Ngày 12/5, Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao (Phú Thọ) cho biết, Trung tâm vừa cấp cứu thành công cho người bệnh N.T.C, 30 tuổi, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ với các triệu chứng sốc phản vệ như phù nề môi, lưỡi, tức ngực, khó thở sau khi tự ý mua thuốc khi bị ho, đau họng.
Theo lời kể của người bệnh, người bệnh xuất hiện triệu chứng ho, đau họng nên ra hiệu thuốc mua thuốc về uống, cùng ngày người bệnh thấy xuất hiện ợ chua, buồn nôn người bệnh tiếp tục tự ý đi mua thuốc về uống.
Sau khoảng 1h uống thuốc người bệnh thấy có nổi mề đay nhẹ trên da, người bệnh tiếp tục tự ý đi mua thuốc về uống lần thứ 3 nhưng không đỡ, các triệu chứng sưng môi, lưỡi, mề đay lan rộng kèm tức ngực nên người bệnh đã đến Trung tâm Y tế Lâm Thao để thăm khám.
![]() |
Tự mua thuốc uống, cô gái bị sốc phản vệ - Ảnh minh họa |
Tại khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực & Chống độc, Trung tâm Y tế Lâm Thao, các bác sĩ xác định đây là tình huống phản vệ độ 2 nghi do thuốc, có nguy cơ tiến triển thành suy hô hấp đe dọa tính mạng.
Ngay lập tức, người bệnh được tiêm bắp Adrenaline và các thuốc theo phác đồ của Bộ Y tế. Nhờ can thiệp kịp thời, tình trạng phù nề môi, lưỡi giảm dần, cảm giác khó thở được cải thiện nhanh chóng. Sau 48 giờ theo dõi tích cực, người bệnh ổn định và được xuất viện.
Theo BSCKI. Trần Ngọc Lương - Phó Giám đốc, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực & chống độc, Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao, phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc với thuốc, thực phẩm, nọc côn trùng hoặc các tác nhân khác. Tình trạng này có thể tiến triển rất nhanh, dẫn đến suy hô hấp hoặc sốc phản vệ, đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
Trường hợp người bệnh ở trên là một lời cảnh báo về mối nguy hiểm của việc tự ý sử dụng thuốc mà không có sự tư vấn của bác sĩ. Vì vậy, khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào sau khi dùng thuốc, đặc biệt là các dấu hiệu nghi ngờ phản vệ, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Đặc biệt, nếu đã từng bị phản vệ với một loại thuốc nào đó, tuyệt đối không sử dụng lại, vì phản vệ lần sau thường nghiêm trọng hơn lần trước.
Cách nhận biết triệu chứng phản vệ:
Da – niêm mạc: Phát ban, nổi mề đay, phù môi, lưỡi, mắt.
Hô hấp: Khó thở, khò khè, co thắt thanh quản.
Tuần hoàn: Hạ huyết áp, chóng mặt, ngất.
Tiêu hóa: Buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.
Thần kinh: Lo lắng, rối loạn ý thức.