“Sỏi thận là bệnh lý phổ biến chiếm tới 45-50% trong các bệnh tiết niệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, sỏi có thể gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm như: nhiễm khuẩn tiết niệu tái đi tái lại, viêm đài bể thận mãn tính, ứ nước, ứ mủ thận, tắc nghẽn đường tiểu, suy thận, thậm chí dẫn đến ung thư thận…”, ThS. BSNT Lê Bá Khánh, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết.
Hỏng thận, ung thư... vì chủ quan với sỏi
Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy vừa thực hiện thành công phẫu thuật cắt thận trái cho một bệnh nhân mắc sỏi thận lâu năm, biến chứng nặng thành ung thư thận, xâm lấn nhiều cơ quan trong ổ bụng.
Bệnh nhân Đ.V.P (64 tuổi, Quảng Ninh) đi khám do đau tức thắt lưng kéo dài, tiểu buốt, tiểu đục. Kết quả siêu âm, chụp CT scanner ổ bụng phát hiện thận trái có nhiều sỏi kích thước lớn 50x69mm ở đài bể thận, giãn bể thận, vùng rốn thận có khối u kích thước 40x44mm xâm lấn tĩnh mạch thận trái, nhiều hạch vùng rốn thận kích thước lớn nhất 12x16mm. Kết luận chẩn đoán sỏi thận trái, u thận trái theo dõi ung thư đường bài xuất. Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy toàn bộ thận, niệu quản trái và một phần bàng quang cho bệnh nhân.
![]() |
Khối ung thư và sỏi thận của bệnh nhân được lấy ra - Ảnh BVCC |
ThS. BSNT Lê Bá Khánh cho biết, đây là một trong những ca phẫu thuật phức tạp bởi khối u phát triển trên nền thận giãn to do sỏi lâu ngày, gây viêm dính vào các cơ quan trọng yếu như đại tràng, động mạch chủ bụng, tĩnh mạch mạc treo, cơ thắt lưng chậu.
Yêu cầu của ca mổ phải lấy toàn bộ tổn thương do ung thư một cách triệt để, bảo tồn mạch máu và mô lân cận trong quá trình phẫu tích gỡ dính, kiểm soát tốt tình trạng mất máu, các nguy cơ biến chứng, đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân trong mổ.
PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, Trưởng Bộ môn Nội tổng hợp, Đại học Y Hà Nội cho biết, sỏi thận là một trong các loại sỏi đường tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo, lỗ sáo). Sỏi hình thành do các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi.
Sỏi thận là bệnh lý thường gặp nhất, chiếm tới 45-50% trong các bệnh tiết niệu. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, cơ thể mất nước nhiều, nên từ lâu đã được coi là một vùng dịch tễ sỏi. Khoảng 10-14% người Việt có sỏi trong thận. Tại Mỹ, khảo sát cho thấy có 7-10% người từng bị sỏi thận một lần trong đời mà không hề biết. Tỷ lệ mắc bệnh trên toàn thế giới vào khoảng 3% dân số. Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên từ 30 – 55 tuổi.
Những viên sỏi nhỏ có thể theo nước tiểu thải ra ngoài, còn những viên sỏi lớn sẽ tích tụ lại trong thận. Khi sỏi càng lớn gây tắc nghẽn đường tiết niệu, làm cho chức năng thận suy giảm, nhất là khi có sự kết hợp của viêm nhiễm dễ gây ra suy thận.
Điều đáng nói, nhiều người khi bị sỏi thận vì sai lầm trong điều trị đã bị suy thận, thậm chí phải cắt thận. Hay gặp nhất là thói quen sử dụng bừa bãi thuốc dân gian điều trị sỏi thận. Số đông bệnh nhân đang điều trị suy thận khi được hỏi cho biết, đã từng tự ý dùng thuốc, hoặc mua thuốc ở các ông lang mà không có xét nghiệm. Rất nhiều bệnh nhân uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc khiến tình trạng suy thận nặng, đôi khi suy thận kèm theo suy gan, suy đa tạng…
![]() |
Ca phẫu thuật cắt khối u và lấy sỏi thận cho bệnh nhân - Ảnh BVCC |
Nhiều biến chứng nguy hiểm, cần điều trị sớm
ThS. BSNT Lê Bá Khánh cảnh báo, sỏi thận nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm như: nhiễm khuẩn tiết niệu tái đi tái lại, viêm đài bể thận mãn tính, ứ nước, ứ mủ thận, tắc nghẽn đường tiểu, suy thận, thậm chí dẫn đến ung thư thận…
Một số nghiên cứu y khoa nhận định rằng, tình trạng viêm mạn tính, nhiễm trùng do sỏi thận kéo dài làm tổn thương lớp niêm mạc đài bể thận. Sự tổn thương có thể làm biến đổi các tế bào, hình thành các khối u ác tính. Nguy cơ ung thư ở những bệnh nhân có tiền sử sỏi thận kéo dài cao hơn nhiều lần so với người bình thường.
PGS.TS Đỗ Trường Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, sỏi nhỏ trong thận có thể di chuyển xuống niệu quản gây cơn đau quặn thận, xuống bàng quang hoặc gây tắc nghẽn niệu quản dẫn đến ứ nước, ứ mủ thận, suy chức năng thận.
Điều đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân bị sỏi không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi bệnh tiến triển nặng, gây khó khăn trong điều trị. Các triệu chứng lâm sàng thường gặp như:
Đau âm ỉ thắt lưng khi sỏi đài thận hoặc sỏi san hô chưa gây tắc nghẽn. Đôi khi bệnh nhân không có triệu chứng, được phát hiện sỏi thận nhờ khám sức khỏe định kỳ hay do tăng huyết áp.
Cơn đau quặn thận điển hình khi sỏi gây tắc nghẽn bể thận niệu quản. Cơn đau lan xuống hố chậu, bìu kèm theo nôn và bụng chướng.
Đái ra máu do sỏi di chuyển khi vận động hay do nhiễm khuẩn gây tổn thương niêm mạc đài bể thận chảy máu.
Khi có nhiễm khuẩn tiết niệu, bệnh nhân sốt cao 38 – 39 độ C, thận to đau, đi tiểu đục, đôi khi gặp tình trạng sốc nhiễm trùng vã mồ hôi, nổi vân tím toàn thân, tụt huyết áp.
Thăm khám lâm sàng thấy thận to đau khi sỏi thận gây tắc nghẽn ứ nước thận. Một số trường hợp bệnh nhân đến muộn khám thấy vùng thắt lưng bên có sỏi thận sưng nề tấy đỏ, do sỏi tắc nghẽn gây ứ mủ thận, viêm tấy quanh thận hoặc thấy rò mủ thắt lưng do áp xe quanh thận đã vỡ sau phúc mạc.
![]() |
Sỏi chứa đầy bể thận - Ảnh BVCC |
TS.BS Kiều Đức Vinh, khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, có tới 25% bệnh nhân bị sỏi san hô mà không triệu chứng, không đau, ngay cả khi sỏi chiếm hầu hết các đài thận, thậm chí làm mất hoàn toàn chức năng thận.
Khi sỏi lấp đầy bể thận và các đài thận cản trở đường bài xuất nước tiểu gây ứ nước, tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn niệu, viêm khe thận mạn tính dẫn đến phá hủy dần nhu mô thận, hậu quả là hỏng thận.
Để phòng ngừa sỏi thận, cần uống nước đều đặn, mỗi ngày khoảng 1,5 – 2 lít; Uống nước sạch, đun sôi để nguội; Điều trị ngay khi bị nhiễm trùng đường tiểu; Khám định kỳ để phát hiện, can thiệp kịp thời sỏi thận khi còn nhỏ.
Người bệnh nên ăn nhạt, ăn ít thịt, ít dầu mỡ và các loại thực phẩm chứa nhiều oxalat như đậu, củ cải đường, dâu, cam, sô-cô-la, cà phê.
Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều purin gây sỏi thận như: cá khô, thịt khô, tôm khô, lạp xưởng, các loại mắm, lòng heo, lòng bò…