Quảng cáo Nestlé Milo gắn mác Viện Dinh dưỡng… là gian dối?

“Không thể lấy kết quả sơ bộ của một nghiên cứu đơn lẻ để suy ra hiệu quả chung cho toàn bộ trẻ em Việt Nam”, bác sĩ Trần Minh Tú nói về quảng cáo Nestlé Milo.

Mới đây, một số lô sản phẩm sữa lúa mạch Nestlé Milo đóng hộp có in dòng chữ “được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng”, gây hiểu nhầm rằng sản phẩm được cơ quan y tế bảo chứng. Trước phản ứng của dư luận, ngày 21/4/2025, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) đã ra văn bản yêu cầu Công ty TNHH Nestlé Việt Nam dừng ngay việc sử dụng tên Viện trong quảng cáo, đồng thời báo cáo và giải trình vụ việc.

“Nóng” tranh luận Viện Dinh dưỡng, Nestlé Việt Nam

Trong văn bản gửi Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Viện Dinh dưỡng yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương rà soát, loại bỏ toàn bộ nội dung quảng cáo sử dụng tên Viện khi chưa được cấp phép. Viện cũng yêu cầu Nestlé báo cáo chi tiết tiến độ xử lý và giải trình vụ việc.

Theo TS. BS Nguyễn Hồng Trường – Phó Viện trưởng, từ tháng 6/2022 đến tháng 3/2023, Viện có phối hợp nghiên cứu khoa học với Nestlé tại Ninh Bình để đánh giá hiệu quả của việc kết hợp giáo dục thể chất và sản phẩm Milo. Kết quả cho thấy có cải thiện một số yếu tố thể lực như sức bền và phản xạ, nhưng không ghi nhận hiệu quả cải thiện với tình trạng dinh dưỡng hay trí lực của trẻ em.

Viện Dinh dưỡng khẳng định rõ, việc hợp tác nghiên cứu không đồng nghĩa với việc bảo chứng cho sản phẩm hay cho phép sử dụng tên Viện trong quảng cáo. Việc Nestlé tự ý in dòng chữ “được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng” trên bao bì là hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP về quảng cáo thực phẩm.

Về phía Nestlé Việt Nam, đơn vị này cho biết, kết quả nghiên cứu phối hợp giữa nhãn hàng và Viện Dinh dưỡng là dữ liệu khoa học đã được kiểm định nghiêm ngặt, khách quan và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu nghiên cứu khoa học. Với mục tiêu cung cấp thông tin chính xác, minh bạch đến người tiêu dùng, các kết quả nghiên cứu này đã được nhãn hàng xem xét và truyền thông tới công chúng.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, chỉ các nhóm sản phẩm như: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi mới bắt buộc phải đăng ký nội dung quảng cáo.

Do đó, sản phẩm “thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo” không thuộc nhóm sản phẩm bắt buộc phải đăng ký nội dung quảng cáo, đồng thời cũng không nằm trong diện cấm quảng cáo.

mi.jpg
Sản phẩm Nestlé Milo/ Nguồn: Internet

Quảng cáo Nestlé Milo “thử nghiệm lâm sàng”… giành thị phần, doanh thu khủng?

Theo tìm hiểu của PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, Nestlé là tập đoàn thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới, được thành lập vào năm 1866 tại Thụy Sĩ. Với hơn 2.000 thương hiệu toàn cầu như Nescafé, KitKat, Maggi và Milo, Nestlé đã xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm đa dạng, phục vụ hàng triệu người tiêu dùng trên khắp thế giới.

Báo cáo tài chính năm 2024 của Nestlé cho thấy, doanh thu thuần đạt khoảng 2.558.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 304.800 tỷ đồng. Mặc dù đối mặt với áp lực từ sức mua suy yếu và biến động tỷ giá, Nestlé vẫn duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức 46,7%.

Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm hoạt động chính thức, Nestlé đã khẳng định chỗ đứng trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh. Hiện nay Nestlé Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất, 2 trung tâm phân phối, hơn 2.300 nhân viên trên toàn quốc, 136 nhà phân phối, hàng trăm nghìn đại lý chính hãng chưa kể đại lý/ điểm bán nhỏ lẻ và có độ phủ sản phẩm khắp các tỉnh thành cả nước.

Theo số liệu năm 2022, Nestlé Việt Nam đạt doanh thu hơn 17.298 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm trước, tương đương khoảng 47 tỷ đồng doanh thu mỗi ngày. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 1.400 tỷ đồng.

Năm 2023, Nestlé Việt Nam tiếp tục được vinh danh trong danh sách các doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, đánh dấu lần thứ 7 liên tiếp công ty nằm trong danh sách do Tổng cục Thuế (Bộ Tài Chính) xếp hạng, kể từ năm 2016.

Trong số các thương hiệu quen thuộc của Nestlé tại Việt Nam, Milo nổi bật là sản phẩm được trẻ em yêu thích. Sản phẩm Nestlé Milo dạng bột lần đầu tiên đến tay những trẻ em Việt Nam vào năm 1994 thông qua hệ thống nhập khẩu và phân phối. Năm 1997, sản phẩm Milo bột đầu tiên được sản xuất tại nhà máy Nestlé Đồng Nai. Từ đó, những hũ Milo bột “made in Vietnam” chính thức có mặt trong nhiều gia đình Việt.

Đến nay, các dòng sản phẩm Milo được sản xuất tại 4 nhà máy của Nestlé tại Việt Nam, gồm nhà máy Nestlé Đồng Nai, Nestlé Bình An (Đồng Nai), Nestlé Trị An và Nestlé Bông Sen (Hưng Yên).

Trong 25 năm (1994-2019), Nestlé Milo đã đầu tư gần 5.500 tỷ đồng nhằm nghiên cứu, phát triển, và sản xuất sản phẩm tại Việt Nam, cung cấp hơn 10,5 tỷ hộp Milo, qua đó khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành hàng thức uống lúa mạch dinh dưỡng dành cho trẻ 6 – 14 tuổi.

q.jpg
Sở Y tế Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 530/QĐ-SYT, tiến hành kiểm tra đột xuất hoạt động an toàn thực phẩm đối với Nestlé Việt Nam - Ảnh chụp màn hình

Gian dối quảng cáo Nestlé Milo… chế tài xử phạt Nestlé Việt Nam thế nào?

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, bác sĩ Trần Minh Tú, nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP HCM nhấn mạnh, cụm từ “được thử nghiệm lâm sàng” trong quảng cáo của Nestlé Milo trong trường hợp này có thể gây ra hiểu lầm nghiêm trọng. Bởi cụm từ này vốn là thuật ngữ chuyên môn trong y học, thường chỉ áp dụng cho thuốc hoặc phương pháp điều trị có cơ sở khoa học và kiểm nghiệm nghiêm ngặt.

Khi một sản phẩm thực phẩm vốn không phải thuốc sử dụng từ ngữ này trong quảng bá, người tiêu dùng dễ bị dẫn dắt rằng sản phẩm có tác dụng điều trị hay thay thế bữa ăn đủ chất.

Theo bác sĩ Trần Minh Tú, thực tế các nghiên cứu liên quan đến sản phẩm như Milo chỉ ghi nhận một số cải thiện về thể lực ở trẻ em, nhưng chỉ khi kết hợp đồng thời với hoạt động thể chất. Không thể đơn thuần gán sự thay đổi này cho một sản phẩm đóng hộp rồi biến nó thành slogan bán hàng.

Bác sĩ Tú cũng cho rằng, những nghiên cứu thường được doanh nghiệp viện dẫn để quảng bá sản phẩm thường có quy mô mẫu nhỏ, thời gian thực hiện ngắn, thiếu sự đánh giá độc lập từ các tổ chức học thuật trung lập. Thậm chí, nhiều nghiên cứu này chưa qua phản biện khoa học, bước cần thiết để đánh giá tính khách quan và độ tin cậy của kết quả.

Không thể lấy kết quả sơ bộ của một nghiên cứu đơn lẻ để suy ra hiệu quả chung cho toàn bộ trẻ em Việt Nam. Việc đánh đồng như vậy không chỉ sai lệch mà còn có thể dẫn đến những quyết định sai lầm trong chăm sóc sức khỏe thế hệ tương lai. Việc công bố nghiên cứu khoa học cần sự minh bạch, chính xác và phải có sự đồng thuận từ đơn vị nghiên cứu.

Bên cạnh đó, bác sĩ Tú phân tích, không dừng lại ở việc sử dụng ngôn từ đánh lừa, nhiều thương hiệu khác còn thường xuyên quảng cáo gắn hình ảnh các “chuyên gia” mặc áo blouse trắng, biểu tượng của giới y khoa nhằm tăng độ tin cậy. Chiêu thức này đánh vào tâm lý phụ huynh, những người luôn mong muốn điều tốt nhất cho con mình. Nhưng khi các tuyên bố như “được bác sĩ khuyên dùng” hay “được viện chứng nhận” không dựa trên căn cứ khoa học rõ ràng, đó là hình thức thao túng cảm xúc, lợi dụng sự thiếu thông tin của người tiêu dùng.

Bác sĩ Tú nhấn mạnh, một hộp sữa, dù được bổ sung bao nhiêu canxi hay vitamin, cũng không thể thay thế bữa ăn đầy đủ với thực phẩm tươi sống, cân bằng dưỡng chất và được chuẩn bị đúng cách. Với các phụ huynh, đừng để nỗi lo và tình yêu dành cho con trẻ bị dẫn dắt bởi những khẩu hiệu được thiết kế khéo léo nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Liên quan đến quảng cáo của Nestlé Milo gắn tên Viện Dinh dưỡng, trả lời PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về Các nội dung thể hiện trên nhãn hàng hóa thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa được thể hiện mã số, mã vạch, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và những nội dung khác (nếu có). Những nội dung thể hiện thêm không được trái với pháp luật và phải bảo đảm trung thực, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa, không che khuất, không làm sai lệch những nội dung bắt buộc trên nhãn.

Việc sử dụng cụm từ “được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng” trên bao bì Nestlé Milo mà không có sự đồng ý chính thức từ Viện được xem là có thể vi phạm pháp luật về quảng cáo và tự ý sử dụng thông tin của cơ quan nhà nước. Hành vi này có thể dẫn đến sai lệch về tính xác thực của thông tin, có thể bị coi là hành vi vi phạm quy định về nhãn dán hàng hóa khi không trung thực về các thông tin thể hiện trên bao bì.

Cũng theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, theo quy định pháp luật khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố là một trong các hành vi bị cấm.

Trường hợp quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng được quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Tổ chức vi phạm mức phạt sẽ áp dụng gấp đôi so với mức phạt của cá nhân. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân hoặc tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như buộc gỡ bỏ, xóa các nội dung quảng cáo sai sự thật, buộc cải chính thông tin.

Bên cạnh đó, hành vi quảng cáo sai sự thật nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối. Theo đó, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng chỉ rõ, người tiêu dùng có thể gửi đơn khiếu nại tới cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo hoặc cơ quan quản lý thị trường để yêu cầu kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của nhà sản xuất. Trong quá trình này, họ cần cung cấp bằng chứng về việc họ đã bị lừa dối hoặc thiệt hại do thông tin sai lệch.

Trong trường hợp người tiêu dùng đã mua và sử dụng sản phẩm có quyền yêu cầu hoàn tiền hoặc bồi thường thiệt hại nếu họ bị ảnh hưởng về sức khỏe hoặc tài sản do sản phẩm đó gây ra. Quyền này được quy định rõ trong các điều khoản của Bộ luật Dân sự 2015 và các luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Liên quan đến vụ quảng cáo sữa Milo có nội dung “được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng”, chiều 20/5, Sở Y tế Đồng Nai đã có văn bản báo cáo Cục An toàn thực phẩm về tiến độ xử lý, đồng thời ban hành quyết định kiểm tra đột xuất an toàn thực phẩm đối với Công ty TNHH Nestlé Việt Nam. Thời gian kiểm tra kéo dài 30 ngày kể từ ngày 20/5/2025, phạm vi từ năm 2020 đến thời điểm kiểm tra và các giai đoạn có liên quan.

Trong văn bản số 2637/SYT-ATTP gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Sở Y tế Đồng Nai cho biết, tại buổi làm việc, phía Nestlé Việt Nam xác nhận có ba dòng sản phẩm Milo được tự công bố.

Trong đó, chỉ sản phẩm “Thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo” có ghi thông tin về Viện Dinh dưỡng trên nhãn. Hai sản phẩm còn lại, gồm “Thức uống lúa mạch Nestlé Milo sữa 3 trong 1” và “Thức uống lúa mạch Nestlé Milo” không sử dụng thông tin của Viện Dinh dưỡng.

Về phía Nestlé Việt Nam, công ty cho biết đã chủ động dừng toàn bộ các quảng cáo có liên quan đến Viện Dinh dưỡng, trên cả truyền hình, mạng xã hội và bảng quảng cáo ngoài trời.

Lưu ý gì khi cho trẻ sử dụng sữa dinh dưỡng?

Sữa dinh dưỡng là "người bạn đồng hành" quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ, nhưng cần được sử dụng một cách khoa học và phù hợp.

Việc sử dụng sữa dinh dưỡng không đúng cách hoặc thiếu hiểu biết có thể gây ra những hệ lụy không mong muốn. Dưới đây là những lưu ý quan trọng mà cha mẹ cần nắm rõ khi cho trẻ sử dụng sản phẩm sữa dinh dưỡng.

s1.jpg
Ảnh minh hoạ/ Nguồn: Internet

Cho trẻ uống sữa sao cho đủ và đúng?

Trong thực tế, không ít phụ huynh đang mắc sai lầm trong cách sử dụng sữa, vô tình làm giảm hiệu quả dinh dưỡng hoặc gây ra những hệ quả ngoài ý muốn cho sức khỏe con em mình.

Sữa từ lâu đã được xem là thực phẩm “vàng” cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Không chỉ giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, sữa còn là nguồn cung cấp canxi và protein dồi dào, hai yếu tố then chốt giúp trẻ phát triển chiều cao, hoàn thiện hệ miễn dịch và trí não. Tuy nhiên, việc cho trẻ uống sữa “thế nào là đúng, bao nhiêu là đủ” lại không hề đơn giản. Trong thực tế, không ít phụ huynh đang mắc sai lầm trong cách sử dụng sữa, vô tình làm giảm hiệu quả dinh dưỡng hoặc gây ra những hệ quả ngoài ý muốn cho sức khỏe con em mình.

Hình minh hoạ/ Nguồn: Internet
Hình minh hoạ/ Nguồn: Internet

Vấn nạn sữa giả, TPCN giả do doanh nghiệp tự công bố, sản xuất ngay

Tình trạng thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng đang là vấn nạn nhức nhối. Bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã chia sẻ việc tăng cường quản lý, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác.

Vấn nạn hàng giả, hồi chuông cảnh tỉnh

Trong thời gian qua, cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã triệt phá một số đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, bao gồm cả sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.