Rối loạn lo âu, mất ngủ, bệnh nhân tự dùng dao đâm thấu bụng nguy cấp

Các dấu hiệu của trầm cảm và rối loạn tâm thần nhưng không được phát hiện, điều trị kịp thời, hiệu quả, khi bệnh tái phát, tăng nặng người bệnh rất dễ rơi vào trạng thái mất kiểm soát, đưa ra quyết định bột phát, nguy hiểm.

Tự đâm vào bụng gây đa vết thương nguy cấp

Ngày 1/5 vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên đã mổ cấp cứu thành công cho bệnh nhân S.A.M, 44 tuổi, trú tại thị trấn Tiên Yên, Quảng Ninh.

Bệnh nhân M tự dùng dao đâm thấu bụng gây ra nhiều vết thương, trong đó: 1 vết thương thấu bụng vùng mũi ức làm tổn thương gân trái phần thùy III, vết thương xuyên từ mặt trước gan ra mặt sau gan, kích thước mỗi vết khoảng 2cm, vết thương làm rách cung động mạch vị - mạc nối trái và mạc nối nhỏ gây vỡ đầu tụy, 03 vết thương thấu bụng bên trái làm đứt động, tĩnh mạch thượng vị dưới trái.

Được biết nguyên nhân do bệnh nhân bị rối loạn lo âu, mất ngủ dài ngày.

Trước đó, anh M. được đưa đến cấp cứu trong tình trạng đa vết thương thấu bụng, vật vã kích thích, da xanh, niêm mạc nhợt, đau bụng nhiều, thở hạn chế. Nhận thấy tình trạng hết sức nguy cấp, các bác sĩ cho siêu âm nhanh phát hiện dịch tự do ổ bụng lượng nhiều nghi là máu, có khí tự do trong ổ bụng.

Ngay lập tức, bệnh nhân được hồi sức tích cực, thở máy hỗ trợ, bù dịch, sử dụng thuốc vận mạch kiểm soát huyết áp. Bệnh nhân sau đó được chụp CT ngực-bụng cấp cứu để chẩn đoán xác định và khẩn trương kích hoạt quy trình “báo động đỏ” nội viện.

Qua hội chẩn nhanh, ban giám đốc cùng các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị sốc mất máu do đa vết thương thấu bụng. Các tổn thương gồm chấn thương bụng kín, tổn thương gân trái phần thùy III, vết thương xuyên từ mặt trước gan ra mặt sau gan, vết thương làm rách cung động mạch vị - mạc nối trái và mạc nối nhỏ gây vỡ đầu tụy, 3 vết thương thấu bụng bên trái làm đứt động, tĩnh mạch thượng vị dưới trái tràn máu ổ bụng lượng nhiều.

Bệnh nhân nhanh chóng được mổ khẩn cấp. Kíp mổ gồm đầy đủ các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, Huyết học, Gây mê hồi sức được huy động để vừa hồi sức trong mổ, vừa phẫu thuật cầm máu, xử trí tổn thương.

Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Tại phòng mổ, sau khi được gây mê nội khí quản, các bác sĩ đã tiến hành mở bụng: ổ bụng có khoảng hơn 2 lít máu, vết thương làm rách động mạch, tĩnh mạch thượng vị gây chảy máu ồ ạt.

Các bác sĩ đã hút máu trong ổ bụng, đồng thời tiến hành thắt động tĩnh mạch thượng vị dưới trái, cầm máu các điểm chảy vùng mạc nối lớn, mạc nối nhỏ, khâu phục hồi vết thương tụy, vết thương gan, khâu các vết thương thấu bụng.

Do bị mất máu nhiều kèm theo tổn thương các tạng trong ổ bụng phức tạp, bệnh nhân đã được truyền bổ sung 3 đơn vị máu. Sau hơn 1 giờ, ca phẫu thuật thành công. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và chăm sóc tại khoa Ngoại tổng hợp.

Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã dần hồi phục, các chỉ số đang dần ổn định.

BS Nguyễn Trung Kiên, Khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Y tế Tiên Yên cho biết: Phẫu thuật chấn thương vỡ đa tạng trong ổ bụng là một trong những cấp cứu ngoại khoa khẩn cấp cần phải thực hiện phẫu thuật nhanh chóng, không thể trì hoãn và cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa để làm giảm nguy cơ tử vong do xuất huyết nội trầm trọng, sốc mất máu, nâng cao hiệu quả cứu sống người bệnh.

Song song đó, cần phối hợp hồi sức tốt để ổn định huyết động, tránh những rối loạn nặng phát sinh sau chấn thương và theo dõi xử lý tốt các biến chứng có thể có trong và sau phẫu thuật.

Lời cảnh tỉnh nghiêm trọng về tình trạng trầm cảm, rối loạn tâm thần chưa được phát hiện, điều trị

Theo các bác sĩ, các trường hợp như vậy đều có các dấu hiệu của trầm cảm và rối loạn tâm thần nhưng không được phát hiện, điều trị kịp thời, hiệu quả, khi bệnh tái phát, tăng nặng người bệnh rất dễ rơi vào trạng thái mất kiểm soát, đưa ra quyết định bột phát, nguy hiểm.

Hiện nay, sức khỏe tâm thần đang dần được quan tâm, chú ý hơn, nhưng vẫn còn khoảng trống lớn về nhận thức, sự đồng hành của gia đình và cộng đồng.

Tâm lý e ngại, kỳ thị, hoặc xem nhẹ các biểu hiện trầm cảm, rối loạn tâm thần khiến người bệnh âm thầm chịu đựng, đến khi hành vi tự sát hoặc các hành vi nguy hiểm khác cho bản thân hay cộng đồng xảy ra thì đã quá muộn.

Các bác sĩ khuyến cáo tới cộng đồng: Không nên coi nhẹ các dấu hiệu mất ngủ kéo dài, mệt mỏi, suy sụp tinh thần, thu mình, nói về cái chết.

Người bệnh hoặc người thân nên chủ động tìm đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và điều trị sớm. Gia đình và xã hội cần lắng nghe, đồng hành, tránh đổ lỗi hay xa lánh người bệnh.

Mọi sự quan tâm, chia sẻ, một lời hỏi han đúng lúc… có thể là đã giữ ai đó ở lại với cuộc sống.

Các biểu hiện không bình thường về tâm lý, tâm thần cần được khám, tư vấn điều trị bởi bác sĩ tâm lý, tâm thần.

Đừng để sự im lặng trở thành nguyên nhân của những mất mát.