Tài sản của ông chủ Tập đoàn FPT Trương Gia Bình 'bốc hơi' hơn 3.000 tỷ đồng

(Vietnamdaily) - Với việc trực tiếp nắm giữ hơn 102 triệu cổ phiếu FPT, tài sản của ông Bình giảm 3.000 tỷ đồng từ đầu từ đầu tháng 2/2025.

Sau giai đoạn liên tục đi lên mạnh mẽ phá vỡ nhiều kỷ lục, các cổ phiếu công nghệ hàng đầu thế giới (bigtech) như NVIDIA, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ Google), META Platform (công ty mẹ Facebook),… đều đã quay đầu giảm mạnh. Vốn hóa thị trường “bốc hơi” hàng trăm tỷ USD trong thời gian ngắn. Cổ phiếu FPT của Tập đoàn FPT cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Trong phiên 19/3, cổ phiếu FPT vừa có cú giảm hơn 4% với thanh khoản cao kỷ lục hơn 18 triệu đơn vị, giá trị giao dịch gần 2.300 tỷ đồng, lớn nhất thị trường chứng khoán.
Liên tục trượt dài từ đầu tháng 2, cổ phiếu FPT hiện đã rơi xuống mức 124.600 đồng/cp, thấp nhất kể từ tháng 8/2024. So với đỉnh hồi cuối năm ngoái, FPT đã mất hơn 19% thị giá. Vốn hóa thị trường của FPT cũng “bốc hơi” gần 44.000 tỷ đồng, còn khoảng 183.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu FPT liên tục rơi sâu, tài sản trên sàn chứng khoán của ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT cũng giảm mạnh. Với việc trực tiếp nắm giữ hơn 102 triệu cổ phiếu FPT, tương ứng tỷ lệ 6,99%, tài sản trên sàn chứng khoán của ông Bình ước tính còn khoảng 12.700 tỷ đồng, giảm 3.000 tỷ đồng từ đầu từ đầu tháng 2/2025.
Đà giảm của cổ phiếu FPT giai đoạn này chịu áp lực rất lớn từ khối ngoại. Nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng lượng lớn lên đến hàng triệu đơn vị mỗi phiên, trái ngược hẳn với giai đoạn trước.
Bên cạnh áp lực chốt lời, sự trỗi dậy của các startup đến từ Trung Quốc như mô hình AI giá rẻ DeepSeek hay AI Agent tự chủ đầu tiên trên thế giới Manus, cũng là yếu tố được đánh giá có ảnh hưởng đến cổ phiếu công nghệ toàn cầu. Mô hình AI giá rẻ đang làm rấy lên lo ngại của nhà đầu tư về sự suy giảm giá trị thị trường AI dù vẫn còn nhiều hoài nghi về chi phí phát triển.
Tai san cua ong chu Tap doan FPT Truong Gia Binh 'boc hoi' hon 3.000 ty dong
 Ông Trương Gia Bình.
Lý giải về đà giảm của cổ phiếu FPT, tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” ngày 17/3, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết, trong những năm gần đây, đà tăng giá của cổ phiếu FPT nói riêng và cổ phiếu công nghệ Việt Nam nói chung gắn rất chặt với xu hướng cổ phiếu công nghệ tại Mỹ, đặc biệt là nhóm Magnificent 7, dẫn dắt bởi Nvidia.
Trong 2 năm gần đây, cổ phiếu FPT tăng rất mạnh, tính từ đầu năm 2023 đến nay đã đi lên khoảng 50%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024 và đầu 2025, câu chuyện DeepSeek và nhất là định giá nhóm cổ phiếu công nghệ tại Mỹ và Việt Nam lên mức rất cao đã tạo ra áp lực chốt lời mạnh mẽ.
Trong giai đoạn vừa qua, Nvidia và các cổ phiếu trong nhóm Magnificent 7 đều đã rơi xuống dưới đường trung bình động 200 ngày (MA200). FPT đến cuối tuần vừa qua cũng lần đầu tiên nằm dưới MA200 sau một giai đoạn tăng giá (uptrend) kéo dài hàng năm.
“Xu hướng này do 2 yếu tố: định giá cổ phiếu lên rất cao sau khi tăng trưởng nóng trong 2 năm (P/E lên gần 30 lần còn P/B lên sát 7,5 lần) và nhà đầu tư nước ngoài giảm tỷ trọng sau giai đoạn tăng nóng”, ông Sơn nói.
Theo đó, ông Sơn khuyến nghị, với xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, đà giảm của cổ phiếu FPT có thể duy trì trong ngắn hạn và nhà đầu tư cần theo dõi thêm các điểm hỗ trợ, chẳng hạn như 120.000 đồng/cổ phiếu.
Theo báo cáo phân tích mới đây của KBSV, xu hướng sử dụng AI tạo sinh trong các doanh nghiệp và tổ chức sẽ diễn ra mạnh mẽ nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ thúc đẩy chi tiêu toàn cầu cho phần mềm và dịch vụ CNTT. Chuyên gia KBSV kỳ vọng FPT sẽ tiếp tục bắt kịp các xu hướng mới nhằm đẩy mạnh hoạt động đầu tư tại các thị trường trọng điểm.
KBSV dự phóng doanh thu mảng CNTT năm 2025 của FPT tăng trưởng 24,7% so với cùng kỳ, đạt 38.597 tỷ đồng dựa trên: (1) AI Factory hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm và giúp FPT tiếp cận sâu rộng hơn tới khách hàng; (2) Hợp đồng quy mô lớn tiếp tục được kí kết giúp bảo đảm khối lượng công việc trong thời gian dài.
Sang năm 2026, KBSV dự phóng tổng doanh thu mảng CNTT nước ngoài của FPT dự kiến đạt 47.585 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ và tiếp tục là động lực đóng góp tăng trưởng chính cho doanh thu cả mảng CNTT đạt 56.578 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ 2025.
Năm 2025, FPT đặt mục tiêu 75.400 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 21% so với thực hiện 2024. Nếu hoàn thành, đây sẽ tiếp tục là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục mới của doanh nghiệp đầu ngành công nghệ Việt Nam và sẽ là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng trên 20%/năm.

Giao dịch cổ phiếu GKM không báo cáo, Angimex bị xử phạt

(Vietnamdaily) - UBCKNN vừa ra quyết định phạt Angimex 80 triệu đồng do không báo cáo dự kiến giao dịch cổ phiếu.

Ngày 17/03/2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 08/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex, HoSE: AGM).

Theo đó, công ty bị xử phạt 80 triệu đồng do đã thực hiện giao dịch mua bán cổ phiếu nhưng không thông báo trước.

Bệnh viện Triều An của ông Trầm Bê lãi kỷ lục 10 năm, rót trăm tỷ vào thiết bị y tế

Kết quả kinh doanh bệnh viện của ông Trầm Bê năm 2024 ghi nhận lãi kỷ lục trong 10 năm trở lại đây. Do đó, Bệnh viện đầu tư hơn trăm tỷ đồng vào máy móc thiết bị.

Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An (Bệnh viện Triều An) là một trong những bệnh viện tư nhân đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam, được thành lập vào năm 1999 và chính thức đi vào hoạt động năm 2001. Hiện Chủ tịch hội đồng quản trị của Bệnh viện Triều An là ông Trầm Bê - một doanh nhân người Việt gốc Hoa, quê Trà Vinh.
Về cơ cấu cổ đông tại Bệnh viện, ông Trầm Bê nắm hơn 2,37 triệu cổ phần, tương đương 4,85% vốn. Nhưng người sở hữu cổ phần lớn nhất viện này là bà Dương Thị Đẹt (vợ ông Bê) với 38,27% vốn, tiếp đến là bà Trầm Thuyết Kiều (con gái ông Bê) với 21,51%.