15 đoàn kiểm tra thuốc, thực phẩm chức năng giả

Đây là tháng cao điểm Bộ Y tế ngăn chặn tình trạng buôn lậu, hàng giả liên quan đến lĩnh vực dược, mỹ phẩm, sữa, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế...

Đẩy lùi tình trạng buôn lậu, hàng giả

Bộ Y tế vừa có quyết định số 1703/QĐ-BYT ban hành "Kế hoạch triển khai tháng cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ" từ 15/5 - 15/6/2025.

Triển khai tháng cao điểm trong toàn ngành Y tế nhằm kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến các hoạt động buôn bán, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thiết bị y tế nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả (đối với các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền, thiết bị y tế); bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Cùng đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền, thiết bị y tế giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

y-hoc-co-truyen-22-174787008456833395374.jpg
TS.DS Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Trưởng đoàn kiểm tra của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền kiểm tra tại Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Quốc Y Đường ở Hà Nội chiều 21/5 - Ảnh Báo Sức khỏe và Đời sống

Tại kế hoạch, Bộ Y tế yêu cầu triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực Y tế; Tăng cường hiệu quả quản lý, tạo chuyển biến đột phá trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế;

Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả là thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế.

Đảm bảo tính thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực Y tế.

Đồng loạt kiểm tra từ trung ương đến cơ sở

Cũng tại kế hoạch, Bộ Y tế đã thành lập các tổ kiểm tra tại các đơn vị thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố, cụ thể:

Cục Quản lý Dược thành lập 5 tổ kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về dược, mỹ phẩm tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và mỹ phẩm.

Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thành lập 2 tổ kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thuốc cổ truyền, dược liệu, vị thuốc cổ truyền tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ, phòng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Cục An toàn thực phẩm thành lập 5 tổ kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, sữa, thực phẩm chức năng.

Cục Hạ tầng & Thiết bị y tế thành lập 3 tổ kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về trang thiết bị y tế tại các cơ sởsản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế.

Thành phần nhân sự tham gia các tổ kiểm tra của mỗi Cục là cán bộ công chức công tác tại Cục và công chức thuộc các đơn vị khác được trưng dụng.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu cho UBND tỉnh để thành lập các đoàn kiểm tra việc sản xuất, buôn bán, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền, thiết bị y tế thuộc phạm vi địa bàn quản lý.

Đối tượng kiểm tra là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, hộ kinh doanh trực tiếp kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền, thiết bị y tế.

Nội dung kiểm tra tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo quản, lưu trữ: Việc thực hiện pháp luật, các quy định về dược, mỹ phẩm tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và mỹ phẩm.

Việc thực hiện pháp luật, các quy định về thuốc cổ truyền, dược liệu, vị thuốc cổ truyền tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ, phòng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền;

Việc thực hiện pháp luật, các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, hộ kinh doanh trực tiếp kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, sữa, thực phẩm chức năng;

Việc thực hiện pháp luật, các quy định về thiết bị y tế tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị y tế.

Cũng tại kế hoạch, Bộ Y tế yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý ngành y tế ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu các thông tin sai lệch, thiếu cơ sở, căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ các tài liệu pháp lý liên quan đến sản phẩm; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi quảng cáo gian dối.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông: Đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về nguy cơ, tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc.

Phát động phong trào nhân dân tham gia hưởng ứng kiểm soát chất lượng thuốc, thực phẩm: Tuyên truyền, giải thích về những nguy hại của buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm bản quyền.

Phát động phong trào toàn dân tố giác hàng giả qua báo chí, mạng xã hội. Tổng kết đánh giá đợt cao điểm triển khai đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả.

Buôn lậu, hàng giả vì mất ý chí chiến đấu hoặc bị mua chuộc

Thủ tướng nhấn mạnh tình trạng buôn lậu, làm hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết, trong khi việc này cần kho bãi, vận chuyển, mua bán.

Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 19/5, Thủ tướng nhấn mạnh tình trạng buôn lậu, làm hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết, trong khi việc này cần kho bãi, vận chuyển, mua bán. "Chỉ có hai khả năng: hoặc không còn ý chí chiến đấu, hoặc bị mua chuộc, có tiêu cực. Cả hai điều này đều phải xử lý nghiêm", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, quảng cáo sai sự thật, nhất là các vụ việc liên quan thuốc giả, sữa giả, thực phẩm giả, thực phẩm bẩn… đang được người dân, xã hội rất quan tâm.

Vụ kẹo rau Kera sai phạm thế nào khiến Thùy Tiên bị khởi tố?

Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố tội lừa dối khách hàng, quảng cáo sai sự thật về kẹo rau Kera, sản phẩm bị phát hiện là hàng giả, chứa chất nhuận tràng sorbitol.

tien.jpg
Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên quảng cáo kẹo rau Kera/ Nguồn: Internet

Ngày 20/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thúc Thùy Tiên (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021) để điều tra về hành vi “lừa dối khách hàng” theo quy định tại Bộ luật Hình sự. Vụ việc liên quan đến hoạt động quảng cáo và phân phối sản phẩm kẹo rau Kera, một loại thực phẩm bổ sung do Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt công bố và đưa ra thị trường từ cuối năm 2024.

Xử phạt hộ kinh doanh buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu

Cơ quan chức năng Nghệ An vừa xử phạt hành chính đối với Hộ kinh doanh N.T.N ở huyện Đô Lương số tiền 6 triệu đồng do buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu.

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chi cục QLTT tỉnh Nghệ An về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường, sau khi thẩm tra, xác minh, ngày 15/5/2025, Đội QLTT số 5, Chi cục QLTT tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh N.T.N có địa chỉ tại xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương với số tiền 6 triệu đồng. Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm về hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu với trị giá hàng gần 2,6 triệu đồng.