Nhắc đến riềng, người ta thường nghĩ ngay đến củ riềng – loại gia vị quen thuộc không thể thiếu trong những món cá kho, gỏi, nộm hay giả cầy của người Việt. Thế nhưng, ít ai biết rằng cây riềng còn một phần nữa cũng có thể làm thành món ăn, đó là nõn riềng.
Nõn riềng là phần đọt non mọc lên từ gốc riềng vào mùa xuân, đầu thu hay giữa hè. Thứ đặc sản độc đáo này vốn gắn bó với bữa cơm dân dã của người Thái ở Điện Biên, nay đã trở thành món ăn được nhiều thực khách ở thành phố "săn đón". Trên các chợ mạng, nõn riềng được rao bán với giá khoảng 50.000 đồng/kg và được vận chuyển về các thành phố lớn như Hà Nội, nơi nhu cầu trải nghiệm đặc sản vùng cao ngày càng gia tăng.

Nõn riềng tưởng bỏ đi nhưng thực tế từ xưa người dân Điện Biên đã chế biến thành nhiều món ăn độc đáo
Nõn riềng còn có tên gọi khác là măng riềng, mầm, riềng có màu phơn phớt hồng, đầu nhọn hoắt, mỗi búp cao chừng 20–25cm. Trước kia, cây riềng thường mọc hoang ở bìa rừng, ven nương, nay được người dân đem về trồng trong vườn để có thể thu hái.
Khác với củ riềng thường được dùng làm gia vị, nõn riềng là phần thân non chưa phát triển thành lá, mang độ giòn, ngọt nhẹ và hương thơm riêng biệt. Người Thái gọi nõn riềng là “nó khá”, mọc quanh năm nhưng nhiều nhất là vào những thời điểm khí hậu chuyển mùa. Khi mầm riềng vừa nhú, người dân khéo léo đào lấy, tước bỏ lớp vỏ già bên ngoài để lộ phần nõn trắng ngà bên trong, rồi đem chế biến thành nhiều món ăn độc đáo.


Nõn riềng có thể làm món nộm hoặc kho cá, có mùi thơm rất riêng, ai ăn thử cũng thích mê
Ở Điện Biên, nõn riềng được dùng nhiều nhất trong các món rau trộn và nộm. Nõn riềng sau khi sơ chế sẽ được luộc hoặc đồ vừa chín tới để giữ lại độ giòn, rồi trộn cùng các loại rau rừng như rau sắn, rau ban, rau gấc, rau gai, hoặc các loại măng như măng ngọt, măng sặt. Kèm theo đó là chút ớt, tỏi, mắc khén, muối, mì chính và đôi khi thêm nước cốt chanh hoặc quất để tạo vị chua thanh mát, ai ăn một lần đều thích mê hương vị của chúng.
Không chỉ dừng lại ở món trộn, nõn riềng còn được dùng trong các món kho như cá kho nõn riềng, thịt kho nõn riềng. Khi nấu chín, nõn riềng tỏa ra mùi thơm dịu nhẹ. Chị Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ kỷ niệm lần đầu ăn món măng riềng tại một nhà hàng ở Điện Biên: "Ban đầu mình cứ tưởng đó là một loại măng rừng bình thường. Khi hỏi chủ quán thì mới biết đó là phần đọt non của cây riềng. Món nõn riềng xào thơm nhẹ, vị ngọt thanh, giòn giòn, ăn rất lạ và không bị ngấy như nhiều loại rau khác".

Nõn riềng có nhiều vào mùa xuân và mùa hè
Nõn riềng còn có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 1–2 tuần, rất tiện lợi cho người mua ở xa. Nhờ nhu cầu ngày càng lớn, nhiều người dân đã phát triển mô hình trồng riềng để lấy măng bán cho các thương lái hoặc trực tiếp bán lẻ trên mạng. Chị Lài (ở Điện Biên, chuyên bán đặc sản Tây Bắc trên chợ mạng) chia sẻ: "Người thành phố thường tìm món lạ để thay đổi khẩu vị. Nõn riềng tuy chưa phổ biến nhưng ai đã ăn rồi thì rất thích. Tôi nhập từ bà con ở Điện Biên, có lúc bán không kịp vì khách đặt nhiều".