Dế mèn - loài côn trùng nhỏ bé, thường gặp ở các vùng quê đang dần trở thành đối tượng nuôi trồng được nhiều nông dân nghiên cứu, lựa chọn để nhân giống và mở rộng quy mô. Nhờ đặc tính dễ nuôi, chi phí thấp và đầu ra ổn định, dế càng thu hút sự quan tâm của các nhà nông.
Nếu trước đây, dế chỉ gắn liền với tuổi thơ, là trò tiêu khiển của những đứa trẻ vùng quê thì nay dế là đặc sản được ưa chuộng nhờ giá trị dinh dưỡng cao, chế biến thành đa dạng món ăn từ các hàng quán dân dã cho đến nhà hàng sang trọng.
Ngoài lĩnh vực ẩm thực, dế còn được tiêu thụ mạnh tại các cơ sở nuôi chim, gà đá, cá cảnh nhờ hàm lượng đạm cao, đồng thời cũng được sử dụng làm mồi câu cá.

Sự đa dụng của dế cùng nhu cầu lớn từ thị trường đã giúp nghề nuôi dế trở thành mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân.
Với tập tính sống đơn giản, dế không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc phức tạp. Môi trường nuôi chỉ cần độ ẩm phù hợp, chuồng trại có thể tận dụng vật liệu sẵn có như thùng xốp, khay nhựa hoặc thân cây khô. Thức ăn của dế chủ yếu kiếm được xung quanh vườn nhà, ở trong tự nhiên như các loại rau xanh, cám gạo, cỏ dại, lá chuối... Nhờ đó, chi phí đầu tư ban đầu cho mô hình nuôi dế thường khá thấp, phù hợp cho các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa.
Vào 10 năm trước, gia đình ông Trần An Vinh (ngụ tỉnh Tây Ninh) thử nghiệm chuyển đổi sang mô hình nuôi dế khi thấy được hiệu quả kinh tế từ loài công trùng này. Từ 1 khay trứng dế nuôi thử nghiệm, gia đình ông Vinh đã phát triển thành trang trại, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định khoảng 70 triệu đồng/tháng.
Ông Trần An Vinh cho biết: “Khi mới nuôi tôi cũng rất lo lắng nhưng làm rồi mới thấy kỹ thuật nuôi dế rất đơn giản, ít vốn đầu tư, ít dịch bệnh, không cần diện tích rộng, thời gian thu hoạch nhanh. Khi mua trứng về, khoảng 7-8 ngày là trứng nở, khi nở thì mình chăm sóc.
Con dế rất dễ nuôi, chỉ cần nơi thoáng mát là dế có thể sinh sống được; thức ăn chủ yếu của dế là cám gà con và tất cả các loại lá cây, rau, cỏ có thể làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, như: cỏ voi, bẹ chuối, lá mì... dùng bình xịt tưới lan để phun sương cho dế uống nước.
Người nuôi chỉ cần nuôi dế khoảng 30-35 ngày là có dế thịt bán, nuôi từ 40–45 ngày là có thể khai thác trứng”.

Ông Vinh cho biết khi nghe tiếng dế gáy râm ran là bước vào giai đoạn dế đẻ trứng, các khay đất cát được tưới phun sương tạo ẩm, là tổ để dế vào đẻ trứng.
Dưới góc nhìn của những người gắn bó lâu năm với nghề nuôi dế, việc chuẩn bị “ngôi nhà” cho dế thực ra không có gì quá phức tạp. Điều quan trọng là phải giữ được độ ẩm thích hợp, tạo cảm giác “gần gũi như ngoài đồng” cho đàn dế phát triển khỏe mạnh.

Một chi tiết nhỏ nhưng lại là mấu chốt cho cả quy trình nuôi dế là dế không chỉ cần ăn no, mà còn phải được “sống đúng cách” thì mới sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, cho giá trị kinh tế như mong đợi.
Ngoài ra, việc giữ chuồng trại sạch sẽ là quy trình tiên quyết ảnh hưởng trực tiếp để số lượng, chất lượng cả đàn dế. Mỗi lần thu hoạch xong cần vệ sinh chuồng trại thật kỹ, loại bỏ các thức ăn thừa của dế, phân dế, xác dế chết, vỏ dế lột xác… Dế sẽ thải ra rất nhiều phân ở dưới đáy chuồng, nấm mốc trong quá trình nuôi dễ làm cho dế bị bệnh và qua đời hàng loạt.
Bén duyên với nghề nuôi dế từ một lần tình cờ được bạn giới thiệu mô hình, anh Đặng Đình Luân (ngụ tỉnh Đắk Lắk) đã từng bước xây dựng thành công trang trại dế có quy mô hàng trăm mét vuông và doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Ban đầu, anh chỉ đầu tư một chuồng dế giống để nuôi thử nghiệm, tự thiết kế chuồng trại, tự mày mò kỹ thuật. Gặp không ít khó khăn vì thiếu tư liệu, thiếu kinh nghiệm, có thời điểm đàn dế qua đời hàng loạt do nguồn thức ăn không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, với sự kiên trì và quyết tâm, anh Luân từng bước rút ra được kỹ thuật nuôi phù hợp, đồng thời tìm cách cải thiện đầu ra để sản phẩm.
Không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc đàn dế trong chuồng, anh Luân còn chủ động tạo dựng cả một hệ sinh thái phục vụ việc nuôi dế bền vững.
Anh Luân đầu tư hệ thống làm mát chuồng trại để đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm lý tưởng, giảm thiểu rủi ro đàn dế bị ảnh hưởng bởi bệnh. Khi đã chủ động được nguồn thức ăn và kiểm soát tốt môi trường sống, anh bắt đầu mở rộng quy mô trang trại. Hiện tại, anh đang vận hành 55 chuồng nuôi với diện tích từ 3–6m² mỗi chuồng. Trung bình cứ 45 ngày, anh thu hoạch một đợt, sản lượng đạt từ 7–10kg dế tươi
Chia sẻ với báo chí, ngoài kinh doanh dế thương phẩm, gia đình nanh Luân sản xuất hơn 15 sản phẩm chế biến từ dế như: Dế sấy, bột dế dinh dưỡng, bánh ăn kiêng, thanh protein từ bột dế… Hiện anh Luân mang về doanh thu từ 400-500 triệu đồng/ tháng, trừ chi phí mỗi tháng anh lãi gần 150 triệu đồng/tháng.
Từng là loài côn trùng gắn liền với ký ức tuổi thơ, ngày nay dế mèn đã trở thành vật nuôi chủ lực trong nhiều mô hình chăn nuôi tại nông thôn. Nhờ đặc tính dễ nuôi, chi phí thấp và đầu ra ổn định, dế mang lại giá trị kinh tế rõ rệt, giúp không ít hộ dân cải thiện thu nhập, thậm chí đổi đời nhờ loài côn trùng vốn sở hữu tiếng gáy đặc trưng và khả năng thích nghi tốt với môi trường.