anh và nói rằng bà ấy là đồ không biết đẻ, là cây độc nên không trái…”.

Tôi thấy mặt An chuyển từ đỏ sang trắng bệch rồi tái xanh. Anh ta vung tay lên nhưng sau đó lại buông thỏng: “Đúng là đồ đàn bà thối tha…”. Tôi vẫn không nao núng: “Vậy mà bao nhiêu năm nay anh đã ôm cái đứa thối tha đó mà ngủ, đã có lúc phải van xin để được hôn cái bàn chân của nó. Hừ, đúng là đàn ông bạc bẽo…”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Công bằng mà nói, lúc đầu tôi đã yêu An rất thật lòng. Và dù anh ta thẳng thắn từ chối với lý do đã có vợ nhưng tôi vẫn tấn công. Tất nhiên là khi một người phụ nữ đã quyết đấu thì chẳng có người đàn ông nào không gục ngã dù đó là đại gia.

Đêm đầu tiên chúng tôi hoan lạc bên nhau, tôi đã nói với An: “Em sẽ không làm gì ảnh hưởng đến gia đình anh. Em biết thân phận mình chỉ là con kiến, ngọn cỏ nên không dám đòi hỏi gì đâu…”. Chính sự nhún nhường ấy đã khiến An mềm lòng. Càng ngày anh ta càng mê mẩn tôi.

Thế nhưng khi vợ An phát hiện thì anh lại quay ngoắc 180 độ. Anh bảo tôi buông tha để anh về với bà vợ tuy già nhưng giàu có của anh. Tôi cũng bằng lòng với những điều kiện nằm trong khả năng của An. Vậy mà chỉ được một thời gian ngắn, An lại mò tới năn nỉ, ỉ ôi. Có lẽ bà vợ già không thể nào đáp ứng được đòi hỏi đang sôi sùng sục trong lòng người đàn ông mới ngoài bốn mươi căng tràn nhựa sống.

Lần này tôi tỉnh táo hơn. Tôi không để tình cảm lấn át lý trí. Và tôi đã tính toán kỹ đường đi nước bước. Ván cờ của tôi là cố gắng nhịn nhục một thời gian, thừa lúc An lơ đễnh không phòng ngự, tôi sẽ để cho dính bầu. Khi đó tôi sẽ quậy cho bà vợ già của anh dở sống, dở chết vì cái tội bà ta đã dám đánh ghen, dám chửi mắng tôi, gọi tôi là con đĩ trước mặt bà con lối xóm...

Mọi tính toán của tôi đã vào quỹ đạo. An hứa cho tôi 1 tỉ đồng nếu tôi bỏ cái thai. Tất nhiên là tôi đồng ý bởi thật sự tôi đâu có tha thiết gì với chuyện có một giọt máu lạc loài trong cơ thể mình?

Thế nhưng hôm đến Bệnh viện Từ Dũ, tôi vô tình đi lạc qua chỗ điều trị hiếm muộn. Tôi đã gặp rất nhiều người đến đó với mong ước cháy bỏng là có được một đứa con. Tôi bỗng giật mình. Có con khó như vậy sao? Người ta đã phải tốn kém tiền bạc, công sức, thời gian mà xác suất thành công cũng không phải là cao lắm; còn tôi, không cầu khẩn, không tốn kém, vậy mà tôi vẫn có được một báu vật, vậy thì hà cớ gì tôi lại bỏ nó đi?

Nghĩ vậy rồi tôi ra về. Nhưng mấy hôm sau tôi lại đến vì nếu không bỏ cái thai thì tôi sẽ không có 1 tỉ đồng. Tôi đang rất cần số tiền ấy để trả nợ thay cho thằng em út đang lún vào nợ nần vì bài bạc, cá độ bóng đá. Nếu không có đơn thuốc của bệnh viện thì tôi sẽ không nhận được tiền. Tôi chép miệng, thôi vậy…

Tôi làm xong mọi thủ tục và ngồi chờ. Cái thai đã được 12 tuần. Chắc nó cũng đã ra hình hài một con người. Thôi kệ, đó chẳng phải là thứ tôi cần… Nhưng đúng lúc đó, có điện thoại của An. Anh báo tin: “Vợ anh nộp đơn ly hôn rồi. Bây giờ sẽ không có tiền bạc gì nữa đâu”.

Tôi vốn biết gia sản của An là của nhà vợ nên bao nhiêu năm qua anh mới phải nhún nhường như vậy. Bây giờ vợ anh đòi ly hôn, chắc chắn chị ta sẽ không dễ dàng xì tiền ra để An cho tôi. “Rồi bây giờ anh tính sao?”- tôi run rẩy. “Anh cũng không biết tính sao. Giờ thân anh còn lo không nổi, làm sao mà tính cho em?”- giọng An hụt hửi.

Tôi giận dữ tắt điện thoại rồi lơ đễnh nhìn xuống bụng mình. Giờ tôi cũng không biết là bỏ hay giữ vì cũng như An, thân tôi còn lo chưa xong, vác thêm cái bầu thì chỉ có nước đi ăn mày. Mẹ tôi ở quê không biết chuyện này. Bao nhiêu năm qua bà vẫn tự hào “con Liên học cao hiểu rộng, làm việc cho nước ngoài lương cao lắm”; còn thằng em tôi thì đang trốn chui, trốn nhủi vì bị bọn cho vay nặng lãi dọa xử nếu đến hạn mà không trả tiền.

Tôi không biết phải làm gì để thoát khỏi cái mớ bùi nhùi mà mình lỡ vướng vào. Sao ông trời cay nghiệt vậy, đã cho tôi một nhan sắc, trí tuệ, sao không cho tôi vào một gia đình giàu sang mà lại cho tôi làm con của một bà mẹ quê nghèo khó để giờ này tôi sống dở, chết dở vì cái số kiếp đen đủi của mình…

Giữ hay bỏ, bỏ hay giữ… Trong khi tôi còn chưa thể trả lời câu hỏi này thì cái mầm sống ấy cứ lớn dần lên từng ngày…

Bẫy hạnh phúc

Cô biết “cái bẫy” mà Pi tưởng là hạnh phúc, nhưng lại không nhận ra cái bẫy hạnh phúc của chính mình…

Chuyện “bí mật” của Linh không giấu được Duy lâu. Buổi trưa Duy về ăn cơm, nhặt được mấy sợi lông chó trên ghế salon, thế là gầm lên: “Em để con chó vào nhà phải không? Anh đã nói gì hả?”. Linh xanh mặt không dám lên phòng khách, Duy xuống tận bếp, nghiến răng “Em chỉ trông nhà mà làm cũng không xong. Chó thì ở chuồng, sao lại cho nó leo lên ghế của anh ngồi? Thật là quá thể!”.

Duy càng nói, Linh càng ngơ ngác. Chỉ có cái lông chó mà Duy giận dữ đến thế sao? Duy có ở nhà đâu để biết Linh buồn chán thế nào, chỉ có chú chó là nguồn vui. Đến khi Duy buông một câu như chấm hết cho cơn bực bội ích kỷ của mình “Chiều nay anh đem con chó cho người ta” thì Linh chịu hết nổi, òa lên khóc.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chú chó con một hôm đi lạc vào nhà: nhỏ bé, gầy còm, bộ lông bết lại, vẻ lấm lét, sợ sệt. Đầu tiên là bé Na, con gái Linh, trông thấy. Linh không định cưu mang một thú nuôi nào trong nhà, chỉ định cho nó chút thức ăn, tắm cho nó thật sạch để dễ gây thiện cảm với người chủ nào đó. Cô đã làm mọi thứ thật điềm tĩnh để kìm lại cơn phấn khích của con gái. Bé Na thích chú chó con đến nỗi đã đặt ngay cho nó tên Pi, rồi hăng hái giành nhiệm vụ tắm cho Pi, nói chuyện huyên thuyên với Pi trong nhà tắm.

Được tắm, được ăn, Pi trông xinh xắn, đáng yêu lên hẳn, Linh nhìn cũng thấy ưng mắt. Cô ngầm đồng tình với ánh mắt năn nỉ của con, giữ Pi lại, cũng là để cô có bầu bạn những khi chồng đi làm, con đi học. Ở một mình trong ngôi nhà giữa khu dân cư mới này, cô thấy như mình đang sống biệt lập. Duy, chồng Linh, trưởng phòng tổ chức sự kiện của một công ty truyền thông, vắng nhà như cơm bữa. Bé Na, học sinh trường tiểu học quốc tế, ở bán trú tại trường, về nhà thì cặm cụi làm bài, học thêm. Linh - người vợ nhận tiền sinh hoạt hằng tháng từ chồng, dùng tiền ấy chăm lo cho con, đôi lúc cảm thấy mình như một “trạm trung chuyển” để chồng con tạt về một chút rồi lại đi, thấy đời mình… cơm nguội thật! Nhưng, Linh lại lo vì biết tính chồng: không bao giờ đụng tay vào một con mèo, làm sao biết xúc động trước đôi mắt ướt của chú chó con này.

Quá trưa, Duy đi làm về, phát hiện ngay ra Pi. Linh hấp tấp giải thích. Bé Na kéo áo bố năn nỉ. Duy lừ mắt liếc Pi đang đứng nép trong góc tường. Rõ là Duy không ấn tượng gì với chú chó đã được tắm sạch sẽ. Nhưng, Duy thương con gái. Bé Na rơm rớm nước mắt từ trưa đến chiều thì Duy chịu hết nổi, đồng ý cho con gái giữ Pi lại, nhưng với điều kiện: con chó không được ở trong nhà, mà phải nhốt trong chuồng ở sau vườn. Linh thở phào, vội giục con gái làm theo lời bố.

Từ ngày có Pi, Linh thấy ngôi nhà như tươi tắn dễ thương hơn. Cô thả Pi chạy nhảy tự do trong vườn, để khi cô đi chợ về, chú chó có thể ra mừng. Dù lệnh chồng đã rõ: không được cho chó vào nhà, nhưng lần này Linh “thây kệ”, cho Pi ở trong bếp với mình cả ngày, Duy có ở nhà mấy đâu mà biết. Cứ thế, Linh cảm thấy như cô đang ở trong cuộc phiêu lưu của riêng mình với Pi, phía bên kia là Duy. Một trò chơi ngầm khiến cô trở nên linh hoạt hẳn lên, khiến cô thấy mình đang làm chủ mọi chuyện…

Linh chưa từng qua mặt chồng bao giờ. Từ ngày yêu rồi lấy Duy, cô đã tự từ bỏ nhiều thứ: bỏ học đại học khi biết mình lỡ có thai, vội vã cưới rồi sinh con, bỏ luôn ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch. Duy nói chờ đến khi con đủ lớn thì Linh học lại nghiệp vụ rồi đi làm, nhưng con gái đến gần ba tuổi vẫn còn ốm vặt mãi, mẹ chẳng dám rời một ngày; rồi bé Na bảy tuổi, Linh nghĩ mọi thứ tạm yên, nhưng không phải, chăm một đứa con đi học vẫn vất vả như ngày nào, cô lại thấy mình đã hơi già cho một bắt đầu mới, Duy còn muốn có thêm đứa con trai… Mẹ Linh nói, chẳng ai hạnh phúc như cô, lấy chồng sớm, yên ổn một đời, chẳng phải lo gì! Duy có công việc tốt, thăng tiến, sống mẫu mực, có nhà cửa đàng hoàng cho vợ con, bé Na dễ thương học giỏi, hai bố con quấn quýt, Linh cứ thế mà nghĩ mình đúng là hạnh phúc thật…

Nhưng, có hạnh phúc thật không? Duy nói xong đã bỏ lên phòng khách, còn Linh lặng lẽ nhìn Pi đang nem nép trong góc tường. Cô chợt nhận ra sao mà mình gắn bó với Pi đến thế! Cô cũng đang ở trong khu vườn nhỏ của Duy thôi mà. Khu vườn xanh tươi và đủ thức đủ món khiến Pi lầm tưởng là mình tự do chạy nhảy, nhưng thật ra, chỉ một bước chân vào trong nhà cũng bị cấm đoán. Cô biết “cái bẫy” mà Pi tưởng là hạnh phúc, nhưng lại không nhận ra cái bẫy hạnh phúc của chính mình…