Viên sỏi lớn bất thường, ống mật giãn 21 mm
Hai tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn, ăn uống kém, điều trị tại cơ sở y tế gần nhà nhưng không thuyên giảm. Một tuần sau, tình trạng chuyển nặng với triệu chứng nôn sau ăn, đau âm ỉ vùng hạ sườn phải.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) 3 Tesla cho thấy sỏi lấp đầy túi mật và ống gan trái. Ống gan trái giãn 8 mm; ống mật chủ giãn 21 mm (trong khi bình thường chỉ từ 1–5 mm) và chứa nhiều sỏi, trong đó có viên kích thước lên tới 2 cm. Đặc biệt, túi mật có nhiều sỏi bùn và một viên sỏi lớn bất thường gần 3,5 cm.
Theo BSCKII Võ Ngọc Bích, Khoa Gan – Mật – Tụy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, viên sỏi mật có kích thước 3,5 cm là rất hiếm gặp. Với kích thước lớn như vậy, khả năng tự đào thải là rất thấp và nguy cơ biến chứng rất cao, có thể gây tắc nghẽn, viêm túi mật, thậm chí ung thư đường mật.
Nguy cơ phải cắt gan nếu không xử lý kịp thời
Trước nguy cơ biến chứng nặng, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi cắt túi mật, mở ống mật chủ để lấy sỏi, kết hợp nội soi tán sỏi đường mật gan trái. Ê kíp phẫu thuật cũng chuẩn bị sẵn phương án chuyển sang mổ hở để cắt phân thùy gan II, III nếu phát hiện sỏi trong gan quá nhiều – nhằm loại bỏ hoàn toàn sỏi và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm như vỡ túi mật, viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng.

Trong quá trình phẫu thuật nội soi, bác sĩ ghi nhận túi mật căng phồng. Sau khi phẫu tích tam giác gan mật, cắt bỏ túi mật và mở đoạn ống mật chủ, bác sĩ lấy ra nhiều viên sỏi lớn. Kiểm tra bằng nội soi, phát hiện thêm sỏi bùn trong đường mật gan trái, ê kíp tiến hành bơm rửa, đặt ống dẫn lưu Kehr (ống chữ T) và khâu phục hồi.
Sau hơn 2 giờ, bệnh nhân được lấy sạch sỏi qua nội soi và chưa phải cắt gan. Tuy nhiên, theo bác sĩ Bích, đây là một ca biến chứng nặng do phát hiện muộn. Sau mổ, bệnh nhân hồi phục tốt, có thể đi lại nhẹ nhàng, ăn uống nhẹ sau một ngày và xuất viện sau ba ngày. Hiện sức khỏe ổn định và sẽ tái khám định kỳ.
Sỏi gan – bệnh lý âm thầm nhưng nguy hiểm
Sỏi đường mật trong gan hình thành từ sự kết tụ của các thành phần trong dịch mật, khác với sỏi túi mật chủ yếu là cholesterol. Ở châu Á, sỏi gan thường là sỏi sắc tố (bilirubin), có liên quan đến nhiễm ký sinh trùng, ứ trệ mật hoặc rối loạn chuyển hóa. Bệnh có thể diễn tiến âm thầm, không triệu chứng rõ ràng, chỉ phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ. Khi có triệu chứng, người bệnh thường gặp đau bụng, sốt, vàng da...
Để phòng tránh sỏi mật và các biến chứng nguy hiểm, bác sĩ khuyến cáo:
Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi có triệu chứng tiêu hóa bất thường.
Tránh ăn đồ tái sống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để ngừa nhiễm ký sinh trùng.
Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, uống đủ nước.
Hạn chế thực phẩm giàu cholesterol, đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn và rượu bia.
Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.
Duy trì hoạt động thể chất hằng ngày để tăng lưu thông mật, giảm nguy cơ tạo sỏi.