Trong thai kỳ, trái cây thường được xem là nguồn thực phẩm lành mạnh, giàu vitamin, chất xơ và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, không ít mẹ bầu lại rơi vào tâm lý "ăn càng nhiều càng tốt", đặc biệt là với các loại trái cây có vị ngọt đậm như sầu riêng, xoài chín, nho, chuối... Thực tế, việc lạm dụng trái cây, dù là thực phẩm tự nhiên cũng có thể gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe cả mẹ và bé. Từ tăng cân quá mức, rối loạn đường huyết, đến nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ hay sinh con quá cân… tất cả đều bắt nguồn từ những thói quen tưởng chừng như vô hại.
Mới đây, một bà bầu tại Trung Quốc gây xôn xao mạng xã hội khi chia sẻ từng chi hơn 60.000 tệ (khoảng 200 triệu đồng) cho sầu riêng và các loại trái cây có vị ngọt trong suốt thai kỳ. Chị tin rằng, điều đó sẽ tốt cho sức khỏe và ngoại hình của em bé.
Theo chia sẻ, từ giữa thai kỳ, chị gần như ăn sầu riêng mỗi ngày, mỗi lần từ 2 - 3 múi. Vị ngọt béo khiến chị “nghiện” đến mức ngày nào cũng phải ăn. Trung bình mỗi ngày, chị chi khoảng 300 - 400 tệ (hơn 1 triệu đồng) chỉ cho trái cây. Điều đáng ngạc nhiên là suốt quá trình mang thai, các chỉ số khám thai của chị đều ổn định, không ghi nhận bất thường nào.

Bà bầu nghiện sầu riêng, mỗi ngày đều ăn 2 - 3 múi.

Em bé sinh ra có ngoại hình hồng hào khiến bác sĩ bất ngờ.
Tuy nhiên, đến ngày sinh, cả ê-kíp y tế và gia đình đều sửng sốt khi em bé chào đời với làn da đỏ ửng, căng mịn, hoàn toàn không có lớp nhầy và nếp nhăn đặc trưng của trẻ sơ sinh. Ngoại hình của em bé khiến mọi người ví như lòng trắng trứng mới bóc. Điều đáng nói là bố mẹ bé đều có làn da ở mức trung bình, không ai quá trắng. Từ đó, trên mạng lan truyền quan điểm rằng “ăn nhiều sầu riêng giúp sinh con trắng trẻo, hồng hào”. Sự thật có phải như vậy?
Theo các chuyên gia, đây là quan niệm sai lầm, việc ăn sầu riêng không quyết định được ngoại hình, nước da của trẻ sơ sinh. Sầu riêng là loại trái cây giàu dưỡng chất nhưng cũng chứa nhiều đường và năng lượng. Việc ăn quá mức, đặc biệt trong thai kỳ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ với mẹ và bé. Các loại trái cây ngọt như sầu riêng, nhãn, vải… dễ làm tăng đường huyết nếu tiêu thụ quá nhiều, dẫn đến nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Khi đó, thai nhi phải phát triển trong môi trường “nhiều đường”, dễ dẫn đến tình trạng thai to, sinh khó, hạ đường huyết sơ sinh và các biến chứng về thần kinh.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, ăn nhiều sầu riêng không tốt cho phụ nữ mang thai.
Không chỉ có sầu riêng, một thai phụ khác tên Tiểu Khiết lại bị nghiện chuối và nho trong thai kỳ. Chị tin rằng trái cây tốt cho thai nhi, thường xuyên dùng nó thay cho bữa chính, đặc biệt thèm nho và chuối. Có ngày chị ăn cả ký nho vào buổi sáng, thêm vài quả chuối buổi chiều. Tuy không dùng đường công nghiệp hay đồ ngọt, chị vẫn bị cảnh báo tăng đường huyết ở tuần thai thứ 26. Kết quả khiến chị bất ngờ, vì trước đó hoàn toàn không nghĩ rằng việc ăn nhiều trái cây lại là nguyên nhân.
Cũng từ những trường hợp này, các bác sĩ sản khoa khuyến cáo mẹ bầu nên thực hiện kiểm tra dung nạp glucose (thường gọi là xét nghiệm tiểu đường thai kỳ) vào khoảng tuần thai thứ 24 - 28. Nếu bất kỳ chỉ số nào trong ba lần xét nghiệm máu vượt ngưỡng, sẽ được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ và cần điều chỉnh chế độ ăn uống ngay.


Ăn trái cây thay bữa chính, bà bầu trẻ có mức đường huyết cao bất thường.
Dù trái cây là thực phẩm lành mạnh, mẹ bầu vẫn cần lựa chọn đúng loại và kiểm soát khẩu phần hợp lý. Việc lạm dụng, ăn uống theo trào lưu không có căn cứ khoa học có thể gây ra nhiều hệ lụy không ngờ. Ngoại hình của trẻ khi sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, nước ối, sức khỏe nhau thai, không thể chỉ dựa vào thực phẩm mẹ ăn hàng ngày. Điều quan trọng nhất là giữ chế độ dinh dưỡng cân đối, thăm khám đầy đủ và duy trì tâm lý ổn định trong suốt thai kỳ.
Bà bầu ăn sầu riêng được không?
- Sầu riêng chứa nhiều năng lượng, vitamin C, kali và chất béo thực vật, có thể giúp bổ sung dinh dưỡng khi ăn với lượng vừa phải. Phụ nữ mang thai có thể ăn sầu riêng nếu sức khỏe thai kỳ ổn định, không mắc tiểu đường thai kỳ hay các rối loạn chuyển hóa liên quan đến đường huyết.
- Tuy nhiên, loại quả này cũng chứa hàm lượng đường và calo cao, có tính nóng, dễ gây tăng cân nhanh, đầy bụng hoặc táo bón nếu ăn quá nhiều.
- Sầu riêng không có tác dụng làm con trắng, hồng hào như lời đồn, yếu tố quyết định là do di truyền và sức khỏe tổng thể trong thai kỳ.
Những lưu ý khi ăn sầu riêng để mẹ và bé khỏe mạnh
- Chỉ nên ăn 1 - 2 múi mỗi lần (tương đương 100 - 150g), tối đa 1 - 2 lần mỗi tuần, không nên ăn hàng ngày.
- Tránh ăn sầu riêng cùng lúc với các loại trái cây ngọt khác như vải, nhãn, mít… để không làm tăng lượng đường nạp vào quá mức.
- Tuyệt đối tránh ăn sầu riêng nếu đang bị tiểu đường thai kỳ, có tiền sử tăng đường huyết, tăng cân nhanh, nóng trong hoặc tiêu hóa kém.
- Nếu sau khi ăn sầu riêng có dấu hiệu mệt mỏi, buồn nôn, đầy hơi, khát nước nhiều hoặc tăng cân bất thường, nên đi khám và kiểm tra đường huyết kịp thời.
- Mẹ bầu cần xây dựng chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng giữa các nhóm thực phẩm, không lạm dụng bất kỳ món ăn nào, kể cả sầu riêng.