Bác sĩ Mai Văn Lực (khoa Phẫu thuật Thận Tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E) cho biết, mới tiếp nhận một nam bệnh nhân 35 tuổi, quê Phú Thọ, nhập viện trong tình trạng đau bụng, tiểu buốt. Trước đó, nam thanh niên đi khám ở bệnh viện địa phương, biết thận có vấn đề như giảm chức năng, có sỏi nhưng chủ quan, không điều trị dứt điểm và thực hiện nhiều thói quen không lành mạnh.
Nam bệnh nhân chia sẻ, do là kỹ sư công nghệ thông tin nên anh thường xuyên phải thức khuya, để nạp năng lượng và giữ được sự tỉnh táo anh uống nước ngọt thay cho nước lọc. Do áp lực và dành toàn thời gian cho công việc, vì thế anh cũng không có thời gian tập thể thao hay vận động.
Gần đây, khi tình trạng mệt mỏi kéo dài, anh đến bệnh viện kiểm tra và được chẩn đoán suy thận nặng do sỏi tích tụ quá nhiều. Tại cơ sở y tế tuyến dưới, các bác sĩ từ chối phẫu thuật vì tình trạng quá phức tạp, buộc anh phải chuyển đến Bệnh viện E. Tại bệnh viện, qua chụp chiếu cho thấy, hai quả thận của bệnh nhân được phủ kín bởi hàng trăm viên sỏi li ti, chen chúc và dày đặc như những hạt bắp ngô đã ép chặt vào nhau, từ đó gây ra tình trạng suy thận nặng.

Dù biết thận có vấn đề nhưng vẫn thực hiện thói quen xấu khiến nam thanh niên bị suy thận nặng. Ảnh minh họa.
Bệnh nhân sau đó đã được các bác sĩ tiến hành tán sỏi và lấy ra hàng trăm viên sỏi nhỏ từ thận. Sau khi can thiệp, bệnh nhân được tư vấn tái khám, điều trị theo phác đồ, nhưng điều quan trọng nhất là phải thay đổi thói quen sinh hoạt. Trường hợp này được xem là hồi chuông cảnh báo cho giới văn phòng, đặc biệt là những người trẻ tuổi, về hậu quả âm thầm nhưng nguy hiểm của thói quen sinh hoạt thiếu khoa học kéo dài.
Theo bác sĩ Lực, chính lối sống ngồi nhiều, uống ít nước lọc, thức khuya đã khiến hai quả thận của người bệnh nhân dù còn trẻ tuổi, nhưng đã bị tàn phá nặng nề. “Ngồi nhiều khiến cặn bã khó đào thải, thức khuya phá vỡ chu kỳ lọc máu, còn việc uống nước ngọt thay cho nước lọc khiến nước tiểu đậm đặc - môi trường lý tưởng để sỏi kết tinh”, bác sĩ lý giải.
Bác sĩ Lực cho biết, hiện số người trẻ bị suy thận và sỏi thận ngày càng gia tăng, trong đó nhóm làm viêc văn phòng, sinh viên chiếm tỉ lệ khác cao. Nguyên nhân được cho là do thói quen sinh hoạt không lành mạnh như ngồi nhiều, lạm dụng thức ăn nhanh, uống nước ngọt thay nước lọc, càng gia tăng nguy cơ. Theo khuyến nghị, cơ thể cần bổ sung 2-3 lít nước mỗi ngày (tùy theo cân nặng) để duy trì thận khoẻ mạnh. Tuy nhiên, khảo sát thực tế tại các thành phố lớn cho thấy chỉ khoảng 1/3 người trẻ uống đủ lượng nước này.
Sự thiếu hụt kéo dài làm tăng độ đậm đặc nước tiểu, thúc đẩy kết tủa khoáng và hình thành sỏi. Ngoài ra, thói quen nhịn tiểu phổ biến ở dân văn phòng cũng khiến nước tiểu bị giữ lâu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thận và sinh sỏi. Dấu hiệu nhận biết sỏi thận thường mơ hồ như đau âm ỉ vùng thắt lưng, buồn nôn, tiểu buốt hoặc tiểu ra máu. Đáng lo ngại, nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi sỏi đã gây tắc nghẽn, giãn thận, ứ nước, thậm chí suy thận không hồi phục.

Thói quen không lành mạnh như thức khuya, uống nước ngọt thay nước lọc rất dễ bị sỏi thận. Ảnh minh họa.
Để phòng sỏi thận, bác sĩ khuyến cáo mọi người:
- Cần uống đủ nước theo cân nặng mỗi người, nên lựa chọn nước lọc là tốt nhất;
- Hạn chế đạm động vật: Giảm đạm động vật, bổ sung protein từ thực vật như các loại đậu, hạt, đậu nành. Đạm thực vật còn cung cấp chất xơ và nhiều dưỡng chất thiết yếu khác.
- Bổ sung thực phẩm giàu citrate: Citrate có nhiều trong các loại quả họ cam quýt như cam, chanh, bưởi. Uống nước chanh không đường, hoặc dùng nước ép cam, bưởi nguyên chất là lựa chọn hữu ích.
- Giảm muối trong khẩu phần ăn: Cần tránh đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng gói và đồ hộp - những nguồn chứa nhiều natri. Hạn chế chế biến các món ăn cần ướp nhiều gia vị, cũng như dùng ít nước chấm trên mâm cơm gia đình.