Thứ xưa người nghèo ăn đến chán ngán, nay thành đặc sản làm đủ món ngon được người thành phố ưa chuộng, tốt cho sức khoẻ

Từ loại củ mọc hoang trong rừng, khoai mài nay lại trở thành đặc sản được người thành phố tìm mua vì giá trị dinh dưỡng cao và hương vị tự nhiên, bùi béo đặc trưng.

Củ khoai mài còn gọi là hoài sơn, là một loại củ quen thuộc với người dân vùng núi và nông thôn Việt Nam. Từng là món ăn dân dã gắn bó với người nghèo trong thời kỳ khó khăn, khoai mài ngày nay lại trở thành đặc sản được nhiều người tìm mua bởi hương vị thơm ngon và những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.

Khoai mài là rễ củ của một loài dây leo mọc hoang hoặc được trồng, có tên khoa học là Dioscorea persimilis. Cây thường bò trên mặt đất hoặc leo vào thân cây khác, lá hình tim, rễ củ dài, thon, có lớp vỏ ngoài màu nâu sậm, ruột trắng ngà. Khi nấu lên, khoai mài có vị bùi, thơm nhẹ, mềm mịn và dễ ăn.

Loài cây này mọc nhiều ở vùng núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Trước đây, người dân thường đào khoai mài trong rừng để ăn thay cơm lúc giáp hạt hay khi lương thực khan hiếm. Nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao và dễ chế biến, khoai mài dần được xem như “cứu tinh” trong những ngày thiếu thốn.

Trải qua thời gian, khoai mài không còn là món ăn chống đói. Ngày nay, người tiêu dùng ở thành phố bắt đầu quay lại với các loại củ tự nhiên, ít chất béo, nhiều chất xơ, có lợi cho sức khỏe, trong đó có khoai mài. Nhờ vị ngọt thanh, tính mát, dễ tiêu hóa và công dụng bồi bổ cơ thể, khoai mài dần trở thành đặc sản được ưa chuộng, xuất hiện trong cả nhà hàng và các chợ dân sinh, siêu thị.

Khoai mài có thể chế biến thành nhiều món ăn, phổ biến nhất là khoai mài nấu canh với xương hoặc gà, cho vị ngọt thanh và dễ ăn, rất thích hợp để bồi bổ cơ thể. Ngoài ra, khoai mài còn được nạo nhuyễn để nấu cháo. Với những ai thích món ăn đơn giản, khoai mài hấp hoặc nướng là lựa chọn lý tưởng để giữ trọn vị bùi, thơm tự nhiên của củ. Không chỉ dùng trong các bữa ăn hằng ngày, khoai mài còn được phơi khô, nghiền thành bột gọi là bột hoài sơn, một vị thuốc trong Đông y, thường dùng pha uống hoặc nấu cùng các món ăn dưỡng sinh.

Khoai mài hiện có giá bán dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, tùy vào loại khoai rừng hay khoai trồng. Vào mùa thu hoạch (khoảng cuối năm), giá có thể hạ nhiệt do sản lượng bán ra nhiều.

Thời gian trồng khoai mài khá dài, thường từ 8 tháng đến 1 năm mới có thể thu hoạch. Cây khoai mài thích hợp với đất đồi tơi xốp, ít ngập nước, có thể mọc tự nhiên hoặc được trồng theo luống. Nhiều hộ nông dân ở miền núi đang bắt đầu trồng khoai mài như một loại cây dược liệu có giá trị.

Tác dụng của củ khoai mài đối với sức khỏe

Hỗ trợ bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa mỡ máu

Khoai mài chứa một lượng đáng kể chất nhầy protein, cùng với vitamin và các nguyên tố vi lượng thiết yếu. Những chất này có khả năng hạn chế sự lắng đọng của lipid (mỡ máu) lên thành mạch máu, từ đó giúp làm sạch lòng mạch, hỗ trợ điều hòa huyết áp và giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.

Giúp hạ đường huyết, hỗ trợ người tiểu đường

Trong khoai mài có thành phần protein nhầy có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu. Việc sử dụng khoai mài đều đặn, hợp lý sẽ giúp kiểm soát tốt lượng đường huyết, phòng ngừa biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra. Ngoài ra, với đặc điểm là thực phẩm giàu kali, ít natri, khoai mài còn giúp cân bằng điện giải, giảm áp lực cho thận – điều rất quan trọng với người bệnh tiểu đường.

Bổ phổi, giảm ho đờm và viêm đường hô hấp

Nhờ có chứa saponin và chất nhầy – những hợp chất có tác dụng làm dịu, dưỡng ẩm niêm mạc – khoai mài được dùng để hỗ trợ điều trị các chứng phế hư, ho kéo dài, ho có đờm, đặc biệt là trong những trường hợp ho mãn tính hoặc khí quản yếu.

Giàu axit amin và vi chất thiết yếu

Khoai mài là nguồn cung cấp đa dạng các axit amin tự nhiên, bao gồm tới 16 loại axit amin cùng nhiều hoạt chất sinh học như polyphenol oxidase, vitamin C, iốt... Những thành phần này không chỉ giúp tăng cường miễn dịch, hỗ trợ phục hồi tế bào bị tổn thương mà còn mang lại lợi ích trong việc chăm sóc da, cải thiện độ đàn hồi và dưỡng ẩm cho da từ bên trong.

Hỗ trợ phòng ngừa ung thư

Hàm lượng chất xơ cao trong khoai mài giúp thúc đẩy tiêu hóa, làm sạch ruột, đồng thời ngăn chặn sự bám dính của các chất độc hại vào thành ruột – từ đó giúp giảm nguy cơ ung thư đại tràng. Bên cạnh đó, lượng vitamin A tự nhiên trong khoai mài còn có vai trò bảo vệ các tế bào, hỗ trợ phòng ngừa ung thư phổi và ung thư miệng.

Bạn có thể quan tâm