Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, bám sát nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, qua đó ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3-3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.
Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 25/10.
Cụ thể, NHNN tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Luất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế tăng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này tăng từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm.
Theo NHNN, trong thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các TCTD; qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
|
NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 25/10 |
Trên thực tế, theo SSI Research, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng đã được cải thiện trong tuần trước và NHNN ngay lập tức quay trở lại trạng thái hút ròng trên hoạt động thị trường mở, nhằm đẩy mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng và tạo khoảng cách an toàn với lãi suất USD.
Khối lượng tín phiếu phát hành mới lên tới 129 nghìn tỷ đồng ở kỳ hạn 7 ngày và tổng lượng hút ròng đạt 123 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, NHNN đã thay đổi phương thức đầu thầu tín phiếu, từ đấu thầu lãi suất sang đấu thầu khối lượng và cố định lãi suất trúng thầu ở 5%/năm, như một cách thức nhằm đẩy mặt bằng lãi suất thị trường 2 lên.
Kết tuần, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm chưa có nhiều cải thiện, đạt 4.64% (-30 điểm cơ bản so với tuần trước). Trên thực tế, sau sự kiện SCB, giao dịch trên thị trường 2 tương đối phân hóa và tập trung nhiều hơn vào các ngân hàng có lãi suất đấu thầu thấp, khiến mặt bằng lãi suất giảm nhanh chóng. Khối lượng giao dịch trung bình ngày của kỳ hạn qua đêm giảm mạnh (- 16% so với tuần trước).
Trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng khi các yếu tố trong và ngoài nước đều không thuận lợi, NHNN đã thực hiện tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản trước kỳ họp Fed vào tháng 11 trong ngày 24/10. Theo SSI Research, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể sẽ tiếp tục tăng thêm 50 – 100 điểm cơ bản nữa về cuối năm trong bối cảnh các điều kiện tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn.