Tàn nhẫn “hôi của” người chết vụ TNGT thảm khốc?

(Kiến Thức) - Theo trình báo, tài xế và hành khách chết tại chỗ trong vụ TNGT thảm khốc trên cao tốc TP HCM-Trung Lương đã bị mất tiền bạc, nữ trang đeo trên người, giá trị hơn 50 triệu.

Mới đây nhất, thân nhân một số nạn nhân của vụ tai nạn xe khách tông xe bồn tưới cây trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương (đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang) đã đến trình báo CQĐT Công an tỉnh Tiền Giang về việc người thân của họ bị mất tài sản là nữ trang trên người khi lâm nạn.
Những nạn nhân tử vong tại chỗ trong vụ tai nạn trên đường cao tốc. Họ đã bị những kẻ tán tận lương tâm hôi của khi đã chết?
Những nạn nhân tử vong tại chỗ trong vụ tai nạn trên đường cao tốc. Họ đã bị những kẻ tán tận lương tâm hôi của khi đã chết? 
Cụ thể, thân nhân anh Trần Thanh Phong (35 tuổi, quê tỉnh Bến Tre, tài xế xe khách tử vong tại chỗ) bị mất sợi dây chuyền 1 lượng vàng đeo trên cổ (trị giá khoảng 26 triệu đồng); Chị Lê Thị Hồng Châu (quê tỉnh Tiền Giang, cùng con trai 10 tuổi chết tại hiện trường) được người nhà trình báo mất một số nữ trang và tiền mặt trên 20 triệu đồng.
Hiện vụ việc hôi của này đang được các ngành chức năng khẩn trương điều tra làm rõ.
"Thật không thể dùng từ ngữ nào để nói về hành vi "tàn ác" này. Những kẻ nhẫn tâm không khác loài quạ đen nhưng họ còn tệ hơn khi quạ không "ăn thịt" đồng loại", anh Lê Văn Phi, công tác trong ngành công an, chia sẻ.
"Tai nạn xảy ra trên đường cao tốc thì chắc chắn sẽ rất ít người hiếu kỳ. Tôi nghĩ chỉ có những xe đi qua và người dân địa phương trèo rào qua để giúp đỡ thì sẽ rất dễ phát hiện "quạ đen" nên việc điều tra truy tìm hung thủ đối với cơ quan Công an là không khó. Đồng thời hi vọng khu vực sẽ có camera ghi lại hình ảnh này", anh Nguyễn Sỹ Hưng, ngụ quận Thủ Đức cho biết.
"Nếu còn chút lương tâm của con người, tôi mong những kẻ hôi của hãy sớm ra tự thú, trả lại tài sản và thắp cho người chết nén nhang xin tha thứ", chị Lê Mộng Tuyền, tiếp viên xe khách P.T góp ý.

BT Vũ Luận: 100 tỷ biên soạn SGK, PGS Văn Như Cương: chỉ 35 tỷ!

(Kiến Thức) - Trong số hơn 34.000 tỷ đồng, theo Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận, nhóm chuyên gia đề xuất trên 100 tỷ đồng biên soạn SGK. Thế nhưng, PGS Văn Như Cương chỉ 35 tỷ đồng là đủ.

Trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” ngày 20/4, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời về con số 34.275 tỷ đồng được cho là kinh phí để đổi mới chương trình, SGK phổ thông mà dư luận đang rất quan tâm.
"Con số 34.275 tỷ đồng, sau khi tìm hiểu, thì chúng tôi được biết là được tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của nhiều nhóm chuyên gia khác nhau. Trong số này, các nhóm chuyên gia đề xuất không chỉ biên soạn SGK mà còn bao gồm đào tạo lại đội ngũ giáo viên, mua sắm trang thiết bị và nhiều công việc khác. Riêng về biên soạn chương trình và SGK, nhóm chuyên gia đề xuất trên 100 tỷ đồng", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GĐ-ĐT, việc đại diện của Bộ GD-ĐT nhắc đi nhắc lại con số hơn 34.000 tỷ đồng này trong cuộc họp của UBVTQH và cuộc họp báo thường kỳ của Bộ GD-ĐT là một sai sót, sơ xuất đáng tiếc và khẳng định, khi đại diện của Bộ trình bày Tờ trình và hồ sơ gửi sang UBTVQH không có con số này. Để xảy ra sơ xuất này thì trách nhiệm thuộc về Bộ GD-ĐT. "Chúng tôi xin nhận trách nhiệm này", ông Phạm Vũ Luận nói.
Tuy nhiên, đặt vấn đề về nhóm chuyên gia đề xuất trên 100 tỷ đồng biên soạn chương trình, SGK, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội):
- Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận là Đề án đổi mới chương trình - SGK với chi phí ngân sách dự kiến là 34.275 tỷ đồng. Dự kiến dự thảo nghị quyết và đề án được Quốc hội xem xét thông qua ngay tại kỳ họp tháng 5 tới đây. Ông đánh giá thế nào về đề án này, thưa PGS Văn Như Cương? 
Khi tôi nghe về đề án này thì tôi thấy rất lạ. Vừa mới đây, Quốc hội đã thông qua Đề án chiến lược về đổi mới toàn diện nền giáo dục, giờ này đưa ra đề án đổi mới chương trình - SGK thì không hiểu là để làm gì, mục đích ra sao. Hơn nữa, nghe từ các nguồn thông tin thì rõ ràng đề án này không đưa ra được các con số chi tiết cụ thể như thế nào. Trước đây, Đề án Đổi mới toàn diện nền giáo dục cũng phải xem xét đi xem xét lại mới thông qua được vì nó quá sơ sài. Đến giờ lại đưa ra đề án này, không hiểu Bộ GD&ĐT vội vàng cái gì mà làm gì cũng sơ sài, đại khái, qua loa như vậy. 
- Nhiều người tỏ ra rất ngỡ ngàng bởi đây là một số tiền quá lớn cho việc xây dựng chương trình, SGK. Đã từng tham gia viết SGK, ông thấy thế nào?
Hơn 34 nghìn tỷ đồng, một con số không thể tưởng tượng nổi. Tôi không thấy trong báo cáo của Bộ GD&ĐT là số tiền đó chi vào các khoản gì cụ thể cả. Trong khi đáng lẽ ra khi đề xuất số tiền đó phải nói rõ chi cho xây dựng chương trình là bao nhiêu, SGK là bao nhiêu, tổ chức nhân sự làm thế nào, thẩm định, dạy thử, biên tập, thậm chí là đi tập huấn nước ngoài, mời chuyên gia nước ngoài ra sao, tuyên truyền... Tôi không thấy những cái đó. Còn với tư cách là người đã từng viết SGK, tôi có thể khẳng định, đảm bảo rằng chỉ cần 35 tỷ đồng là xong luôn. Tôi nhắc lại là 35 tỷ đồng, tôi có thể tổ chức viết lại toàn bộ SGK.
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT DL Lương Thế Vinh (Hà Nội).
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT DL Lương Thế Vinh (Hà Nội). 
- Ông dựa trên tính toán nào để đưa ra con số 35 tỷ đồng này?
Ngày xưa khi tôi tham gia viết sách, ví dụ là sách Toán lớp 12. Chương trình có 100 tiết học thì tiền để chi cho tác giả hồi đó là 300.000 - 400.000đ/tiết. Giờ giá cả tăng lên, tôi giả sử đến 1 triệu đồng/tiết thì để viết xong SGK Toán lớp 12 chỉ cần chi 100 triệu đồng. Nhân với 12 lớp thì cứ cho là đến hẳn 3 tỷ đồng đi. Nhân tiếp với 11 môn học nữa thì cũng chỉ khoảng 35 tỷ đồng. Nghĩa là nó chỉ bằng một phần nghìn số tiền mà dự án đưa ra. Thế thì còn 999/nghìn kia thì dùng để làm gì? Phải chăng là dùng để thẩm định xem cái nội dung đã viết kia có ổn hay không?
- Một bộ SGK thường có tuổi thọ bao lâu ạ?
Thế giới họ sử dụng các bộ SGK thường chỉ trong khoảng 7 - 8 năm là sẽ thay. 
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, khi xây dựng đề án, Bộ dự trù kinh phí 34.275 tỷ đồng bao gồm thực hiện công việc đổi mới chương trình, SGK, đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý gồm cả kinh phí tuyên truyền về đổi mới chương trình và SGK, đó là chưa kể đến tiền xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị ở những trường còn thiếu...

TNGT thảm khốc đường cao tốc: Xe tưới cây sai phạm?

(Kiến Thức) - Dù các bác sĩ đã cố cứu chữa nhưng do chấn thương quá nặng nên thêm 2 nạn nhân tử vong sau vụ TNGT trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Trong số 7 nạn nhân tử vong, ngoài 3 người chết tại chỗ là tài xế Trần Thanh Phong (35 tuổi, quê tỉnh Bến Tre), một bé trai hơn 10 tuổi và ông Loreal Jean-Jacques (64 tuổi), 4 nạn nhân khác tử vong tại bệnh viện Chợ Rẫy là bà Boussiron Loreal Nicole (60 tuổi, vợ ông Jacques, cùng quốc tịch Pháp), ông Trần Văn Hải (71 tuổi) và 2 nạn nhân chưa xác định danh tính (nam, cùng độ tuổi trên 30).

Dù các bác sĩ BV Chợ Rẫy tích cực cứu chữa, thêm 2 nạn nhân bị thương nặng sau vụ tai nạn đã không qua khỏi; nâng số nạn nhân tử vong lên 7 người.
Dù các bác sĩ BV Chợ Rẫy tích cực cứu chữa, thêm 2 nạn nhân bị thương nặng sau vụ tai nạn đã không qua khỏi; nâng số nạn nhân tử vong lên 7 người. 
Bà Thắm, chủ khách sạn ở huyện Chân Thành, tỉnh Bến Tre bùi ngùi kể lại: "Hai vợ chồng người Pháp đến Việt Nam du lịch và khi về thăm miền Tây đã nghỉ lại khách sạn của tôi nhiều ngày. Lúc về lại Sài Gòn để thứ sáu về nước, họ nhờ tôi đặt vé xe khách Thảo Châu đi chuyến 9h. Họ hứa sẽ trở lại thăm Việt Nam vì yêu đất nước này. Giờ thì vĩnh viễn họ sẽ không bao giờ đến nữa!'

Theo tường trình với CQĐT, ông Võ Văn Bá, Giám đốc hãng xe Thảo Châu, lúc sáng khi tài xế Trần Thanh Phong đến nhận xe để chạy, ông thấy tài xế có tâm trạng buồn, nét mặt thẫn thờ nhưng không ngờ khi xe chỉ chạy hơn nửa giờ thì xảy ra tai nạn thảm khốc.
Hiện trường vụ TNGT thảm khốc.
Hiện trường vụ TNGT thảm khốc.